Selasa, 20 Agustus 2013

Kinh Bổn Sanh: Chuyện Tiền Thân Đức Phật (55)

Trong lúc gã đang ném quả xuống thì một con rắn hổ đen bò ra từ một tổ kiến, bắt đầu leo lên cây, bọn người đứng phía dưới cố xua đuổi nó bằng gậy, đá...
Chương XIII (tt)
480. Chuyện Hiền Giả Akitta (Tiền thân Akitta)
Sak-ka, Chúa tể giữa quần sinh..,
Chuyện này bậc Ðạo sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về một đại thí chủ rất rộng lượng sống ở Xá-vệ.
Chuyện kể rằng người này mời bậc Ðạo sư đến nhà và suốt bảy ngày đã cúng dường rất nhiều thí vật cho Tăng chúng đi theo Ngài. Vào ngày cuối cùng lại cúng dường Thánh chúng đủ các vật dụng cần thiết, sau đó bậc Ðại sư nói lời tùy hỷ với ông:

- Này nam cư sĩ, công đức bố thí của ông thật là rộng lớn, ông đã thực hành một việc khó lắm thay. Bố thí là tục lệ của các bậc hiền trí ngày xưa, thí vật phải được phân phát dù người còn tại gia hay xuất gia, các bậc trí giả ngày xưa, ngay khi đã rời thế tục vào ở trong rừng, khi chỉ ăn lá Kara rảy nước mà không có thứ gia vị nào cả cũng vẫn đem cho đám khất thực đi qua đó để đáp ứng nhu cầu của các vị ấy và vẫn an trú trong hỷ lạc của bản thân mình.

Gia chủ kia đáp:

- Bạch Thế Tôn, việc cúng dường mọi vật dụng cần thiết ấy cho Tăng chúng thật rõ ràng dễ hiểu. Song lời dạy của Thế Tôn chưa được rõ. Xin Thế Tôn giải thích cho chúng con.

Rồi theo lời thỉnh cầu trên, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh trong một gia đình đại phú Bà-la-môn, có tài sản lên tới tám trăm triệu. Ngài được đặt tên là Akitti. Khi ngài vừa biết đi, thì một bé gái lại ra đời với tên Yavasati.

Lúc mười sáu tuổi, bậc Ðại sĩ đi vào thành Ba-la-nại học tập cho đến lúc thành đạt rồi ra về. Sau đó cha mẹ ngài quađời. Khi ngài cử hành tang lễ cho song thân đã khuất xong, ngài xem xét lại kho tàng của gia tộc. Danh mục ghi rõ: "Các vị này, vị kia đã tích trữ những tài sản lớn như vậy rồi qua đời, kế đến là các vị khác cũng tích trữ nhiều như vậy.." Nghe chuyện này, ngài phiền muộn trong trí và nghĩ thầm: "Kho báu này ai cũng thấy cả, song những vị tích trữ tài sản thì không còn nữa. Các vị đã ra đi để lại kho báu đằng sau mình, nhưng khi ta từ trần, ta muốn đem theo bảo vật". Vì vậy, ngài cho tìm em gái đến và bảo:

- Hiền muội, hãy trông nom kho báu này.

- Ý hiền huynh là thế nào?

Ngài đáp:

- Ta muốn làm người tu khổ hạnh.

Nàng đáp:

- Này hiền huynh, tiểu muội không muốn đội lên đầu những thứ mà hiền huynh đã nhổ ra khỏi miệng, tiểu muội chẳng muốn thứ gì cả, mà cũng muốn sống đời khổ hạnh thôi.

Rồi sau khi xin phép vua, ngài bảo đánh trống vang dội khắp kinh thành, bố cáo cho mọi người rõ:

- Toàn dân lắng nghe này: "Ai muốn có tiền bạc cứ đến nhà hiền nhân kia!".

Suốt bảy ngày, ngài phân phát những kho tài sản lớn, tuy thế kho báu vẫn chưa hết, ngài lại nghĩ thầm: "Tứ đại trong thân ta đang tan rã, ta còn muốn cái trò phân phát tài sản này nữa sao? Thôi, ai muốn lấy cứ lấy đi".

Thế là ngài từ giã ngôi nhà đầy châu báu, giữa các gia nhân thân quyến khóc lóc xung quanh, ngài cùng em gái ra đi. Và cái cổng thành Ba-la-nại nơi các ngài đi qua được gọi là cổng Akitta, còn bến đò các ngài bước xuống bến sông cũng được đặt tên là bến đò Akitta nữa.

Các ngài băng qua ba dặm đường, đến một nơi mát mẻ dễ chịu thì dựng lên một am lá và cùng em gái ngài sống như người tu khổ hạnh. Sau thời gian từ bỏ thế tục, nhiều người khác cũng làm như vậy, dân ở thôn quê, thị trấn, hoặc ở kinh thành, đầy đủ cả. Hội chúng thật đông đảo, các vị ấy nhận được nhiều vật cúng dường cùng sự tôn trọng sùng kính chẳng khác nào thời có một đức Phật xuất hiện ở đời. Lúc ấy bậc Ðại sĩ thầm nghĩ: "Ở đây thật nhiều vinh quang trọng vọng cùng với vô số thí vật và hội chúng đông đảo, song ta phải độc cư".

Vì thế, vào một lúc không ai ngờ được và cũng không báo trước cho cô em gái, ngài ra đi một mình, dần dần đến tận vương quốc Damila ở bờ biển bắc Tích lan sống trên một hoa viên sát trên vùng Kàvìrapattana, ngài tu tập Thiền định và Thắng trí. Tại đó ngài cũng nhận được sự ngưỡng mộ và vô số thí vật của dân. Ðiều ấy không thích hợp với ngài, ngài liền từ bỏ hết và phi hành qua không gian rồi đến tận đảo của Rắn Rồng (Nàga) gần Bắc Tích Lan. Vào thời ấy, Kàradìpa được gọi là Ahidìpa hay đảo Rắn Rồng. Tại đó, ngài xây một ẩn am cạnh một cây Kàra lớn và an trú. Song việc ngài ở đó không ai hay biết cả.

Lúc bấy giờ, em gái ngài đi tìm anh, dần dần đến tận vương quốc Damila, vẫn không gặp ngài, nàng lại ở ngay chính nơi ngài đã ở, song nàng không thể phát khởi Thiền định.

Còn bậc Ðại sĩ sống thiểu dục đến độ ngài không đi đâu cả, mà cứ vào mùa có trái cây chín, ngài chỉ sống bằng trái câyđó, còn vào mùa lá trổ bông thì ngài ăn lá đó luộc với ít nước lã. Nhờ ngọn lửa công đức của ngài mà chiếc ngai báu bằng cẩm thạch của Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ nóng rực lên. Thiên chủ nghĩ: "Ai đã khiến ta phải bước xuống khỏi chiếc ngai ta đang ngự?" và ngài nhận xét và thấy bậc hiền nhân này, ngài nghĩ thầm: "Tại cớ gì vị tu khổ hạnh đằng kia hộ trì công đức? Có phải vị ấy muốn lên ngôi Thiên chủ chăng? Hay vì một duyên cớ nào khác? Ta muốn thử vị ấy xem. Vị ấy sống rất khổ cực, chỉ ăn lá Kàra luộc với nước thôi: Nếu vị đó ước muốn làm Thiên chủ, vị ấy sẽ nhường cho ta mớ lá cây luộc với nước của mình, còn nếu không thì vị ấy sẽ không đưa". Sau đó, Thiên chủ giả dạng một Bà-la-môn,đến gặp Bồ-tát.

Bồ-tát đang ngồi ở cửa thảo am, sau khi luộc lá và đem xuống, ngài nghĩ: "Khi nào nguội ta sẽ ăn". Vào lúc ấy, Sakka Thiên chủ đứng trước mặt ngài và xin bố thí. Khi Bồ-tát nhìn thấy Thiên chủ, lòng rất hoan hỷ: "Thật là một niềm hạnh phúc cho ta - Ngài nghĩ thầm - ta thấy một vị khất thực, hôm nay ta sẽ đạt được tâm nguyện và ta sẽ bố thí".

Lúc món ăn đã sẵn sàng, ngài liền múc vào bát ngài và vừa tiến về phía Thiên chủ, vừa nói:

- Ðây là vật cúng dường của ta, ước mong rằng đây là phương tiện để ta đạt Chánh Giác tối thượng.

Rồi chẳng để lại chút gì cho mình, ngài đặt hết thức ăn vào bình bát của Thiên chủ. Vị Bà-la-môn này cầm lấy vừa đi một khoảng ngắn thì biến mất. Còn bậc Ðại sĩ, sau khi cúng dường, cũng không nấu thêm thứ gì nữa, mà cứ ngồi an tịnh trong niềm hỷ lạc. Hôm sau, ngài cũng luộc lá và ngồi trước cửa am như cũ. Thiên chủ Sakka lại đến giả dạng một Bà-la-môn và bậc Ðại sĩ cũng bố thí rồi tiếp tục an trú vào hỷ lạc. Vào ngày thứ ba, ngài lại bố thí như trước, và bảo:

- Ngài hãy xem phần phước lạc dành cho ta nhiều biết bao! Chỉ một ít lá Kàra đã mang lại công đức lớn cho ta rồi.

Trong niềm hỷ lạc phát xuất tận đáy lòng như vậy, ngài thấy yếu người vì thiếu ăn đã ba ngày, ngài liền ra khỏi amđúng lúc ngọ và ngồi trước cửa, suy nghĩ về tặng vật ngài đã đem cúng dường.

Còn Sakka Thiên chủ nghĩ thầm: "Vị đạo sĩ Bà-la-môn này đã nhịn ăn đã ba ngày, yếu ớt thế kia song vẫn nhường cho ta và tìm an lạc trong việc bố thí. Trong tư tưởng vị này không còn ý định nào khác. Ta không hiểu vị ấy ao ước điều gì và tại sao lại bố thí như vậy, nên ta phải hỏi để hiểu vị ấy muốn gì và biết được nguyên nhân việc bố thí trên".

Vì thế, Thiên chủ chờ đợi đến quá giờ ngọ, và trong vẻ huy hoàng oai nghi tột bực, ngài xuất hiện trước mặt bậc Ðại sĩ, sáng chói như mặt trời ban mai; vừa đứng trước bậc Ðại sĩ, Thiên chủ hỏi:

- Này Ðạo sĩ, tại sao ngài hành trì khổ hạnh, trong rừng này, xung quanh là biển mặn bao bọc, với những cơn gió nóng hừng hực đang hắt mạnh vào người?

*

Thiên chủ ngâm vần kệ đầu để giải thích vấn đề này:

1. Sak-ka, Chúa tể của quần sinh,
Trông thấy A-ki đáng kính danh,
Liền hỏi: "Tại sao, này Ðại sĩ,
Trú đây trời hực nắng vàng hanh?"

*

Khi bậc Ðại sĩ nghe vậy, và thấy vị đó chính là Sakka, ngài đáp:

- Ta không ước ao đạt đến những cảnh giới trên kia, mà chỉ ao ước chứng đắc Chánh Giác tối thượng nên ta đã sốngđời khổ hạnh ở đây.

Ngài ngâm vần kệ thứ hai để làm sáng tỏ điều này:

2. Thân hoại, tái sinh, tử biệt trần,
Mê lầm, tất cả chính đau buồn,
Sak-ka Thiên chủ, nay vì vậy
Ta vẫn trú đây được vạn an.

Nghe những lời này, Sakka Thiên chủ hoan hỷ trong lòng và thầm nghĩ: "Vị ấy không ham thích bất cứ sinh loại hữu tình nào và vì muốn chứng đắc Niết bàn nên vào an trú trong rừng. Ta muốn ban cho vị ấy một điều ước". Thế là Thiên chủ mời ngài chọn một điều ước qua lời kệ thứ ba:

3. Kas-sa-pa, khéo diễn chân ngôn,
Ngài nói lên lời tối thượng tôn,
Hãy chọn giờ đây lời ước nguyện
Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

Bậc Ðại sĩ ngâm vần kệ thứ tư nói lên điều ngài ước mong:

4. Thiên chủ Sakka của chúng sinh,
Ban cho ta hưởng một ân lành;
Vợ con, vàng bạc, cùng kho lúa,
Dù có dư, ta vẫn bất bình;
Ta ước những điều tham dục ấy
Chẳng còn trú ẩn ở tâm mình.

Lúc ấy Sakka Thiên chủ vô cùng hoan hỷ, ban cho ngài thêm nhiều đặc ân khác nữa và bậc Ðại sĩ nhận lãnh, mỗi vị lần lượt ngâm một vần kệ như sau:

Thiên chủ:

5. Kas-sa-pa, khéo diễn chân ngôn,
Ngài nói lên lời tối thượng tôn,
Hãy chọn, giờ đây, điều ước nguyện,
Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

Bồ-tát:

6. Chúa tể muôn loài chính là Sak-ka,
Ân lành, ngài muốn tặng cho ta:
Ruộng, vàng, của cải, tôi đòi, ngựa,
Trâu, chó, ngay sau phải chết già.
Ta ước sẽ không còn giống chúng.
Ta mong nhược điểm ấy rời ta.

Thiên chủ:

7. Kas-sa-pa, khéo diễn chân ngôn,
Ngài nói lên lời tối thượng tôn,
Hãy chọn, giờ đây, điều ước nguyện,
Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

Bồ-tát:

8. Sak-ka, Thiên chủ ngự trên trần,
Ban tặng cho ta một đặc ân:
Ước chẳng nghe, nhìn người độn trí,
Kẻ kia chẳng sống với ta cùng,
Chẳng ham trò chuyện người vô trí,
Chẳng kết bạn cùng kẻ độn căn!

Thiên chủ:

9. Kẻ ấy làm gì, Kas-sa-pa,
Cho ngài, xin hãy nói ngay ra,
Tại sao bầu bạn người vô trí
Ngài chẳng ưa, này, hãy bảo ta.

Bồ-tát:

10. Hành động người ngu thật bạo tàn,
Buộc ràng gánh nặng chẳng ai mang,
Thực hành ác nghiệp: đích mong muốn,
Nổi giận khi nghe nói thật chân,
Nó chẳng biết gì là chánh hạnh,
Nên ta không muốn kẻ ngu gần.

Thiên chủ:

11. Kas-sa-pa, khéo diễn chân ngôn,
Ngài nói lên lời tối thượng tôn,
Hãy chọn, giờ đây, điều ước nguyện,
Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

12. Sak-ka, Thiên chủ của quần sinh,
Ban tặng cho ta một phước lành:
Ta ước nghe nhìn người có trí,
Ước mong vị ấy ở cùng mình.
Ta mong đàm luận cùng người trí,
Ðược kết giao cùng bậc trí minh.

13. Bậc trí làm gì, Kas-sa-pa,
Cho ngài, xin hãy nói ngay ra,
Sao ngài ao ước nơi ngài ở,
Người trí cùng chung sống một nhà?

14. Hành động tốt lành, bậc trí nhân
Chẳng ràng buộc gánh khổ vào thân,
Chuyên tâm, bậc trí làm ân phước,
Chẳng giận khi nghe nói thật chân,
Thông hiểu chánh hành, và bởi vậy,
Lành thay bậc trí sống chung cùng.

15. Kas-sa-pa, khéo diễn chân ngôn,
Ngài nói lên lời tối thượng tôn,
Hãy chọn, giờ đây, điều ước nguyện,
Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

Bồ-tát:

16. Sak-ka, Thiên chủ của quần sinh,
Ban tặng cho ta một phước lành:
Mong giải thoát ngoài vòng ái dục,
Và khi vầng nhật chiếu bình minh,
Mong chư Thánh giả du hành đến,
Ðem thực phẩm thiên giới tặng mình.

17. Mong tặng nó không giảm sút dần,
Ta không hối tiếc việc ta làm,
Mong lòng hoan hỷ lúc phân phát,
Ta chọn ước kia để hưởng phần.

Thiên chủ:

18. Kas-sa-pa, khéo diễn chân ngôn,
Ngài nói lên lời tối thượng tôn,
Hãy chọn, giờ đây, điều ước nguyện,
Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

Bồ-tát:

19. Sak-ka, Thiên chủ của quần sinh,
Ngài đã ban ta một phước lành:
Thiên chủ, xin đừng thăm viếng nữa,
Ðiều này khao khát tự tim mình.

Thiên chủ:

20. Song các nam nhân, các nữ nhân,
Những người đang sống thật hiền lương,
Ðều ước ao cùng ta diện kiến,
Việc này có tác hại gì chăng?

Bồ-tát:

21. Dung mạo ngài muôn vẻ thiện toàn,
Vô cùng hoan hỷ, đại vinh quang,
Thấy ngài, xao lãng điều tâm nguyện,
Nguy hại là trông thấy Ngọc hoàng!

- Thôi được rồi, thưa Tôn giả - Thiên chủ đáp - Ta quyết sẽ chẳng bao giờ viếng thăm ngài nữa.

Và vừa đảnh lễ ngài, vừa xin ngài thứ lỗi, Thiên chủ ra đi. Từ đó, bậc Ðại sĩ an trú tại nơi ấy suốt đời, tu tập Tứ Vô lượng tâm (từ,bi,hỷ,xả) và được sinh lên cõi Phạm thiên.

*

Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, Ànanda (A-nan) là Thiên chủ Sakka (Ðế Thích) và Ta chính là Hiền giả Àkitti.

-ooOoo-

481. Chuyện Hiền Giả Takkàriya (Tiền thân Takkàriya)

Ta nói điên cuồng tựa ễnh ương..,

Chuyện này bậc Ðạo sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về Tỷ-kheo Kokàlika.

Trong một thời an cư về mùa mưa, hai vị Ðại đệ tử Sàriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallàna (Mục-kiền-liên) muốn rời hội chúng và sống độc cư, nên từ giã bậc Ðạo sư, đi vào vương quốc, nơi có Tỷ-kheo Kokàlika trú ngụ. Các vị đến nhà Tỷ kheo Kokàlika và nói với ông như vầy:

- Này Hiền hữu Kokàlika, vì chúng ta thích sống với Hiền hữu và Hiền hữu cũng thích sống với chúng ta, nên chúng ta muốn ở lại đây ba tháng.

Vị kia hỏi:

- Các Tôn giả hoan hỷ khi an trú với tiểu đệ theo cách nào?

Hai vị đáp:

- Nếu Hiền hữu không nói với ai rằng hai Ðại đệ tử đang ở đây, thì chúng ta sẽ rất hoan hỷ, đó là niềm an lạc của chúng ta khi sống với Hiền hữu.

- Thế còn tiểu đệ được hoan hỷ như thế nào khi sống chung với các Tôn giả?

- Chúng ta sẽ thuyết Pháp cho Hiền hữu trong ba tháng tại nhà Hiền hữu, chúng ta sẽ giảng giáo lý cho Hiền hữu và việc đó là niềm hoan lạc của Hiền hữu khi sống với chúng ta.

- Xin các Tôn giả hiền huynh hãy an trú tại đây bao lâu các Hiền huynh muốn.

Rồi ông dành một nơi cư trú an lạc cho các ngài. Các ngài an trú tại đó trong quả vị của các Thiền chứng và không ai biết về việc các ngài an trú tại nơi ấy.

Sau khi hai vị đã trải qua mùa mưa như vậy, hai vị bảo ông:

- Này Hiền hữu, nay chúng ta đã ở với Hiền hữu xong, chúng ta muốn trở lại với bậc Ðạo sư.

Và hai vị từ giã lên đường. Ông chấp thuận, cùng với hai vị trên đường đi khất thực vào một làng đối diện nơi đã ở. Sau buổi cơm, các vị Tỷ-kheo Trưởng lão rời làng ấy. Còn Tỷ-kheo Kokàlika từ giã các vị xong, trở về nói với dân chúng:

- Này các cư sĩ, các ông thật giống loài thú hoang sơ. Ðây là hai vị Ðại đệ tử của đức Phật đã an cư suốt ba tháng trong một tinh xá đối diện nơi này, thế mà các ông không hay biết gì cả, nay các ngài đã đi rồi.

- Thưa Tôn giả, tại sao ngài không nói cho chúng tôi gì cả? Dân chúng hỏi.

Rồi họ đem bơ tươi, và thuốc men, y phục đến gần các vị Trưởng lão, kính lễ các vị và nói:

- Bạch các Tôn giả, xin các Tôn giả tha thứ cho chúng con. Chúng con không biết các ngài là Ðại đệ tử, chúng con chỉ mới biết điều ấy do lời của Tôn giả Tỷ-kheo Kokàlika. Xin các ngài từ bi đối với chúng con và nhận các thuốc men, y phục này.

Kokàlika cùng dân chúng đi theo các Trưởng lão vì ông suy nghĩ: "Các Tôn giả này sống rất đạm bạc và thiểu dục; các ngài sẽ không nhận các vật dụng này và rồi sẽ đem chúng cho ta". Nhưng hai vị Trưởng lão không nhận các vật dụng ấy cho phần mình, cũng không cho Tỷ-kheo Kokàlika, lý do là các vật ấy được cúng dường theo lời xúi giục của một Tỷ-kheo.

Lúc ấy, các cư sĩ liền nói:

- Bạch các Tôn giả, nếu các ngài không nhận các món này, xin đến đây lần nữa để ban phước cho chúng con.

Hai Trưởng lão chấp thuận hứa lời xong, rồi đi về yết kiến bậc Ðạo sư.

Lúc bấy giờ Tỷ-kheo Kokàlika tức giận vì hai Trưởng lão không nhận vật cúng dường cho phần mình mà cũng khôngđem cho vị này. Còn hai vị Trưởng lão, sau khi ở lại một thời gian ngắn với bậc Ðạo sư, liền chọn năm trăm Tỷ-kheo làm đoàn tùy tùng cho mỗi vị, rồi cùng cả ngàn Tỷ-kheo này du hóa khất thực đến tận xứ sở của Tỷ-kheo Kokàlika.

Các cư sĩ ra đường đón Tăng chúng và dẫn họ đến tinh xá trước kia, cùng bày tỏ lòng ngưỡng mộ hàng ngày đối với các vị.

Dân chúng cúng dường Tăng chúng cả kho lớn y phục và thuốc men. Các Tỷ-kheo đi khất thực cùng hai vị Trưởng lão phân phát y phục cho tất cả các Tỷ kheo đã đến đây, song không chia cho Kokàlika cái nào cả, và hai vị Trưởng lão cũng không cho ông chút gì. Kokàlika không nhận được y phục nên bắt đầu phỉ báng mạ lỵ hai vị Trưởng lão:

- Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên thật tràn đầy ác dục, trước kia đã không nhận các lễ vật cúng dường, nhưng nay lại nhận hết. Chẳng có gì làm thỏa mãn hai vị này cả. Các vị không thương tưởng đến kẻ khác.

Nhưng hai vị Trưởng lão nhận thấy ông đang nuôi ác tâm đối với mình nên các vị cùng đám đồ chúng ra đi, các vị cũng không muốn trở lại dù dân chúng van nài các vị hãy ở lại thêm vài ngày nữa. Lúc ấy, một vị Tỷ-kheo trẻ hỏi:

- Hai vị Trưởng lão sẽ không ở lại đâu, này các cư sĩ. Vị Tỷ-kheo khó tính của các ông không muốn các ngài ở lại đây.

Sau đó, dân chúng đi đến gặp Tỷ-kheo Kokàlika và hỏi:

- Thưa Tôn giả, chúng con được nghe nói Tôn giả không muốn hai vị Trưởng lão ở lại đây. Xin hãy đi ngay, hoặc là khuyên giải các ngài và đưa các ngài trở lại đây hoặc là Tôn giả cũng đi tìm chỗ khác mà ở.

Vì sợ dân chúng, vị này đi thỉnh cầu các Trưởng lão. Các vị đáp:

- Này Hiền hữu, hãy đi về! Chúng ta không trở lại đâu.

Thế là ông không thể thuyết phục hai vị, phải trở về tinh xá. Sau đó, các cư sĩ hỏi ông các Trưởng lão có trở lại nữa không. Ông đáp:

- Ta không thể thuyết phục các ngài trở lại được.

- Tại sao không, thưa Tôn giả?

Và họ bắt đầu suy nghĩ chắc hẳn không có thiện Tỷ-kheo nào muốn ở đó nữa, vì người này sống theo tà hạnh; và họ phải tống xuất ông đi. Họ liền bảo:

- Thưa Tôn giả, xin đừng lại ở đây, chúng con chẳng cung cấp gì cho Tôn giả nữa đâu.

Bị hội chúng làm ô nhục như vậy, vị ấy cầm bình bát, đắp y và đi đến Kỳ Viên. Sau khi đảnh lễ bậc Ðạo sư, ông nói:

- Bạch Thế Tôn, các Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên tràn đầy ác dục, hai vị đang có ác dục chế ngự.

Bậc Ðạo sư đáp:

- Này Kokàlika, đừng nói vậy; này Kokàlika, ông hãy có từ tâm đối với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, phải biết rằng đó là các thiện Tỷ-kheo.

Kokàlika nói:

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn tin tưởng hai vị Ðại đệ tử của Thế Tôn, còn con thấy tận mắt hai vị đang có ác dục, hai vị có những việc riêng tư trong lòng, hai vị ấy là các ác nhân.

Người ấy nói như vậy ba lần (mặc dù bậc Ðạo sư đã ngăn cản), rồi đứng dậy ra đi. Ngay khi đang đi trên đường, khắp thân thể ông mọc lên các mụt nhọt bằng hạt cải, sau lớn dần bằng hạt cây vilva chín muồi, vỡ ra, máu chảy khắp người. Ông rên rỉ ngã xuống bên cổng ở tinh xá Kỳ Viên, đau đớn điên cuồng. Bỗng có tiếng kêu lớn vang dội đến cõi trời Phạm thiên:

- Kokàlika đã phỉ báng hai vị Ðại đệ tử.

Rồi một vị Phạm thiên tên là Tudu, biết được chuyện này, xuất hiện với ý định hòa giải các Tỷ-kheo, liền bảo trong lúcđứng vững trên không:

- Này Kokàlika, ông đã làm một việc ác, vậy hãy đi giảng hòa với hai vị Ðại đệ tử.

Người ấy hỏi:

- Hiền hữu là ai thế?

- Ta là Phạm thiên Tudu. Vị thần kia đáp.

Người này lại bảo:

- Ngài đã chẳng được đức Thế Tôn tuyên bố ngài là một vị Bất Lai đó sao? Chữ ấy có nghĩa là một vị không trở lại đời này nữa. Ngài sẽ trở thành một con quỷ trên đống phân đấy.

Ông lại mạ lỵ vị Ðại Phạm thiên như vậy. Vì không thể thuyết phục người ấy theo lời khuyên của mình, vị Phạm thiênđáp:

- Ông sẽ bị hành hạ theo khẩu nghiệp của ông.

Sau đó, vị Thiên thần ấy trở về cõi an lạc của ngài. Còn Kokàlika chết đi liền tái sinh vào địa ngục Hoa sen. Việc người này được tái sinh tại đó được vị Ðại Phạm thiên chủ đầy oai thần Sahampati (Ta-bà chủ) trình đức Như Lai và bậc Ðạo sư kể lại cho các Tỷ-kheo. Trong Chánh pháp đường, Tăng chúng bàn luận về ác tâm của các người ấy:

- Này Hiền hữu, Kokàlika đã phỉ báng Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên và vì lời nói phát xuất từ chính miệng kia mà vị ấy đã đọa xuống Ðịa ngục Liên Hoa.

Bậc Ðạo sư bước vào và hỏi:

- Này các Tỷ-kheo, các ông đang nói chuyện gì trong lúc ngồi đây?

Tăng chúng trình Ngài. Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên Kokàlika bị hủy hoại vì chính khẩu nghiệp và bởi chính do miệng mình nên phải đày đọa khổ sở, mà trước kia cũng vậy.

Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, vị Tế sư của vua có màu da ngăm ngăm đen và mất hết cả hàm răng. Bà vợ của ông thông gian với một vị Bà-la-môn khác. Vị sau này cũng giống như vị trước. Nhiều lần vị Tế sư cố tìm cách ngăn cản vợ mình, nhưng không thể được. Rồi ông suy nghĩ: "Ðấy là kẻ thù của ta, ta không thể chính tay giếtđược, mà ta phải lập mưu kế giết nó đi".

Thế là ông đến yết kiến vua và tâu:

- Tâu Ðại vương, kinh thành của Ðại vương là kinh thành trọng yếu nhất trong toàn cõi Diêm-phù-đề, Ðại vương là vị vua cao trọng bậc nhất, nhưng dù Ðại vương là vị vua thủ lãnh, hoàng môn phía nam của Ðại vương lại có điềm xấu, nó được xây theo kiểu xui xẻo.

- Ðược rồi, này quốc sư, ta phải làm gì?

- Xin Ðại vương đem may mắn cho nó và chỉnh trang nó.

- Vậy phải làm gì đây?

- Ta phải hạ cổng cũ xuống, lấy loại gỗ mới có dấu hiệu may mắn, lập tế đàn cúng các vị thần canh giữ hoàng thành rồi xây hoàng môn theo cách kết hợp tốt lành của các vì sao.

- Thế khanh hãy làm như vậy.

Vào thời ấy, Bồ-tát là một trang nam tử tên là Takkàriya đang học tập với Tế sư này.

Bấy giờ, vị Tế sư ra lệnh hạ cổng thành cũ xuống làm cổng mới cho sẵn sàng, khi đã xong xuôi, ông vào tâu trình vua:

- Tâu Chúa thượng, cổng thành đã xong, ngày mai lại có sự kết hợp tốt lành của các tinh tú; vậy trước khi ngày mai trôi qua hết, ta phải làm tế lễ và dựng cổng thành mới.

- Ðược rồi, này quốc sư, phải cần tế lễ như thế nào?

- Tâu Chúa thượng, đại hoàng môn đang được các đại thần linh chiếm cứ và bảo vệ. Vậy phải giết một Bà-la-môn có da ngăm ngăm đen và không có răng, thuần chủng cả hai bên cha mẹ, lấy máu thịt vị đó đem ra tế lễ, thân thể đặt phía dưới, và cổng dựng lên trên đó. Vị ấy sẽ đem lại vận may cho Chúa thượng cùng cả kinh thành này.

- Ðược lắm, này quốc sư, hãy tìm một Bà-la-môn như vậy mà giết đi rồi dựng hoàng môn lên trên đó.

Vị Tế sư rất hoan hỷ. Ông bảo:

- Ngày mai ta sẽ trừ khử được kẻ thù của ta rồi!

Lòng đầy hăng hái, ông trở về nhà, nhưng không thể giữ yên cái lưỡi được, liền nói ngay với vợ:

- Này mụ già xấu xí kia, rồi mụ sẽ còn ai để hú hí nữa chứ? Ngày mai ta sẽ giết tình lang của mụ và đem tế lễ đấy!

- Tại sao ông muốn giết người vô tội?

- Ðức vua ra lệnh cho ta giết một người Bà-la-môn ngăm ngăm đen và dựng cổng thành lên người đó. Còn tình lang của mụ cũng ngăm ngăm đen nên ta định giết nó để tế lễ.

Bà vợ liền gởi cho tình quân một lá thư nhắn nhủ: "Chúng bảo đức vua muốn giết một Bà-la-môn da ngăm ngăm đen để tế lễ; vậy nếu chàng muốn cứu lấy mạng mình xin hãy lo đào tẩu kịp thời, đem theo cả những người nào giống như chàng nữa".

Người kia làm theo như vậy, tin đó lan khắp kinh thành, và mọi người nào có màu da đen đều tẩu thoát cả.

Vị tế sư không hề biết gì về việc kẻ thù đã chạy trốn, sáng hôm sau vào yết kiến vua thật sớm và tâu:

- Tâu Chúa thượng, trong chỗ kia có một Bà-la-môn da ngăm ngăm đen, xin cho bắt nó lại.

Vua bảo vài người đến tìm kẻ đó, nhưng họ chẳng thấy ai cả, liền trở về thông báo cho vua rằng kẻ ấy đã trốn thoát rồi, vua phán:

- Vậy hãy tìm nơi khác.

Họ lục soát khắp kinh thành nhưng chẳng tìm được ai. Vua phán:

- Phải kiếm thật nhanh lên.

Họ đáp:

- Tâu Chúa thượng, ngoại trừ vị quốc sư, chẳng còn ai khác nữa.

Vua phán:

- Tế sư không thể đem ra giết được.

- Tâu Chúa thượng, Chúa thượng đã phán bảo điều gì vậy? Theo lời tế sư này, nếu cổng thành không được dựng hôm nay, thì kinh thành sẽ gặp nguy hiểm. Khi vị tế sư giải thích việc này, ông ta để ngày này trôi qua, thì giờ tốt không trở lại nữa cho đến cuối năm. Kinh thành này không có cổng suốt một năm ròng là cơ hội ngàn vàng để cho kẻ thù chúng ta. Chúng ta phải giết một người nào đó, và làm tế lễ nhờ sự trợ lực của một vị Bà-la-môn hiền trí rồi dựng cổng thành.

- Nhưng có vị Bà-la-môn nào đủ tài trí như sư phụ ta chăng?

- Tâu Chúa thượng, có đồ đệ của vị ấy, một nam tử tên là Takkàriya, xin hãy phong vị ấy làm tế sư và cử hành lễ cát tường này.

Vua liền triệu vị nam tử ấy vào, ban cho chàng vinh hiển và phong chàng làm tế sư, rồi ra lệnh làm mọi sự như đã nói.

Vị nam tử ấy đi đến hoàng môn với một đám đông theo sau. Nhân danh hoàng đế, họ trói vị tế sư cũ và đem đến. BậcÐại sĩ bảo đào một cái hố, tại nơi hoàng môn sắp được dựng lên, che một cái lều trên đó, cùng với sư phụ bước vào lều. Vị tế sư ấy nhìn cái hố, thấy không lối nào thoát, liền bảo bậc Ðại sĩ:

- Mục đích của ta đã thành đạt, ta thật là một kẻ ngu si, ta đã không biết giữ mồm giữ miệng cho yên, mà lại hấp tấp nói với mụ đàn bà độc ác kia. Ta đã tự sát bằng chính binh khí của ta.

Rồi ông ngâm vần kệ đầu:

1. Ta nói điên cuồng tựa ễnh ương
Trong rừng gọi rắn: ngã nhào luôn
Vào trong hố, thật, Tak-ka hỡi,
Lời nói phi thời phải tiếc thương!

Sau đó vị nam tử đáp lời ông và ngâm vần kệ này:

2. Người nói phi thời phải diệt vong
Như vầy, than khóc với đau buồn,
Xin thầy tự trách mình nay phải
Nhận lỗ đào này, ấy hố chôn.

Cùng với lời ấy, ngài nói thêm:

- Thưa sư phụ, không phải chỉ mình sư phụ, mà nhiều người khác nữa, đã phải chịu khổ đau vì không biết phải giữ lời nói cho kỹ.

Nói vậy xong, ngài kể một chuyện quá khứ để minh chứng điều đó.

*

Chuyện kỹ nữ Kàli

Chuyện kể rằng ngày xưa tại Ba-la-nại, có một cô kỹ nữ sang trọng tên là Kàli, nàng có một người anh tên là Tundila. Trong một ngày, Kàli có thể kiếm cả ngàn đồng tiền. Bấy giờ Tundila là một gã trác táng, nghiện rượu, mê cờ bạc, hễ nàng cho gã tiền và gã có được bao nhiêu tiền đều phung phí hết. Nàng cố sức ngăn cản gã nhưng không thể được.

Một hôm gã thua bài súc sắc, phải mất ngay cả áo quần đang mặc trong mình. Gã vừa mang quanh mình một tấm khố rách vừa đi đến nhà em gái. Nhưng nàng đã ra lệnh cho các tỳ nữ rằng nếu Tundila có đến thì bọn họ không được cho gã cái gì cả mà phải lôi cổ gã quẳng ra ngoài. Vì thế, họ đã làm đúng như vậy. Gã liền đứng lại bên thềm và kêu than.

Bấy giờ, có con trai một phú thương nọ, thường vẫn cho Kàli cả ngàn đồng tiền, hôm ấy tình cờ gặp gã, liền hỏi:

- Tại sao lại khóc lóc vậy, Tundila?

Gã đáp:

- Thưa công tử, tôi đã thua bài súc sắc, đến cầu xin em tôi, bọn nữ tỳ lại nắm lấy cổ tôi lôi ra ngoài.

- Ðược rồi, cứ ở lại đây, ta sẽ nói chuyện với em gái cậu.

Chàng vào nhà bảo:

- Anh của nàng đang đứng đợi kia, chỉ mặc khố rách che thân, tại sao nàng không cho anh áo quần mặc?

Nàng đáp:

- Ðúng vậy, thiếp chẳng muốn cho gì cả, nếu chàng thích anh ta thì chàng cho đi.

Bấy giờ, trong ngôi nhà mang tai tiếng xấu xa kia, có tục lệ như vầy: "Cứ mỗi một ngàn đồng tiền nhận được, thì năm trăm đồng được dùng cho bọn nữ nhân, năm trăm đồng để mua sắm xiêm y, dầu thơm và vòng hoa. Bọn khách làng chơiđến đây nhận áo quần mặc vào, ở lại đêm tại đó, rồi ngày hôm sau cởi áo quần ấy ra trả, mặc quần áo của mình và rađi. Trong dịp ấy, con trai vị phú thương mặc áo quần mà bọn họ đưa cho chàng, và đem áo quần của chàng cho Tundila. Gã ấy mặc áo quần vào, vừa la hét vừa chạy đến tửu quán.

Nhưng nàng Kàli ra lệnh cho bọn nữ tỳ rằng khi chàng trai ra về ngày hôm sau, họ phải lấy lại áo quần. Vì vậy, khi chàng bước ra, bọn họ chạy đến từ khắp nơi như bọn cướp, lột hết áo quần trên thân của chàng đến trần như nhộng, rồi bảo:

- Này công tử, ra về đi!

Họ tống khứ chàng ta như vậy. Chàng ra đi trần truồng, bị mọi người chế diễu. Chàng ta hổ thẹn than khóc:

- Ðây chính là việc ta gây ra vì ta không giữ được mồm miệng!

Ðể làm sáng tỏ vấn đề này, bậc Ðại sĩ ngâm kệ thứ ba:

3. Tại sao lại hỏi chuyện Kà-li
Cư xử thế nào với Tuấn-di?
Gặp phải tay em chàng, hãy ngắm,
Áo quần ta đã biến bay đi,
Ta đành trần trụi, như tai vạ
Xảy với thầy, sao thật quái kỳ!

*

Chuyện chim đuôi chĩa

Một người khác lại kể chuyện này: Do sự bất cẩn của người chăn dê, hai con dê đực đánh nhau trên đồng cỏ ở Ba-la-nại. Trong lúc đang hăng máu, có một chim đuôi chĩa nghĩ thầm: "Chúng sẽ vỡ đầu ra mà chết mất, ta phải ngăn cản chúng mới được!" Thế là nó cố gắng ngăn cản bằng cách kêu la:

- Chú ơi, đừng đánh nhau nữa!

Nó chẳng nghe chúng nói gì đáp lại. Ngay giữa trận đánh, nó nhảy lên lưng trước, rồi sau nhảy lên đầu, van xin chúng dừng lại nhưng chẳng được gì. Cuối cùng, nó kêu to:

- Thế thì cứ đánh nhau đi, nhưng giết tôi trước đã!

Và nó đứng chen vào giữa hai cái đầu dê. Chúng vẫn tiếp tục húc nhau văng ra xa. Con chim bị nghiền nát như thể bởi cái chày, và chịu hủy hoại do chính hành động của nó.

Ðể giải thích việc này, bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ tư:

4. Chim đuôi chĩa vội đến bên sườn
Hai chú dê rừng lúc đả thương,
Dù chẳng dự phần trong trận đấu,
Hai đầu dê nghiến nát như tương
Ngay liền tại chỗ, như thầy vậy,
Số phận chim kỳ quái lạ thường!

*

Chuyện cây cọ dừa

Một chuyện khác nữa: Gần một cây cọ dừa kia, bọn chăn bò cất giấu nhiều của cải. Dân chúng Ba-la-nại thấy cây đó liền cho một người leo lên cây hái quả. Trong lúc gã đang ném quả xuống thì một con rắn hổ đen bò ra từ một tổ kiến, bắt đầu leo lên cây, bọn người đứng phía dưới cố xua đuổi nó bằng gậy, đá..v.v. nhưng không được, kêu la lớn gọi người kia:

- Con rắn đang bò lên cây!

Gã ấy kinh hoảng hét lớn. Những người đứng dưới lấy tấm vải thô cầm bốn góc, bảo gã kia ngã vào tấm vải. Gã gieo mình xuống, rơi vào chính lòng tấm vải giữa bốn người kia nhanh như gió, khiến bọn người ấy không giữ gã được phải đập đầu vào nhau mà chết.

Ðể giải thích việc này, bậc Ðại sĩ ngâm vần kệ thứ năm:

5. Bốn người muốn cứu mạng anh chàng,
Bốn góc cầm chung một tấm màn,
Bọn chúng vỡ đầu ra chết tiệt,
Như thầy, thật quái lạ kinh hoàng!

*

Chuyện con Dê cái

Ðám người khác lại kể chuyện này: Một bọn ăn trộm dê sống ở Ba-la-nại, một đêm kia bắt được một con dê cái, định làm một bữa chè chén trong rừng. Ðể dê khỏi kêu, chúng bịt mõm mó và cột nó vào một bụi tre. Hôm sau, khi chúng đến giết con dê, chúng quên mất con dao phay.

Chúng bảo nhau:

- Này, ta hãy giết dê rồi nấu. Hãy đem con dao phay ra đây!

Nhưng chẳng ai có dao.

- Nếu không có dao thì ta không thể nào ăn thịt nó được, dù ta có giết chết nó. Thôi thả nó ra. Việc này cũng do phước phần nào đó của con dê đây!

Vì thế, chúng thả dê ra. Bấy giờ, tình cờ có người thợ tre đến trước đó lấy một bó tre, gã để quên một con dao của người đan rổ, giấu dưới đám lá, định khi trở về sẽ lấy dùng. Nhưng con dê tưởng mình đã thoát thân, nên bắt đầu vui chơi nhảy nhót dưới bụi tre, lấy chân sau đánh đá làm sao mà con dao rớt ra! Ðám ăn trộm nghe tiếng dao rớt, chạy đến nơi thấy việc như vậy, vô cùng mừng rỡ, thế rồi chúng giết dê ăn thịt.

Như vậy để giải thích việc con dê đã tự giết mình bằng chính hành động của nó như thế nào, bậc Ðại sĩ ngâm vần kệ thứ sáu:

6. Dê cái cột trong bụi trúc dày
Nhảy quanh, tìm thấy một dao phay,
Cổ dê, chúng cắt bằng dao ấy,
Kỳ quái, dê kia giống hệt thầy!

Sau khi kể chuyện này, ngài giải thích:

- Song còn những kẻ dè dặt trong lời nói, biết giữ gìn ngôn ngữ, thường thoát khỏi số phận chết chóc đau thương.

Rồi ngài kể một chuyện thần tiên của loài Kinnara (Khẩn-na-la: các ca thần của Sakka Thiên chủ).

*

Chuyện Ðôi Ca thần

Chuyện kể rằng, một thợ săn sống ở Ba-la-nại, một bữa nọ vào vùng Tuyết Sơn bằng cách nào đó đã bắt được một cặp tiên núi, gồm một tiên nữ và lang quân của nàng, rồi đem về dâng vua. Vua chưa bao giờ thấy loài hữu tình này cả. Vua hỏi:

- Này thợ săn, chúng là loài gì?

- Tâu Chúa thượng, chúng có thể hát êm tai và nhảy múa rất đẹp mắt, không có con người nào có thể ca múa hay bằng chúng được.

Vua ban thưởng gã thợ săn ấy rất hậu hỉ, rồi ra lệnh cho đôi tiên ca múa. Song hai vị nghĩ: "Nếu chúng ta không diễn tảđầy đủ ý nghĩa bài ca, thì bài ca sẽ thất bại, hội chúng sẽ mạ lỵ và làm thương tổn chúng ta; và hơn nữa, người nào nói nhiều thường hay nói dối". Vì thế, sợ phải dối trá này kia, hai vị không múa hát dù vua nài nỉ thế nào cũng mặc. Cuối cùng, vua nổi cơn thịnh nộ và bảo: - Hãy giết bọn này đem nấu và dâng cho ta dùng.

Vua ban lệnh này qua vần kệ thứ bảy:

7. Bọn này đây chẳng phải là tiên,
Cũng chẳng nhạc thần của cõi Thiên,
Là thú do người kia dẫn đến
Vì mong kiếm một túi đầy tiền
Vậy bây hãy nấu, ta dùng tối
Một đứa, rồi mai một đứa liền!

Lúc ấy tiên nữ nghĩ thầm: "Bây giờ vua nổi giận, chắc chắn ngài sẽ giết chúng ta. Vậy đây là lúc nên nói", và lập tức nàng ngâm vần kệ:

8. Mười vạn khúc ca biểu diễn lầm
Chẳng bằng một mảy khúc kỳ âm,
Hát tồi có tội, nên tiên chúng
Chẳng dám làm, không bởi hận tâm.

Vua rất hoan hỷ vì tiên nữ, lập tức đáp vần kệ:

9. Hãy để nàng đi, bởi nói rồi,
Cho nàng thấy lại Tuyết Sơn thôi,
Song bây hãy bắt chàng kia giết,
Bảo nấu, ta dùng bữa sáng mai!

Trong lúc vị tiên kia suy nghĩ: "Nếu ta giữ yên mồm, chắc chắn vua sẽ giết ta, vậy đây là lúc phải nói". Và chàng ngâm vần kệ nữa:

10. Trâu bò trông cậy đám mây trời,
Trông cậy bò trâu, ấy mọi người,
Còn phận tôi nương nhờ Chúa thượng,
Hiền thê này lại dựa vào tôi,
Xin ngài đoán số phần chàng nọ
Trước lúc chàng quay lại núi đồi!

Khi chàng đã nói lời này xong, chàng ngâm hai vần kệ nữa, để nói rõ cho vua rằng hai vị yên lặng không phải vì không muốn tuân lệnh vua, song vì hai vị nghĩ rằng nói là sai lầm:

11. Khác người, khác cách, tấu Minh quân,
Tránh lỗi cho mình thật khó khăn,
Ðiều được kẻ này khen tốt đẹp,
Kẻ kia lại thấy đó sai lầm.

12. Có người cho tất cả điên cuồng
Tưởng tượng mỗi người vẫn khác luôn,
Thật khác, nhiều người nên lắm ý,
Ý người chẳng có luật thông thường.

Vua phán:

- Chàng ta nói đúng sự thật, đó quả là một vị tiên khôn ngoan.

Vì thế vua rất hoan hỷ, ngâm vần kệ cuối cùng:

13. Ðôi vợ chồng tiên giữ lặng thinh,
Nay chàng cất tiếng bởi hồn kinh,
Bình an, hạnh phúc, tha chàng bước,

Vẫn biết lời hay tạo phước lành.

Sau đó, vua đặt đôi tiên núi vào chiếc lồng vàng, truyền đưa người thợ săn vào, bảo gã thả hai vị ra ở nơi trước kia gãđã bắt.

Bậc Ðại sĩ nói thêm:

- Này sư phụ, đôi tiên núi biết phòng hộ lời nói như trên, và nhờ nói đúng thời nên được thả tự do vì nói năng khéo léo; còn thầy do nói năng sai lạc mà phải chịu đại họa.

Rồi sau khi so sánh cho vị tế sư thấy rõ như thế, ngài an ủi ông:

- Xin sư phụ đừng sợ, con sẽ cứu mạng sư phụ.

- Còn có cách nào chăng? - Vị kia hỏi: - Làm thế nào con cứu ta được nữa?

Ngài đáp:

- Vì chưa đến đúng lúc các hành tinh gặp gỡ.

Ngài để cho ngày ấy trôi qua, vào canh giữa đêm (canh ba), liền đem đến đó một con dê đã chết và nói:

- Xin thầy muốn đi đâu thì đi mà sinh sống.

Rồi ngài thả cho ông đi ngay, chẳng hề có ai hay biết gì cả. Còn ngài làm tế lễ với thịt dê ấy, xong dựng cổng thành trênđó.

*

Khi bậc Ðại sư đã chấm dứt Pháp thoại, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên Kokàlika bị hủy hoại vì chính lời nói của mình, mà ngày xưa cũng thế nữa.

Sau đó, Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy Kokàlika là người tế sư da ngăm ngăm đen, còn Ta là hiền giả Takkàriya.

-ooOoo-

482. Chuyện lộc vương (Tiền thân Ruru)

Thần tâu Hoàng thượng biết tin nai..,

Chuyện này bậc Ðạo sư kể trong lúc trú tại Trúc Lâm về Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa).

Có người bảo vị ấy:

- Bậc Ðạo sư đem lại thật nhiều lợi ích cho hiền hữu, này hiền hữu Ðề-bà-đạt-đa. Hiền hữu đã thọ Ðại giới từ đức Như Lai, Hiền hữu đã học với ngài Tam Tạng Kinh điển, Hiền hữu đã nhận được nhiều lợi dưỡng và danh vọng.

Khi những điều như vậy được nói, người ta thường nghe thuật lại một cách đáng tin cậy là vị ấy sẽ trả lời:

- Không đâu hiền hữu, bậc Ðạo sư chẳng làm gì lợi lạc cho ta dù chỉ bằng một cọng cỏ. Ta đã thọ Ðại giới của chính ta, ta tự học Tam Tạng kinh điển, ta nhận được lợi dưỡng và danh vọng do từ bản thân ta chứ không nhờ ai cả.

Trong Chánh pháp đường, Tăng chúng nói về việc này:

- Ðề-bà-đạt-đa thật là vong ân bội nghĩa, này Hiền hữu, và lại quên cả thân tình.

Bậc Ðạo sư bước vào và muốn biết Tăng chúng đang bàn luận gì khi ngồi đó. Các vị trình với Ngài. Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, nay không phải là lần đầu Ðề-bà-đạt-đa vong ân bội nghĩa, mà trước kia kẻ ấy đã vô ơn. Thuở xưa, nó đã được Ta cứu mạng, nhưng nó không biết công đức to lớn của Ta.

Nói vậy xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, một vị đại phú thương có tài sản tám trăm triệu, chỉ sinh được một con trai, đặt tên là Mahà-dhanaka hay Ðại phú ông.

Nhưng ông không dạy cho con việc gì cả, ông bảo:

- Con trai ta sẽ thấy việc học làm mệt mỏi tấm thân mà thôi.

Ngoài việc múa ca, ăn uống, tiệc tùng cậu trai chẳng biết việc gì cả. Khi cậu khôn lớn, cha mẹ cậu cưới cho cậu một cô gái xứng đôi với cậu, rồi cả hai vị qua đời. Sau khi song thân mất đi, cậu bị đám người chơi bời, phóng đãng, rượu chè, cờ bạc vây quanh nên đã tiêu hết tài sản một cách hoang phí. Lúc đó cậu phải vay tiền rồi không trả lại nổi, bị chủ nợ thúc đòi. Cuối cùng cậu nghĩ: "Ðời ta còn nghĩa lý gì với ta nữa? Ta đang bị biến đổi thành một con người khác rồi, thà chết sướng hơn". Sau đó cậu bảo đám chủ nợ.

- Hãy đem các giấy nợ đến đây, ta có cả một gia bảo chôn ở bờ sông Hằng, các ông sẽ được phần đó.

Họ cùng đi với cậu. Cậu làm như thể chỉ chỗ đây đó là nơi chôn gia sản (song lúc đó cậu có ý định nhảy xuống sông trầm mình) và cuối cùng cậu ta nhảy xuống sông Hằng. Trong lúc nước cuốn xoáy cậu đi ra, cậu kêu to lên đầy kinh hoảng.

Lúc bấy giờ, bậc Ðại sĩ sinh làm một con Nai chúa và sau khi rời đàn, hiện đang trú ẩn tại một khúc sông, chỉ riêng mình Nai trong khóm cây Sà-la chen lẫn đám xoài trổ hoa rất đẹp. Lớp da trên mình Nai có màu vàng óng ả láng mượt, bàn chân trước và bàn chân sau đỏ như thể nhuộm son, cái đuôi giống như cái đuôi bò rừng, cặp sừng như hình xoắn ốc bằng bạc, đôi mắt Nai tựa hồ đôi hạt minh châu lóng lánh, khi Nai quay mồm về hướng nào thì trông chẳng khác quả cầu bằng vải đỏ. Vào khoảng nửa đêm, Nai nghe tiếng kêu thê thảm ấy, liền nghĩ thầm: "Ta nghe tiếng người kêu. Trong lúc ta đang sống đây, nó chẳng phải chết! Ta sẽ cứu mạng nó".

Vừa rời khỏi chỗ ẩn nấp trong bụi cây, ngài bước xuống bờ sông và gọi to bằng giọng nói an ủi:

- Này người kia, đừng sợ, ta sẽ cứu anh sống.

Rồi Nai rẽ dòng nước, mang cậu lên bờ đến tận nơi nai trú ẩn. Suốt hai ba ngày liền, Nai săn sóc và cho cậu ăn trái cây rừng. Sau đó, Nai bảo cậu:

- Này người kia, ta sẽ mang anh ra khỏi rừng và đặt anh trên đường cái đến Ba-la-nại, anh sẽ về bình an. Song ta yêu cầu anh đừng bị lòng tham tiền bạc lôi kéo mà báo cho vua, hay một người quyền thế nào đó biết là trong chỗ kia một con Nai vàng óng cần phải bắt đấy.

Người kia hứa giữ lời và bậc Ðại sĩ, sau khi được hứa rồi, liền để cậu trên lưng và đưa ra đường cái hướng về thành Ba-la-nại rồi trở về đường cũ.

Vào ngày cậu ta đi về thành Ba-la-nại, bà hoàng hậu mệnh danh Khemà (Thái Hòa) nằm mộng về sáng thấy một con Nai màu hoàng kim thuyết pháp cho bà, nên bà suy nghĩ: "Nếu không có một Nai thần như thế này thì chắc hẳn ta đã không nằm mộng thấy ngài. Hẳn nhiên phải có một vị như vậy, nên ta muốn thông báo việc này với đức vua".

Sau đó, bà đến yết kiến vua và thưa:

- Tâu Ðại vương, thần thiếp đang mong mỏi được nghe bài thuyết Pháp của một con Nai hoàng kim. Nếu làm được việc ấy, thiếp mới sống, nếu không, thiếp chẳng thiết sống nữa.

Vua an ủi bà và bảo:

- Nếu có một con vật như thế sống trong cõi trần gian này thì ái khanh sẽ toại nguyện.

Rồi vua triệu các Bà-la-môn vào và hỏi:

- Có loài vật nào như loài Nai hoàng kim chăng?

- Tâu Chúa thượng, có.

Vua liền đặt một túi tiền mười ngàn đồng đựng bên trong một cái hộp bằng vàng lên lưng một con voi đã được trang điểm thật lộng lẫy: "Bất kỳ ai được tin về một con Nai hoàng kim thì vua sẽ chấp thuận trao cho người đó túi tiền mười ngàn đồng tiền vàng này cùng chiếc hộp bằng vàng và cả con voi ấy nữa hoặc một con khác tốt đẹp hơn". Vua ra lệnh khắc một vần kệ trên một phiến vàng, giao cho một viên quan trong triều và bảo vị ấy nhân danh vua hát vần kệ ấy lên giữa dân chúng toàn thành. Sau đó, vua ngâm vần kệ đầu trong chuyện Tiền thân này:

1. Ai mang tin báo trẫm về Nai,
Tối thượng Lộc vương của cả loài?
Ai được trẫm ban phần thưởng quý:
Ngôi làng tuyệt hảo, gái xinh tươi?

Viên triều thần mang phiến vàng ấy đi, công bố khắp kinh thành. Vừa lúc ấy, con trai của vị phú thương đi vào Ba-la-nại, khi nghe lời công bố ấy, cậu đến gần viên quan và nói:

- Tiểu sinh có thể đưa tin về một con nai như vậy, các ngài hãy dẫn tiểu sinh vào yết kiến đức vua.

Viên quan liền xuống voi, dẫn cậu vào yết kiến vua và tâu:

- Tâu Chúa thượng, người này có thể đưa tin tức trình Chúa thượng về con Nai kia.

Vua phán:

- Có đúng như vậy chăng, người kia?

Cậu đáp:

- Tâu Ðại vương, quả đúng như vậy, xin Ðại vương cho tiểu thần vinh dự đó.

Và cậu ngâm vần kệ thứ hai:

2. Thần tâu Hoàng thượng biết tin Nai,
Tối thượng Lộc vương của cả loài,
Xin Ðại vương ban phần thưởng quí:
Ngôi làng tuyệt hảo, gái xinh tươi!

Vua rất hoan hỷ khi nghe những lời này của tên phản bạn:

- Này mau lên! - Vua phán: - Phải tìm con Nai này ở đâu thế?

Gã đáp:

- Tâu Chúa thượng, ở chỗ như vầy.

Và gã chỉ rõ đường đi. Cùng một đoàn tùy tùng đông đảo, vua ra lệnh tên phản bội dẫn ngài đến nơi ấy, rồi gã bảo:

- Xin ra lệnh cho đoàn quân sĩ dừng lại.

Khi quân sĩ đã được lệnh dừng, gã chỉ tay nói tiếp:

- Nơi có con Nai vàng ánh ở chốn đằng xa xa kia kìa.

Và gã ngâm vần kệ thứ ba:

3. Bụi cây xoài ở phía đàng xa,
Cùng đám Sà-la nở rộ hoa,
Ðất tựa yên chi màu đỏ thắm,
Nai này có thể được tìm ra.

Khi vua nghe những lời này, ngài bảo các cận thần:

- Ðừng để Nai chạy thoát, mà phải lập tức bủa vây quanh bụi cây này, còn binh sĩ cầm binh khí trong tay.

Họ làm theo lệnh ấy và đồng thanh la lớn. Vua cùng một số người khác đứng riêng ra, song gã đó cũng không đứng xa mấy. Bậc Ðại sĩ nghe tiếng kêu ấy, nghĩ thầm: "Ðây là tiếng thét của một đoàn người đông đảo, vậy ta phải đề phòng họ mới được".

Ngài đứng lên và khi nhìn cả một đoàn người, ngài nhận thấy nơi vua đứng. "Nơi nào vua đứng", ngài nghĩ thầm, "ta sẽđược bình an, vậy ta phải đến đó". Rồi ngài chạy về phía vua. Khi vua thấy ngài chạy đến, liền bảo:

- Một con vật mạnh như voi có thể quật mọi thứ trên đường đi của nó. Ta muốn giương cung lên dọa con nai này. Nếu nó chạy, ta sẽ bắn cho nó yếu đi rồi ta mới bắt nó được.

Sau đó vua giương cung lên ngay trước mặt Bồ-tát.

Ðể giải thích việc này, bậc Ðạo sư ngâm đôi vần kệ:

4. Nai tiến lên: cung đã được giương,
Mũi tên nằm ở sợi dây trương
Ðằng xa, vì vậy Nai kêu lớn
Ngay lúc Nai nhìn thấy Ðại vương:

5. Ðại vương, Chúa tể của vương xa,
Xin đứng yên và chớ bắn ta,
Ai đã mang tin Hoàng thượng biết
Nơi này, Nai sẽ được tìm ra?

Vua say mê giọng ngọt như mật của ngài, liền thả cung đứng yên chiêm ngưỡng ngài. Lúc ấy bậc Ðại sĩ bước lên chỗ vua, vừa nói chuyện vui vẻ với vua và đứng một bên. Cả đám tùy tùng cũng hạ binh khí xuống, bước lên vây quanh vua. Vào lúc ấy, bậc Ðại sĩ hỏi vua với giọng êm ái như tiếng chuông vàng rung nhè nhẹ:

- Ai đem tin đến cho ngài rằng nơi đây sẽ tìm được Nai vàng?

Vừa lúc ấy, con người gian ác kia bước lại gần và đứng nghe lỏm. Vua chỉ gã và nói:

- Ðó là người báo tin cho trẫm.

Rồi vua ngâm vần kệ thứ sáu:

6. Kẻ ác kia, bằng hữu của ta,
Con người đang đứng ở đằng xa,
Mang tin, nó đã cho ta biết
Rằng ở đây Nai được thấy mà.

Nghe vậy, bậc Ðại sĩ trách mắng người bạn phản bội kia, và ngâm vần kệ thứ bảy nói với vua:

- 7. Nhiều người ở cõi thế gian này,
Tục ngữ thường hay nói đúng thay:
"Thà vớt gỗ trôi sông còn tốt,
Hơn là cứu một kẻ như mầy!".

Khi vua nghe lời kệ này, liền ngâm vần kệ khác:

8. Muốn trách người có thể hỏi Nai?
Là chim, là thú hoặc là ai?
Lòng ta đầy nỗi lo vô hạn
Khi tiếng Nai nghe giống tiếng người!

Ðến đây, bậc Ðại sĩ đáp lại:

- Tâu Ðại vương, ta không trách một thú vật hay chim chóc nào cả, mà ta trách một người.

Ðể giải thích việc này, ngài ngâm vần kệ thứ chín:

9. Ta cứu gã kia, đã một lần
Khi gần như gã phải chìm dần
Trên dòng chảy xiết dìm thân gã,
Vì đó, nay đành phải khổ thân;
Ngài cứ đi cùng phường độc ác,
Ngày sau chắc chắn sẽ ăn năn.

Khi vua nghe vậy liền nổi giận lôi đình với gã kia. Vua phán:

- Sao? Ngươi không nhìn nhận công đức của ngài sau một việc cứu vớt đầy nhân từ như vậy ư? Ta muốn bắn chết gã kia ngay.

Vua liền ngâm vần kệ thứ mười:

10. Ta sẽ đâm tên bốn cánh này
Xuyên vào tim nó, bỏ thân ngay!
Ác nhân này đã đầy tâm phản
Chẳng đội ơn sâu cứu giúp vầy!

Lúc ấy, bậc Ðại sĩ suy nghĩ: "Ta không muốn nó chết vì ta", nên ngài ngâm vần kệ thứ mười một:

11. Người ngu đáng thẹn, tấu Minh quân,
Song việc giết người, bậc thiện nhân,
Chẳng tán thành, xin tha kẻ khốn,
Và ban cho gã thưởng toàn phần
Những gì ngài hứa, còn ta sẽ
Phục vụ Quân vương những lúc cần.

Vua hoan hỷ khi nghe lời này nên ngâm vần kệ tiếp để tán thán ngài:

12. Nai này quả thật có lòng nhân,
Không trả hận sân với hận sân,
Tống gã hèn ngay! Ta thưởng nó
Làm tròn lời hứa đã từng ban
Còn Nai đi đến nơi tùy ý,
Xin chúc ngài luôn được vạn an!

Nghe lời này, bậc Ðại sĩ đáp:

- Tâu Ðại vương, người ta có thể miệng nói một đường mà làm một nẻo.

Và ngài ngâm hai vần kệ để giải thích điều đó:

13. Tiếng loài sơn cẩu, tiếng chim muông,
Thường cũng dễ dàng được cảm thông,
Còn tiếng người đời, tuy rõ thế,
Vô cùng khó hiểu, tấu Quân vương!

14. Con người thường nghĩ: "Bạn thân mình,
Quyến thuộc là đây, bạn chí tình".
Tuy thế, tình thân thường biến mất,
Oán thù, căm hận lại dần sinh.

Khi vua nghe lời này, ngài đáp:

- Này Lộc vương! xin đừng nghĩ rằng ta thuộc loại người như vậy. Vì ta quyết sẽ không chối từ đặc ân mà ta đã ban cho ngài, dù ta có mất cả quốc độ vì chuyện đó. Hãy tin tưởng vào ta.

Rồi vua cho ngài chọn điều ước.

Bậc Ðại sĩ nhận đặc ân này và ước mong rằng tất cả các loài vật từ chính ngài trở đi đều được bình an thoát khỏi mọi tai họa. Vua thuận cho ngài điều ước ấy, rồi đem ngài về thành Ba-la-nại và sau khi trang hoàng cả kinh thành lộng lẫy, lại tô điểm luôn cả bậc Ðại sĩ nữa, vua mời ngài thuyết Pháp cho bà chánh hậu, sau đó là vua và triều đình nghe bằng thứ tiếng của loài người ngọt ngào như mật. Ngài khuyến giáo vua hành trì Thập vương pháp (mười đức tính của vị minh quân) và khích lệ hội chúng đông đảo ấy xong, liền trở về chốn núi rừng, nơi ngài sống chung với bầy nai.

Vua ra lệnh đánh trống khắp kinh thành cùng lời loan báo:

- Hoàng thượng bảo vệ mọi loài thú vật.

Từ đó về sau, không ai dám giơ tay giết hại thú vật hay chim muông cả.

Nhưng nhiều đàn nai phá hoại mùa màng của người và không ai đủ sức xua đuổi chúng đi. Một đám đông tụ tập trước sân chầu, kêu than với vua.

Ðể làm sáng tỏ việc này, bậc Ðạo sư ngâm vần kệ sau:

15. Dân thành thị theo với tiện dân,
Ðều đi thẳng đến tấu vương quân:
"Ðàn nai ăn hết mùa màng cả,
Chúa thượng, việc này phải cản ngăn".

Nghe vậy, vua ngâm đôi vần kệ:

16. Dân chúng dù mong muốn hoặc không,
Ví dù đất nước trẫm tiêu vong,
Trẫm không thể hại đàn nai được,
Trẫm hứa cho nai sống vẹn toàn.

17. Thần dân có thể bỏ rơi ta,
Hủy bỏ vương quyền của thế gia,
Lời ước ta đà ban Lộc chúa
Ta không hề chối bỏ đâu mà.

Dân chúng nghe lời vua phán bảo, thấy mình không thể nói gì được nữa, đành ra về. Lời vua phán lan ra khắp nơi, bậc Ðại sĩ nghe được tin ấy, liền tập hợp cả đàn nai lại, và ra lệnh cho chúng:

- Từ nay về sau, các con không được phá hoại mùa màng của loài người nữa.

Ngài đã gởi thông báo cho dân chúng hay rằng mỗi người phải dựng một tấm bảng hiệu lên vùng đất của mình.

Dân chúng làm theo, và nhờ dấu hiệu ấy, cho đến nay, loài nai không phá hoại mùa màng nữa.

*

Khi bậc Ðạo sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên Ðề-bạt-đạt-đa vong ân bội nghĩa.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) là con trai nhà phú thương, Ànanda (A-nan) là vua, và Ta chính là Nai chúa.

-ooOoo-

483. Chuyện Chúa Nai Sarabha (Tiền thân Sarabha-Miga)

Cứ hy vọng, người ơi, là bậc trí..,

Chuyện này bậc Ðạo sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên để giải thích đầy đủ một câu hỏi do Ngài nêu ra một cách tổng quát cho vị Tướng quân Chánh pháp (Sàriputta).

Vào thời ấy, bậc Ðạo sư nêu vắn tắt câu hỏi với Trưởng lão ấy. Ðây là câu chuyện đầy đủ chi tiết về nguồn gốc của một số chư Thiên. Khi Tôn giả Pindola-Bhàradvàja dùng thần thông để lấy được cái bình bát bằng gỗ Chiên-đàn trước sự hiện diện của vị Ðại phú thương ở thành Ràjagaha (Vương Xá), bậc Ðạo sư cấm các Tỷ-kheo sử dụng thần thông lực.

Lúc ấy, các Tỷ-kheo ly khai Giáo hội suy nghĩ: "Sa-môn Gotama đã cấm sử dụng thần thông lực. Nay chính vị ấy cũng sẽ không sử dụng thần thông lực nữa". Ðám đệ tử của các vị ly khai Giáo hội lo lắng, nói với họ:

- Tại sao các Tôn giả không dùng thần thông lực lấy cái bát kia?

Họ đáp:

- Này Hiền hữu, việc này không khó gì đối với chúng ta. Song chúng ta nghĩ: Ai lại muốn thị hiện thần thông cao quý vi diệu của mình trước người thế tục chỉ vì cái bình bát bằng gỗ nhỏ mọn kia chứ? Do thế, chúng ta không lấy nó xuống. Các Sa-môn dòng họ Thích-ca đã lấy nó xuống và thị hiện thần thông chỉ vì tham lam ngu xuẩn mà thôi. Ðừng tưởng biến hóa thần thông là việc khó khăn gì với chúng ta đâu: giả sử ta đừng kể đến các đệ tử của Sa-môn Gotama, nếu chúng ta muốn, chúng ta sẽ biến hóa thần thông với chính Sa-môn Gotama nữa kia. Nếu Sa-môn Gotama thị hiện một phép thần thông, thì chúng ta sẽ thị hiện một phép khác kỳ diệu gấp hai lần.

Tăng chúng nghe chuyện này liền thưa với đức Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo ly khai Giáo hội nói họ muốn thị hiện thần thông lực.

Bậc Ðạo sư bảo:

- Cứ để họ làm đi, Ta cũng sẽ làm việc ấy.

Vua Bimbisàra (Tần-bà-sa-la) nghe vậy, đi đến hỏi đức Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Ngài định thị hiện thần thông lực chăng?

- Thưa Ðại vương, phải.

- Bạch Thế Tôn, chẳng phải là có lệnh cấm về vấn đề này rồi sao?

- Thưa Ðại vương, lệnh ấy dành cho các đệ tử của ta, chớ không có lệnh nào có thể ngăn cản chư Phật cả. Cũng như hoa quả trong vườn ngự uyển là của cấm đối với kẻ khác chứ không hề áp dụng luật này đối với Ðại vương.

- Bạch Thế Tôn, vậy Ngài sẽ thị hiện phép thần thông ở nơi đâu?

- Tại Xá-vệ, dưới một cây xoài có "cục u".

- Vậy trẫm sẽ làm gì lúc đó?

- Thưa Ðại vương, chẳng cần làm gì cả.

Ngày kế đó, sau khi điểm tâm xong, bậc Ðại sư đi khất thực.

- Bậc Ðạo sư đi đâu thế? Dân chúng hỏi.

Các Tỷ-kheo đáp lại:

- Ở cổng thành Xá-vệ, dưới một gốc cây xoài có cục u, Ngài sẽ thị hiện một phép Thần thông Song hành (Yamaka Patihariya: các tia sáng xanh và đỏ phát ra từ thân Ngài) để đánh bại những kẻ ly khai Giáo hội.

Ðám người ấy nói:

- Phép thần thông này sẽ là tuyệt tác, nên chúng ta muốn đi xem.

Sau khi rời nhà, dân chúng đi theo bậc Ðạo sư, và vài kẻ ly khai Giáo hội cũng đi theo Ngài cùng với đám đệ tử của họ.

Họ nói:

- Chúng ta sẽ thị hiện một phép thần thông ở nơi mà Sa-môn Gotama sắp thị hiện phép thần thông của mình.

Dần dần, bậc Ðạo sư đi đến Xá-vệ. Vua hỏi Ngài:

- Bạch Thế Tôn, có đúng là Ngài sắp thị hiện thần thông lực như chúng đồn chăng?

- Quả đúng vậy. Ngài đáp.

- Khi nào? Vua hỏi.

- Ngày thứ bảy kể từ đây, vào đúng rằm tháng sáu trăng tròn.

- Bạch Thế Tôn, thế trẫm có cần dựng lên một ngôi đình chăng?

- Thưa Ðại vương, cứ an tâm, ở ngay nơi mà Ta sắp thị hiện thần thông. Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ sẽ dựng lên một ngôi đình bằng châu ngọc có chu vi mười hai dặm.

- Bạch Thế Tôn, trẫm có cần loan báo việc này khắp kinh thành chăng?

- Ðại vương cứ loan báo.

Vua liền đặt người thông tin Chánh pháp này trên một con voi được trang hoàng thật lộng lẫy, đi công bố như sau:

- Hãy nghe tin này! Bậc Ðạo sư sắp thị hiện bằng thần thông để đánh bại những kẻ ly khai Giáo hội, trước cổng thành Xá-vệ, dưới gốc cây xoài-có-cục-u trong bảy ngày nữa kể từ ngày hôm nay!

Cứ mỗi ngày họ lại báo tin này. Khi đám người ly khai nghe tin rằng phép lạ sẽ được thị hiện dưới một gốc cây xoài-có-cục-u, họ liền ra lệnh chặt hết mọi cây xoài gần thành Xá-vệ, rồi đền tiền bạc cho các chủ vườn xoài.

Vào đêm trăng tròn, người thông tin Chánh pháp ấy công bố:

- Hôm nay vào buổi sáng, phép thần kỳ sẽ xuất hiện.

Nhờ oai lực của chư Thiên, người người khắp cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ), dường như đều ra đứng ở cửa và nghe tin loan báo ấy. Bất cứ người nào trong lòng có ý muốn đi xem, đều thấy mình đến tại Xá-vệ ấy: dân chúng chiếm khoảng mười hai dặm.

Từ sáng sớm, bậc Ðạo sư đi khất thực. Viên quan giữ vườn ngự uyển, tên Ganda hay "Cục U", sắp đem đi dâng vua một trái xoài chín trông thật đẹp, lớn bằng cái giạ đựng lúa, vừa độ chín muồi, thì ông thấy bậc Ðạo sư tại cổng thành, liền bảo:

- Trái xoài này thật xứng đáng với bậc Ðạo sư.

Rồi ông dâng xoài lên Ngài. Bậc Ðạo sư cầm lấy ngồi xuống một bên cổng, dùng trái xoài. Khi đã thọ thực xong, Ngài bảo:

- Này Ànanda, đưa cho người giữ vườn hột xoài này để trồng ngay chỗ này, nó sẽ thành cây xoài có cục u.

Tôn giả tuân lệnh. Người giữ vườn đào một lỗ dưới đất, trồng hột xoài ấy. Trong chốc lát, hạt xoài nứt ra, rễ đâm ra và nhú lên một mầm đỏ cao bằng cái chày, ngay khi đám đông đang trố mắt nhìn, nó lớn dần thành một cây xoài cao cả trăm cubit (1 cubit = 45cm) với thân cây cao năm mươi cubit, các cành lá cũng cao năm mươi cubit, cùng lúc hoa nở rộ, trái chín dần, cây vẫn đứng choáng rợp cả bầu trời có đàn ong vây quanh cành sai nặng trĩu quả vàng óng. Khi có làn gió thổi, trái ngọt rơi xuống, các Tỷ-kheo đến lượm lấy xoài, ăn xong ra về. Vào buổi chiều, Thiên chủ Sakka (Ðế Thích) suy xét, nhận thấy mình có bổn phận dựng lên một ngôi đình gồm bảy báu vật, chu vi rộng mười hai dặm che kín mọi nơi bằng hoa sen xanh. Như vậy, chư Thiên của mười ngàn thế giới tụ tập lại đây.

Sau khi đã thị hiện phép thần thông vô cùng kỳ diệu trước các đệ tử của Ngài để đánh bại đám người ly khai Giáo hội, bậc Ðạo sư làm phát khởi lòng tin trong các hội chúng xong, Ngài đứng lên, ngự trên bảo tọa dành cho đức Phật và thuyết Pháp. Hàng trăm triệu chúng sinh uống được nguồn nước trường sinh; sau đó Ngài nhận định để biết rõ chư Phật quá khứ đi về đâu sau khi đã thực hiện một phép thần thông, và nhận thấy chính là về cõi trời Ba mươi ba, Ngài liền rời khỏi bảo tọa, chân phải Ngài đặt lên đỉnh Yugandhara, chân trái Ngài bước qua đỉnh Sineru (Tu-di), Ngài bắtđầu an cư vào mùa mưa dưới cây Ðại San hô, an tọa trên chiếc ngai hoàng thạch, và suốt thời gian ba tháng, Ngài thuyết Thắng pháp (Abhidhamma) siêu phàm cho chư Thiên.

Dân chúng không biết bậc Ðạo sư đi đâu, họ nhìn nhau bảo:

- Thôi ta về nhà và an trú tại nơi đó, suốt mùa mưa.

Khi mùa an cư trai giới gần chấm dứt, ngày đại lễ Tự Tứ cận kề, Ðại Trưởng lão Moggallàna (Mục-kiền-liên) đi thông báo với đức Thế Tôn.

Ngài hỏi:

- Sàriputta (Xá-lợi-phất) nay ở đâu?

- Bạch Thế Tôn, sau khi phép thần thông làm cho Tôn giả hoan hỷ, vị ấy đã ở lại cùng năm trăm vị Tỷ-kheo trong kinh thành Samkassa, và vẫn còn an trú tại đó.

- Này Moggallàna, vào ngày thứ bảy kể từ hôm nay, ta sẽ xuống hạ giới bằng cổng thành Samkassa. Vậy kẻ nào muốn chiêm ngưỡng Như Lai hãy tụ tập tại thành Samkassa.

Trưởng lão này đồng ý đi báo cho dân chúng hay: Tôn giả mang toàn thể hội chúng từ Xá-vệ đến Samkassa cách xa nhau cả ba mươi dặm chỉ trong chớp mắt.

Khi mùa an cư trai giới qua rồi, đại lễ Tự tứ đã được cử hành xong, bậc Ðạo sư bảo Sakka Thiên chủ rằng Ngài sắp trở về cõi nhân thế. Sau đó, Thiên chủ cho triệu Thần xây dựng Vissakamma vào và bảo:

- Hãy làm một cầu thang để đấng Thập Lực bước xuống cõi trần.

Vị này đặt cầu thang trên đỉnh Sineru, chân nằm trên cổng thành Samkassa; ở giữa, vị ấy làm ba bậc thang liền nhau, một bậc bằng ngọc, một bậc bằng bạc, và một bậc bằng vàng, còn lan can và mái làm bằng bảy báu vật.

Sau khi bậc Ðạo sư thị hiện thần thông để cứu độ cõi thế gian, Ngài bước xuống bậc thang chính giữa làm bằng ngọc. Thiên chủ Sakka cầm chiếc bình bát và chiếc y, Suỳama cầm cái quạt bằng đuôi trâu rừng (Yak), Phạm thiên chủ mang chiếc lọng và chư Thiên trong mười ngàn thế giới đồng chiêm bái Ngài với các vòng hoa trời và các hương liệu.

Khi bậc Ðạo sư đã đứng ở chân cầu thang, vị đệ nhất trưởng lão Sàriputta đảnh lễ Ngài, sau đó là toàn thể hội chúng. Ở giữa hội chúng này, bậc Ðạo sư suy nghĩ: "Moggallàna đã chứng tỏ đầy đủ thần thông lực, Upàli là người tinh thông Giới luật của bậc Thánh, song đặc tính đại trí tuệ của Sàriputta lại chưa được dịp tỏ bày. Trừ một mình ta, chẳng ai đạt trí tuệ đầy đủ trọn vẹn như vậy, nên ta muốn tỏ bày năng lực trí tuệ của vị này cho hội chúng biết rõ".

Trước tiên Ngài đặt câu hỏi thông thường cho đám người phàm phu không biết gì cả. Cùng cách ấy, Ngài lần lượt đặt câu hỏi vừa tầm hiểu biết của những vị Nhất Lai, Bất Lai và các vị A-la-hán, các Thánh đệ tử, trong từng trường hợp; những vị nào dưới cấp bậc ấy lần lượt không trả lời được, chỉ những vị ở trên cấp bậc ấy mới có thể trả lời. Sau đó, Ngài đặt câu hỏi trong khả năng hiểu biết của Tôn giả Sàriputta thì chỉ Trưởng lão này trả lời được, còn các vị khác không thể. Dân chúng hỏi nhau:

- Vị Trưởng lão trả lời bậc Ðạo sư là ai thế?

Họ được bảo đó là vị Tướng quân Chánh pháp tên gọi Sàriputta.

- Ôi! Trí tuệ của ngài thật cao cả thay! Họ bảo nhau.

Từ đó về sau, đặc tính đại trí tuệ của Trưởng lão này vang dội khắp loài người và chư Thiên.

Lúc ấy bậc Ðạo sư nói với vị này:

Người này thử thách phải đi qua,
Kẻ khác đạt rồi mục đích xa,
Tư cách khác nhau đều hiển lộ,
Vì ông biết rõ hết kia mà.

Như vậy, sau khi hỏi một câu thuộc phạm vi hiểu biết của một vị Phật, Ngài thêm:

- Ðây là vấn đề được đặt ra tổng quát sơ lược, còn đâu là ý nghĩa của vấn đề trong mọi phương diện?

Vị Trưởng lão xem xét vấn đề. Vị ấy suy nghĩ: "Bậc Ðạo sư hỏi về đường lối tu tập thích hợp cho Tăng chúng tinh tấn tăng trưởng, cả những người mới đạt được những quả vị thấp, lẫn những bậc Thánh A-la-hán đó chăng?" Về vấn đề tổng quát, Tôn giả này không có điều gì nghi hoặc. Nhưng rồi Tôn giả suy xét: "Ðường lối tu tập thích hợp có thể được diễn tả bằng nhiều cách nói theo ngũ uẩn trong mỗi vị hữu tình, khởi đầu là như vậy, song bây giờ làm sao ta có đáp đúng ý nghĩa của bậc Ðạo sư?". Tôn giả hoài nghi về ý nghĩa ấy.

Bậc Ðạo sư nghĩ thầm: "Sàriputta không hoài nghi gì về vấn đề tổng quát, song còn nghi hoặc về khía cạnh đặc biệt gì của vấn đề mà Ta đang xem xét. Nếu Ta không đưa ra lời gợi ý hướng dẫn thì ông ấy không thể nào giải đáp được. Vậy ta phải gợi ý cho ông ấy". Rồi Ngài đưa lời gợi ý bằng cách hỏi:

- Này Sàriputta, ông có chấp nhận điều này là đúng chăng (Ngài nói một vấn đề nào đó).

Tôn giả Sàriputta chấp nhận vấn đề ấy.

Gợi ý như vậy xong, Ngài biết Tôn giả Sàriputta đã nắm vững ý nghĩa của Ngài, và sẽ giải đáp đầy đủ bắt đầu từ ngũ uẩn trong mỗi vị hữu tình. Sau đó, vấn đề hiện ra rõ ràng trước mắt vị Trưởng lão như có cả trăm ngàn lời gợi ý, ồ không, cả ngàn lời nữa, và theo lời hướng dẫn của đức Phật, Tôn giả giải đáp vấn đề kia thuộc về tri kiến Phật.

Bậc Ðạo sư thuyết Pháp cho cả hội chúng khắp cả mười hai dặm: ba trăm triệu vị hữu tình uống được nguồn nước trường sinh.

Khi hội chúng ra về, bậc Ðạo sư lại du hành khất thực, dần dần đến Xá-vệ. Ngày hôm sau, khi đã khất thực tại Xá-vệ xong, Ngài trở về và dạy bảo các Tỷ-kheo giữ phận sự của mình rồi bước vào Hương phòng. Về buổi tối, các Tỷ-kheo bàn luận đến đức tính cao cả của Trưởng lão Sàriputta, trong lúc Tăng chúng ngồi tại Chánh pháp đường:

- Này các Hiền giả, Tôn giả Sàriputta thật là bậc đại trí tuệ, Tôn giả có trí tuệ quảng bác, trí tuệ mẫn tiệp, trí tuệ tinh xảo, trí tuệ linh lợi. Bậc Ðạo sư đặt câu hỏi tổng quát, Tôn giả đã trả lời thật đầy đủ sâu rộng.

Bậc Ðạo sư bước vào hỏi Tăng chúng đang bàn luận gì trong lúc ngồi đó, các vị trình với Ngài, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu vị ấy trả lời rộng rãi một vấn đề được nêu tổng quát, mà ngày xưa cũngđã làm như vậy.

Và Ngài kể câu chuyện quá khứ.

*

Một thời, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm một con Nai sống trong rừng. Bấy giờ, vua thích săn bắn, và vua lại là một người đầy uy lực, ngài cho rằng không có ai xứng danh con người cả.

Một ngày kia, lúc ngài đi săn, ngài bảo đám cận thần:

- Hễ ai để thoát một con nai vì mình thì sẽ bị trừng phạt như vầy như vầy..

Bọn họ suy nghĩ: "Người ta có thể đứng trong nhà mà không tìm thấy vựa lúa. Khi một con nai bị vây bắt bằng cái móc hay gậy cong, ta phải lùa nó đến nơi đức vua đứng".

Bọn họ liền giao ước với nhau để thực hiện điều này, và sắp đặt vua đứng ở cuối đường. Sau đó, họ vây quanh một hang lớn và bắt đầu lấy dùi cui gậy gộc đập lên mặt đất. Con vật đầu tiên bị vây bắt chính là Nai vàng. Ba lần Nai nhìn quanh bụi cây tìm cơ hội trốn thoát. Khắp nơi, Nai thấy người ta đứng chật ních chen tay, cung kề cung, chỉ có nơi vua đứng là Nai thấy may ra còn có dịp. Với đôi mắt chiếu sáng lòa, Nai vụt đến phía vua làm chói mắt vua như thể tung cát bụi vào đôi mắt ấy. Lập tức vua thấy Nai, bắn tên ngay và hụt mất.

Ta phải biết rằng loài nai rất thông minh tránh được các mũi tên. Khi các mũi tên vụt thẳng vào chúng, chúng đứng yênđể tên bay đi, nếu tên vụt tới phía sau, nai sẽ vụt chạy nhanh hơn; nếu tên bay xuống từ phía trên chúng cong lưng lại, nếu từ phía suờn, nai nghiêng mình một tí; nếu tên nhắm vào bụng, nai lăn một vòng; khi tên đã lướt qua rồi thì Nai vụt nhanh như bay gió cuốn. Vì vậy, khi vua thấy Nai lăn qua, tưởng Nai đã bị thương, liền kêu lên một tiếng "ô này!".

Nai vùng đứng dậy, vụt nhanh như gió, phá được vòng vây của đám người kia. Các triều thần ở cả hai phía nhìn thấy con nai chạy thoát, liền tụ tập lại với nhau và hỏi:

- Nai tiến về chỗ của ai thế?

- Chỗ của Chúa thượng.

- Song Chúa thượng đã la lớn: Ta bắn được nai rồi kia mà! Vậy Chúa thượng bắn được cái gì? Tôi dám chắc với quí vị, Chúa thượng bắn hụt rồi! Chúa thượng bắn mặt đất đấy!

Như vậy, hội chúng chế nhạo vua không ngớt. Vua nghĩ thầm: "Bọn này đang chế nhạo ta, chúng không biết tay ta". Rồi khi nai nịt thắt lưng, vua đi bộ, cầm kiếm trong tay, vừa đi thật nhanh vừa la to:

- Ta sẽ đi bắt Nai!

Vua nhìn sát theo Nai và đuổi Nai chừng ba dặm. Nai tiến sâu vào rừng, vua cũng tiến theo. Lúc bấy giờ trên đường Nai đi, có một cái hố thật lớn với một cây đã mục nát, sâu chừng sáu mươi cubit, đám cỏ dại mọc che phía trên. Nai ngửiđược mùi nước, thấy đó là cái hố, nên nghiêng mình qua một bên tránh đường. Song vua cứ đi thẳng lên nên ngã vào hố. Nai không còn nghe tiếng chân vua nữa, liền quay lại. Thấy không có ai, Nai biết là vua hẳn đã rơi xuống hố. Vì thế, Nai đến nhìn vào, thấy vua trong tình cảnh nguy khốn, vùng vẫy trong nước sâu. Song Nai không để lòng oán hận đối với việc ác mà vua đã làm, còn thương hại nghĩ thầm: "Không được để vua này chết trước mắt ta, ta sẽ cứu vua qua khỏi cơn hoạn nạn này".

Vừa đứng trên miệng hố, Nai vừa kêu lớn:

- Này Ðại vương đừng sợ, vì ta sẽ cứu thoát ngài khỏi cảnh hiểm nghèo này.

Rồi dùng hết sức lực, sốt sắng thiết tha như thể cứu lấy đứa con yêu quý của mình, Nai đỡ vua lên dốc đá, chính vua kia đã đuổi theo Nai để giết hại đó, Nai kéo vua ra khỏi hố sâu sáu mươi cubit, và nói lời an ủi vua rồi đặt vua lên chính lưng mình, mang vua ra khỏi rừng, để vua xuống không xa đám quân sĩ mấy. Sau đó, Nai thuyết giáo cho vua và an trú vua vào Ngũ giới. Tuy nhiên, vua không thể rời bậc Ðại sĩ được, mà bảo:

- Tâu Lộc vương Chúa thượng, xin hãy cùng ta đến Ba-la-nại, vì ta muốn nhường ngôi cho ngài tại Ba-la-nại, một kinh thành trải rộng kháp mười hai dặm để ngài ngự trị toàn quốc độ ấy.

Song ngài đáp:

- Thưa Ðại vương, ta là thú vật, ta không muốn chiếm vương quốc nào cả. Nếu ngài có lòng thương mến ta, xin hãy giữ Ngũ giới mà ta đã dạy ngài, rồi ngài dạy cho đám quần thần của ngài cũng giữ giới nữa.

Cùng với lời khuyên này, ngài trở về rừng. Còn vua đến gặp lại quân sĩ, và trong khi hồi tưởng những đức tính cao thượng của Nai kia, mắt vua đẫm lệ. Vừa được đám binh sĩ hộ tống, vua ngự khắp kinh thành trong hồi trống ban lệnh vua vang rền, truyền rao lời bố cáo này:

- Từ nay về sau, dân chúng toàn thành hãy giữ Ngũ giới.

Song vua không nói với ai về lòng nhân từ mà bậc Ðại sĩ đã ban cho ngài. Sau khi dùng xong các món cao lương mỹ vị về buổi chiều tối, vua an nghỉ trên vương sàn lộng lẫy và sáng sớm hôm sau, vua nhớ lại những đức tính cao thượng của bậc Ðại sĩ, ngài liền trở dậy và ngồi chéo chân trên vương tọa, tâm tràn đầy hân hoan, ngài cất tiếng ca lên nguyện vọng của ngài qua sáu vần kệ:

1. Cứ hy vọng, người ơi, là bậc trí,
Xin hãy đừng nản chí hoặc sờn lòng,
Chính ta nay thành đạt đích hằng mong.

2. Ta thấy rõ, người ơi, là bậc trí,
Cứ hy vọng, dù buồn, đừng nản chí,
Chính ta đây chiến đấu tiến vào bờ.

3. Vượt trùng dương, ta thấy rõ, bây giờ,
Cố gắng mãi, người ơi, là bậc trí,
Xin hãy chớ nản lòng hay nhụt chí,
Chính ta nay thành đạt đích ước nguyền.

4. Ta thấy nay, người hỡi, gắng sức lên,
Nếu người trí, dù buồn phiền đau khổ,
Ðừng chán nản, chính ta đây nhìn rõ,
Ta đã từng chiến đấu vượt trùng dương.

5. Bậc trí nhân dù tràn ngập đau thương,
Niềm hy vọng an vui không hề tắt,
Nhiều tình cảm, khổ đau cùng an lạc:
Các ngài không nghĩ đến chúng làm chi,
Song lên đường cho đến lúc chết đi.

6. Việc xảy ra, ta đều không ngờ tới,
Việc ta tính lại thường hay thất bại,
Vì chỉ riêng phần ý tưởng mà thôi
Chẳng lợi cho niềm hạnh phúc người đời.

Trong lúc vua đang ca khúc hát này, mặt trời cũng vừa lên. Còn vị tế sư của ngài cũng dậy sớm vào vấn an sức khỏe của ngài. Lúc đang đứng ở cửa, vị này nghe tiếng ca ấy, nghĩ thầm: "Hôm qua đức vua đi săn. Chắc ngài đã hụt mất con Nai và khi bị quần thần chế nhạo, ngài phán rằng ngài sẽ đích thân đuổi bắt con mồi và giết đi. Sau đó, hẳn ngài săn đuổi theo Nai, vì bị lòng kiêu mạn của một chiến sĩ thúc đẩy, nên bị rơi vào cái hố sâu sáu mươi cubit. Rồi Nai có từ tâm chắc hẳn đã kéo ngài lên mà không hề có chút ý nghĩ gì đến tội ác của đức vua đối với mình. Chắc vì thế nên đức vua hát lên khúc tụng ca này đây".

Như vậy, vị Bà-la-môn này nghe hết mọi lời ca của khúc hát kia, và những việc gì đã xảy ra giữa vua với Nai đều rõ ràng như một khuôn mặt phản chiếu trong chiếc gương được lau chùi thật kỹ. Ông lấy đầu ngón tay gõ nhẹ lên cửa. Vua hỏi:

- Ai đó?

- Tâu Chúa thượng, chính hạ thần là tế sư đây.

- Này Sư trưởng, cứ vào đi.

Vua bảo rồi mở cửa. Vị ấy bước vào, tung hô vạn tuế đức vua, và đứng sang một bên. Sau đó, ông thưa:

- Tâu Ðại vương, hạ thần biết những việc đã xảy ra với Ðại vương ở trong rừng. Trong lúc đuổi theo con Nai, Ðại vương rớt vào hố và con Nai dựa vào sườn đá bên hố mà kéo Ðại vương lên. Vì vậy, Ðại vương nhớ lại đặc tính cao cả của Nai và hát một bài tụng ca.

Rồi ông ngâm hai vần kệ:

7. Bên sườn non nọ có con Nai,
Trước đó là con thịt của ngài,
Dũng cảm Nai ban ngài cuộc sống,
Vì ly tham hận hết trong đời.

8. Khỏi hố đáng kinh, vuốt tử thần,
Dựa vào tảng đá bạn-khi-cần,
Chúa Nai cứu mạng nên ngài bảo:
Trí tuệ Nai vàng vượt hận sân.

"Ô kìa!" Vua suy nghĩ khi nghe lời trên: "Người này không cùng đi săn với ta, tuy thế, lại biết hết mọi sự. Làm sao lại biết được thế? Ta muốn hỏi vị ấy". Và vua ngâm vần kệ thứ chín:

9. Ðạo sĩ, hôm kia có mặt chăng?
Hoặc nghe từ một kẻ bàng nhân?
Tấm màn tham dục ngài đã vén,
Trí tuệ ngài làm trẫm hãi hùng!

Song vị Bà-la-môn đáp:

- Hạ thần không phải là một vị Phật toàn tri đâu, hạ thần chỉ nghe lóm khúc tụng ca của Ðại vương vừa hát đó thôi, mà không bỏ sót ý nghĩa, nên mọi việc trở nên rõ ràng trước mắt hạ thần.

Ðể giải thích điều này, ông ngâm vần kệ thứ mười:

10. Tâu Chúa công! Việc ấy, thần chẳng nghe,
Không vào rừng để chứng kiến ngày kia,
Song từ khúc kệ ngài ca êm dịu,
Việc ra sao, trí nhân đà thấu hiểu.

Vua rất hoan hỷ nên ban thưởng ông một tặng phẩm quí giá.

Từ đó về sau, vua chuyên tâm bố thí và làm các thiện sự, dân chúng cũng đem hết lòng làm thiện sự, nên khi mạng chungđược sinh lên cùng Thiên chúng thật đông đảo.

Lúc bấy giờ, vua đi vào thượng uyển cùng với vị tế sư để bắn bia. Thời ấy Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ đang suy gẫm xem cả đám tiên đồng ngọc nữ kia mới từ đâu đến mà ngài thấy thật đông đảo chung quanh ngài như thế. Khi xét kỹ, ngài chợt hiểu toàn câu chuyện: Vua đã được Nai cứu thoát khỏi cái hố như thế nào, vua đã được an trú vào giới đức, và nhờ uy lực của vua ra sao mà dân chúng đã làm nhiều thiện sự nên Thiên giới trở thành đông đúc như thế, và nay vua lại vào ngự uyển để bắn một cái bia.

Vì thế, Thiên chủ cũng đến nơi đó, với giọng sư tử hống, ngài tuyên thuyết tính cao thượng của Nai, và bảo cho biết chính ngài là Sakka Thiên chủ, rồi đứng vững trên không mà thuyết Pháp nêu rõ công đức của lòng từ bi và Ngũ giới, xong ngài trở về. Bấy giờ, vua dự định bắn bia, giương chiếc cung và lắp mũi tên vào dây. Ngay lúc ấy, Sakka Thiên chủ dùng thần lực hóa hiện ra con Nai đứng giữa vua và tấm bia, vua thấy vậy không bắn tên nữa. Lúc ấy, Thiên chủ nhập vào thân của vị tế sư ngâm kệ này cho vua nghe:

11. Tên ngài giết lắm vật oai hùng,
Sao lại cầm tên lặng giữa cung?
Hãy bắn tên bay vào lộc ấy,
Ðó là ngự thiện, tấu Minh vương!

Vua đáp lại qua vần kệ:

12. Tế sư, trẫm thấu suốt hơn ngài:
Trẫm biết dâng vua chính thịt nai,
Song trẫm nhớ ơn đà cứu giúp,
Trẫm dừng tay chẳng hại đời ai.

Sau đó, Sakka Thiên chủ ngâm đôi vần kệ:

13. Chẳng phải là Nai, tấu Ðại vương,
Mà đây là một Tu-la-thần,
Ngài là chúa tể nơi trần thế,
Giết nó, ngài lên đấng Ngọc hoàng!

14. Nếu ngài do dự, tấu Anh quân,
Khi giết Nai vì chính bạn thân,
Sẽ vào sông lạnh Diêm vương phủ,
Cùng vợ con ngài xuống cõi âm.

Nghe thế vua liền ngâm hai vần kệ:

15. Cứ vậy Diêm vương với tử hà,
Ðưa ta đến đủ cả toàn gia,
Cùng thân bằng nữa, ta không thể
Tự giết Nai bằng tay của ta.

16. Ðầy rẫy rừng sâu nỗi hãi hùng,
Chính Nai đã cứu khỏi tai ương,
Sao ta muốn vị ban ân chết,
Sau việc thi ân ấy đã mang?

Lúc ấy, Thiên chủ Sakka xuất ra khỏi thân của vị tế sư, mang lấy đúng hình dáng của ngài và hiện đứng vững trên không, ngâm hai vần kệ nêu rõ đức tính cao thượng của vua:

17. Thiện hữu muôn năm ở cõi trần!
Dạy đời lương thiện, lý toàn chân,
Rồi Thiên nữ sẽ theo hầu hạ
Ngài chính In-dra giữa các thần.

18. Thoát dục, tâm mình mãi trú an,
Khi nhiều người lạ đến kêu van,
Hãy cho chúng những gì cần thiết,
Vì Ðại vương đầy đủ khả năng,
Hãy sống phân minh không phạm lỗi,
Ngày sau Thiên giới sẽ dành phần.

Nói vậy xong, Thiên chủ tiếp tục như sau:

- Ta đến đây để thử ngài, này Ðại vương, và ngài đã không đồng ý với ta. Ta xin ngài hãy gắng tinh cần mãi.

Cùng với lời khuyên này, ngài trở về cõi của mình.

*

Khi bậc Ðạo sư đã chấm dứt Pháp thoại, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu tiên Sàriputta hiểu đầy đủ những điều được nói tổng quát, mà ngày xưa cũng vậy.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:



- Vào thời ấy Ànanda (A-nan) là vua, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là vị tế sư và Ta chính là Nai chúa.

Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch

Tidak ada komentar:

Posting Komentar