Senin, 19 Agustus 2013

Kinh Bổn Sanh: Chuyện Tiền Thân Đức Phật (49)

Hai vị nghĩ sẽ có sự phản đối của quần thần nếu như bắt công chúa phải chết, vì thế quyết định không gả nàng cho ai cả, mà cứ để nàng sống không có chồng và canh giữ thật kỹ.
447. Chuyện Đại Nhân Hộ Pháp (Tiền thân Mahà Dhamma-Pàla)
Tục lệ nào hay Thánh đạo nào...,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể sau khi Ngài đã thành bậc Chánh Ðẳng Giác, trong chuyến thăm viếng Kapilapura lần đầu tiên, Ngài trú ngụ tại Bồ-đề Lâm (Rừng cây Ða), và nói về việc phụ vương không chịu tin lời đồn.

Vào lúc ấy, chuyện kể rằng Ðại vương Suddhodana (Tịnh Phạn), sau khi cúng dường một buổi tại cung điện của ngài cho đức Phật dẫn đầu hai mươi ngàn vị Tỷ-kheo, suốt buổi trò chuyện với Ðức Phật rất vui vẻ, và nói:

- Bạch Thế Tôn, trong thời gian Thế Tôn hành trì khổ hạnh, có vài thần nhân đến gặp ta, đứng trên không và bảo: "Thái tử Siddhattha (Sĩ-đạt-ta), Vương tử của Ðại vương đã chết đói".

Bậc Ðạo Sư liền hỏi:

- Tâu Ðại vương, thế Ðại vương có tin chuyện đó không?

- Bạch Thế Tôn, ta không tin. Ngay cả khi các thần nhân đến, bay lượn trên không và bảo ta như vậy, ta cũng không tin, mà còn bảo rằng Vương tử của ta không chết được cho đến khi chứng đắc Chánh đẳng Chánh giác dưới gốc cây Bồ-đề.

Bậc Ðạo Sư bảo:

- Tâu Ðại vương, xưa kia, vào thời Mahà Dhammapàla, ngay khi một vị giáo sư lừng danh thiên hạ đến bảo: "Con ngàiđã chết, đây là xương của chàng", Ðại vương cũng không tin và bảo: "Trong gia tộc ta, bọn chúng không bao giờ chết trẻ". Vậy thì làm sao bây giờ Ðại vương tin được?

Rồi theo lời thỉnh cầu của phụ vương, bậc Ðạo Sư kể một chuyện ngày xưa.

*

Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta làm vua tại Ba-la-nại, trong nước Kàsi có một ngôi làng tên là Dhammapàla, nó mang tên này vì có gia tộc một vị Dhammapàla, nghĩa là Hộ Pháp, cư ngụ tại đó. Do hành trì Mười Thiện đạo, vị Bà-la-môn ấy nổi tiếng ở vùng mình cư trú là một vị Hộ Pháp (Dhammapàla). Trong nhà vị ấy, ngay cả các tôi tớ cũng bố thí, tôn trọng đạo đức và giữ ngày trai giới.

Thời ấy, Bồ-tát tái sinh vào gia đình trên, vị gia chủ đặt tên ngài là Nam tử Hộ Pháp (Dhammapàla Kumàra). Vừa khiđến tuổi khôn lớn, cha chàng trao cho chàng một ngàn đồng vàng, và gửi chàng đến học ở Takkasilà. Chàng đến đó, học tập với một vị giáo sư lừng danh thế giới và trở thành đệ tử trưởng trong hội chúng gồm năm trăm nam tử.

Vào lúc ấy, trưởng nam của vị giáo sư từ trần, và vị giáo sư được đám đệ tử vây quanh, giữa các bà con quyến thuộc, vừa than khóc vừa cử hành tang lễ con trai trong nghĩa địa. Lúc ấy, vị giáo sư cùng thân bằng quyến thuộc và tất cả cácđồ đệ đều than khóc kêu gào, chỉ riêng Dhammapàla không khóc cũng chẳng than. Sau khi năm trăm nam tử từ nghĩa địa về, họ ngồi xuống trước vị giáo sư và nói:

- Ôi, chàng trai thật tốt đẹp, non trẻ thế mà phải chia lìa cha mẹ trong tuổi thanh xuân!

Dhammapàla đáp:

- Non trẻ thay, đúng như các hiền hữu nói! Này, tại sao chàng chết ở tuổi thanh xuân? Trẻ con phải chết lúc còn niên thiếu thật là chẳng hợp lý chút nào.

Chúng bạn liền đáp lại:

- Này Tôn giả, thế Tôn giả không biết rằng những người dù trẻ như vậy cũng phải chịu chết sao?

- Ta biết điều ấy lắm, nhưng lúc còn non trẻ, chúng không chết; người ta chết lúc người ta già.

- Thế không phải mọi pháp hữu vi đều giả tạm nhất thời hay sao?

- Chúng thật là giả tạm, đúng vậy, nhưng lúc tuổi còn niên thiếu, con người không chết, chỉ khi già người ta mới chết thôi.

- Ồ, thế đó là tục lệ trong gia tộc ngài sao?

- Phải, đó là tục lệ của gia tộc ta.

Bọn thanh niên liền kể câu chuyện này cho vị giáo sư ấy nghe. Ông cho gọi Dhammapàla đến, hỏi chàng:

- Này Dhammapàla, có phải trong gia tộc con chẳng có người nào chết trẻ chăng?

- Thưa thầy, chính phải, đúng như vậy. Chàng đáp.

Nghe nói thế, vị giáo sư nghĩ thầm: "Chàng nói chuyện này thật hi hữu lắm thay! Ta muốn lên đường tới gặp cha chàng và hỏi chuyện ấy, nếu quả thực vậy, ta sống theo giới luật chân chánh kia."

Thế là sau khi đã làm xong mọi việc cần làm cho cậu trưởng nam, khoảng bảy tám ngày sau đó, ông cho gọi Dhammapàla đến bảo:

- Này con, ta sắp đi xa nhà, vậy lúc ta đi vắng, con phải dạy bảo các đệ tử của ta.

Nói thế xong, ông đi tìm xương của một con dê rừng, rửa sạch và ướp hương, rồi đặt vào giỏ, sau đó mang theo mình một chú tiểu đồng, ông rời Takkasilà dần dần đi đến làng kia, tại đó ông hỏi đường đi đến nhà vị Ðại Hộ Pháp và dừng lại ở cửa.

Người đầy tớ đầu tiên của vị Bà-la-môn trông thấy vị này, dù đó là ai, cũng cất dù từ tay ông, cởi giày, cầm lấy túi xách trên tay tiểu đồng. Ông nhờ báo với thân phụ chàng rằng đây là giáo sư của nam tử Dhammapàla đang đứng ở cửa.

- Tốt lành thay!

Các gia nhân nói, rồi đi mời vị thân sinh ra gặp ông. Vị thân sinh vội vã đến thềm và nói:

- Xin mời vào.

Và ông dẫn đường vào nhà mình. Vừa mời khách ngồi xuống tọa sàng, và ông làm bổn phận của chủ nhân như rửa chân vị kia v.v...

Khi vị giáo sư đã dùng cơm xong, và hai vị ngồi đàm đạo thân thiết với nhau, vị giáo sư bảo:

- Này Tôn giả Bà-la-môn, nam tử Dhammapàla của ngài có trí tuệ sáng suốt, tinh thông ba tập Vệ-đà và mười tám công trình học thuật, nhân vì rủi ro đã mất mạng. Các pháp hữu vi đều giả tạm, xin ngài chớ đau buồn vì chàng.

Vị Bà-la-môn vỗ tay cười lớn.

- Tại sao ngài cười, thưa Tôn giả Bà-la-môn? Vị giáo sư hỏi.

Vị này đáp:

- Bởi vì không phải con tôi chết đâu; chắc là người khác.

Vị kia nói:

- Không đâu, thưa Tôn giả Bà-la-môn, chính con trai ngài chết chớ không phải người khác. Hãy nhìn kỹ xương chàngđây và tin tôi.

Nói thế xong, ông dở đống xương ra và nói:

- Ðây là xương con trai ngài.

Người cha đáp:

- Có lẽ xương dê rừng hay xương chó, chứ con trai tôi không chết được. Trong gia tộc ta bảy đời nay chưa hề xảy ra chuyện như là chết lúc tuổi còn non; vậy ngài đang nói sai sự thật.

Rồi cả nhà cùng vỗ tay và cười lớn.

Khi thấy việc kỳ diệu như thế, vị giáo sư rất hoan hỷ nói:

- Thưa Tôn giả Bà-la-môn, lề lối này trong gia tộc ngài không phải là không có nguyên nhân, đó là đám thanh niên không hề chết yểu. Tại sao các ngài không chết yểu?

Ông hỏi bằng cách ngâm vần kệ đầu:

1. Tục lệ nào hay Thánh đạo nào
Quả này do thiện nghiệp từ đâu?
Bà-la-môn, nói ta duyên cớ
Người trẻ trong dòng chẳng chết sao?

Lúc ấy vị Bà-la-môn giải thích những công đức gì đã đem lại kết quả là trong gia tộc mình không ai chết trẻ cả, ông ngâm các vần kệ sau:

2. Ta không lời dối, sống hiền chân,
Mọi ác nghiệp xa lánh, chẳng gần,
Ðiều bất thiện ta đều tránh cả,
Nên không ai chết giữa thanh xuân.

3. Nghe việc người ngu lẫn trí nhân,
Việc người ngu trí chẳng quan tâm,
Ta theo bậc trí, ngu ta bỏ,
Nên chẳng ai người chết giữa xuân.

4. Trước khi bố thí, dạ hân hoan,
Lòng thật vui mừng lúc phát phân,
Khi bố thí xong, không hối tiếc,
Nên không ai chết giữa thanh xuân.

5. Ta mời đám lữ khách, La-môn,
Khất sĩ, Sa-môn, mọi kẻ cần,
Ta đãi uống, ăn, người đói khát,
Nên không ai chết giữa thanh xuân.

6. Cưới vợ, không khao khát vợ người,
Giữ lời loan phụng đã thề bồi,
Vợ hiền tiết hạnh tòng phu cả,
Nên các con không sớm bỏ đời.

7. Con được sinh từ vợ chính chuyên,
Tài cao, học rộng, xứng danh hiền,
Vệ-đà thông thạo, con toàn hảo,
Nên chẳng lìa đời giữa thiếu niên.

8. Gắng làm chân chánh đạt cao thiên,
Sống vậy, từ cha đến mẹ hiền,
Ðến mọi gái trai, anh chị nữa,
Nên không ai chết giữa thanh niên.

9. Mong cầu thiên giới, các gia nhân,
Trai gái thảy đều sống thiện lương,
Ngay bọn nô tỳ thấp kém nhất,
Nên không ai chết giữa thanh xuân.

Và cuối cùng, qua hai vần kệ này, ngài tuyên thuyết thiện nghiệp của những người bước trên đường chân chánh:

10. Chánh đạo cứu ai hướng chánh chân,
Khéo hành Chánh đạo đạt hồng ân,
Phúc này ban tặng người làm chánh,
Người chánh không vào chốn khổ thân.

11. Ðạo đức hộ phò bậc chánh nhân,
Như cây che bóng giữa mưa tràn,
Thằng con sống được nhờ hành thiện,
Tâm thiện cho người Hộ Pháp-an;
Còn đó là xương khô kẻ khác,
Ðống xương Tôn giả mới vừa mang.

Khi nghe vậy, vị giáo sư đáp:

- Cuộc hành trình của ta thật an lạc lắm thay, nó mang lại nhiều kết quả, chứ không phải là không có kết quả!

Ðang lúc lòng đầy hoan hỷ, ông xin lỗi thân sinh Dhammapàla và nói thêm:

- Ta đến đây và mang theo mình một đống xương dê rừng, cố ý để thử ngài. Chứ con trai của ngài hiện đang bình yên mạnh khỏe. Xin ngài truyền cho ta những điều luật bảo tồn cuộc sống của gia tộc ngài.

Lúc ấy vị kia viết quy luật ấy vào một ngọn lá. Sau khi lưu lại chỗ đó vài ngày, vị thầy trở về Takkasilà và khi đã dạy cho Dhammapàla đủ mọi tài nghệ và học thuật xong, ông cho phép chàng ra về cùng với một đoàn tùy tùng đông đảo.

*

Khi bậc Ðạo Sư đã thuyết Pháp thoại như vậy cho Ðại vương Suddhodana xong, Ngài tuyên thuyết các Sự Thật. Bấy giờ vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Ðại vương được an trú vào Tam quả (Bất Lai).

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, người cha và người mẹ là hoàng tộc của Ðại vương ngày nay, vị giáo sư là Sàriputta (Xá-lợi-phất), đám tùy tùng là các đệ tử đức Phật, và Ta chính là nam tử Hộ Pháp.

-ooOoo-



448. Chuyện Kê Vương (Tiền thân Kukuta)

Chớ đặt lòng tin bọn dối lừa...,

Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Veluvana (Trúc Lâm) về vấn đề mưu toan sát hại.

Trong Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo đang bàn luận bản chất độc ác của Ðề-bà-đạt-đa:

- Này các Hiền giả, lạ quá, Ðề-bà-đạt-đa đang mưu toan sát hại đấng Thập Lực bằng cách mua chuộc đám xạ thủ và nhiều người khác.

Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi:

- Này, các Tỷ-kheo, các ông đang nói chuyện gì trong lúc ngồi với nhau tại đây?

Tăng chúng trình với Ngài. Ngài đáp:

- Ðây không phải là lần đầu người ấy toan hành thích Ta, mà đã có lần như vậy ngày xưa.

Rồi Ngài kể cho Tăng chúng một chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, tại Kosambi (Kiều-thưởng-di: một kinh thành trên sông Hằng), có một vị vua cai trị mệnh danh là Kosambaka. Vào thời ấy, Bồ-tát đầu thai làm con của một gà mái sống trong một rừng tre, sau đó làm chúa cả đàn gà hàng trăm con trong rừng. Không xa đó, có một con Diều hâu tìm cơ hội bắt từng con gà trong đàn và ăn thịt, dần dần nó ăn hết mọi con gà, chỉ còn Bồ-tát một mình sống sót. Song ngài rất thận trọng trong lúc kiếm mồi, và sống trong một rừng tre rậm. Tại đây Diều hâu không thể nào đến gần được, vì thế nó bắt đầu suy tính lập mưu gì để dụ dỗ ngài mà bắt lấy.

Sau đó nó đậu trên một cành cây gần đó, và gọi:

- Này Kê hiền hữu, chuyện gì khiến ngài sợ ta? Ta mong muốn kết bạn với ngài. Giờ đây ở một nơi kia (nó nói tên nơiđó) có đầy thức ăn, chúng ta hãy cùng nhau đến đó ăn và sống bầu bạn với nhau.

- Không, thưa Tôn ông tốt bụng! Bồ-tát đáp. Giữa ngài và ta không thể có tình bằng hữu được, xin hãy đi đi.

- Thưa Tôn giả, vì các tội ác trước đây của ta, nên ngài không thể tin ta bây giờ, nhưng ta hứa với ngài rằng ta sẽ chẳng bao giờ làm như vậy nữa.

- Không, ta không muốn có bạn như vậy, hãy đi nơi khác, ta nói rồi đấy.

Ðến lần thứ ba, Bồ-tát từ chối:

- Với một người hay vật có những đặc tính như vậy - ngài bảo - chẳng bao giờ nên kết tình bằng hữu cả.

Rồi Ngài làm cho cả khu rừng rộng vang dội nên các vị thần hoan nghênh trong lúc ngài cảm hứng nói lên bài Pháp này:

1. Ðừng đặt lòng tin bọn dối lừa,
Những ai chỉ biết lời riêng tư,
Hoặc người đã phạm nhiều điều ác,
Những kẻ tỏ ra quá phụng thờ.

2. Lắm kẻ bản tâm giống lũ bò,
Tràn đầy khao khát với tham ô,
Nói lời thành thật nâng niu bạn,
Song chẳng hề hành động thế mà.

3. Bọn chúng chìa tay lạnh trống trơn,
Nói lời che dấu cả tâm hồn,
Bọn người phù phiếm, ta nên tránh,
Những kẻ không hề biết nhớ ơn.

4. Nam nữ nào tâm chóng đổi thay,
Ðừng tin tưởng các bọn người này,
Cũng đừng tin kẻ theo chiều hướng
Làm hiệp ước rồi lại phá ngay.

5. Người bước theo đường ác vẫn đi
Ðến làm mọi việc cực gian nguy,
Liều thân, vô định, đừng tin nó,
Kiếm sắc trong bao có khác gì?

6. Nhiều kẻ nói năng thật dịu lành,
Những lời không phải tự tâm thành,
Lòng tin chớ đặt vào trong chúng,
Cố lấy lòng nên giả thật tình.

7. Khi kẻ ác tâm ấy ngắm xem
Thức ăn hoặc lợi nhuận kề bên,
Nó hành động ác và đi mất,
Nhưng nó làm nguy bạn trước tiên.

Bảy vần kệ này được vị Kê vương ngâm lên. Rồi vần kệ tiếp theo được vị Pháp vương đọc, đây là những lời phát xuất từ Trí tuệ của bậc Chánh Ðẳng Giác:

8. Lắm kẻ thù ra vẻ thiết thân,
Ra tay giúp đỡ sẵn sàng luôn,
Như Gà rời bỏ Diều hâu ấy,
Tốt nhất nên lìa những ác nhân.

9. Người nào không nhạy bén nhìn xa
Ý nghĩa việc làm diễn biến ra,
Phải chịu bao cừu nhân chế ngự,
Ăn năn hối hận buổi sau mà.

10. Nhanh trí, người nào nhận thấy ngay
Việc làm mang ý nghĩa nào đây,
Như Gà tránh bẫy Diều hâu ấy,
Vậy tránh cừu nhân, phải chạy bay.

11. Bẫy đó thông thường lại dối gian,
Giết người, dấu kín giữa rừng hoang,
Như Gà xa lánh Diều hâu ấy,
Người có nhãn quan phải kiếm đàng.

*

Và một lần nữa, sau khi ngâm các vần kệ này, Gà gọi Diều hâu lại khiển trách nó và bảo:

- Nếu ngài tiếp tục ở chốn này, ta sẽ biết việc cần phải làm.

Do đó Diều hâu đành bay đến nơi khác.

*

Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư bảo:

- Này các Tỷ-kheo, ngày xưa cũng như bây giờ, Ðề-bà-đạt-đa đã mưu toan sát hại Ta.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy Ðề-bà-đạt-đa là Diều hâu và Ta chính là Kê vương.

-ooOoo-



449. Chuyện Nam Tử Đeo Vòng Tai (Tiền thân Matta-Kundali)

Sao giữa rừng này có cậu trai...,

Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một địa chủ có con trai mới chết.

Tại Xá-vệ, ta được biết thần chết đã cướp mất cậu trai thân yêu của một người địa chủ thường đến cúng dường đức Phật. Quá sầu muộn vì con, người ấy chẳng rửa mặt mày ăn uống gì cả, cũng chẳng đi làm công việc của mình hay đi phụng sự đức Phật mà chỉ kêu khóc:

- Ôi! Con yêu quí! Con đã bỏ ta mà đi trước rồi!

Vào sáng sớm, khi bậc Ðạo Sư nhìn xuống trần gian, Ngài nhận thấy ngườI này đã chín muồi công hạnh để chứng đắc quả Dự Lưu. Vì vậy ngày hôm sau, khi đã dẫn các đệ tử đi suốt kinh thành Xá-vệ để khất thực, và thọ dụng bữa cơm xong, Ngài bảo các đệ tử đi nơi khác, còn Ngài được Tôn giả Ànanda theo hầu, đi đến nơi người này ở. Bọn gia nhân báo tin cho vị chủ đất biết bậc Ðạo Sư đã đến, sau đó họ sắp đặt sàng tọa và mời Bậc Ðạo Sư ngồi xuống, rồi dẫn chủ nhà đến yết kiến Bậc Ðạo Sư.

Sau khi người ấy đảnh lễ Ngài xong và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư nói bằng giọng dịu dàng đầy từ mẫn:

- Này cư sĩ, có phải ông vẫn đang đau buồn vì đứa con trai duy nhất chăng?

Ông đáp:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn

Bậc Ðạo Sư nói:

- Này cư sĩ, đã lâu, lâu lắm rồi, các người có trí đi lang thang nặng trĩu đau buồn vì cái chết của đứa con trai, đã ngheđược lời các bậc hiền nhân và hiểu rõ rằng không gì có thể đem lại người đã mất, nên không còn thấy buồn rầu nữa, dù chỉ một chút thôi.

Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu của người ấy, Bậc Ðạo Sư kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, cậu con trai của một vị Bà-la-môn rất giàu có, khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, lâm bệnh nặng và khi chết, được tái sinh vào cõi chư Thiên. Từ lúc con trai chết, người Bà-la-môn thường đi đến nghĩa địa và than khóc, rồi đi quanh đống tro tàn; bỏ các phận sự dở dang, ông cứ lang thang với tâm tư nặng trĩu u sầu.

Một vị Thiên tử, khi đi dạo thấy vậy, liền lập mưu để an ủi khổ đau của người kia. Chàng đến nghĩa địa lúc người nàyđang sầu bi, giả dạng làm chính con trai vị ấy và tô điểm đủ mọi thứ trang sức, chàng đứng một bên, vừa ôm đầu trong hai tay vừa than khóc kêu gào. Vị Bà-la-môn nghe tiếng động và nhìn lên, lòng tràn đầy yêu thương đối với con trai mình, liền dừng lại trước chàng và nói:

- Này con yêu quí, tại sao con đứng khóc giữa nghĩa địa này?

Ông đặt câu hỏi qua vần kệ sau:

1. Sao giữa rừng này có cậu trai,
Tràng hoa, vòng ngọc mỗi bên tai,
Chiên-đàn sực nức, giơ tay nọ,
Sầu khổ gì rơi lệ vắn dài?

Lúc ấy chàng trai kể chuyện mình bằng cách ngâm vần kệ thứ hai:

2. Vàng ròng đúc, chiếu rực hào quang,
Xe ấy con thường vẫn ngã lưng,
Ðôi bánh này con tìm chẳng thấy,
Chắc con buồn khổ đến lìa trần!

Vị Bà-la-môn nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ ba:

3. Bằng vàng, dát ngọc, loại gì nào,
Bằng bạc, hay đồng, trí nghĩ sao,
Cứ nói ra lời, xe được đóng,
Ta tìm đôi bánh sẽ thêm vào!

Lúc bấy giờ chính Bậc Ðạo Sư với Trí tuệ Tối thắng của Ngài, sau khi nghe vần kệ do chàng trai ngâm xong, liền ngâm câu đầu của một vần kệ khác:

4. Nghe nói xong, chàng trẻ đáp lời,
Trong khi chàng ngâm tiếp theo phần còn lại:
Ðằng kia, huynh đệ đó, trăng trời,
Chính nhờ đôi bánh đằng xa ấy,
Xe của con vàng chiếu sáng ngời!

Lập tức vị kia tiếp:

5. Chàng thật ngu vì việc đã làm,
Cầu xin chuyện chẳng có ai ham,
Bởi vì ta chắc chàng nên chết
Nhật, nguyệt, đòi sao được hỡi chàng?

Thế rồi:

6. Trước mắt, trời, trăng, lặn, mọc dần,
Sắc màu, đường hướng vẫn không ngừng;
Còn ai thấy được hồn người chết,
Vậy kẻ nào ngu lúc khóc than?

Chàng trai nói vậy xong, vị Bà-la-môn tỉnh ngộ, liền ngâm kệ:

7. Giữa ta, hai kẻ khóc than thân,
Chàng thật khôn, ta thật độn đần,
Quả đúng, đòi hồn người đã chết,
Khác nào con trẻ khóc đòi trăng?

Lúc ấy vị Bà-la-môn được an ủi nhờ lời lẽ của chàng trai kia, liền cám ơn chàng bằng cách ngâm các vần kệ cuối cùng:

8. Lòng ta thiêu đốt nóng bừng,
Như khi người đổ dầu trong lửa đào,
Chàng đà đem nước lạnh vào,
Và chàng dập tắt khát khao, tủi buồn.

9. Vì con, bao nỗi sầu tuôn,
Mũi tên độc cắm trong hồn của ta,
Chàng đà an ủi khuây khỏa
Nỗi niềm bi thiết, nhổ ra tên này.

10. Tên vừa nhổ, khỏi đau ngay,
Giữ tâm thanh thản, ta rày khinh an,
Nghe lời chân thật, hỡi chàng,
Ta không còn phải khóc than muộn phiền.

Lúc ấy chàng trai bảo:

- Này, ngài Bà-la-môn, ta chính là người con trai mà ngài đang thương khóc, ta đã được tái sinh vào cõi chư Thiên. Vậy từ đây xin đừng sầu muộn vì ta nữa, mà hãy bố thí, hành trì giới đức và giữ ngày trai giới.

Với lời khuyến giáo này, chàng trở về cõi của mình. Còn vị Bà-la-môn tuân theo lời khuyên của chàng, nên sau khi làm nhiều công đức bố thí và các thiện sự khác, ông mạng chung và tái sinh vào cõi chư Thiên.

*

Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự thật. Bấy giờ vào lúc kết thúc các Sự Thật, người địa chủ đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, Ta chính là vị Thiên tử đã nói lời thuyết giáo này.

-ooOoo-



450.Chuyện phú ông keo kiệt Bilàri (Tiền thân Bilàri-Kosiya)

Khi món ăn không có giữa nồi...,

Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo nhiệt tâm bố thí.

Chuyện kể rằng sau khi nghe thuyết Pháp, từ lúc hành trì giáo lý, vị này rất nhiệt tâm bố thí, khát khao bố thí. Chưa bao giờ ông ăn chén cơm đầy trừ khi đã chia phần cho kẻ khác, ngay cả nước cũng không uống nếu không đem cho kẻ khác. Ông chuyên tâm bố thí như vậy.

Thời ấy, chúng Tỳ Kheo bắt đầu nói về các đức tính của ông trong Chánh pháp đường. Bậc Ðạo Sư đi vào hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì khi ngồi tại đây. Các vị ấy trình ngài. Ngài cho gọi vị Tỷ Kheo ấy đến và hỏi:

- Này Tỷ kheo, có phải đúng như Ta đã nghe là ông nhiệt tâm bố thí, khát khao bố thí chăng?

Ông đáp:

- Thưa vâng, bạch Thái Tôn.

Bậc Ðạo Sư bảo:

- Này các Tỳ Kheo, ngày xưa, kẻ này không có tín tâm nên không tin tưởng gì cả, đến như một giọt dầu trên đầu ngọn cỏ cũng không cho ai; sau đó, Ta điều phục y, giáo hoá, làm cho y thuần thục, và dạy cho y kết quả của bố thí, nên hỷ tâm bố thí này không rời y ngay cả khi đã sang một đời khác.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ Tát sinh vào một gia đình giàu có. Khi đến tuổi khôn lớn, ngài được hưởng tài sản và khi thân phụ mất đi, ngài tiếp nhận địa vị thương nhân của cha ngài.

Một ngày kia, khi xem xét lại sự giàu sang của mình, ngài suy nghĩ: "Tài sản của ta đây dĩ nhiên đầy đủ lắm, song những vị đã tích lũy tài sản ấy nay ở đâu rồi? Ta phải phân chia tài sản ra và bố thí."

Vì thế, ngài xây một bố thí đường, trong lúc sinh thời, ngài bố thí rộng rãi; và khi sắp mạng chung liền giao phó cho con trai ngài không được làm gián đoạn việc hành trì bố thí, còn ngài tái sinh là Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ ở cõi Trời Ba mươi ba. Con trai của ngài cũng bố thí như thân phụ đã làm, rồi giao trọng trách ấy cho con trai mình, và tái sinh lên làm Canda, Thần mặt trăng, giữa Thiên chúng. Con trai vị này trở thành Suriya. Thần mặt trời, lại sinh ra một người con trở thành Màtali, Thần lái xe (của Thiên chủ Sakka hay Indra), con trai vị này tái sinh làm Pancasikha (Ngũ kế) một vị Gandhabba (Càn-thát-bà), nhạc thần của Thiên chủ.

Song người con trai thứ sáu trong dòng họ này lại không có tín tâm, tàn nhẫn, không thương người, keo kiệt; người này phá hủy bố thí đường, đốt cháy hết, đánh đập các hành khất, đuổi họ đi mơi khác làm ăn chẳng hề cho ai chút gì dù bằng một giọt dầu ở đầu ngọn cỏ.

Lúc ấy, Ðế Thích Thiên chủ nhìn lại các việc của ngài trong quá khứ, tự hỏi: "Truyền thống bố thí của ta có tiếp tụcđược chăng? Suy nghĩ thế, ngài nhận xét: "Con trai ta tiếp tục bố thí, tái sinh làm Canda, con trai nó là Suriya, cháu nó là Màtali, và chắt nó là Pancasikha, nhưng đứa con thứ sáu trong dòng họ đã phá bỏ truyền thống kia."Lúc ấy, ngài chợt có ý nghĩ này, ngài muốn đi điều phục con người độc ác kia, và dạy cho gã kết quả của bố thí. Vì vậy ngài triệu tập Canda, Suriya, Màtali, Pancasikha đến gặp ngài và bảo:

Này các Hiền-giả, người con thứ sáu trong dòng họ ta đã phá bỏ truyền thống gia đình, nó đã đốt bố thí đường, đuổi đánh bọn hành khất đi chỗ khác, và không cho ai chút gì cả. Vậy ta phải điều phục nó.

Thế là ngài cùng các ông lên đường đi đến Ba-la-nại.

Vào lúc ấy, thương nhân kia phải đến chầu vua, và khi đã trở về, đang đi đi lại lại dưới tháp canh thứ bảy, nhìn theo con đường. Thiên chủ bảo các vị thần:

- Các Hiền giả, hãy đợi cho đến khi ta bước vào rồi hãy lần lượt theo sau.

Cùng với những lời này, ngài bước tới và đứng trước phú thương kia, bảo ông:

- Này Tôn ông hãy cho ta ăn với.

- Này Bà-la-môn, chẳng có gì ở đây cho ngài ăn cả, hãy đi nơi khác.

- Này Ðại nhân, khi các Bà-la-môn khất thực thì chẳng nên từ chối.

- Này Bà-la-môn, trong nhà ta chẳng có thức ăn nấu sẵn, cũng chẳng có thức ăn để nấu, hãy đi đi!

- Này đại nhân, ta muốn đọc một câu kệ cho ngài, hãy lắng nghe.

Ta chẳng muốn nghe kệ gì cả, đi đi, đừng đứng ở đây.

Nhưng Thiên chủ không để ý lời ông và ngâm hai vần kệ:

1. Khi món ăn không có giữa nồi,
Thiện nhân tìm, chẳng chối từ hoài,
Còn ngài đang nấu, thì không tốt
Nếu chẳng muốn chia xẻ với ai.

2. Phóng dật, xan tham, kẻ chối từ
Chẳng hề đem bố thí bao giờ,
Còn người nào thích làm công hạnh,
Là một trí nhân, phải biết cho.

Khi người này nghe nói vậy liền đáp:

- Thôi được, xin vào ngồi đó, ngài sẽ được ăn đôi chút.

Thiên chủ Ðế Thích vừa bước vào vừa ngâm các vần kệ ấy và ngồi xuống.

Kế đó là Canda bước lên xin thức ăn.

- Chẳng có thức ăn cho ngài đâu - người đó bảo - đi đi!

Vị kia đáp:

- Thưa Ðại nhân, có một vị Bà-la-môn ngồi trong đó, ta đoán chắc hẳn có một bữa cơm bố thí cho Bà-la-môn, nên ta cũng bước vào.

- Chẳng có một bữa cơm nào bố thí cho Bà-la-môn cả - người đó bảo - đi ngay đi!

Lúc ấy Canda nói:

- Thưa Ðại nhân, xin nghe một hai vần kệ.

Rồi Ngài ngâm hai vần kệ (hễ khi một kẻ keo kiệt lo sợ không muốn cho ai cả, thì chính nỗi sợ hãi đó khởi lên trong lòng vì y không bố thí):

3. Sợ khi khát nước hoặc thèm cơm
Khiến bọn xan tham phải hoảng hồn,
Trong cõi đời này, đời kế nữa,
Bọn ngu kia phải trả hoàn toàn.

4. Vậy nên bố thí, tránh xan tham,
Rửa sạch tâm nhơ ác dục tràn,
Trong cõi đời sau, nhiều thiện nghiệp
Sẽ là nơi trú tuyệt an toàn.

Sau khi nghe các lời như vậy xong, ông bảo:

- Thôi được, xin bước vào, và ngài sẽ được ăn một chút.

Vị kia bước vào ngồi xuống với Thiên chủ Ðế Thích.

Sau khi đợi một lát nữa, Suriya bước lên, và xin ăn bằng cách ngâm hai vần kệ:

5. Thực khó làm như các thiện nhân,
Phát ban như các vị đem ban,
Khó mà kẻ ác làm theo được
Cuộc sống hiền nhân vẫn trú an.

6. Vậy thì khi phải giã từ trần,
Kẻ ác, người hiền bỏ thế gian,
Kẻ ác tái sinh vào địa ngục,
Người hiền sinh ở cõi thiên đàng.

Vị phú gia chẳng thấy cách gì thoát được chuyện ấy, đành bảo:

- Thôi được, xin bước vào, và ngồi với các Bà-la-môn này, rồi ngài sẽ được ăn đôi chút.

Và Màtali, sau khi chờ đợi một lát nữa, cũng bước lên xin ăn, và khi vị ấy được bảo là không có thức ăn, vừa mới nghe các lời ấy được thốt lên, liền ngâm vần kệ thứ bảy:

7. Có người ít của vẫn đem ban,
Có kẻ không cho, dẫu của tràn,
Người ít của cho không thể kém
Kẻ kia ban phát cả trăm ngàn.

Ông bảo vị này:

- Thôi được, xin vào ngồi xuống.

Sau khi đợi thêm một lát, Pancasikha bước lên xin ăn. Kẻ kia đáp:

- Không có, đi đi!

Ông bảo:

- Ta đã đến thăm nhiều nhà rồi! Ở đây chắc phải có bữa cơm cúng dường các Bà-la-môn chứ, ta đoán thế.

Rồi ông bắt đầu nói với ông, vừa ngâm vần kệ thứ tám:

8. Dù sống chắt chiu, phải chánh chân,
Con nhiều, của ít vẫn đem phân,
Trăm ngàn đồng bạc người giàu cúng
Chẳng sánh quà con của tiện dân.

Vị phú gia suy nghĩ lại khi nghe lời của Pancasikha. Rồi ông ngâm vần kệ thứ chín để yêu cầu vị ấy giải thích giá trị ít oi của các vật bố thí kia:

9. Sao dồi dạt lễ vật cao sang
Giá trị không bằng vật chánh chân,
Sao cả ngàn đồng từ phú hộ
Chẳng bằng quà mọn kẻ cùng bần?

Pancasikha ngâm vần kệ kết thúc để đáp lời:

10. Nhiều người sống độc ác hung tàn,
Ðàn áp, giết rồi lại phát ban:
Thí vật chua cay, tàn nhẫn ấy
Thua xa quà tặng với chân tâm,
Nên ngàn đồng bạc người giàu cúng
Chẳng sánh quà con của tiện dân.

Nghe lời thuyết giáo của Pancasikha xong, ông đáp:

- Thôi được, xin ngài vào nhà ngồi xuống, ngài sẽ được ăn đôi chút.

Rồi ông cũng vào ngồi với các vị kia.

Sau đó, phú ông keo kiệt Bilàri ra hiệu cho một tỳ nữ, bảo nàng:

- Hãy đem cho các Bà-la-môn đằng kia một đấu thóc còn vỏ.

Nàng ấy đem thóc đến gần các vị, bảo các vị rằng:

- Nhận thóc rồi đem nấu nơi khác mà ăn.

Các vị đáp:

- Ta chưa đụng đến thóc còn vỏ trấu.

- Thưa ông chủ, các vị ấy bảo chưa hề đụng đến thóc còn vỏ.

- Ðược, vậy thì cho các ông gạo đã xay.

Nàng ấy đem gạo đã xay, và bảo các vị nhận. Các vị bảo:

- Chúng ta không nhận thứ gì chưa nấu chín.

- Vậy thì nấu cho họ một ít thức ăn của bò trong cái nồi và đem ra mời khách.

Năm vị cầm lên mỗi người một miếng và đặt vào mồm, song để nó dính vào cổ họng rồi trợn mắt lên. Các vị bất tỉnh nằm đó như chết rồi. Cô nữ tỳ thấy thế nghĩ chắc các vị đã chết, nàng hoảng sợ chạy đi báo phú ông:

- Thưa ông chủ, các Bà-la-môn này không nuốt nổi thức ăn của bò, nên chết cả rồi!

Ông suy nghĩ: "Bây giờ dân chúng sẽ trách mắng ta, bảo gã độc ác này đem đống thức ăn trâu bò cho các Bà-la-môn yếu đuối và các ông không nuốt nổi nên đã chết." Sau đó, ông bảo cô nữ tỳ:

- Mau đi chôn cất hết thức ăn trong bát của các ông, rồi nấu cho họ một ít món đủ thứ gạo ngon nhất.

Nàng tuân lời. Phú ông tìm một số khách qua lại trên con đường gần đó, khi đã tập hợp số người ấy lại với nhau, ông bảo:

- Ta đã cúng dường các Bà-la-môn này thức ăn giống như các thức ta vẫn ăn, nhưng các vị tham lam nuốt từng miếng lớn và vì ăn như vậy nên thức ăn mắc ở cổ họng và phải chết. Ta mời các ngài đến làm chứng cho ta vô tội.

Trước đám đông đang tụ tập như vậy, các vị Bà-la-môn đứng dậy, vừa bảo vừa nhìn vào đám đông:

- Các vị hãy xem sự dối trá của thương nhân này. Ông bảo cho chúng ta thức ăn của ông đấy! Một đống tạp nhạp thức ăn cho bò là những thứ ông đã đem cho chúng ta trước tiên, sau đó sau khi chúng ta nằm như chết, ông bảo người nhà nấu thức ăn này đây.

Rồi các vị ấy nhả ra từ miệng những thứ đã ăn rồi chỉ thứ đó. Ðám đông trách mắng vị thương gia, thét lớn:

- Ðồ ngu si, mù quáng! Ông đã phá bỏ phong tục gia đình ông. Ông đốt bỏ thí đường, ông đã nắm cổ các hành khất tống ra đường, giờ đây khi bố thí các Bà-la-môn yếu đuối này, ông lại cho một đống thức ăn trâu bò. Ðến lúc ông sang thế giới bên kia, chắc ông sẽ mang hết tài sản trong nhà buộc thật chặt quanh cổ đấy!

Vào lúc ấy, Ðế Thích Thiên chủ bảo đám đông:

- Các người có biết tài sản này là của ai chăng?

- Chúng tôi không biết.

Ngài bảo:

- Chắc các người có nghe một đại phú thương ở Ba-la-nại, ngày xưa sống ở thành này, đã xây một bố thí đường, và bố thí rất rộng rãi?

- Thưa có - họ đáp - Chúng tôi có nghe nói về ông.

Ngài bảo:

- Ta chính là vị thương gia đó, nhờ các vật tài thí ấy ta được là Ðế Thích Thiên chủ bây giờ đây, và con trai ta đã không phá vỡ truyền thống gia đình, trở thành thần Canda, con trai nó là Suriya và cháu trai của nó là Pancasikha; trong các vị này, đằng kia là Canda, đó là Syriya, và đây là Màtali, thần lái xe, còn đây nữa là Pancasikha, nhạc thần, ngày xưa là cha của kẻ độc ác đằng kia ấy. Bố thí tạo công đức lớn như vậy, cho nên người có trí phải làm công đức.

Nói vậy xong với ý định đánh tan các mối nghi hoặc của dân chúng đang tụ tập tại đó, các ngài bay lên không gian vàđứng vững trên không, nhờ thần lực của các ngài hiện ra một đám tùy tùng đông đảo vây quanh, toàn thân các ngài sáng rực lên vì thế toàn thể kinh thành như ở trong đám lửa. Sau đó Ðế Thích Thiên chủ bảo đám đông:

- Chúng ta đã rời vinh quang thiên giới để đến đây và chúng ta đến chỉ vì kẻ độc ác Bilàri Kosiya này, người cuối cùng trong dòng họ, người tàn phá cả giống nòi mình. Với lòng lân mẫn mà chúng ta đến, vì chúng ta biết ác nhân này đã phá bỏ truyền thống gia đình, đốt bố thí đường, nắm cổ hành khất tống ra ngoài, vi phạm phong tục của nhà ta, và do từ bỏ bố thí, nó sẽ tái sinh vào địa ngục.

Ngài thuyết giáo cho đám đông như vậy, xong lại nói về công hạnh của bố thí. Bilàri Kosiya chấp hai tay thỉnh cầu và phát nguyện.

- Tâu Thiên chủ, từ nay trở đi, con xin nguyện sẽ không phá bỏ phong tục gia đình nữa, mà con sẽ bố thí, bắt đầu ngay hôm nay, con quyết chẳng bao giờ ăn mà không chia phần cho kẻ khác, các vật dụng của riêng con, ngay cả nước uống và cả tăm xỉa răng con dùng cũng vậy.

Ðế Thích thiên chủ đã điều phục ông như vậy, làm cho ông biết xả thân, và an trú ông trong Ngũ giới, rồi trở về cõi của ngài. Còn vị thương nhân cứ bố thí suốt cả đời nên được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba.

*

Sau khi chấm dứt Pháp thoại, Bậc Ðạo Sư bảo:

- Như vậy, này các Tỳ kheo, Tỳ Kheo này ngày xưa không có tín tâm và không bao giờ cho ai chút gì cả, song Ta đã điều phục y và dạy cho y kết quả của bố thí, và tâm lành đó không rời y ngay cả khi y đã sinh vào một đời khác.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

- Thời bấy giờ, Tỳ kheo rộng lượng này là vị phú gia, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là Canda, Moggallàna (Mục-kiền-liên) là Suriya, Kassapa (Ca diếp) là Màtali, Ànanda (A-nan) là Pancasikha và Ta là Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ.

-ooOoo-



451. Chuyện Hồng Nga (Tiền Thân Cakka-Vàka)

Màu lông tươi đẹp, dáng thanh tao...,

Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong lúc đang trú tại Kỳ Viên về một Tỳ kheo tham lam.

Chuyện kể rằng người này bất mãn với bộ y khất sĩ cùng những thứ tương tự nên thường đi quanh quẩn hỏi:

- Nơi đâu có cơm cho Tăng chúng? Nơi đâu có người mời?

Và khi nghe nói có thịt, ông tỏ ra rất hoan hỷ. Lúc bấy giờ có một vị Tỳ kheo tốt bụng vì lòng thương tưởng bạn, nênđem chuyện ấy kể với Bậc Ðạo Sư. Ngài triệu người ấy đến hỏi:

- Này Tỳ kheo, có thật đúng như ta nghe rằng ông tham lam đó chăng?

- Bạch Thế Tôn, đúng thế.

- Này Tỳ kheo, tại sao ông còn ham muốn, sau khi hành trì Giáo pháp đưa đến giải thoát như Ðạo của Ta? Tham tâm này là ác pháp, ngày xưa, vì tham dục, ông bất mãn với các xác voi chết cùng nhiều vật thừa khác ở Ba-la-nại nên đã đi vào rừng rậm.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, một con Quạ tham ăn không hài lòng với các xác voi chết ở Ba-la-nại, cùng mọi thứ xác chết khác. Nó suy nghĩ: "Bây giờ đây ta không biết rừng rậm ra sao nhỉ? Thế là nó vào rừng xanh, song nó cũng không hài lòng với trái cây rừng mà nó tìm được, nên đi đến sông Hằng.

Khi nó tiến về phía sông Hằng, chợt thấy một đôi Hồng Nga, nó suy nghĩ: "Những con chim đàng xa kia tuyệt đẹp, ta chắc chúng tìm ra nhiều thịt để ăn trên bờ sông Hằng này. Ta muốn hỏi chúng và nếu ta cũng ăn thịt chúng nữa, chắc chắn ta sẽ được màu lông tươi sáng như chúng vậy." Thế là khi đậu không xa đôi chim ấy, Quạ hỏi Hồng Nga bằng cách ngâm hai vần kệ đầu:

1. Màu lông tươi đẹp, dáng thanh tao,
Thân thể tròn xinh, ửng sắc đào,
Này Ngỗng, đúng là bạn tuyệt mỹ,
Năm căn và mặt sáng ngời sao!

2. Trong khi đậu ở bến sông Hằng,
Cá tráp, cá vền, Ngỗng vẫn ăn,
Cá chép, cùng nhiều loài cá khác,
Trên dòng sông nước lội tung tăng.

Hồng Nga liền cãi lại Quạ bằng cách ngâm vần kệ thứ ba:

3. Ta chẳng ăn bầy cá giữa dòng,
Cũng không nằm nghỉ ở trong rừng,
Mọi loài rong cỏ, ta nuôi sống,
Này bạn, đó là món Ngỗng ăn.

Lúc ấy Quạ ngâm hai vần kệ:

4. Ta chẳng tin theo Ngỗng giải bày,
Xác minh thực phẩm nó ăn đầy,
Của ngon trong xóm ngâm dầu muối,
Là món ta ăn sống mỗi ngày.

5. Món cơm tinh sạch, đẹp làm sao
Có kẻ làm xong, lại đổ vào
Món thịt ấy, nhưng này bạn Ngỗng,
Sắc ta không giống bạn đâu nào.

Ngay sau đó Hồng Nga ngâm cho Quạ nghe các vần kệ còn lại, nêu rõ lý do tại sao Quạ có màu lông xấu xí và thuyết giảng đức tính chân chánh:

6. Ngắm xem tội ác ở lòng người,
Làm hại, phá tan cả cuộc đời,
Lo sợ, kinh hoàng, ngươi ẩm thực,
Nên ngươi có được sắc này thôi.

7. Quạ ơi, lầm lạc khắp trên trần,
Tội ác trong đời trước hóa thân,
Bạn chẳng thích đồ ăn uống nữa,
Chính màu này Quạ phải mang luôn.

8. Này bạn ta chẳng hại ai,
Cũng không lo lắng, dạ an hoài,
Cũng không có việc gì sầu muộn,
Sợ hãi gì do kẻ địch ngoài.

9. Vậy bạn này, nên sống dũng cường,
Giã từ đường lối sống vô lương,
Trên đời tiến bước không làm hại,
Tất cả cùng yêu mến tán dương.

10. Người nào thân ái với muôn loài,
Không hại và không bảo hại ai,
Không quấy nhiễu, không ai quấy nhiễu,
Không thấy gì sân hận vì người.

- Vậy bạn muốn được mọi người thương mến, hãy từ bỏ các ái dục.

Hồng Nga này thuyết giảng đạo đức chân chánh, đã nói như vậy. Quạ đáp:

- Ðừng nói tầm phào với ta về cách sống của bạn.

Xong nó vừa kêu lên "Quạ! Quạ!", vừa bay mất qua không gian đến bãi phân ở thành Ba-la-nại.

*

Khi Bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại này xong. Ngài thuyết giảng các Sự thật. Bấy giờ lúc kết thúc các Sụ thật, vị Tỳ kheo tham lam đã được an trú vào Tam quả (Bất Lai).

Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

- Thời ấy, Tỳ kheo tham lam này là Quạ, mẹ của La-hầu-la là chim bạn của Hồng Nga và Ta chính là Hồng Nga.

-ooOoo-



452. Chuyện Vấn Đề Trí Tuệ (Tiền Thân Bhùri - Panha)

Chuyện này sẽ được kể trong Tiền thân Mahà-Ummagga, số 546, Tập VII.

-ooOoo-



453. Chuyện Điềm Lành Lớn (Tiền thân Mahà-Mangala)

Hiển bày chân lý giải nghi nan...,

Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về Kinh Ðiềm lành Tối thượng hay Luận về Ðiềm lành.

Tại kinh thành Vương Xá vì một lý do này nọ, một đám đông tụ họp trong nhà nghỉ của vua, giữa bọn ấy có người đứng dậy, bước ra nói:

- Hôm nay là ngày có Ðiềm lành.

Một người khác nghe được, bảo rằng người kia bước ra và nói đến "Ðiềm triệu", vậy y muốn nói gì qua chữ "Ðiềm"?

Một người thứ ba bảo:

- Dấu hiệu gì có vẻ may mắn thì đó là điềm lành, ví dụ một người thức dậy sớm, và thấy một con bò đực toàn trắng hay một người đàn bà có thai, hay con cá màu đỏ (Ciprinus Rohita) hay cái bình đầy đến tận miệng, hoặc bơ tươi mới tan từ sữa bò, hoặc y phục mới chưa giặt hoặc cháo gạo, thì chẳng có điềm nào tốt hơn nữa.

Vài kẻ bàng quan bình phẩm lời giải thích này:

- Nói hay đấy.

Song có kẻ khác chen vào:

-Ồ không, chẳng có điềm gì trong việc ấy cả, chỉ lời nói bạn nghe mới là điềm. Có người nghe người ta nói: "Ðầy đủ", rồi lại nghe "Lớn đầy đủ" hoặc "Ðang lớn", hoặc nghe chúng bảo: "Ăn đi" hay "Nhai đi" thì chẳng có điềm nào tốt hơn nữa.

Một số kẻ bàng quan bảo:

- Nói hay đấy.

Và họ bình phẩm lời giải thích này. Một người khác lại nói:

- Chẳng có điềm gì trong mọi chuyện ấy cả. Hễ vật gì bạn đụng chạm đến mới là điềm. Nếu một người thức dậy sớm đụng vào đất hay cỏ xanh, phân bò tươi, chiếc áo sạch, cá màu đỏ, vàng hay bạc, thức ăn... thì chẳng có điềm gì tốt hơn nữa.

Ở đây vài kẻ bàng quan lại tán đồng và bảo là khéo nói. Và sau đó, số người theo phái chủ trương các điềm do mắt thấy, điềm về âm thanh, điềm về xúc chạm, chia làm ba nhóm, không ai thuyết phục ai được cả. Từ chư Thần trên mặt đất đến Phạm thiên giới không ai có thể xác định điềm là như thế nào cả. Ðế Thích Thiên chủ nghĩ thầm: "Giữa chư thiên và loài người ai ngoài đức Thế Tôn là có thể giải đáp đúng vấn đề điềm triệu. Ta muốn đi đến đức Thế Tôn, và đặt vấn đề với Ngài."

Thế là ban đêm Thiên chủ đến thăm đức Thế Tôn, đảnh lễ ngài và chắp tay vào nhau để thỉnh cầu, Thiên chủ đặt câu hỏi bắt đầu bằng: "Có chư Thiên và loài người." Sau đó Bậc Ðạo Sư dùng mười hai vần kệ nói cho biết ba mươi tám điềm lành lớn. Và trong khi ngài ngâm những lời kinh điềm lành ấy, lần lượt chư Thiên lên đến con số mười ngàn triệu vị đắc Thánh quả A-la-hán, còn các vị đắc ba Ðạo Quả kia thì không sao kể xiết. Thiên chủ nghe xong các điềm lành, liền trở về cõi của mình.

Khi Bậc Ðạo Sư nói các điềm lành xong, thế giới loài người và Thiên giới đồng tán thành và bảo:

- Thật là khéo nói.

Sau đó trong Chánh pháp đường, Tăng chúng bắt đầu bàn luận về công đức của đức Như Lai:

- Này các Hiền gỉa, vấn đề Ðiềm triệu vượt phạm vi hiểu biết của mọi người, nhưng Ngài đã tuệ tri tâm của loài người và chư Thiên, cùng giải tỏa các mối nghi của quần chúng như thể ngài khiến mặt trăng hiện lên trên bầu trời! Ôi đức Như Lai là một bậc Ðại trí, này các hiền hữu!

Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì trong lúc ngồi tại đó. Tăng chúng trình với Ngài. Ngài bảo:

- Này các Tỳ kheo, chẳng vi diệu gì khi Ta giải đáp vần đề điềm lành, vì nay ta đã đạt Trí tuệ Tối thắng; mà ngay cả khi Ta còn là Bồ-tát trên trần gian, Ta đã giải đáp các mối nghi hoặc của chư Thiên và loài người bằng cách trả lời vấn đềÐiềm lành.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, Bồ-tát tái sinh vào một thị trấn trong một gia đình Bà-la-môn giàu có, cha mẹ đặt tên ngài là Rakhita-Kumàra. Khi ngài khôn lớn và đã hoàn thành việc học tập tại Takkasilà, ngài cưới vợ. Sau khi song thân qua đời, ngài kiểm tra lại gia sản, suy nghĩ kỹ, ngài phân chia tài sản để bố thí, và điều phục các tham dục rồi, ngài trở thành ẩn sĩ trong vùng Tuyết Sơn. Ở tại đó, Ngài tu tập các Thắng trí, và an trú tại một nơi, tự nuôi sống bằng các thứ củ, quả rừng. Theo thời gian, đệ tử của ngài rất đông, gồm năm trăm vị cùng sống với ngài.

Một ngày kia, các ẩn sĩ này đến gần Bồ-tát nói như sau:

- Bạch Ðạo sư, khi mùa mưa đến, xin cho chúng con xuống vùng Tuyết Sơn đi qua đồng bằng để kiếm muối và các thứ gia vị; nhờ vậy thân thể chúng con sẽ được khỏe mạnh và chúng con sẽ thành tựu cuộc sống tu hành.

- Ðược rồi, các bạn cứ đi - ngài bảo. Còn ta sẽ ở lại nơi này.

Thế là các vị từ giã ngài, đi xuống từ vùng Tuyết Sơn, tiến hành trên lộ trình đến tận Ba-la-nại, tại đó các vị trú ngụ ở trong ngự viên. Dân chúng đón tiếp các vị rất trọng thể và nồng nhiệt.

Lúc bấy giờ, một ngày kia, có đám đông tụ tập trong nhà nghỉ của cung vua tại Ba-la-nại, và vấn đề Ðiềm triệu được đưa ra bàn cãi. Lúc ấy, cũng như trước kia, đám đông không thấy ai có đủ khả năng đánh tan mối hoài nghi của mọi người và giải đáp vấn đề Ðiềm triệu; vì thế họ đi đến ngự viên đặt vấn đề cùng hội chúng hiền nhân kia. Các hiền nhân ấy nói với vua:

- Tâu Ðại vương, chúng thần không thể giải đáp vấn đề này, song Bổn sư của chúng thần, ẩn sĩ Rakkhita, một bậc đại tuệ sống ở Tuyết Sơn, ngài sẽ giải đáp vấn đề ấy, vì ngài thông suốt tư tưởng của chư Thiên và loài người.

Vua đáp:

- Này các Hiền giả, Tuyết Sơn quá xa xôi và khó đi lắm đấy, chúng ta không thể nào đến đó được. Xin các Hiền giả đích thân đi về gặp đức Bổn sư và xin hỏi ngài vấn đề ấy. Sau khi các vị đã biết rồi, hãy trở lại đây nói cho chúng ta biết được chăng?

Các vị ấy hứa sẽ làm như vậy; và khi các vị đã trở về gặp đức Bổn sư, đảnh lễ ngài và sau khi ngài đã vấn an vua cùng các phong tục của dân chúng, các vị kể lại cho ngài toàn thể câu chuyện các Ðiềm triệu như trên, từ đầu tới cuối và giải thích việc các vị đến đây theo lời dặn dò của vua như thế nào, để nghe tận tai lời giải đáp vấn đề này. Các vị thưa:

- Bạch Tôn Sư, giờ đây xin Tôn Sư giải thích vấn đề Ðiềm triệu cho chúng con rõ và cho chúng con thấy chân lý. Lúc ấy vị đệ tử lớn tuổi nhất hỏi Bậc Ðạo Sư bằng cách ngâm vần kệ đầu:

1. Hiển bày chân lý, giải nghi nan,
Xin dạy kinh gì của Thánh nhân
Ðược học hành theo giờ thuận lợi,
Ðời này, đời kế tạo hồng ân?

Khi vị đệ tử lớn nhất đã đặt vấn đề Ðiềm lành qua các lời kệ này, bậc Ðại Sĩ muốn xóa tan mọi nỗi nghi ngờ của chư Thiên và loài người, liền đáp lại:

- Ðây và đây chính là điềm lành.

Và như vậy ngài diễn tả các điềm lành với tài thiện xảo của một vị Phật:

2. Mỗi Phạm thiên, thần thánh hiển linh,
Rắn rồng ta thấy giữa quần sinh,
Trong lòng mãi mãi đầy từ mẫn,
Vị ấy ban ơn mọi hữu tình.

Như vậy Bậc Ðại Sĩ đã thuyết giảng Ðiềm lành thứ nhất, rồi tiếp đến thuyết giảng Ðiềm lành thứ hai và các Ðiềm lành khác còn lại:

3. Kẻ nào khiêm tốn với muôn người,
Yêu mến nữ nam, mọi gái trai,
Ðứng trước lời bình, không đáp lại,
Sẽ mang hạnh phúc đến cho đời.

4. Gặp hiểm nguy, người có trí nhanh
Chẳng khinh đồng nghiệp, bạn đồng hành,
Chẳng khoe dòng trí, giàu, giai cấp,
Hạnh phúc cho đời ắt khởi sinh.

5. Người nào kết bạn thiện, hiền nhân,
Ðược trọng vì mồm chẳng ác thâm,
Không hại bạn, chia đều của cải,
Chính niềm hạnh phúc giữa thân bằng.

6. Vợ hiền, đồng tuổi, có tình thân,
Tận tụy, nhân từ, trẻ lại đông,
Ðức hạnh, trung thành, dòng quý tộc,
Ấy niềm hạnh phúc giữa hồng quần.

7. Vua nào đại đế giữa thần dân,
Biết sống thanh cao, đủ khả năng,
Bảo: "Ðấy bạn ta", không dối trá,
Chính niềm hạnh phúc giữa vương quân.

8. Thành tín, cùng cơm nước cúng dường,
Vòng hoa tươi tốt, các mùi hương,
Với tâm thanh tịnh, gieo an lạc,
Ấy mang hạnh phúc mọi thiên đường.

9. Các trí nhân thuần thiện, chánh chân,
Tâm tư rửa sạch, gắng tinh cần,
Theo đời thanh tịnh, người hiền trí,
Phúc lạc thay người giữa Thánh nhân!

Cứ như vậy bậc Ðại Sĩ đã đưa bài thuyết Pháp lên đến đỉnh cao nhất của Thánh Quả, và sau khi đã giải thích các Ðiềm lành trong tám vần kệ, ngài ngâm vần kệ cuối cùng để tán thán các Ðiềm lành ấy:

10. Công đức như vầy giữa thế gian,
Ðược tôn sùng bởi mọi hiền nhân,
Người khôn hãy bước đi theo chúng,
Ðiềm triệu chẳng mang tính thật chân.

Các bậc hiền trí, sau khi nghe các Ðiềm lành này xong, còn ở lại bảy tám ngày nữa rồi từ giã ngài và lên đường đến chỗ cũ.

Vua đến thăm các ông và hỏi chuyện kia. Các vị giải thích vấn đề Ðiềm lành như cách đã được giải thích cho quý vị và trở lại Tuyết Sơn. Từ đó về sau, vấn đề Ðiềm lành đã được thông hiểu trên thế giới. Sau khi đã chuyên tâm học tập vấnđề Ðiềm lành, lúc mạng chung, các vị đều lên cộng trú với Thiên chúng rất đông đảo. Còn Bồ-tát tu tập Tứ Vô lượng tâm, và cùng với hội chúng của ngài được tái sinh lên cõi Phạm thiên.

*

Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư bảo:

- Này các Tỳ kheo, không phải bây giờ mà cả ngày xưa nữa Ta cũng đã giải thích vần đề Ðiềm lành.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

- Vào thời ấy, hội chúng đệ tử của đức Phật là đám hiền nhân kia, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là vị Trưởng đệ tử, người đã hỏi vấn đề Ðiềm lành, và Ta chính là Ðạo Sư.

-ooOoo-



454. Chuyện Trí Giả Ghata (Tiền thân Ghata)

Hắc đế Kan-ha hãy đứng lên...,

Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về cái chết của một nam tử. Hoàn cảnh cũng giống trong số 449. tt Matta Kundali.

Ở đây, Bậc Ðạo Sư hỏi vị nam cư sĩ:

- Này cư sĩ, có phải ông đang phiền muộn chăng?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Ðức Phật bảo:

- Này cư sĩ, ngày xưa các bậc trí nghe lời dạy của các hiền nhân nên không phiền muộn về cái chết của con mình nữa.

Và theo lời thỉnh cầu của ông, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa một vị vua có danh hiệu là Mahàkamsa, trị vì ở Uttaràpatha, trong địa hạt Kamsa ở kinh thành Asitanjanà. Ông có hai hoàng nam Kamsa và Upakamsa, và một công chúa Devagabbhà. Vào ngày sinh nàng, các Bà-la-môn tiênđoán tương lai của nàng, bảo:

- Một hoàng nam do công chúa này sinh ra sẽ phá hoại xứ sở và dòng họ Kamsa.

Vua quá yêu thương con gái nên không thể giết nàng được, mà để cho các hoàng huynh của nàng lo liệu việc đó, còn ngài chỉ sống hết đời thì từ trần. Khi ngài băng hà, Kamsa lên làm vua, và Upakamsa làm phó vương.

Hai vị nghĩ sẽ có sự phản đối của quần thần nếu như bắt công chúa phải chết, vì thế quyết định không gả nàng cho ai cả, mà cứ để nàng sống không có chồng và canh giữ thật kỹ. Các ngài lại xây một cái tháp tròn đơn độc để nàng ở đó. Bấy giờ nàng có một nữ tỳ tên là Nandagopà, và chồng nữ tỳ này là Andhakavenhu, gã gia nô canh giữ nàng.

Thời ấy vị vua danh hiệu Mahàsàgara đang trị vì ở phương Bắc Madhurà, có hai vương tử là Sàgara và Upàsàgara. Vào lúc vua cha băng hà, Sàgara lên ngôi vua và Upasàgara làm phó vương. Vương tử này là bạn của Upakamsa, cùng lớn lên và cùng học với một thầy. Song chàng đã có âm mưu dan díu trong khuê phòng của hoàng huynh và bị bại lộ nên phải chạy trốn đến Upakamsa, trong địa phận Kamsa. Upakamsa tiến cử chàng với vua Kamsa và vua đón tiếp chàng rất trọng thể.

Upasàgara, trong lúc vào chầu vua, thường quan sát cái tháp mà công chúa Devagabbhà trú ngụ, và khi hỏi ai ở đó, rồi nghe chuyện kia, chàng đem lòng yêu nàng. Còn Devagabbhà, một hôm, trông thấy chàng khi chàng cùng đi với Upakamsa vào chầu vua. Nàng hỏi ai đó, và khi dược Nandagopà nói đó là Upasàgara, con của Ðại vương Sàgara, thì nàng cũng yêu chàng ngay. Chàng Upasàgara trao một món quà cho Nandagopà, bảo:

- Này hiền tỷ, xin chị thu xếp cho tôi được gặp Devagabbhà.

- Dễ lắm.

Nandagopà vào và kể lại chuyện ấy với công chúa. Nàng đã thầm yêu chàng nên đồng ý ngay. Một đêm kia Nandagopà sắp đặt một cuộc hẹn hò và đem Upasàgara lên tháp và chàng ở lại đó với Devagabbhà. Vì đôi bên tiếp xúc thường xuyên như thế, nên Devagabbhà có thai. Dần dần ai cũng biết nàng có thai, nên hai vị hoàng huynh cật vấn Nandagopà. Nữ tỳ này xin hai vị tha tội cho nàng, rồi kể tình tiết của câu chuyện. Khi hai vị nghe chuyện, liền suy nghĩ: "Ta không thể bảo giết em gái ta được. Nếu em ta sinh con gái, chúng ta sẽ tha chết cho hài nhi ấy luôn, còn nếu con trai thì giết nó đi."

Và hai vị vua gả Devagabbhà cho Upasàgara đem về làm vợ.

Ðến thời mãn nguyệt khai hoa, nàng sinh hạ một gái. Hai vị hoàng huynh nghe tin ấy rất hoan hỷ đặt cho hài nhi tên là công nương Anjanà. Hai vị lại cho các em một ngôi làng để làm tài sản, đặt tên là Govaddhamàna. Upasàgara đem Devagabbhà đến sống cùng nhau tại ngôi làng ấy.

Devagabbhà lại có thai nữa và đúng ngày đó Nandagopà cũng có thai. Khi đến kỳ, cả hai lại cùng sinh một ngày. Deva sinh con trai và Nanda sinh con gái. Song Deva sợ rằng con trai nàng có thể bị giết nên bí mật gởi con đến Nanda và nhận con gái của Nanda về nuôi. Chúng lại báo tin nàng sinh con ấy với hai vị hoàng huynh. Hai vị hỏi:

- Con trai hay gái?

Chúng đáp:

- Con gái.

- Vậy thì lo nuôi nấng nó đi - Các hoàng huynh bảo.

Cứ như vậy, Devagabbhà sinh mười con trai, và Nandagopà sinh mười con gái. Bọn con trai sống với Nanda và bọn con gái sống với Deva, chẳng một ai biết được bí mật kia.

Con trai trưởng của Devagabbhà được đặt tên là Vàsu-Deva, con trai thứ là Bala-Deva, thứ ba là Canda-Deva, thứ tư Suriya-Deva, thứ năm Aggi-Deva, thứ sáu Varuna-Deva, thứ bảy Ajjuna, thứ tám Pajjuna, thứ chín Ghata-Pandita, thứ mười Amkura. Chúng nổi tiếng là các con trai của gia nô Andhakavenhu hay Mười Anh Em Nô lệ.

Theo thời gian chúng lớn khôn, rất cường tráng lại hung dữ, bạo tàn, chúng đi khắp nơi cướp phá, chúng còn cả ganđến độ cướp lễ vật triều cống được dâng vua. Dân chúng đến tụ tập ở sân chầu vua, kêu than:

- Các con trai của Andhakavenhu, cả Mười Anh Em ấy đang cướp phá xứ sở.

Vì thế vua triệu Andhakavenhu đến, trách mắng y đã để các con mình đi cướp bóc. Cứ như vậy, các tiếng kêu than nổi dậy ba bốn lần, vua hăm dọa y. Vì lo sợ cho tính mạng mình nên y xin vua ban cho y đặc ân được an toàn tính mạng rồi kể chuyện bí mật kia, rằng chúng không phải là con trai của y như thế nào, mà là con trai của Upasàgara. Vua hoảng sợ.

- Làm thế nào bắt chúng nó được? Ngài hỏi quần thần.

Quần thần tâu:

- Tâu Ðại vương, chúng nó là bọn đánh vật, chúng ta hãy tổ chức thi đánh vật tại kinh thành, và khi chúng vào vòngđấu, chúng ta sẽ bắt chúng và giết đi.

Thế là quần thần tìm hai người đánh vật Cànura và Mutthika, và cho loan báo khắp kinh thành bằng trống lệnh rằng vào ngày thứ bảy sẽ có một cuộc thi đô vật.

Vùng đấu được chuẩn bị trước hoàng môn, có hàng rào quanh đấu trường . Vòng được trang hoàng rất vui mắt. Cờ chiến thắng được buộc sẵn sàng. Cả kinh thành quay cuồng như ở trong cơn lốc. Hàng hàng lớp lớp ghế ngồi chật ních. Cànura và Mutthika bước vào vòng đấu, đi nghênh ngang, nhảy nhót, la hét, vỗ tay. Mười Anh Em kia cũng thế. Trênđường đi chúng đã cướp phá phố thợ giặt nên phục sức các xiêm y rực rỡ vào, lại cướp nước hoa của các tiệm nước hoa, xoa dầu thơm khắp người, đeo vòng trên đầu, hoa tai trên tai chúng nghênh ngang bước vào đấu trường, nhảy nhót, la hét vỗ tay.

Vào lúc ấy, Cànura đang đi quanh và vỗ tay, Baladeva thấy gã liền suy nghĩ: "Ta không muốn đụng kẻ kia với bàn tay ta!" Nên chàng chụp lấy sợi dây lớn từ chuồng voi, vừa nhảy lên, hò hét, vừa ném dây quanh bụng Cànura, cột hai đầu dây lại thật chặt, rồi tung gã kia lên, quay cuồng gã quanh đầu mình, rồi đạp gã xuống đất cho lăn ra khỏi đấu trường. Khi Cànura đã chết, vua cho gọi Mutthika. Mutthika bước lên, hò hét, vỗ tay. Baladeva tát mạnh vào mặt gã và trong lúc gã la lớn:

- Ta không phải kẻ đấu vật. Ta không phải kẻ đấu vật!

Baladeva cột hai tay gã lại bảo:

- Ðấu vật hay không phải đấu vật đối với ta cũng thế thôi!

Rồi chàng xô mạnh gã xuống đất, giết gã, và ném gã ra ngoài đấu trường.

Mutthika trong cơn giãy chết, thốt ra lời nguyền: "Ước mong ta thành quỷ để xé xác nó ra", và gã trở thành con quỷ ở trong rừng có tên gọi là Kàlamattiya. Vua bảo:

- Bắt Mười tên Nô lệ này ra ngay.

Vào lúc ấy Vàsudeva ném một cái bánh xe (một loại binh khí), chặt đứt đầu cả hai anh em nhà vua. Ðám đông kinh hoàng quỳ xuống chân chàng, và xin chàng cứu giúp che chở cho họ.

Thế là Mười Anh Em này, sau khi đã giết hai ông cậu xong, lên làm vua tại kinh thành Asitanjanà và đem cha mẹ về đó ở.

Lúc bấy giờ họ bắt đầu dự định chinh phục cả cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ). Chẳng mấy chốc, họ đi đến kinh thành Ayojjhà, nơi ngự trị của vua Kàlasena. Họ bao vây kinh thành. tiêu diệt đám rừng rậm quanh đó, phá vỡ trường thành và bắt vua làm tù binh, chiếm vương quốc vào tay họ.

Sau đó họ đến Dvàravati. Bấy giờ kinh thành này có một phía là biển, một phía là núi. Dân chúng đồn rằng nơi đó có quỷ hiện. Con quỷ giữ vị trí canh phòng, hễ thấy quân thù nó hóa thành con lừa, và hí như lừa vậy. Lập tức nhờ sức kỳ bí của quỷ, cả kinh thành bay lên không gian đặt chân trên một hòn đảo giữa biển, khi quân thù đi rồi, nó sẽ trở lại và ổn định trên vị trí cũ.

Lần này cũng như thường lệ, vừa khi con lừa thấy Mười Anh Em kia đến, thì nó hí lên như lừa. Cả kinh thành bay lên không gian và đặt mình trên hòn đảo kia. Họ không thấy kinh thành nữa nên quay lui. Sau đó kinh thành lại trở về chỗ cũ. Bọn họ trở lại, con lừa lại làm như trước, bọn họ không thể nào chiếm lấy thành Dvàravati được.

Vì thế họ đến yết kiến vị hiền giả Kanhadìpàyana và nói:

- Thưa Tôn giả, chúng tôi đã thất bại trong việc chiếm vương quốc Dvàravati, xin cho chúng tôi biết phải làm cách nào?

Ông bảo:

- Trong một cái hào ở nơi kia, có một con lừa đi quanh quẩn. Nó hí lên khi thấy quân thù, nên lập tức kinh thành bay lên không. Các ngài phải ôm lấy chân nó mà van xin, đó là cách để các ngài đạt mục đích.

Sau đó họ tạ từ ẩn sĩ và cả mười người đi đến con lừa, quỳ xuống chân nó bảo:

- Thưa Tôn ông, chúng ta không nhờ cậy ai được ngoài Tôn ông! Khi chúng ta đến chiếm thành, xin đừng hí lên.

Con lừa đáp:

- Ta không thể nào không hí được. Song nếu các ngài đến trước, và bốn người trong bọn các người đem các cây cày bằng sắt thật lớn, và đặt bốn cột trụ sắt lớn ở dưới đất tại bốn cổng thành. Khi kinh thành bắt đầu bay lên, nếu các ngàiđóng vào trụ sắt một dây xích bằng sắt buộc vào cây cày thì kinh thành không thể nào bay lên nổi.

Họ cám ơn con lừa, và nó không kêu một tiếng khi họ đem đến các cây cày và đào hố chôn các cột trụ dưới đất ở bốn cổng thành rồi đứng đợi. Sau khi con lừa hí, cả kinh thành bắt đầu bay lên. Song những người đứng ở bốn cổng thành với bốn cây cày đã đóng vào các cột trụ các dây xích sắt buộc vào các cây cày, nên kinh thành không thể bay lên được nữa. Thế là Mười Anh Em vào thành giết vua và chiếm vương quốc.

Như vậy họ chiếm được toàn cõi Diêm-phù-đề, và trong sáu mươi ba ngàn kinh thành, họ đã dùng bánh xe kia giết sạch mọi vị vua các nước đó, rồi sống tại Dvàravati, chia vương quốc thành mười phần. Song họ đã quên mất cô chị đầu là công nương Anjanà, vì thế họ bảo:

- Hãy chia vương quốc ra mười một phần.

Song Amkura đáp:

- Thôi cho chị ấy phần của tiểu đệ, và đệ sẽ làm việc khác mà sống, các vương huynh chỉ giảm thuế cho đệ ở mỗi vương quốc của các vương huynh thôi.

Họ đồng ý và đưa phần chàng cho chị đầu; họ sống chung với nàng tại Dvàravati, cả chín ông vua, trong khi Amkurađóng tàu đi buôn.

Với thời gian các vua ấy sinh được nhiều con trai và con gái và lâu sau đó, các bậc cha mẹ họ từ trần. Vào thời ấy chuyện kể là con người sống đến hai mươi ngàn tuổi.

Sau đó vương tử yêu quí của Ðại vương Vàsudeva mất đi. Vua dở sống dở chết vì sầu muộn, nên xao lãng mọi việc, cứ nằm than khóc, bám chặt lấy sàng tọa. Lúc ấy Trí giả Ghata suy nghĩ: "Trừ ta ra không ai đủ khả năng xoa dịu nỗi buồn của hoàng huynh. Ta muốn tìm phương tiện để làm giảm nỗi ưu phiền cho ngài." Vì thế chàng làm vẻ điên cuồng đi khắp kinh thành, nhìn lên bầu trời và kêu lớn:

- Cho ta một con thỏ! Cho ta một con thỏ!

Cả kinh thành chấn động lên:

- Trí giả Ghata nổi điên rồi. Họ bảo nhau.

Vừa lúc ấy một cận thần tên là Rohineyya, đi vào yết kiến vua Vàsudeva và mở đầu câu chuyện bằng cách ngâm vần kệ đầu tiên:

1. Hắc đế Kan-ha, hãy đứng lên,
Sao ngài nhắm mắt ngủ, nằm yên,
Kìa bào đệ, gió to đang cuốn
Tâm trí chàng bay mất, hãy nhìn:
Mất trí, Gha-ta mồm lảm nhảm,
Hỡi ngài Ðại đế tóc đen huyền!

*

Khi viên cận thần nói vậy xong, Bậc Ðạo Sư thấy vua ấy đứng dậy, rồi với Trí tuệ Tối thắng, Ngài cảm hứng ngâm vần kệ thứ hai:

2. Chốc lát vua dài tóc Ke-sa,
Nghe Ro-hi lớn tiếng gào la,
Ðứng lên, đại đế đầy phiền muộn
Vì nỗi khổ buồn của Gha-ta.

*

Vua đứng lên, vội vàng bước xuống từ cung thất tiến về phía Trí giả Ghata, ngài chụp mạnh lấy chàng bằng cả hai tay và ngâm vần kệ thứ ba hỏi chàng:

3. Sao dáng điên rồ, đệ bước qua
Khắp miền non nước Dvà-ra-ka,
Và kêu: "Thỏ, thỏ! này cho biết,
Ai lấy thỏ con của đệ à?

Trước câu hỏi của vua, chàng chỉ đáp lại bằng cách ngâm mãi các lời kệ ấy. Còn vua ngâm thêm hai vần kệ nữa:

4. Thỏ làm bằng ngọc hoặc vàng ròng,
Như đệ ước ao, bạc hoặc đồng,
Vỏ óc, san hô, hay đá cuội,
Ta làm ngay thỏ, đệ an lòng.

5. Còn có nhiều loài thỏ biết bao,
Vẫn thường quanh quẩn chốn rừng sâu,
Ðược mang về nữa ta đòi bắt,
Hãy nói, em thích chọn thứ nào?

Nghe lời vua, bậc hiền nhân đáp lại bằng cách ngâm vần kệ thứ sáu:

6. Em chẳng ước ao thỏ thế gian,
Mà mơ con thỏ ở cung trăng,
Này Ke-sa, thỏ kìa, đem xuống,
Em chẳng đòi thêm một đặc ân.

"Chắc em ta đã nổi điên rồi". Vua suy nghĩ khi nghe nói vậy. Lòng đầy sầu muộn, ngài ngâm vần kệ thứ bảy:

7. Nói thật này em sẽ chết thôi,
Nếu em cầu khấn chuyện kia hoài,
Em đòi chuyện chẳng ai mong ước,
Con thỏ cung trăng ở cõi trời!

Trí giả Ghata khi nghe vua đáp lại, liền đứng yên không nhúc nhích và nói:

- Này vương huynh, anh biết rằng con người đòi thỏ mặt trăng thì không thể nào có được và sẽ phải chết. Vậy tại sao anh phiền muộn vì đứa con trai đã mất?

8. Nếu Kan-ha hiểu chuyện này mau,
Và giải khuyên người khóc khổ đau,
Anh vẫn cớ sao đang phiền muộn
Ðứa con trai đã chết từ lâu?

Rồi chàng nói tiếp khi vẫn đứng trên đường.

- Này anh, em chỉ cầu xin cái có thật, còn anh lại phiền muộn vì cái không còn nữa.

Sau đó chàng giáo hóa vua bằng hai vần kệ sau:

9. Con ta sinh, ước chẳng lìa trần,
Không một người hay cả thánh thần
Có thể đạt lời nguyền kia, vậy
Sao điều không có, lại cầu mong?

10. Không có bùa thiên, hoặc thuốc thần,
Chẳng loài cỏ thuốc hoặc tiền vàng
Ðủ công năng để làm cho sống
Người chết, Kan-ha vẫn khóc than.

Vua nghe vậy, đáp:

- Này hiền đệ, em có mục đích tốt lành lắm. Em đã làm như vậy để xua tan phiền muộn của ta.

Sau đó ngài ngâm bốn vần kệ để tán thán Trí giả Ghata:

11. Trẫm nghe nhiều bậc trí nhân,
Nhiều người lỗi lạc khuyên toàn điều hay,
Song Gha-ta đã khéo thay,
Mở đôi mắt trẫm từ nay sáng bừng!

12. Ta đang thiêu đốt trong lòng,
Như khi người đổ dầu trong lửa đào,
Em đà mang nước lạnh vào,
Và em dập tắt khát khao tủi buồn.

13. Vì con, bao nỗi sầu tuôn,
Mũi tên độc cắm trong hồn của ta,
Em vừa an ủi khuây khoa
Nỗi niềm bi thiết, nhổ ra tên này.

14. Tên vừa nhổ, hết đau ngay,
Giữ tâm thanh thản, ta rày bình an,
Nghe lời chân lý, hỡi chàng,
Ta không còn phải khóc than đau buồn.

*

Và cuối cùng:

15. Hãy làm như đấng từ tâm,
Và như các bậc trí nhân đại hiền
Giải tan các nỗi ưu phiền,
Như Gha-ta đã giải khuyên anh mình.

Ðây là vần kệ phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng.

*

Bằng cách ấy, Vàsudeva Ðại vương đã được vương tử Ghata an ủi nỗi buồn.

Sau một thời gian dài, vua cai trị vương quốc, các vương tử của Mười Anh Em làm vua kia suy nghĩ:

- Dân chúng đồn rằng Kanhadìpàyana có thần thông lực. Ta thử xem sao.

Thế là cả bọn ấy kiếm một thanh niên cho gã phục sức đẹp vào rồi buộc một chiếc gối quanh bụng gã làm như thể gã có thai. Rồi họ đem gã vào yết kiến ngài và hỏi:

- Thưa Tôn giả, khi nào thì người đàn bà này sinh con?

Nhà ẩn sĩ nhận thấy (nhờ thần lực) rằng Mười Anh Em vương tử này đã đến hồi mạt vận; rồi khi xem kỹ hạn kỳ mạng sống của chính mình được chừng nào, ngài hiểu là ngài phải chết đúng ngày hôm ấy. Sau đó ngài hởi:

- Thưa các vị vương tử, người này là gì của các vị?

Họ khăng khăng đáp lại:

- Xin hãy trả lời cho chúng ta rõ.

Ngài đáp:

- Từ ngày thứ bảy kể từ nay, người này sẽ sinh ra một khúc gỗ keo. Với khúc gỗ ấy, nó sẽ phá tan dòng họ Vàsudeva, dù cho các vị có lấy thanh gỗ ấy và đốt đi rồi thả tro xuống sông.

- A, đạo sĩ này giả hiệu - họ đáp. Ðàn ông không thể nào đẻ con được!

Rồi họ làm một sợi dây thừng giết ngài lập tức.

Các vị vua triệu các vương tử vào hỏi tại sao đã giết đạo sĩ. Khi các vị nghe như vậy đều kinh hãi. Các vị cho người canh giữ chàng trai kia, và đến ngày thứ bảy, chàng ta lấy ra từ trong bụng một khúc gỗ keo, họ đem đốt đi và thả tro xuống sông. Tro ấy trôi theo dòng nước dính vào một bên bờ nhờ một cái ngõ vào phía sau, từ nơi ấy mọc lên một cây Eraka.

Một ngày kia, các vua đề nghị đi hu hí dưới sông . Vì thế các vị ấy đến ngõ sau này dựng một chiếc rạp lớn, và trong cái rạp rực rỡ ấy, các vị vua ăn uống vui đùa. Sau đó, các vị bắt đầu đấm đá nhau và chia thành hai phe gây gổ dữ dội. Cuối cùng một người trong đám đó thấy không có gì tốt hơn để làm cây gậy liền hái một ngọn lá Eraka, ngay sau khi hái, nó liền biến thành cái gậy gỗ keo trong tay, người ấy dùng gậy đánh nhiều người. Rồi các người khác cũng hái như vậy, và các lá cây mà họ hái đều biến thành gậy gộc, và bọn người ấy dùng gậy đánh nhau cho đến chết. Trong lúc cả bọn tàn sát lẫn nhau, chỉ có bốn người: Vàsudeva, Baladeva, công chúa Anjanà, vương tỷ, và vị quan tế sư nhảy lên xe chạy trốn. Còn cả đám kia chết hết không sót ai.

Bấy giờ bốn vị ấy dùng xe trốn đi đến khu rừng Kàlamattikà, nơi ấy gã đấu vật Mutthika tái sinh làm quỷ đúng như lời nguyện của y. Khi y nhận thấy Baladeva, y liền dựng lên một ngôi làng tại đó rồi giả dạng làm người nô bộc vừa đi vừa nhảy nhót la hét vừa búng tay một hồi:

- Ai muốn đấu đây?

Baladeva mới thấy y liền nói:

- Này anh, em sẽ cố đánh gã này.

Vàsudeva cố hết sức ngăn cản chàng, song chàng vẫn xuống xe, đi đến gã, búng tay, gã kia chụp ngay chàng trong lòng bàn tay và nhai chàng ngấu nghiến như một củ cải!

Vàsudeva thấy chàng đã chết, liền đi suốt đêm cùng chị và viên tế sư rạng ngày sau vừa đến một làng ở biên địa. Vua nằm xuống trong chổ ẩn sau một bụi rậm, nhờ chị và viên tế sư vào làng bảo nấu một ít thức ăn đem đến dâng ngài. Một người thợ săn (tên là Jarà hay Lão niên) thấy bụi rậm lay động:"Chắc có con lợn rồi!", gã suy nghĩ và đâm một giáo xuyên suốt chân ngài.

- Ai đã bắn ta bị thương đó? Vàsudeva la lớn.

Người thợ săn thấy gã đã đâm nhằm một người nên kinh hoàng bỏ chạy trốn. Vua hồi tỉnh đứng lên gọi gã thợ săn:

- Này lão tiều phu, tới đây đừng sợ!

Khi gã đến, Vàsudeva hỏi:

- Người là ai?

- Tâu Chúa thượng, tiểu thần là Jàra.

- Than ôi! Vua nghĩ thầm: "Hễ ai bị Lão niên đâm bị thương đều phải chết, người xưa vẫn nói như vậy. Chắc chắn ta phải chết hôm nay rồi". Sau đó vua bảo:

- Này lão tiều phu, xin đừng sợ, đến đây buộc vết thương lại cho ta.

Khi miệng vết thương buộc lại xong, vua để gã đi. Vết thương khiến ngài đau đớn ghê gớm, ngài không thể ăn thứ gì mà các người kia mang đến. Sau đó, ngài bảo các người kia:

- Hôm nay ta phải chết. Các người yếu đuối lắm, không bao giờ có thể có nghề gì khác để sinh sống, vậy hãy học chuyên khoa này của ta.

Nói xong ngài dạy cho hai người học một chuyên khoa, rồi để cho họ ra đi, và ngài chết ngay hôm đó. Như vậy trừ công nương Anjanà, tất cả đều chết không ai sót. Câu chuyện kể như vậy.

*

Khi Bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:

- Này cư sĩ, như vậy ngày xưa, có người đã thoát khỏi khổ đau vì con chết bằng cách nghe theo lời dạy của các bậc trí nhân; thôi, ông đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa.

Sau đó Ngài tuyên thuyết các Sự thật, vị cư sĩ đã được an trú vào Sơ quả Dự lưu.

Rà Ngài nhận diện tiền thân:



- Vào thời ấy, Ànanda (A-nan) là Rohineyya, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là Vàsudeva, các đệ tử của đức Phật là các người kia, và Ta chính là Trí giả Ghata.

Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch

Tidak ada komentar:

Posting Komentar