Chàng suy nghĩ: "Ðám người kia chắc chắn phải có kiến thức vẹn toàn. vậy ta muốn học hỏi ở họ". Vì thế, chàng từ giã thế tục, và vì chàng ước mong được kiến thức, nên làm việc phục dịch các vị này, chỉ yêu cầu các vị ấy dạy lại cho chàng mọi kiến thức thông thái của họ.
Chương XIVTạp phẩm
484. Chuyện cánh đồng lúa (Tiền thân Sàlikedàra)
Mùa lúa chiêm vàng thật đẹp thay..,
Chuyện này bậc Ðạo sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo phụng dưỡng mẹ mình.
Trường hợp này sẽ được giải thích trong Tiền thân Sàma (số 540, tập VII). Lúc ấy, bậc Ðạo sư cho gọi Tỷ-kheo này đến và hỏi:
- Này Tỷ kheo, Ta nghe nói ông cấp dưỡng người thế tục, có đúng vậy chăng?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy!
- Họ là ai thế?
- Bạch Thế Tôn, chính song thân của con.
Bậc Ðạo sư bảo:
- Này Tỷ-kheo, tốt lành thay! Các trí nhân ngày xưa, ngay khi còn mang thân thú vật hạ liệt, dù chỉ sinh làm loài Anh vũ, nhưng khi cha mẹ già yếu, cũng đã đem cha mẹ vào tổ và nuôi nấng bằng chính thức ăn mà chúng ngậm về trong mỏ mình.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, vị vua mệnh danh là Ðại vương Magadha (Ma-kiệt-đà) trị vì tại Ràjagaha (Vương Xá). Thời ấy, có một làng Bà-la-môn, tên là Sàlindiya ở phía đông bắc kinh thành này. Trong vùng đông bắc này là địa phận thuộc về nước Ma-kiệt-đà. Có một Bà-la-môn sống ở Salindiya, tên là Kosiyagotta, chiếm giữ điền sản cả ngàn mẫu đất để trồng lúa. Khi vụ mùa đến, ông làm một hàng rào vững chắc, giao đất cho các gia nhân, có người được năm mươi mẫu, người khác sáu mươi mẫu, và cứ vậy, vị địa chủ chia khoảng năm trăm mẫu điền sản cho đám gia nhân.
Còn năm trăm mẫu kia, ông chủ giao cho một người làm thuê lấy công, người ấy dựng túp lều và ở đó suốt đêm ngày. Lúc bấy giờ, về phía đông bắc vùng đồng ruộng này là một khu rừng cây bông vải rộng lớn, mọc trên một ngọn đồi bằng phẳng, trong rừng này có một đàn chim Anh vũ (két) rất đông.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát sinh vào đàn chim Anh vũ này, làm vương tử của chúa Anh vũ. Ngài lớn lên tốt đẹp và khỏe mạnh, thân lớn bằng cái trục bánh xe. Bấy giờ, chúa chim đã già, bảo ngài:
- Nay ta không thể nào bay ra đồng được nữa, con hãy chăm sóc cả đàn chim này.
Và phong cho ngài chức chim chúa. Từ hôm sau, ngài không chịu để cha mẹ đi kiếm mồi nữa, mà ngài cùng cả đàn bay về vùng Tuyết Sơn, và sau khi ăn lúa no nê từ đám ruộng mọc hoang tại đó, ngài trở về mang thức ăn đầy đủ để nuôi cha mẹ.
Một ngày kia, đàn chim Anh vũ hỏi ngài một chuyện. Chúng nói:
- Trước đây, vào lúc này lúa đã chín trong nông trại Ma-kiệt-đà, bây giờ lúa có được trồng nữa chăng?
Ngài đáp:
- Cứ đi xem.
Rồi ngài bảo hai chim Anh vũ đi tìm hiểu. Ðôi chim Anh vũ bay đi, và hạ cánh xuống đồng bằng Ma-kiệt-đà ở phần đất được người làm mướn canh giữ, chúng ăn lúa rồi mang một cọng lúa về rừng, thả xuống trước đôi chân của bậc Ðại sĩ và nói:
- Lúa này mọc tại đó.
Hôm sau, ngài bay đến nông trại đó và hạ xuống cùng với cả đàn chim. Người làm công ấy cứ chạy đằng này đến chạy đằng kia, cố xua đuổi đàn chim, song không thể nào đuổi chúng được. Cả đàn Anh vũ ăn lúa xong, ra đi với những mỏ trống không, nhưng chúa Anh vũ thu lượm một số lúa mang về cho cha mẹ.
Hôm sau, bầy Anh vũ lại đến đó ăn lúa lần nữa, và hôm sau nữa cũng vậy. Lúc ấy người kia bắt đầu suy nghĩ: "Nếu những con vật này cứ tiếp tục ăn thêm vài ngày nữa, thì ta chẳng còn chút gì. Vị Bà-la-môn kia sẽ định giá cả cho cả đám lúa này và sẽ phạt tiền ta. Ta phải đi báo cho ông ấy biết". Vừa cầm lấy một nắm lúa và một món quà kèm theo, gãđi đến gặp vị Bà-la-môn kia, kính chào vị ấy và đứng sang một bên. Ông chủ bảo:
- Nào, anh bạn, có được mùa lúa chăng?
- Thưa Tôn giả Bà-la-môn, được mùa lắm.
Gã đáp và ngâm hai vần kệ:
1. Mùa lúa chiêm vàng thật đẹp thay,
Song tôi xin nói để ngài hay
Ðàn Anh vũ phá tan đồng lúa,
Tôi chẳng làm sao đuổi chúng bay.
2. Có một chim kia đẹp nhất đàn,
Trước tiên tìm lúa chín mà ăn,
Rồi mang một nắm vào trong mỏ,
Ðể sẵn mai sau những lúc cần.
Khi vị Bà-la-môn nghe chuyện này lòng phát sinh mối tình thương cảm đối với chim Anh vũ chúa. Ông hỏi:
- Này chú, thế chú có biết cách đặt bẫy chăng?
- Thưa Tôn ông, tôi có biết.
Ông chủ ấy liền nói với gã qua vần kệ này:
3. Ðặt bẫy lông đuôi ngựa thế này,
Chim kia rồi cũng bị sa ngay,
Bắt cho cẩn thận, chim còn sống,
Rồi lấy chim về gặp lão đây.
Người giữ ruộng rất vui mừng vì ông chủ không định giá tiền về đám lúa kia, và không ai nhắc đến nợ nần cả. Gã đi ngay và làm một cái bẫy bằng lông đuôi ngựa. Sau đó gã tìm hiểu xem lúc nào đàn chim sắp đáp xuống ngày hôm ấy, rồi gã thấy được nơi chúa Anh vũ đậu. Hôm sau từ sáng sớm gã làm một cái lồng to cỡ bằng cái bình nước và đặt bẫy rồi ngồi trong lều đợi đàn chim đến.
Chim chúa đến giữa đàn và chim không tỏ chút gì tham ăn, vừa bước xuống đúng nơi đã đậu ngày hôm qua, thì chân đặt ngay vào chiếc thòng lọng. Khi chim thấy chân bị siết chặt, liền nghĩ thầm: "Nếu bây giờ ta thốt lên tiếng chim của con chim mắc bẫy, thì đàn chim thân thuộc của ta sẽ kinh hoàng và chạy trốn mà chưa ăn gì được. Vậy ta phải chịu đựng cho đến khi chúng ăn xong".
Cuối cùng, khi chim chúa thấy chúng đã no nê, mới lo sợ cho tính mạng mình mà thốt lên ba lần tiếng kêu của con chim bị nạn. Cả đàn chim bay trốn mất. Lúc ấy, chúa chim Anh vũ bảo:
- Cả đàn chim bà con quyến thuộc của ta đây, chẳng con nào quay lại nhìn ta nữa! Ta đã phạm tội gì vậy?
Và chim cảm hứng ngâm vần kệ quở trách chúng:
4. Bầy chim ăn uống thật no say,
Rồi chúng liền tung cánh vút bay,
Bị bắt mình ta vào chiếc bẫy,
Ta đà gây tội lỗi gì đây?
Người giữ ruộng chợt nghe tiếng kêu của chim chúa và âm thanh của cả đàn chim kia bay qua không gian. "Cái gì đó?" Gã nghĩ thầm. Gã đứng dậy ra khỏi lều và đi về phía cái bẫy, gã thấy chim chúa ở đó.
"Ðúng là con chim mà ta muốn đặt bẫy đã bị bắt". Gã kêu lên mừng rỡ vô cùng, gã lấy con chim ra khỏi bẫy, buộc đôi chân vào nhau và đi về phía làng Salindiya, gã giao chim cho vị Bà-la-môn. Vị này với tình cảm đậm đà dành cho bậc Ðại sĩ, ôm ngài trong đôi tay, đặt ngài trên đùi mình và nói chuyện với ngài qua hai vần kệ sau:
5. Bụng chim lớn vượt các chim kia:
Trước hết chim ăn bữa thỏa thuê,
Sau đó ngậm thêm đầy mỏ nữa,
Trước khi giương cánh rộng bay về.
6. Chim có một kho phải đổ vào?
Và chim ghét lão đắng cay sao?
Lão đòi chim phải trình cho đúng:
Chim để kho kia ở chốn nào?
Nghe lời này, Anh vũ chúa đáp lời, ngâm vần kệ thứ tám bằng giọng người ngọt ngào như mật:
7. Ta chẳng ghét ngài, Ko-si-ya,
Ta không hề có vựa kho nhà,
Khi vào rừng ở, ta hoàn nợ,
Và cũng cho vay mượn nữa mà,
Nơi đó ta dồn kho báu mãi,
Ðây là câu giải đáp phần ta.
Tiếp theo vị Bà-la-môn hỏi chim chúa:
8. Món nào chim lại muốn cho vay?
Gì đó là công phải trả đây?
Cho biết kho nào đang tích trữ,
Rồi ta sẽ thả tự do bay.
Chim Anh vũ chúa vừa đáp lời Bà-la-môn yêu cầu, vừa giải thích ý định mình qua bốn vần kệ:
9. Lũ chim non nớt ở nhà ta,
Ðôi cánh còn chưa mọc đủ ra,
Chúng sẽ nuôi ta mai mốt nọ,
Nay ta cho chúng mượn vay mà.
10. Mẹ cha già yếu cả song thân,
Hai vị xa dần hạn tuổi xuân,
Với lúa ta mang trong chiếc mỏ
Ðem vê dâng trả các ân nhân.
11. Còn lắm chim đang sống lẻ đơn,
Bầy chim yếu đuối lại nhiều hơn,
Ta cho bọn chúng vì từ mẫn:
Ðây chỗ hiền nhân gọi trữ tồn.
12. Ðây là phần nợ muốn cho vay,
Ðấy lại là công phải trả đầy,
Nơi nọ là kho đang tích trữ,
Giờ ta phân giải hết lời này.
Vị Bà-la-môn rất hoan hỷ khi nghe bài thuyết giáo hợp đạo lý này của bậc Ðại sĩ, liền ngâm hai vần kệ:
13. Ðạo lý cuộc đời tối thượng thay!
Làm bao công đức chính chim này!
Từ mồm nhiều kẻ trên trần thế
Chẳng có hề nghe luật lệ vầy.
14. Ăn cho vừa ý thật no nê,
Và mọi chim thân cũng thỏa thuê,
Anh vũ, rồi ta còn gặp lại,
Ta yêu hình bóng bạn quay về.
Cùng với những lời này, ông nhìn bậc Ðại sĩ với lòng trìu mến như thể nhìn đứa con yêu quý nhất của mình; rồi thả dây khỏi chân chim, ông xoa lên đôi chân ấy một loại dầu quý đã lọc kỹ cả trăm lần, và đặt chim lên một bảo tọa rất sang trọng, đãi chim ăn món bắp ngọt trên một cái đĩa vàng và uống nước đường.
Sau đó chúa Anh vũ vừa khuyên nhủ vị Bà-la-môn tinh cần, vừa ngâm kệ này:
15. Trong nhà ngài đấy, Ko-si-ya,
Ta uống ăn, tình bạn thiết tha,
Xin hãy cúng dường cho những vị
Trong đời gánh nặng đã quăng xa,
Và xin phụng dưỡng song thân đủ,
Khi các ngài kia đã xế tà.
Lúc ấy vị Bà-la-môn vô cùng hân hoan trong lòng, cảm hứng ngân nga nỗi lạc thú lâng lâng của mình qua vần kệ này:
16. Thần nữ Cát Tường hẳn đến đây
Khi ta nhìn thấy chúa chim này,
Ta nguyền thực hiện nhiều công đức,
Chẳng có bao giờ muốn nghỉ tay,
Vì giọng chim thần nay lảnh lót,
Ta vừa nghe thật tuyệt vời thay!
Kế đó, bậc Ðại sĩ không chịu nhận cả ngàn mẫu ruộng mà vị Bà-la-môn tặng ngài, nhưng chỉ nhận tám mẫu thôi. Vị ấy cho xây tường đá làm ranh giới để dành riêng điền sản cho ngài, rồi lại đưa tay lên đảnh lễ ngài rất cung kính và nói:
- Xin Chúa công thượng lộ bình an và mau về khuyên dỗ song thân đang than khóc.
Xong ông để ngài bay đi. Ngài rất đẹp ý, ngậm một cọng lúa đem về cho cha mẹ rồi vừa thả cây lúa trước song thân vừa bảo:
- Nào dậy đi thôi, cha mẹ thân yêu của con.
Hai vị nghe lời ngài liền vùng dậy, mắt nhòa lệ thảm. Sau đó, cả đàn Anh vũ kia lục tục kéo đến hỏi thăm:
- Tâu Chúa thượng, ngài làm sao thoát thân được?
Ngài kể cho chúng nghe toàn câu chuyện từ đầu đến cuối. Còn gia chủ Kosiya nghe lời khuyên nhủ của chim Anh vũ chúa, đem phân phát nhiều của cải, bố thí cúng dường các vị chân nhân, các ẩn sĩ khổ hạnh, cùng các Bà-la-môn nữa.
Vần kệ cuối cùng do bậc Ðạo sư ngâm để giải thích việc này:
17. Ko-si này với đại hân hoan
Thực phẩm làm phong phú ngập tràn
Ðãi uống ăn La-môn, Thánh giá,
Bản thân vị ấy thật hiền lương.
*
Khi bậc Ðạo sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
- Như vậy, này các Tỷ-kheo, phụng dưỡng mẹ cha mình là một mỹ tục cổ truyền của các bậc trí nhân và thiện nhân.
Sau đó, Ngài thuyết giảng các Sự Thật và nhận diện Tiền thân. Bấy giờ, vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo đó đãđược an trú vào Sơ quả Dự Lưu:
- Vào thời ấy, các đệ tử Phật là đàn Anh vũ, phụ hoàng, mẫu hậu ngày nay là cha mẹ chim chúa, Channa (Xa-nặc) là người giữ ruộng, Ànanda là vị Bà-la-môn, và Ta chính là chim chúa Anh vũ kia.
-ooOoo-
485. Chuyện đôi ca thần Canda (Tiền thân Canda Kinnara)
Chắc hẳn đời ta sắp sửa tàn..,
Chuyện này bậc Ðạo sư kể trong lúc trú tại Bồ-đề Lâm gần Kapilapura, về thân mẫu của Ràhula (La-hầu-la) khi bà còn ở trong cung.
Tiền thân này phải được kể bắt đầu từ thời quá khứ xa xưa của Tiền thân đức Phật. Song câu chuyện về các thời kỳ này, bắt đầu từ tiếng Sư tử hống của Tôn giả Uruvela Kassapa (Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp) tại Latthivana (Rừng Mía gần Trúc Lâm), đã được kể trước kia trong số 1. Tiền thân Apannaka. Bắt đầu từ đó, ta sẽ đọc trong số 547. Tiền thân Vessantara phần tiếp theo chuyện cho đến khi Ngài trở về Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ).
Ðang lúc Ngài ngồi trong cung phụ vương, suốt buổi ăn, bậc Ðạo sư kể Tiền thân Mahàdhammapàla (số 447) và sau khi buổi ăn đã xong, Ngài nói:
- Ta muốn tán thán những đức tính cao quý của mẹ Ràhula (La-hầu-la) ngay ở nội thất bà bằng cách kể Tiền thân Canda-Kinnara này.
Rồi vừa trao bình bát cho vua cha, Ngài cùng hai vị Ðại đệ tử bước qua cung thất của mẫu thân La-hầu-la. Thời ấy, có bốn mươi ngàn cung nữ giỏi ca múa hay đến bầu bạn với bà, trong đó có một ngàn chín mươi nàng là con gái dòng Sát-đế-ly. Khi bà nghe báo tin đức Như Lai đến viếng, bà ra lệnh tất cả đám cung nữ này đắp y vàng và hội chúng tuân lệnh.
Bậc Ðạo sư bước vào, ngồi xuống chỗ đã được dành sẵn cho Ngài. Lúc ấy, cả hội chúng nữ nhân đều kêu lên một tiếng và than khóc rền rỉ. Sau khi để mặc dòng lệ tuôn tràn, bà mẹ của La-hầu-la cố dẹp nỗi sầu riêng, đứng lên đảnh lễ bậcÐạo sư và ngồi xuống với vẻ vô cùng tôn kính dành cho một vị vua. Lúc ấy, phụ vương Ngài bắt đầu kể đức hạnh của bà:
- Bạch Thế Tôn, xin hãy nghe đây. Khi nàng hay tin Thế Tôn đã đắp y vàng, nàng cũng đắp y vàng, Thế Tôn bỏ hết các vòng hoa và đồ trang sức, nàng cũng bỏ hết mọi thứ và chỉ nằm ngồi dưới đất. Khi Thế Tôn đã xuất gia, nàng liền trở thành cô phụ và từ chối mọi tặng vật mà các vương tử khác gửi đến nàng. Lòng nàng bao giờ cũng trung thành với Thế Tôn.
Như thế, phụ vương của Ngài đã kể hết đức hạnh của nàng trong nhiều cách, bậc Ðạo sư liền bảo:
- Thưa Phụ vương, thật không lạ gì ngày nay trong đời cuối cùng của Như Lai, công chúa này đã yêu thương, gìn giữ lòng trung thành đối Như Lai và chỉ muốn được một mình Như Lai dìu dắt mà thôi. Quả vậy, ngay cả khi được sinh làm loài phi nhân, bà cũng giữ dạ thủy chung với phu quân mình mà thôi.
Rồi theo lời thỉnh cầu của vua cha, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thời, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, bậc Ðại sĩ được sinh trong vùng Tuyết Sơn làm một vị Tiên Kinnara (Khẩn-na-la: Ca thần) tên là Canda hay Nguyệt Lang, vợ ngài là Candà hay Nguyệt Nga. Cả hai vị sống cùng nhau trên một hòn núi bạc tên là Canda-pabbata hay Nguyệt Quang.
Thời ấy, vua Ba-la-nại giao phó việc triều chính cho các quan đại thần, một mình vua khoác hai chiếc hoàng bào, trang bị năm thứ vũ khí và tiến về vùng Tuyết Sơn nọ.
Trong lúc đang thưởng thức món sơn hào, vua chợt nhớ nơi có con suối nhỏ, nên bắt đầu leo lên đồi. Thời bấy giờ, đôi tiên sống trên đỉnh Nguyệt Sơn thường ở trong núi vào mùa mưa, và chỉ xuống núi vào mùa nắng. Vừa lúc ấy, tiên nam Canda cùng vợ hạ sơn và đi quanh quẩn. Ðôi tiên tầm nước hoa, ăn phấn hoa, mặc xiêm y bên trong lẫn bên ngoài đều bằng thứ lụa sa dệt từ bông hoa, vừa lắc lư trong đám cây cát đằng (dây leo), vừa vui đùa ca hát bằng một giọng ngọt ngào như mật.
Vị tiên nam tiến dần đến con suối này và tại một chỗ dừng chân bên suối, chàng bước xuống cùng vợ rắc hoa khắp mặt suối vừa vui đùa dưới nước. Khi cả hai vị đã mặc lại xiêm y bằng hoa xong, trên một khoảng cát trắng, sáng láng một tấm bạc, hai vị trải hoa làm sàng tọa và nằm xuống. Vừa lượm được một khúc cây trúc, vị tiên nam bắt đầu thổi sáo, thỉnh thoảng ca hát ngọt ngào như mật rót vào tai, trong lúc tiên nữ uốn lượn đôi tay mềm mại, vừa nhảy vừa hát ca gần đó.
Nhà vua nghe tiếng hát, liền đi rón rén để đừng ai nghe lọt bước chân, vừa đến gần ngắm nghía đôi tiên từ một nơi nấp kín đáo. Vua bỗng nhiên sinh ra si tình tiên nữ và nghĩ thầm: "Ta muốn bắn chàng kia và sống ở đây với vợ chàng". Sauđó vua liền nhắm bắn trọng thương vị tiên nam Canda. Chàng đau đớn thốt lên bốn vần kệ:
1. Chắc hẳn đời ta sắp sửa tàn,
Máu ta đang chảy xiết, tuôn tràn,
Ta gần mất hết nguồn sinh lực,
Hơi thở đang thoi thóp, hỡi nàng!
2. Ta đang chìm ngập với đau thương,
Lòng dạ ta đang đốt cháy bừng,
Song bởi chính nàng sầu, Nguyệt hỡi,
Mà tim ta cảm xúc khôn lường.
3. Như cỏ cây, ta cứ lụi tàn,
Héo hon như suối cạn khô dần,
Lòng đầy xúc cảm, Can-dà hỡi,
Vì nỗi buồn đau của chính nàng.
4. Dòng lệ tuôn từ cặp mắt ta,
Như mưa chân núi chảy vào hồ,
Bởi vì lòng dạ đầy thương cảm,
Cho nỗi sầu nàng, hỡi Nguyệt Nga!
Bậc Ðại sĩ than khóc như vậy qua bốn vần kệ trong khi quằn quại trên sàn tọa bằng hoa, rồi bất tỉnh quay mặt đi. Nhà vua vẫn đứng ở nơi đã nấp. Còn tiên nữ không biết bậc Ðại sĩ vừa bị thương, ngay khi ngài than khóc như thế, nàng cũng không hay biết, vì nàng đang say sưa với niềm hoan lạc của mình. Nhưng khi thấy ngài quay đi và nằm bất động, nàng bắt đầu tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với vị phu quân. Vội đến gần quan sát chồng, nàng thấy máu đang chảy ra từ miệng vết thương, nên không thể nào chịu đựng nổi cơn đau đớn khủng khiếp trước tình cảnh phu quân yêu quý của mình, nàng kêu gào thất thanh.
"Vị tiên nam ắt hẳn đã chết", vua thầm nghĩ và bước ra lộ diện. Khi tiên nữ Candà thấy vua, nàng nghĩ thầm: "Ðây hẳn là kẻ cướp đã giết chồng yêu quý của ta", và nàng run rẩy chạy trốn. Khi đã đứng trên đỉnh đồi, nàng kết tội vua quyết liệt qua năm vần kệ:
5. Ôi khổ thân ta, chúa bạo tàn!
Nhà ngươi đã bắn trọng thương chàng,
Nay chàng nằm đó, trên đất lạnh,
Dưới một gốc cây, giữa núi ngàn.
6. Vương tử! Sầu đau xét ruột này,
Ta mong thái hậu phải đền thay!
Mối sầu đang bóp tim tan nát,
Khi thấy chàng yêu đã chết đây.
7. Vương tử! Sầu đau xét ruột này,
Ta mong vương hậu phải đền thay!
Mối sầu đang bóp tim tan nát,
Khi thấy chàng yêu đã chết đây.
8. Mong thái hậu nay khóc phụ hoàng,
Và sau lại phải khóc hoàng nam,
Kẻ vì tham dục đang làm ác
Cho chính chồng ta thật uổng oan.
9. Ước mong vương hậu phải chờ trông
Tình cảnh mất con lẫn mất chồng,
Là kẻ vì tham, làm việc ác
Cho chàng vô tội, chính phu quân.
Sau khi nàng kêu gào than khóc như vậy qua năm vần kệ trên, nhà vua vừa đứng trên đỉnh núi vừa cất tiếng an ủi nàng qua một vần kệ khác.
10. Thôi đừng than khóc, chớ sầu thương,
Ta chắc rừng đêm quáng mắt nàng:
Cung điện vua ban nàng diễm phúc,
Nàng làm hoàng hậu của quân vương!
- Ngươi vừa nói gì thế?
Tiên nữ Candà thét lên khi nghe lời này, và nàng cất giọng sư tử hống hùng hồn đáp lời:
11. Không, ta đành kết liễu cuộc đời!
Ta chẳng bao giờ muốn lấy ngươi,
Ngươi giết chồng ta nào có tội,
Tất cả vì tham ái ta thôi!
Khi nghe lời này, lòng say mê của vua đối với nàng đều tan hết, sau đó, vua liền ngâm một vần kệ khác nữa:
12. Sống cho thỏa nguyện, hỡi tiên nương,
Thôi hãy quay về đỉnh Tuyết Sơn,
Ta biết có nhiều loài thú vật
Ăn toàn cỏ hoa, mến rừng hoang.
Cùng với những lời này, vua bình thản bỏ đi. Ngay khi Candà biết vua đi rồi, nàng bước đến ôm lấy bậc Ðại sĩ đem tận đỉnh đồi và đặt ngài nằm trên một chỗ đất bằng phẳng tại đó; vừa kê đầu ngài lên lòng nàng, nàng vừa than thở qua mười hai vần kệ sau:
13. Ðây giữa vùng đồi núi, đỉnh cao,
Trong nhiều thung lũng, dưới hang sâu,
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì bóng chàng nay thiếp thấy đâu?
14. Thú rừng lang bạt khắp nơi nơi,
Lá trải trên nhiều chốn đẹp tươi,
Thiếp phải làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì nay chàng vắng bóng trên đời?
15. Dã thú tung hoành, hoa ngát hương
Lan tràn bao chốn đẹp hoang đường,
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì chẳng còn đâu thấy bóng chàng?
16. Trong veo, nhiều suối chảy ven đồi,
Hoa dại muôn ngàn, phủ khắp nơi,
Thiếp phải làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì nay chàng bỏ thiếp đơn côi?
17. Xanh thẳm là đối núi Tuyết San,
Khi nhìn, đồi núi đẹp vô vàn,
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì chẳng còn đâu thấy bóng chàng?
18. Bao đỉnh Tuyết Sơn nhuộm ánh vàng,
Nhìn xem đồi núi đẹp huy hoàng,
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì thiếp còn đâu thấy bóng chàng?
19. Ðồi núi Tuyết Sơn đỏ rực lên,
Núi đồi tuyệt diệu lúc nhìn xem!
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì thiếp còn đâu thấy bóng tiên?
20. Tuyết Sơn đỉnh nhọn vút trời cao,
Ðồi núi nhìn xem đẹp biết bao!
Thiếp sẽ làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì nay thiếp chẳng thấy chàng đâu?
21. Lấp lánh, Tuyết Sơn đỉnh trắng ngần,
Nhìn xem đồi núi đẹp muôn phần!
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì chẳng còn trông thấy Nguyệt quân?
22. Tuyết Sơn lại đổi sắc cầu vồng,
Tuyệt diệu là khi đứng ngắm trông!
Thiếp phải làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì không còn được thấy lang quân?
23. Ðồi Hương thân thiết với yêu ma,
Khắp chốn phủ đầy vạn cỏ hoa,
Thiếp phải làm gì, chàng nguyệt hỡi,
Vì đâu còn thấy bóng Can-da?
24. Thần tiên yêu mến ngọn đồi Hương,
Cây cỏ bao quanh khắp nẻo đường,
Thiếp sẽ làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì đâu còn thấy bóng chàng thương?
Nàng cứ than thở mãi như vậy, rồi khi cầm tay bậc Ðại Sĩ đặt lên ngực nàng, nàng thấy tay ngài còn ấm. Nàng nghĩ thầm: "Can-da còn sống đây, ta quyết khiêu khích các thần linh cho đến khi chàng được sống lại!" Rồi nàng lớn tiếng quở trách các thần:
- Chẳng có vị thần nào cai trị cõi trần hay sao? Các ngài đi ngao du ở đâu cả rồi? Chắc hẳn các ngài chết hết rồi nên chẳng còn ai cứu mạng chồng yêu quý của ta đây!".
Vì uy lực nỗi khổ đau thống thiết của nàng, chiếc ngai của Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ nóng rực lên. Khi xét kỹ, ngài thấy rõ nguyên nhân, liền giả dạng một vị Bà-la-môn đến gần nàng, cầm bình nước thần dược rảy lên mình bậc Ðại Sĩ. Trong chốc lát, thuốc độc mất công hiệu, sắc mặt ngài trở lại tươi tỉnh, ngài cũng không còn biết gì đến chỗ bị thương nữa. Bậc Ðại Sĩ đứng dậy hoàn toàn hồi phục.
Khi Candà thấy vị phu quân muôn vàn yêu quí của mình đã hoàn toàn bình an, nàng hân hoan quì xuống chân của Ðế Thích Thiên chủ và tán thán ngài qua vần kệ:
25. La-môn, Thánh giả đáng tôn vinh!
Cho phận thiếp đây kém phước lành
Ðược thấy phu quân đầy ái kính,
Rảy lên chàng thánh dược hồi sinh!
Sau đó, Ðế Thích Thiên chủ khuyên nhủ:
- Từ rày về sau, hai vị đừng xuống khỏi đỉnh Nguyệt Sơn ra giữa đường đi của loài người nữa, mà cứ ở chốn đây thôi.
Ngài lặp lại câu này hai lần rồi trở về cõi của ngài. Còn Candà hỏi chồng nàng:
- Này phu quân, sao ta lại ở chốn đầy nguy hiểm này? Ta hãy mau về đỉnh Nguyệt Sơn.
Rồi nàng ngâm vần kệ cuối cùng:
26. Ta hãy lui về đỉnh Nguyệt San,
Nơi khe suối diễm lệ tuôn tràn,
Suối khe phủ ngập đầy hoa lá,
Mãi mãi chốn kia, gió nhẹ nhàng
Thầm thì len qua ngàn cổ thụ,
Mải mê trò chuyện, phút bình an.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
- Không phải chỉ bây giờ, mà ngày xưa cũng thế, Công chúa luôn luôn tận tụy và giữ lòng trung thành với Ta.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Anuruddha (A-na-luật-đà) là vua, mẹ của La-hầu-la (Ràhulamàtà) là tiên nữ Candà và Ta chính là vị tiên nam.
-ooOoo-
486. Chuyện chúa chim ưng (Tiền thân Mahà-Ukkusa)
Dân chúng đang nhen lửa đảo này...
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, về Mitta-gandhaka, một cư sĩ.
Tương truyền, người này là con cháu một dòng họ đã suy tàn ở Sàvatti (Xá-vệ), phải nhờ một người bạn đi cầu hôn một thiếu nữ sang trọng. Nhà kia hỏi:
- Thế cậu ấy có bạn bè thân thích nào để có thể giải quyết công việc cần lo liệu chăng?
Nhà trai đáp:
- Không, chẳng có ai cả.
Bên kia bảo:
- Thế thì trước tiên phải kiếm bạn đã.
Người ấy nghe lời khuyên này đi bầu bạn với bốn người giữ cổng thành. Sau đó chàng dần dần kết bạn với những người giữ thành, những nhà thiên văn, nhiều người quí tộc trong triều; ngay cả vị tướng lãnh và phó vương. Nhờ giao thiệp với đám người này, chàng trở thành bạn thân thiết của vua, rồi sau đó là đạo hữu của tám mươi vị Trưởng lão, và nhờ Trưởng lão Ànanda, chàng đến yết kiến chính đức Như Lai. Lúc ấy bậc Ðạo Sư an trú cả gia đình chàng vào Tam quy và Ngũ giới, vua lại phong cho một chức vụ cao và chàng được biệt danh "Mitta-gandhaka" hay "Người kết giao nhiều bằng hữu".
Vua còn ban cho chàng một dinh cơ lớn rồi ra lệnh cử hành hôn lễ cho chàng, nên tất cả mọi người từ vua chúa trở xuống đều mang tặng vật đến nhà. Lúc ấy, vợ chàng nhận được một tặng vật của vua ban, rồi tặng vật của vị Ðại tướng quân, tặng vật của vị Phó vương, cứ thế dân chúng toàn thành đều đến nhà nàng. Vào ngày thứ bảy, đôi tân hôn ấy tổ chức đại lễ để mời đấng Thập Lực, nhiều phẩm vật cúng dường cao sang được đem dâng đức Phật và Tăng chúng lênđến năm trăm vị Tỷ-kheo. Cuối buổi lễ, đôi tân hôn nhận lời tùy hỷ công đức từ đức Phật và được an trú vào Sơ quả Dự Lưu.
Trong Chánh pháp đường, hội chúng nói đến chuyện này:
- Này các Hiền giả, cư sĩ Mitta-gandhaka theo lời vợ khuyên nhủ, và nhờ nàng, đã trở thành bạn của mọi người, được vinh quang tột bực từ vua ban, và sau khi thành thân hữu của bậc Ðạo Sư, đôi vợ chồng đã được an trú vào Sơ quả Dự Lưu.
Bậc Ðạo Sư đi vào và hỏi Tăng chúng đang bàn luận gì. Các vị thưa với Ngài. Ngài bảo:
- Ðây không phải là lần đầu tiên, này các Tỷ-kheo, người này nhận được vinh quang nhờ nữ nhân kia. Ngày xưa, khi còn là súc sinh, nhờ lời khuyên của nàng, nên vị ấy đã kết bạn rất nhiều và thoát khỏi sự lo âu về tính mạng bầy con trẻ.
Nói vậy xong. Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, một số người ở vùng biên địa thường cư trú tại nơi nào họ có thể tìm kiếm thực phẩm nhiều nhất, như sống trong rừng và bắn giết những loài thú vật đông đúc tại đó để lấy thịt cho họ và gia đình họ. Không xa làng của họ là một cái hồ rộng, về phía nam bờ hồ đó có một chim Ưng trống, phía tây là một chim Ưng mái; phía bắc là một Sư Tử, chúa của mọi loài dã thú, phía đông là một chim Ưng biển (Ðại bàng), chúa loài chim, và ở giữa là một con Rùa sống trên một hòn đảo nhỏ.
Chim Ưng trống đến hỏi chim Ưng mái làm vợ. Chim mái bảo:
- Chàng có bạn bè nào không?
- Thưa cô nương, không. Chim trống đáp.
- Ta cần phải có vài chim bạn bảo vệ ta chống lại mọi hiểm nguy hay chuyện rắc rối có thể xảy ra, vậy chàng phải đi kiếm vài chim bạn.
- Ta phải làm bạn với ai đây?
- Ô kìa, với Ðại bàng chúa sống trên bờ phía đông chứ còn ai nữa, rồi với Sư Tử ở phía bắc và Rùa ở giữa hồ này.
Chàng theo lời khuyên của nàng và làm như vậy. Sau đó đôi chim sống với nhau trong một cái tổ do chúng xây lấy; cũng cần nói thêm rằng trên một đảo nhỏ trong hồ này có một cây Kadampa mọc, bốn phía là nước bao quanh. Sau đó chúng sinh được hai chim trống.
Một ngày kia, khi lông cánh đôi chim non còn non nớt, có vài người trai làng đi săn mồi khắp rừng suốt ngày mà chẳng kiếm được gì cả. Vì không muốn trở về làng tay không, họ đi xuống hồ bắt rùa cá, họ lên đảo, nằm dưới bóng cây Kadamba và đang lúc bị ruồi, muỗi, bọ chích đốt thật khổ sở, họ nhóm lửa lên đuổi muỗi mòng bằng cách chà sát củi khô vào nhau, và hun khói. Khói đùn lên làm khó chịu bầy chim, khiến đôi chim non kêu lên chim chiếp.
- Kìa có tiếng chim! Ðám dân làng bảo nhau.
- Nào đốt lửa nhanh lên! Ta không thể nằm nhịn đói ở đây; mà trước khi nằm ngủ, ta phải ăn một bữa thịt chim rừng chứ!
Họ nhóm lửa làm cho ngọn lửa cao dần. Song chim mẹ nghe tiếng động ấy, nghĩ thầm: "Những người này muốn ăn con ta. Ta phải kiếm bạn để cứu nhà ta khỏi hiểm họa này. Ta muốn bảo chim trống đi đến chúa chim Ưng kia". Rồi chim mái bảo:
- Này chàng, hãy đi báo cho chim Ưng chúa biết mối nguy hiểm đang đe dọa các con ta.
Và nó ngâm vần kệ này:
1. Dân chúng đang nhen lửa đảo này,
Ðể ăn bầy trẻ chốc liền đây,
Hỡi chàng! Mau bảo cùng bè bạn
Nguy hiểm con ta cấp báo ngay.
Chim trống liền bay hết tốc lực đến chỗ kia và kêu lên để báo hiệu cho nó đến. Khi được phép, nó đến gần Ðại bàng chúa, và kính chào. Chim Ưng chúa bảo:
- Tại sao bạn đến?
Chim trống liền ngâm vần kệ thứ hai:
2. Chim chúa là ngài, hỡi chúa công!
Nay ta tìm chốn chúa an thân,
Dân làng săn muốn bắt bầy trẻ,
Xin chúa ban cho bạn nỗi mừng!
- Ðừng sợ - Chim Ðại bàng bảo chim Ưng trống.
Vừa an ủi, nó vừa ngâm vần kệ thứ ba:
3. Ðúng lúc hay không, bậc trí nhân
Kết giao cùng bảo vệ thân bằng,
Vì chim Ưng hỡi, ta hành động,
Bạn thiện giúp nhau những lúc cần.
Sau đó, chim Đại bàng chúa hỏi tiếp:
- Này bạn, thế dân làng đã trèo lên cây chưa?
- Họ chưa trèo lên, họ chỉ mới chất củi lên để đốt lửa.
- Vậy bạn nên trở về mau và an ủi hiền thê của bạn rồi nói ta đến ngay.
Chim Ưng làm theo lời. Chim Đại bàng chúa cũng đi, và từ một nơi gần cây Kadamba, nhìn đám người ấy leo lên, vàđậu trên một ngọn cây. Ngay khi một người trèo lên đến gần tổ chim, chim Ðại bàng chúa liền nhào xuống hồ, dùng đôi cánh và mỏ rảy nước lên đám lửa đang cháy khiến chúng tắt hết. Ðám người ấy trèo xuống, nhóm ngọn lửa khác để nấu bầy chim, rồi khi chúng trèo lên, chim Ðại bàng chúa lại dập ngọn lửa lần nữa. Cứ thế, khi lửa được nhóm lên là chim dập tắt đi, cho đến nửa đêm. Chim Đại bàng chúa đã kiệt sức: lớp da dưới bụng trầy ra xơ xác dần, đôi mắt rướm máu. Thấy thế, chim mái bảo chim trống:
- Này phu quân, Ðại bàng chúa đã mệt lả rồi, hãy đi đến báo cho bạn Rùa, để chim Đại bàng chúa được nghỉ ngơi.
Khi nghe vậy, chim Ưng trống đến gần chim Ðại bàng chúa, ngâm kệ bảo bạn:
4. Bạn thiện giúp nhau: ấy việc cần,
Ngài làm vì xót bạn gian nan,
Bình an con trẻ, ngài còn sống,
Cẩn thận, đừng cho thể lực tàn.
Khi nghe lời này, chim Ðại bàng chúa cất cao giọng sư tử hống ngâm vần kệ thứ năm:
5. Khi ta canh giữ ở cây này
Ta chẳng lo rằng nếu chẳng may
Ta mất mạng mình vì chúng bạn,
Thiện nhân hành động vẫn như vầy!
Thế nên, bạn hãy làm vì bạn
Dù chính đời mình kết liễu ngay.
*
Còn vần kệ thứ sáu này do bậc Ðạo Sư ngâm phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của Ngài, khi Ngài tán thán công đức của chim Đại bàng chúa:
6. Vương điễu noãn sinh lượn cõi không
Ðã làm một việc khổ vô cùng,
Chúa Ưng, trước lúc màn đêm xuống,
Canh giữ bầy chim nhỏ vạn an.
*
Sau đó, chim Ưng trống nói:
- Xin hiền hữu chúa chim Ðại bàng hãy nghỉ ngơi chốc lát.
Rồi nó bay đi đến con Rùa, đánh thức Rùa dậy.
- Này bạn, đến có việc gì vậy? Rùa hỏi.
- Có mối hiểm nguy như vậy xảy ra với chúng tôi, và chim Ðại bàng chúa đã chịu khổ nhọc hết sức từ canh một, nay gần kiệt lực, cho nên tôi phải đến gặp bạn.
Cùng với những lời này, nó ngâm vần kệ thứ bảy:
7. Cho dầu những kẻ bị sa chân
Qua lắm việc làm ác, bất nhân,
Cũng có cơ vươn mình tiến được,
Nếu xin nhờ giúp đỡ khi cần.
Các con ta gặp khi nguy khốn,
Ta chẳng bay ngay đến bạn vàng,
Hỡi bạn ngâm mình trong đáy nước,
Giúp nhà tôi, hãy vội lên đàng!
Khi nghe vậy, Rùa ngâm vần kệ khác:
8. Thiện nhân đối với một thân bằng
Cho cả đồ dùng lẫn bản thân,
Vì bạn, hỡi Ưng! Ta hoạt động,
Thiện nhân giúp đỡ bạn khi cần.
Chú Rùa con, nằm không xa đó, nghe tiếng cha nói, liền suy nghĩ: "Ta không muốn cha ta phải nhọc sức, mà ta sẽ lãnh phần của cha ta". Vì vậy, chú ngâm vần kệ thứ chín:
9. Xin cha an dưỡng, hỡi cha thân,
Việc của cha, con sẽ lãnh phần.
Con phụng sự cha là tốt nhất,
Con đi cứu cả tổ chim bằng.
Rùa cha đáp lời con qua vần kệ:
10. Cứ làm việc thiện, hỡi Rùa con,
Con phải giúp cha, thật chánh chơn,
Song chúng chỉ tha bầy trẻ nhỏ,
Vì cha, người thầy lớn khôn ngoan.
Cùng với những lời này, Rùa bảo chim Ưng bay về và thêm:
- Này bạn ơi, đừng sợ. Nhưng bạn cứ đi trước rồi ta sẽ theo sau lập tức.
Rùa lặn xuống nước, lượm một ít bùn, đến đảo dập tắt ngọn lửa và nằm im. Lúc ấy, đám dân làng kêu lên:
- Này, tại sao phải nhọc công về bầy chim Ưng con thế kia? Ta hãy lật con Rùa đáng ghét này lên mà giết nó cũng vừađủ cho cả bọn ta mà.
Vì thế, họ hái ít cây leo, bện thành sợi dây, nhưng khi họ đã buộc chặt dây ở chỗ nầy chỗ kia rồi, và xé cả áo quần để dùng vào việc này, họ lại không thể lật con Rùa lên được. Con Rùa cứ lôi họ đi theo nó rồi nhào xuống nước sâu. Bọn người ấy nôn nóng bắt Rùa đến độ cũng nhào xuống theo, lội bì bõm, bắn nước lên tung tóe và uống nước đầy bụng. Họ bảo nhau:
- Này cứ xem đi, chim Ưng chúa cứ làm tắt ngọn lửa của ta đến nửa đêm, nay thì con Rùa làm ta rớt xuống nước và uống nước nhiều, thật quá khổ sở. Thôi, ta cố nhen ngọn lửa khác, rồi đến sáng mai sẽ ăn được bầy chim Ưng con.
Sau đó, họ lại bắt đầu nhóm lửa. Chim Ưng mái nghe tiếng ồn áo của bọn người này, liền bảo:
- Này chàng, sớm muộn gì, bọn người này cũng xé xác các con ta rồi mới chịu đi. Vậy chàng hãy đến báo cho bạn Sư tử biết chuyện.
Lập tức, chàng chim Ưng đến gặp Sư tử, Sư tử này hỏi tại sao chim Ưng đến giờ bất thường như vậy. Chim Ưng liền kể cho Sư tử nghe mọi việc từ đầu và ngâm vần kệ thứ mười một:
11. Oai hùng bậc nhất của muôn loài,
Loài thú vật kia lẫn mọi người,
Chạy đến anh hùng lúc hoảng sợ:
Chin non gặp nạn, giúp nhà tôi,
Ngài là chúa tể muôn loài đó,
Vì thế nên tôi phải đến nơi.
Nghe nói vậy, Sư tử ngâm vần kệ nữa:
12. Ta giúp chim ngay, hỡi bạn Ưng!
Mau, ta đi giết bọn cừu nhân,
Hiển nhiên, bậc trí nhiều thông hiểu
Cần gắng công che chở bạn thân.
Nói vậy xong, Sư tử bảo chim Ưng ra về, còn dặn thêm:
- Thôi, bây giờ hãy về đi và an ủi các con dại.
Rồi Sư tử tiến lên, đập tung tóe nước hồ trong suốt. Khi bọn dân làng thấy Sư tử đến gần, họ sợ chết khiếp cả, liền kêu lên:
- Chim Ðại bàng chúa thổi tắt củi lửa của ta, con Rùa làm ta mất quần áo đang mặc, song giờ đây ta tàn đời rồi! Con Sư tử này sẽ giết chết chúng ta lập tức.
Họ liền chạy tứ tán. Khi Sư tử đến gốc cây, chẳng còn thấy gì nữa. Sau đó chim Ưng chúa, chim Ưng trống, con Rùa đều tiến lên vây quanh Sư tử. Sư tử bảo cho chúng biết ích lợi của tình bằng hữu và nói:
- Từ rày về sau, hãy cẩn thận đừng để tan vỡ mối tình bằng hữu thân ái.
Với lời khuyên này, Sư tử ra đi. Rồi bọn kia cũng về chốn ở của riêng mình.
Chim Ưng mái nhìn con tự nghĩ: "Nhờ tình bằng hữu mà các con ta được trả lại cho ta". Và trong lúc chim mái vui mừng, nó vừa nói với chim trống, vừa ngâm vần kệ nêu rõ hiệu lực của tình bằng hữu:
13. Rõ ràng kết bạn hữu đầy nhà,
Gặp bạn hiền: hoan lạc hiện ra,
Tên bắn trên quân bào bất lợi,
Ta mừng, an ổn các con ta.
14. Nhờ công giúp của bạn chân tình,
Chim bạn đến mong góp sức mình,
Ðối đáp, chim non kêu ríu rít
Làm say lòng mẹ với âm thanh.
15. Người khôn nhờ bạn giúp bàn tay,
Sống với đàn con hạnh phuc đầy,
Ta với chồng con cùng đứng vững
Vì thân bằng hữu mến thương lây.
16. Dân cần bảo vệ bởi vua quan,
Những vị tình thân hữu vẹn toàn,
Hạnh phúc chàng mong: uy lực đủ
Là người hưng thịnh, lắm thân bằng.
17. Này Ưng, cần phải kiếm thân bằng
Dù bạn nghèo hèn hoặc yếu non,
Nay hãy xem: nhờ tình thắm thiết
Ta và gia quyến thảy bình an.
18. Chim Ưng tìm được bậc anh hùng
Ðể đóng vai chim bạn thiết thân,
Ưng hỡi, như đôi ta hạnh phúc,
Chim kia cũng hạnh phúc trong lòng.
Như vậy, chim mái nêu rõ đặc tính của tình bằng hữu qua sáu vần kệ. Từ đó đám bạn hữu sống với nhau suốt đời không làm đứt đoạn sợi dây thân ái, rồi lúc mạng chung, chúng đều đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư bảo:
- Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu tiên người này được hạnh phúc nhờ vợ mình, mà trước kia cũng vậy.
Cùng với những lời này, Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, đôi vợ chồng này là đôi chim Ưng, Ràhula (La-hầu-la) là Rùa con, Moggallàna(Mục-kiền-liên) là Rùa cha, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là chim Ưng chúa và ta chính là Sư tử kia.
-ooOoo-
487. Chuyện nam tử Uddalaka (Tiền thân Uddalaka)
Hàm răng bẩn, áo da dê, tóc bện...,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một người gian dối.
Người này, mặc dù đã đặt cuộc đời mình vào Giáo pháp đưa đến giải thoát, trong lúc muốn kiếm lợi dưỡng cần dùng để sống, đã hành động lừa đảo cả ba mặt. Tăng chúng đều rõ ra những ác hạnh của người này trong lúc bàn luận tại Chánh pháp đường:
- Này các Hiền giả, người đó sau khi đã đặt hết cuộc đời mình vào Chánh pháp của đức Phật đưa tới giải thoát, lại sống lừa dối kẻ khác!
Bậc Ðạo Sư bước vào, và muốn biết Tăng chúng đang bàn luận gì tại đó. Tăng chúng trình với Ngài. Ngài bảo:
- Ðây không phải là lần đầu tiên, kẻ ấy trước kia cũng đã lừa dối rồi.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thưở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-Tát là một vị Tế sư rất thông thái. Một ngày kia, ngài vào vườn hoa để giải trí, chợt thấy một cô gái có sắc đẹp lẳng lơ, đâm say mê nàng và đem nàng về nhà mình chung sống.
Khi thấy mình thọ thai, nàng liền bảo ngài:
- Thưa Ðại quan, thiếp đã có thai, khi sinh con, thiếp muốn đặt tên cho nó theo danh tánh của tổ phụ nó.
Song ngài suy nghĩ: "Chẳng bao giờ tên họ của một dòng quý tộc lại đặt cho đứa con hoang của một nô tỳ". Vì thế, ngài bảo:
- Này ái nương, cây này tên là Uddala (quế), nàng có thể đặt tên con là Uddalaka vì nó thọ thai ở gốc cây này.
Sau đó, ngài cho nàng một chiếc nhẫn có dấu hiệu riêng và bảo:
- Nếu nó là con gái, hãy dùng chiếc nhẫn này mà nuôi dưỡng nó cho lớn khôn, còn nếu là con trai thì hãy đem đến cho ta lúc nó trưởng thành.
Ðến kỳ hạn, nàng sinh hạ một con trai và đặt tên là Uddalaka. Khi chàng trai lớn lên, chàng hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, cha con là ai thế?
- Là vị Tế sư đấy con ạ.
- Nếu vậy, con sẽ học các kinh thánh.
Thế là khi nhận được chiếc nhẫn từ tay mẹ và số học phí dành cho thầy giáo, chàng lên đường đi đến Takkasilà, và học ở đó với một giáo sư lừng danh thế giới.
Trong thời gian học tập, chàng thấy một đám người tu khổ hạnh. Chàng suy nghĩ: "Ðám người kia chắc chắn phải có kiến thức vẹn toàn. vậy ta muốn học hỏi ở họ". Vì thế, chàng từ giã thế tục, và vì chàng ước mong được kiến thức, nên làm việc phục dịch các vị này, chỉ yêu cầu các vị ấy dạy lại cho chàng mọi kiến thức thông thái của họ. Thế rồi các vị ấy dạy cho chàng mọi điều hiểu biết, song giữa đám năm trăm người ấy chẳng có ai vượt chàng về kiến thức cả, chàng là người thông thái nhất.
Sau đó, đám người ấy tụ tập lại và bầu chàng làm thầy. Chàng bảo họ:
- Thưa các Tôn giả, các ngài sống suốt đời ở trong rừng ăn toàn hoa quả, củ rừng, tại sao các ngài không đi đến chỗ của người thế tục?
- Thưa Tôn giả, người đời muốn cúng dường chúng ta, nhưng lại muốn chúng ta trả ơn bằng cách thuyết Pháp, họ hay hỏi ta nhiều chuyện lắm. Vì sợ điều này nên chúng ta không muốn đến giữa người đời.
Chàng đáp:
- Thưa các Tôn giả, nếu các ngài có ta cùng đi, thì cứ để một vị Chuyển luân vương cật vấn, một mình ta sẽ giải đáp ổn thỏa, chớ sợ gì cả.
Thế là chàng cùng hội chúng đi du hành khất thực để sống và cuối cùng đến Ba-la-nại, trú ngụ trong vườn ngự uyển. Hôm sau, cùng với cả đám ấy chàng khất thực ở một làng trước cổng thành. Dân chúng bố thí rất nhiều. Ngày hôm sau nữa, các nhà tu khổ hạnh đi qua kinh thành, dân chúng lại bố thí rất nhiều. Vị khổ hạnh Uddalaka nói lời tùy hỷ côngđức rồi giải đáp các lời chất vấn. Dân chúng rất hoan hỷ và lại cúng dường phong phú cho hội chúng mọi thứ cần dùng.
Toàn kinh thành vang dậy tin đồn:
- Một vị giáo sư thông thái mới đến, một vị Thánh nhân khổ hạnh.
Và vua nghe được tin đó. Nhà vua hỏi:
- Các vị ấy đang ở đâu?
Dân chúng tâu:
- Trong ngự uyển.
Nhà vua bảo:
- Tốt lắm, hôm nay ta sẽ đi thăm các vị ấy.
Một người đi báo với Uddalaka:
- Ðức vua sẽ đến viếng các Tôn giả hôm nay.
Chàng gọi hội chúng lại và bảo:
- Này các Tôn giả, đức vua sắp đến, hãy chiếm cho được ân vua trong một ngày cũng đủ cho cả đời người.
- Vậy ta phải làm gì, thưa Sư trưởng?
Chàng đáp:
- Một vài vị phải chịu khổ hình treo người lủng lẳng, vài vị ngồi xổm dưới dất, vài vị nữa nằm trên giường chông, vài vị khác chịu khổ hạnh với năm ngọn lửa, thêm vài vị ngâm mình xuống nước và vài vị tụng Thánh kinh ở chỗ này chỗ nọ.
Các vị ấy làm y lời.
Chính chàng cùng độ mười vị hiền giả ngồi trên một chỗ đã soạn sẵn có lót gối dựa, bàn luận với nhau, có một quyển sách đẹp cân xứng nằm trên một cái giá mực sang trọng bên cạnh chàng, và thính chúng vây quanh.
Lúc ấy, vua và vị Tế sư cùng với đám tùy tùng đông đảo bước vào ngự uyển, và vua khi thấy tất cả hội chúng ở đây đang chuyên chú trong dáng điệu khổ hạnh như vậy, vua rất hoan hỷ, nghĩ thầm: "Các vị này đều giải thoát khỏi nỗi lo âu về các cõi dữ ở đời sau rồi". Khi đến gần Uddalaka, vua ân cần đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Rồi với lòng hân hoan, vua bắt đầu nói chuyện với vị Tế sư và ngâm vần kệ đầu:
1. Hàm răng bẩn, áo da dê, tóc bện,
Miệng thì thầm lời thánh đạo bình an,
Chẳng từ nan nhiều phương tiện hiền nhân,
Chắc đã đạt Chân như và Giải thoát.
Nghe vậy, vị Tế sư nghĩ:
- Ðức vua hoan hỷ ở một chỗ đáng lẽ không nên hoan hỷ, vậy ta không được giữ yên lặng.
Rồi ngài ngâm vần kệ:
2. Một trí nhân có thể làm ác hạnh,
Một trí nhân có thể chẳng chánh chân,
Ngàn câu Vệ-đà chẳng tạo an toàn
Khi việc hỏng, hoặc cứu người lâm nạn.
Khi Uddalaka nghe những lời này, liền nghĩ thầm:
"Vua hài lòng về những vị khổ hạnh này, song vị Tế sư lại đụng ngay vào mõm con bò khi chạy quá nhanh, làm rơi đồ dơ vào dĩa cơm đã dọn sẵn, ta phải nói chuyện với vị ấy mới được". Vì thế, chàng đáp lời ngài qua vần kệ thứ ba:
3. Ngàn câu Vệ-đà chẳng tạo an toàn
Khi việc hỏng, hoặc cứu người nguy khốn:
Kinh Vệ-đà hẳn là đồ vô dụng,
Chánh đạo là: làm chánh, tự điều thân.
Vị tế sư nghe vậy, liền ngâm vần kệ thứ tư:
4. Không phải thế, Vệ-đà không vô dụng,
Dù tự điều thân là đạo chánh chân,
Học Vệ-đà vẫn mang lại vinh quang,
Song ta đạt tối an nhờ chánh hạnh.
Bấy giờ, Uddalaka suy nghĩ: "Gây gỗ với vị này sẽ không bao giờ ích lợi đâu. Nếu ta bảo ngài: ta chính là con trai của ngài, ngài phải thương yêu ta. Vậy ta phải quyết cho ngài biết ta là con của ngài". Thế rồi chàng ngâm vần kệ thứ năm:
5. Cha mẹ và thân quyến họ hàng
Ðòi ta chăm sóc với yêu thương,
Mẹ cha là bản thân con đó,
Con Ud-da-la chính búp non
Từ gốc rễ nhà ngài quý tộc,
Thưa ngài, Tôn giả Bà-la-môn.
- Thế con chính là Uddalaka đấy ư? Ngài hỏi. Chàng đáp:
- Thưa, chính phải.
Sau đó, ngài hỏi:
- Trước kia, ta đã cho mẹ con một vật làm tin, nay nó đâu rồi?
Chàng đáp:
- Thưa Tôn giả Bà-la-môn, chính nó đây!
Rồi chàng trao chiếc nhẫn cho ngài. Ngài nhận ra chiếc nhẫn ấy rồi bảo:
- Con là một Bà-la-môn hẳn nhiên rồi, song có biết phận sự của một Bà-la-môn chăng?
Ngài hỏi về các phận sự này qua vần kệ thứ sáu:
6. Ðiều gì thành tựu một La-môn,
Vị ấy làm sao được thiện toàn?
Hãy nói thế nào người chánh hạnh,
Làm sao đạt hạnh phúc Niết-bàn?
Uddalaka giải thích việc ấy qua vần kệ thứ bảy:
7. Bỏ đời, sùng bái lửa thiêng hồng,
Vung gậy tế đàn, rảy nước trong,
Phận sự làm xong, người tán tụng,
La-môn như vậy được an lòng.
Vị tế sư lắng nghe chàng kể các phận sự của một vị Bà-la-môn như vậy, xong ngài ngâm vần kệ thứ tám để phê bình chuyện ấy như sau:
8. Rảy nước không làm sạch Ðạo nhân,
Thiện toàn chẳng phải việc đăng đàn,
Cũng không an ổn và thân ái,
Chẳng đạt tối cao, lạc Niết-bàn.
Nghe thế, Uddalaka lại hỏi:
- Nếu việc này không làm thành một Bà-la-môn, thế thì việc gì?
Và chàng ngâm vần kệ thứ chín:
9. Ðiều gì thành tựu hạnh La-môn
Vị ấy làm sao được thiện toàn,
Xin bảo thế nào người chánh hạnh,
Làm sao thành tựu lạc Niết-bàn?
Vị Tế sư đáp lời qua vần kệ khác:
10. Người không của cải, chẳng nương đồng,
Không có họ hàng, chẳng ước mong,
Chẳng thiết cuộc đời, không ái dục,
Hoặc không ác hạnh, thảy đều không.
Ðạo nhân vậy đạt tâm thanh tịnh,
Giữ phận chánh chân, được tán đồng.
Sau đó, Uddalaka lại ngâm kệ nữa:
11. Công, nông, giáo sĩ, đến vua quan,
Nô lệ, Chiên-đà, các tiện dân,
Tất cả những người đầy trắc ẩn,
Ðều thành tựu cực lạc Niết-bàn.
Vậy ai cao trọng, ai hèn kém
Giữa các Thánh hiền tối thượng chăng?
Khi đó, vị Bà-la-môn kia ngâm vần kệ nêu rõ ràng không có ai cao, ai thấp khi đã đạt Thánh quả:
12. Công, nông, giáo sĩ, đến vua quan,
Nô lệ, Chiên-đà, các tiện dân,
Tất cả những người đầy trắc ẩn,
Ðều thành tựu cực lạc Niết-bàn,
Chẳng ai cao trọng, ai hèn kém
Giữa các bậc hiền Thánh đại nhân.
Song Uddalaka phê bình điểm này bằng cách ngâm vần kệ:
13. Công, nông, giáo sĩ, đến vua quan,
Nô lệ, Chiên-đà, các tiện dân,
Tất cả những người này đức hạnh
Ðều thành tựu cực lạc Niết-bàn,
Chẳng ai cao trọng, ai hèn kém,
Giữa các bậc hiền Thánh đại nhân;
Giáo sĩ, vậy ngài vô tích sự,
Hư danh địa vị, hẳn rồi chăng?
Ðến đây, vị Tế sư ngâm đôi vần kệ nữa, cùng với một ví dụ:
14. Với tấm vải thô nhuộm đủ màu,
Ngôi đình được dựng, mái đình cao,
Ðỉnh tròn, rực rỡ đầy màu sắc,
Bóng đổ một màu vẫn giống nhau.
15. Vậy khi nhiều kẻ đạt thanh tâm
Tại chính nơi đây, giữa cõi trần,
Người thiện thấy toàn là bậc Thánh,
Chẳng hề hỏi huyết thống nguồn căn.
Bấy giờ, Uddalaka không còn nói gì được nữa, nên chàng ngồi yên lặng. Lúc ấy, vị Tế sư Bà-la-môn nói với vua:
- Tâu Ðại vương, tất cả bọn này đều là phường dối trá, toàn cõi Diêm-phù sẽ bị suy tàn vì nạn lừa đảo kia. Xin Ðại vương hãy khuyến dụ Uddalaka từ bỏ việc hành trì khổ hạnh của nó và làm Tế sư theo gót hạ thần, lại cho phép đám người này khỏi phải tu tập khổ hạnh, rồi cho chúng đủ gươm, giáo, mộc để làm tùy tùng của Ðại vương.
Vua chấp nhận, làm theo lời ngài dạy và tất cả bọn ấy đều đến phụng sự vua.
*
Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại, Ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu tiên, mà kẻ này trước kia cũng đã làm một tên lừa đảo.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Tỷ-kheo gian dối này là Uddalaka, Ànanda là vua và Ta chính là vị Tế sư.
-ooOoo-
488. Chuyện củ sen (Tiền thân Bhisa)
Mong nhiều trâu ngựa, lắm kim ngân...,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo thối thất.
Trường hợp này cũng sẽ xuất hiện trong số 531, Tiền thân Kusa. Ở đây, một lần nữa, bậc Ðạo Sư hỏi:
- Này Tỷ-kheo, có đúng là ông đã thối thất chăng?
- Bạch Thế Tôn, quả đúng vậy.
- Vì cớ gì?
- Bạch Thế Tôn, vì ác dục.
- Tại sao, này Tỷ-kheo, ông lại thối thất, sau khi đã hành trì đạo lý này trước khi đưa đến Giải thoát, và tất cả chỉ vì ác dục? Ngày xưa, trước khi đức Phật ra đời, những bậc trí nhân khởi đầu cuộc sống tu hành, ngay cả những vị ngoại đạo cũng đã phát hạnh nguyện và đoạn trừ ngay các tưởng khởi lên có liên hệ các dục hoặc sức cám dỗ của dục.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm con trai của một đại danh gia Bà-la-môn có tài sản đến tám trăm triệu đồng tiền. Gia đình đặt tên ngài là Mahà-Kancana hay Ðại chúa tể Hoàng kim. Vào lúc ngài mới biết đi chập chững, một bé trai khác lại sinh ra đời trong nhà vị Bà-la-môn ấy và được đặt tên là Upa-kancana hay Tiểu chúa tể Hoàng kim. Cứ như vậy, bảy nam nhi liên tiếp ra đời và cuối cùng là một quý nữ, được đặt tên là Kancana-devi hay Công nương Hoàng kim.
Khi Mahà-Kancana lớn lên, ngài đi học tập tại Takkasilà đầy đủ mọi môn học thuật rồi ngài trở về nhà. Lúc ấy, song thân ngài muốn lập cho ngài một gia thất riêng. Hai vị bảo:
- Cha mẹ sẽ tìm cho con một thiếu nữ nhà lành để kết bạn xứng đáng với con, rồi con sẽ yên bề gia thất.
Song ngài đáp:
- Thưa cha mẹ, con không muốn lập gia đình. Ðối với con, ba cõi sinh hữu đều như lửa đốt, bị trói buộc xiềng xích như ngục tù, đáng ghê tởm tựa đống phân. Con chẳng hề có ý nghĩ gì về việc đó, dù chỉ là trong giấc mộng. Cha mẹ có các con trai kia, xin bảo chúng làm chủ gia đình và để cho con yên thân.
Dù hai vị van nài ngài nhiều lần, nhờ bạn hữu của ngài đến năn nỉ ngài tận miệng, ngài cũng chẳng muốn gì về việc ấy cả. Sau đó, bạn bè hỏi ngài:
- Này hiền hữu, thế bạn muốn gì mà bạn chẳng thiết tha đến việc tận hưởng tình yêu và lạc thú?
Ngài bảo họ ngài đã từ bỏ thế tục. Khi song thân hiểu việc này, hai vị đề nghị việc kia với các con trai thứ, nhưng chẳng ai chịu nghe cả, ngay cả nương tử Kancana cũng không. Dần dà cha mẹ qua đời. Trí giả Mahà-kancana làm lễ an táng song thân xong, với kho tàng tám trăm triệu ấy, ngài phân phát hào phóng cho tất cả đám hành khất và du sĩ, rồi ngàiđem sáu em trai cùng em gái, một gia nhân và một nữ tỳ cùng một người bạn đường, ngài làm đại sự xuất gia và sống ẩn dật trong dãy Tuyết Sơn.
Tại đó, trên một vùng đất vừa ý gần một hồ sen, các vị xây một khu am thất ẩn cư tu hành và ăn toàn trái cây, củ rừng. Khi họ vào rừng, chỉ đi từng người một, nếu có vị nào thấy trái cây hay lá rau gì liền gọi các vị kia và tại đó, vừa bảo nhau những điều gì nghe thấy được, các vị vừa thu lượm các thức ăn sẵn có, chẳng khác gì cái chợ nhỏ trong làng. Song bậc Sư trưởng, vị khổ hạnh Mahà- kancana lại nghĩ thầm:"Ta đã bỏ qua cả gia sản tám trăm triệu và sống đời tu hành, rồi để ham đi quanh quẩn kiếm trái rừng, thật chẳng hợp lý. Từ nay, ta muốn một mình ta đi lượm trái rừng thôi". Sau đó, trở về nhà, buổi tối, ngài tập họp mọi người lại và nói cho họ biết ý định của ngài:
- Các em cứ ở đây, và tu tập đời ẩn sĩ, để ta đi hái quả cho các em.
Nghe vậy, Upa-kancana và các người kia ngắt lời:
- Chúng tiểu đệ đã theo hiền huynh đi tu hành, vậy chính hiền huynh phải ở nhà và tu tập đời ẩn sĩ, và hiền muội cũng ở nhà nữa, cùng với nữ tỳ. Tám người chúng em thay phiên nhau đi hái quả, còn ba người ở nhà khỏi làm việc ấy.
Ngài đồng ý.
Từ đó, tám người này thay phiên nhau đem trái cây về từng người một: Các người kia nhận được phần chia trong số kiếm được và mang đi về am thất của mình, rồi ở trong lều tranh riêng của mỗi người. Như vậy, các vị ấy không gặp gỡ nhau nếu không có duyên cớ. Người nào đến phiên mang thức ăn vào để ở một khu đất có rào thì đặt trên một phiến đá phẳng, chia ra mười một phần rồi đánh cồng lên, rồi lấy phần mình đi về nhà mình. Khi nghe tiếng cồng, các vị kia đến, không chen lấn nhau mà theo đúng lễ nghi trật tự, nhận phần mình đã được chia từ các thức kiếm được, rồi trở về nhà mình mới ngồi ăn, và sau đó lại tiếp tục hành thiền, tu tập khổ hạnh.
Sau một thời gian, họ lượm các củ sen để ăn và sống tại đó, tự hành xác với lửa nóng như thiêu như đốt và các loại cực hình khác, nên các giác quan đều tê liệt cả, trong khi họ cố hết sức để nhập định.
Vì công hạnh sáng chói của họ, chiếc ngai của Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ rung động lên. Ngài bảo:
- Các vị này chỉ thoát khỏi tham dục thôi, hay họ là các vị hiền nhân rồi? Họ có phải hiền nhân chăng? Nay ta muốn tìm hiểu xem sao.
Thế là nhờ thần lực của mình, suốt ba ngày, Thiên chủ làm cho phần thực phẩm của bậc Ðạo Sư biến mất.
Ngày đầu tiên, khi không thấy phần mình, ngài nghĩ: "Có lẽ phần của ta đã bị quên mất". Vào ngày thứ hai: "Chắc hẳn ta có lỗi lầm nào. Chính là vì muốn nhắc nhở ta về điều này một cách cung kính mà người đó không chia phần cho ta". Vào ngày thứ ba: "Tại sao họ lại không chia phần cho ta như thế được? Nếu ta có gì lỗi lầm thì ta phải hòa giải phần mình trước".
Vì thế, buổi tối, ngài đánh cồng lên. Tất cả đều đến và hỏi ai đã đánh cồng.
- Này các hiền đệ, chính ta đánh.
- Thưa Tôn giả, tại sao vậy?
- Này các hiền đệ, trong ba ngày qua, ai đem thức ăn vào?
Một người đứng dậy nói:
- Chính tiểu đệ.
Rồi vị ấy vẫn đứng yên rất cung kính.
- Khi hiền đệ chia phần, có để dành phần cho ta chăng?
- Có chứ, thưa Tôn sư, đó là phần của vị Sư trưởng.
- Còn ai mang về thực phẩm hôm qua?
Một người khác đứng lên và nói:
- Chính tiểu đệ.
Rồi vị ấy kính cẩn đứng chờ.
- Thế hiền đệ có nhớ phần ta chăng?
- Tiểu đệ đã để phần Sư trưởng cho hiền huynh đấy.
- Thế hôm nay ai đem thực phẩm về?
Một người nữa đứng dậy và kính cẩn đứng chờ.
- Hiền đệ có nhớ chia phần cho ta không?
- Tiểu đệ đã để phần Sư trưởng cho hiền huynh đấy.
Ngài liền bảo:
- Này các hiền đệ, hôm nay là ngày thứ ba ta không có phần ăn. Ngày đầu tiên ta không thấy phần mình, ta nghĩ người nào chia phần đã quên ta. Ngày thứ hai, ta nghĩ chắc ta đã phạm lỗi lầm gì. Song hôm nay, ta quyết định rằng nếu có lỗi lầm gì, ta sẽ hòa giải và vì thế ta đánh cồng triệu tập các tiểu đệ. Các hiền đệ bảo đã để các phần củ sen cho ta mà ta chẳng có được chút gì cả. Ta phải tìm hiểu xem ai đã lấy trộm và ăn hết phần đó. Khi ta đã từ bỏ cuộc đời và mọi tham dục ở đời rồi thì lấy trộm là chuyện không đúng đắn, dù chỉ là một củ sen.
Khi các vị kia nghe thấy lời ấy, họ đồng kêu to:
- Ôi, thật là một việc ác.
Và tất cả các vị đều lo lắng vô cùng.
Lúc bấy giờ, vị Thần trú trên cây gần am thất ấy, đó là cây cổ thụ lớn nhất rừng, bước ra ngồi giữa các vị. Cũng vậy, có một con Voi, không thể nào chịu nổi sự huấn luyện mà không đau đớn, nên phá chiếc cọc ở nơi nó bị trói vào, rồi chạy trốn vào rừng. Thỉnh thoảng, Voi thường đi đến kính lễ đám hiền giả này, nên bây giờ nó cũng đến đứng một bên. Có một con Khỉ đã được huấn luyện để làm trò với bầy Rắn, cũng chạy trốn thoát khỏi tay người luyện rắn vào trong rừng; nó ở tại vùng am thất ấy, nên hôm nay nó cũng đến kính lễ các hiền giả và đứng sang một bên. Thiên chủ Ðế Thích quyết tâm thử các vị ẩn sĩ này nên cũng tàng hình đứng cạnh hội chúng.
Lúc ấy, vị em thứ hai của Bồ-tát, ẩn sĩ Upa-kancana, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ ngài rồi cúi chào khắp hội chúng và nói như sau:
- Bạch Tôn sư, không kể đến các người kia, tiểu đệ xin được phép thanh minh cho mình khỏi tội này chăng?
- Này hiền đệ, được lắm.
Vị ấy đứng lên giữa các hiền nhân và nói:
- Nếu đệ đã ăn các củ sen của Tôn huynh, đệ sẽ thành một người như vầy như vầy.
Và vị ấy trang nghiêm phát nguyện qua vần kệ đầu:
1. Mong nhiều trâu ngựa, lắm kim ngân,
Vợ quý, nó giữ gìn luyến thương,
Mong nó sinh nhiều trai gái đủ,
Kẻ ăn phần trộm của La-môn!
Nghe thế, các vị tu khổ hạnh kia đều đặt tay lên hai tai và kêu to:
- Không, không thưa Tôn giả, lời thề nguyền ấy quả thật nặng nề lắm!
Và Bồ-tát cũng nói:
- Này hiền đệ, lời nguyền của em nặng lắm đấy! Em không ăn phần đó, thôi, ngồi xuống nệm rơm đi.
Vị ấy, sau khi thề nguyện xong, liền ngồi xuống.
Người em thứ ba đứng lên đảnh lễ bậc Ðại Sĩ và ngâm vần kệ thứ hai để thanh minh cho mình:
2. Mong nó nhiều con, lắm áo quần,
Vòng hoa tay khoác, ngát chiên-đàn,
Tâm tư sôi sục đầy tham dục,
Kẻ trộm phần ngài, hỡi Ðạo nhân!
Khi vị ấy ngồi xuống, các vị kia lần lượt ngâm vần kệ. Vị thứ tư:
3. Mong nó nhiều danh vọng, ruộng vườn,
Nhà kho, con cái, sẵn sàng dâng,
Nó không hiểu tháng năm dần mất,
Kẻ trộm phần ngài, hỡi Ðạo nhân!
Vị thứ năm:
4. Mong nó lừng danh đại tướng quân,
Ðế vương tối thượng ngự huy hoàng,
Thế gian bốn cõi đều phần nó,
Kẻ trộm phần ngài, hỡi Ðạo nhân!
5. Mong nó trở thành một Ðạo nhân,
Mà không chế ngự được tham sân,
Chỉ tin tinh tú, ngày lành tốt,
Ðược hiển vinh nhờ các đế vương
Ân thưởng, kẻ ăn phần trộm đó,
Hỡi ngài, Tôn giả Bà-la-môn!
Vị thứ sáu:
6. Vệ-đà, mong nó học uyên thâm,
Người quý trọng đức độ Thánh nhân,
Mong nó được muôn người bái phục,
Kẻ ăn phần trộm, hỡi La-môn!
Vị thứ bảy:
7. Ơn trời cho nó được ngôi làng,
Có đủ giàu sang, bốn loại hàng,
Khi chết, dục tham không chế ngự,
Kẻ ăn phần trộm, hỡi La-môn!
8. Nó làm lý trưởng, bạn quây quần,
Vũ khúc, hoan ca, nhạc đắm hồn,
Mong nó đầy tràn ơn lộc chúa,
Kẻ ăn phần trộm, hỡi La-môn!
Tiểu muội:
9. Mong nàng làm tuyệt thế giai nhân,
Chúa tể thế gian chọn má hồng,
Chánh hậu giữa muôn người toại ý,
Kẻ ăn phần trộm, hỡi La-môn!
Nô tỳ:
10. Khi mọi nữ tỳ tập họp xong,
Mong nàng oai vệ ngự ngai vàng,
Cao lương mỹ vị đầy ngon ngọt,
Kiêu hãnh vì ân phước của nàng,
Người đã lấy phần ăn trộm đó,
Hỡi ngài, Tôn giả Bà-la-môn!
Thần cây:
11. Mong nó bảo tồn viện Ka-jan,
Trùng tu quang cảnh đã tiêu tàn,
Hàng ngày làm cửa song nhà mới,
Kẻ trộm phần ngài, hỡi Ðại nhân!
Con Voi:
12. Mong nó bị người bắt lấy thân,
Sáu trăm dây trói tự rừng hoang
Mang về thành, bị người vây đánh
Bằng gậy, giáo, gươm, phải phát cuồng!
Kẻ đã lấy phần ăn trộm đó,
Hỡi ngài, Tôn giả Bà-la-môn!
Con Khỉ:
13. Vòng hoa trên cổ, thiếc đeo tai,
Mong nó đi đường, khiếp sợ oai
Chiếc gậy luyện chơi gần lũ rắn,
Kẻ ăn phần trộm ấy, thưa ngài!
Khi cả hội cùng thề nguyện xong qua mười ba vần kệ này, bậc Ðạo Sư suy nghĩ: "Có lẽ chúng tưởng chính ta nói dối rằng không có phần ăn để đó, trong khi nó vẫn có", vì thế, ngài cũng thề nguyền phần mình qua vần kệ thứ mười bốn:
14. Ai thề thực phẩm biến đi rồi,
Mà nếu không mất mát, vậy thời
Mong nó hưởng tràn đầy dục lạc,
Và mang kết quả việc kia hoài,
Ước mong cái chết đầy phàm tục
Số phận dành cho nó cuối đời,
Ðiều ấy cũng dành cho quí vị,
Nếu bây giờ quí vị nghi tôi!
Khi các bậc hiền nhân đã thề nguyền như thế xong, Ðế Thích Thiên chủ nghĩ thầm: "Ðừng sợ gì cả. Ta đã làm cho các củ sen kia biến mất để thử các người này và nay các vị ấy thề nguyền cả, lại đều ghê tởm hành động ấy như thể một cục đờm phải nhổ. Nay ta muốn hỏi các vị tại sao lại ghê tởm dục tham như vậy". Thiên chủ đặt câu hỏi này để chất vấn Bồ-tát trong vần kệ tiếp, sau khi Thiên chủ đã hiện nguyên hình:
15. Người kiếm tìm luôn ở cõi trần
Cái điều vui đẹp, thiết thân lòng
Ðược nhiều kẻ ước mong mê mẩn.
Như vậy, vì sao các Thánh nhân
Lại chẳng tán dương nhiều sự việc
Vẫn thường ham muốn bởi phàm nhân?
Ðể trả lời câu hỏi này, bậc Ðạo Sư ngâm hai vần kệ:
16. Tham dục là tai họa chết người,
Là dây xiềng xích trói trên đời,
Ở trong ác dục, ta tìm thấy
Ðau khổ và kinh hãi cả thôi.
Khi bị dục tham nào cám dỗ,
Vua thường phạm tội, đắm say hoài!
17. Phải vào địa ngục, các phàm nhân
Gây tội, khi tan rã nhục thân,
Vì biết khổ đau trong ác dục,
Bậc hiền chê trách, chẳng đồng lòng.
Khi Ðế Thích Thiên chủ nghe bậc Ðạo Sư giải thích xong, lòng đầy xúc động nên ngài ngâm vần kệ này:
18. Chính ta trộm, thử các hiền nhân,
Ta đặt bên hồ các thức ăn,
Bậc trí thật hiền lương thánh thiện,
Hỡi người Phạm hạnh, hãy nhìn phần!
Nghe thế, Bồ-tát liền ngâm kệ nữa:
19. Chúng ta không múa rối vui chơi,
Làm các trò tiêu khiển với ngài,
Chẳng quyến thuộc ngài, hay bạn hữu,
Tại sao vậy thế, hỡi vua trời?
Thưa ngài Ngàn mắt, sao ngài nghĩ
Bậc trí bày trò giải trí thôi?
Ðế Thích Thiên chủ ngâm vần kệ thứ hai mươi để làm lành với ngài:
20. Ngài chính là Sư trưởng đại nhân,
Chính ngài là một vị cha thân,
Chở che cho trẫm đà sai phạm,
Xin hãy thứ tha trót lỗi lầm;
Chẳng có bao giờ, thưa Thánh giá,
Bậc hiền lại phát khởi lòng sân!
Bậc Ðạo Sĩ liền tha thứ cho Thiên chủ Ðế Thích và về phần ngài, để hòa giải với các Thánh nhân kia, ngài ngâm vần kệ nữa:
21. An lạc một đêm với Thánh nhân,
Chúng ta hội kiến đấng Thiên vương,
Chư Hiền, hãy đẹp lòng khi thấy
Thực phẩm mất, nay được phục hoàn.
Ðế Thích Thiên chủ liền đảnh lễ hội chúng hiền nhân rồi trở về thiên giới. Còn các vị ấy đã làm cho phát khởi Thiềnđịnh và các Thắng trí trong tâm, nên về sau được sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại, Ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, như vậy, các bậc trí ngày xưa đã phát hạnh nguyện và từ bỏ ác dục.
Nói xong, Ngài thuyết giảng các Sự Thật. Vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thối thất kia đã được an trú vào Sơ quả Dự Lưu. Và ngài ngâm ba vần kệ này để nhận diện Tiền thân:
22. Mục-liên, Xá-lợi-phất và Ta,
Ca diếp, A-na-luật, Phú-na, (1),
Cùng với A-nan-đà thuở ấy
Thất Hiền Huynh Ðệ chốn kia mà.
23. Liên Hoa Sắc, tiểu muội ngày xưa,
Tỳ nữ, Khuj-ju (2), thuở bấy giờ,
Cổ thụ Thần kia, Sà-tá (3) đó,
Cit-ta Gia chủ, chính gia nô.
24. Con Voi ngày trước chính Par-ley (4)
Con Khỉ là Ma-dhu-sét đây, (5)
Ðế Thích là Ka-lu (6) thuở ấy,
Chúng Tăng giờ hiểu Tiền thân này.
Chú thích: (1) Punna; (2) Khujjutarà; (3) Satàgira; (4) Pàrileyya; (5) Madhuvasettha; (6) Kàludàyi
-ooOoo-
489. Chuyện Đại Vương Huy Hoàng (Tiền thân Suruci)
Thiếp là chánh hậu chúa Ru-ci...,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú gần Xá-vệ trong tòa nhà của Lộc mẫu, về việc bà nữ cư sĩ đệ nhất Visàkhà này đã được Ngài ban Tám điều Nguyện ước như thế nào.
Một buổi nọ, bà ấy nghe thuyết Pháp ở Kỳ Viên xong, rồi trở về nhà, sau khi mời đức Phật và chúng đệ tử của Ngài đến nhà vào ngày hôm sau.
Nhưng khuya hôm ấy một cơn cuồng phong dữ dội hoành hành cả bốn châu thiên hạ, đức Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo như sau:
- Khi mưa rơi ở Kỳ Viên, này các Tỷ-kheo, thì mưa cũng rơi khắp bốn châu thế giới. Các ông hãy thấm nhuần ơn mưa móc đến tận thịt da: vì đây là cơn đại cuồng phong cuối cùng của Ta thổi khắp thế giới.
Rồi cùng với các Tỷ-kheo thân mình đã thấm ướt nước mưa, Ngài dùng thần lực biến mất khỏi Kỳ Viên và xuất hiện trong gian phòng khách của tòa nhà bà Visàkhà. Bà kêu lên:
- Thật hi hữu thay! Thật linh diệu thay là thần thông lực của đức Như Lai thị hiện! Nước ngập lụt đến tận đầu gối, nước ngập lụt đến tận thắt lưng, mà chẳng có bàn chân hay chiếc y của một Tỷ-kheo nào bị ướt cả!
Trong nỗi hân hoan tràn trề ấy, bà cùng đám tín nữ phục vụ đức Phật và Tăng chúng. Sau buổi thọ thực, bà thưa vớiđức Phật:
- Thật tình con ước ao nhận được nhiều thỉnh nguyện từ đức Thế Tôn.
- Này Visàkhà, các đức Như Lai có vô lượng ân lành.
- Song những điều thỉnh nguyện này xin được ban cho chúng con, những điều này không lỗi lầm!
- Này Visàkhà, cứ nói đi!
- Con ước ao rằng suốt đời con được quyền dâng áo khoác về mùa mưa cho Tăng chúng, thực phẩm cho các vị khách đến thăm nhà, thực phẩm cho Tăng chúng du hóa đường xa, thực phẩm cho các vị bị bệnh, thực phẩm cho những vị Tỷ-kheo phục vụ các bệnh nhân, thuốc men cho các bệnh nhân, thường xuyên cúng dường cháo gạo và suốt đời cúng dường y phục cho các Tỷ-kheo ni khi đi tắm.
Bậc Ðạo Sư đáp:
- Này Visàkhà, bà dự định làm công đức gì khi bà thỉnh cầu Như Lai Tám Nguyện ước này?
Bà liền thưa với ngài những lợi lạc mà bà mong có được, và Ngài đáp:
- Lành thay, lành thay, này Visàkhà, thật tốt lành thay là điều lợi lạc mà bà mong sẽ được khi thỉnh cầu Như Lai Tám Nguyện ước này.
Rồi ngài bảo:
- Này Visàkhà, Ta cho bà Tám đặc ân này đó.
Sau khi ban cho bà tám Thỉnh Nguyện ấy xong và nói lời tùy hỷ công đức, Ngài ra về.
Một hôm, khi bậc Ðạo Sư đang trú tại Ðông Viên, Tăng chúng bắt đầu bàn luận việc này trong Chánh Pháp đường:
- Này hiền hữu, nữ thí chủ Visàkhà, dù là nữ nhân, đã được chính đấng Thập Lực ban cho tám Thỉnh nguyện.Công đức của bà ấy thật cao cả thay!
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì. Tăng chúng thưa với Ngài. Ngài bảo:
- Ðây không phải là lần đầu tiên nữ nhân này nhận được những Thỉnh nguyện từ Ta, vì bà ấy xưa kia cũng đã nhận được như vậy.
Rồi Ngài kể cho Tăng chúng một chuyện quá khứ.
*
Một thời, có vị vua Suruci trị vì tại Mithilà. Vua này có một vương tử đặt tên là Suruci Kumàra, hay vương tử Huy Hoàng. Khi chàng lớn lên, chàng quyết định đi du học tại Takkasilà, vì thế chàng đến đó và ngồi nghỉ ở một sảnh đường tại cổng thành. Bấy giờ vương tử của vua Ba-la-nại tên là vương tử Brahmadatta cùng đi đến đó, và ngồi nghỉ trên cùng một chiếc ghế dài mà vương từ Suruci đã ngồi. Hai người trò chuyện và kết bạn với nhau, rối cả hai cùng đi đến vị giáo thọ kia. Hai chàng trả học phí và học tập, chẳng bao lâu, việc học đã hoàn tất.
Rồi hai chàng từ giã thầy dạy và cùng nhau lên đường. Sau khi đi một đoạn ngắn, họ dừng lại ở một nơi có ngã rẽ, cả hai ôm nhau từ biệt, và để giữ mãi tình bạn thấm thiết, hai vị giao ước với nhau:
- Nếu ta có con trai và bạn có con gái hoặc bạn có con trai và ta có con gái thì chúng ta sẽ kết đôi cho chúng.
Khi hai vị lên ngôi, vua Suruci sinh hạ một vương tử và cũng đặt tên vương tử là Suruci. Còn vua Brahmadatta sinh con gái đặt tên là Sumedha hay công chúa Thiện Trí.
Vào đúng thời lớn khôn, vương tử Suruci đi đến Takkasilà để học tập và khi việc học hoàn tất, lại trở về. Sau đó vua cha muốn phong vương cho con mình bằng lễ quán đảnh, và nghĩ thầm: "Bạn ta là vua Ba-la-nại đã sinh con gái, ta nghe nói vậy. Nay ta muốn cưới nàng ấy làm vương hậu cho con ta". Vì mục đích trên, vua phái đám sứ thần đem các sính lễ rất sang trọng ra đi.
Song trước khi sứ bộ đến nơi, vua Ba-la-nại hỏi bà chánh hậu điều này:
- Này ái hậu, điều gì là nỗi khổ đau nhất đối với một nữ nhân?
- Muôn tâu, đó là việc tranh chấp với các thê thiếp khác của chồng mình.
- Vậy thì, này ái hậu, để tránh cho con gái duy nhất của ta là công chúa Sumedha khỏi nỗi khổ đau ấy, ta sẽ chẳng gả con cho một ai, ngoại trừ người nào chỉ cưới một mình nàng, chứ không có thê thiếp khác.
Vì vậy khi các sứ thần đến, và nêu danh hiệu công chúa để cầu hôn, vua bảo họ:
- Này các hiền hữu, quả thực ta đã hứa gả con gái ta cho con của vị vua thân bằng của ta ngày xưa. Song chúng ta không muốn thả con gái vào giữa một đám nữ nhân. Vì vậy chúng ta muốn gả con gái cho vị vua nào chỉ cưới một mình nàng, chứ không thêm ai khác.
Các sứ giả đem thông điệp ấy về tâu với vua. Nhưng vua này phật ý, bảo:
- Nước ta là một đại vương quốc với kinh thành Mi-thi-là chiếm bảy dặm, toàn thể đất nước gồm cả ba trăm dặm. Một vị đại vương như vậy phải có cả mười sáu ngàn cung phi là ít nhất.
Còn vương tử Suruci vừa nghe danh tiếng dung sắc tuyệt mỹ của công chúa Sumedha liền đâm ra si tình công chúa dù chỉ là nghe đồn thôi, nên chàng nhờ thưa lại song thân là:
- Con quyết sẽ cưới một mình nàng chứ không thêm ai khác nữa. Con có cần gì cả đám nữ nhân kia chứ? Xin đi cưới nàng về ngay.
Hai vị không cản trở ước vọng của chàng, liền gửi sính lễ sang trọng cùng một đám sứ thần đông đảo đi rước nàng về cung. Thế là nàng được phong làm vương hậu và cả hai người đều được tôn lên ngôi bằng lễ quán đảnh (rảy nước lênđầu).
Chàng trở thành quốc vương Suruci, cai trị rất đúng pháp và sống rất hạnh phúc với hoàng hậu. Song dù nàng đã về sống ở nhà chồng đến mười ngàn năm, nàng chẳng hề sinh hạ con trai hay con gái gì cả.
Sau đó, dân chúng tụ tập lại trước sân chầu với những lời trách móc. Vua hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Dân chúng tâu:
- Chúng thần chẳng thấy lỗi lầm nào ngoại trừ việc này: Ðó là Chúa thượng không có con trai để nối dõi. Chúa thượng chỉ có một chánh hậu, tuy nhiên một quốc vương phải có ít nhất là mười sáu ngàn cung tần. Xin Chúa thượng hãy tuyển một đám phi tần mỹ nữ, rồi một thứ phi xứng đáng sẽ hạ sinh cho Chúa thượng một hoàng nam.
- Này, các hiền hữu nói điều gì thế? Ta đã hứa không cưới ai khác ngoài hoàng hậu và theo những điều kiện thỏa thuận trên mà ta đã chiếm được nàng làm vợ. Ta không thể nuốt lời được, ta không cần cả một đám nữ nhân đâu.
Như thế vua từ chối lời thỉnh cầu của dân nên họ ra về. Song Sumedha nghe được câu chuyện. Bà nghĩ thầm: "Ðức vua từ chối việc tuyển chọn cung phi vì lòng trung tín của ngài, được rồi, ta sẽ tìm thê thiếp khác cho ngài". Bà vừa đóng vai người mẹ, cùng vai người vợ đối với vua, nên bà tự nguyện tuyển một mgàn công nương thuộc dòng Sát-đế-ly, một ngàn tiểu thư của các con quan trong triều, một ngàn thiếu nữ nhà lành, một ngàn vũ nữ đủ loại, tổng cộng bốn ngàn, rồi đem dâng vua.
Các nàng ấy sống trong cung suốt mười ngàn năm cũng chẳng hề sinh con cái gì cả. Cứ theo cách ấy, ba lần nữa, bà dâng vua bốn ngàn cung nữ, song họ chẳng sinh được con cái gì. như vậy bà đã dâng vua cả mười sáu ngàn cung tần mỹ nữ. Bốn mươi ngàn năm trôi qua, nghĩa là năm mươi ngàn năm tất cả, tính luôn mười ngàn năm vua đã chỉ sống với một mình hoàng hậu thôi. Sau đó, dân chúng lại tụ tập với những lời trách móc; vua hỏi:
- Cái gì đây nữa?
- Tâu Chúa thượng, xin ngài ra lệnh cho các cung phi cầu tự.
Từ đó, để cầu tự, các nàng cúng bái đủ các loại thần linh và thề nguyền khấn khứa đủ mọi cách, tuy thế, vẫn không có vương tử nào xuất hiện. Rồi vua ra lệnh cho bà Sumedha cũng phải cầu tự, hoàng hậu thỏa thuận.
Vào dịp lễ Trai giới ngày mười lăm (rằm) trong tháng, hoàng hậu giữ hạnh nguyện Bát quan Trai giới và ngồi trầm tư về các công đức trong một cung thất lộng lẫy trên một sàng tọa êm ái. các cung nữ khác đều ở trong ngự uyển, cầu nguyện sẽ cúng tế đủ loại dê bò. Vì công đức sáng chói của hoàng hậu Sumedha nên cung điện của Thiên chủ Sakka (Ðế Thích) rúng động.
Ðế Thích Thiên chủ suy xét và hiểu rằng bà Sumedha đang cầu tự. "Ðược rồi, bà sẽ được một hoáng nam. Song ta không thể ban cho bà một hoàng nam này hay một hoàng nam nọ một cách thiếu quan tâm, mà ta muốn đi tìm một vị nào xứngđáng". Rồi ngài thấy một Thiên tử còn trẻ tên là Nalakàra, Người Ðan giỏ.
Chàng có đầy đủ đức độ thiện hạnh, trong một đời trước đó sống ở Ba-la-nại, thì chuyện này xảy ra cho chàng. Vào mùa gieo hạt, khi chàng ra đồng, chàng gặp một vị Ðộc Giác Phật. Chàng bảo các tá điền gieo hạt, cúng dường một bữa ăn rồi dẫn vị ấy trở lại bờ sông Hằng. Chàng cùng con trai dựng túp lều, trụ bằng thân cây sung và đan kết lau sậy làm vách tường, gắn cửa vào và dọn một lối đi. Chàng mời vị Ðộc Giác Phật ở đó suốt ba tháng và khi hết mùa mưa, hai cha con chàng đắp lên Ngài ba chiếc y rồi để Ngài ra đi. Cùng cách ấy, hai cha con thiết đãi đồ ẩm thực bảy vị Ðộc Giác Phật trong túp lều ấy rồi cúng dường mỗi vị ba chiếc y, xong để các vị ai đi đường nấy.
Vì vậy, dân chúng vẫn kể chuyện hai cha con làm nghề đan giỏ, tìm các cây liễu trên bờ sông Hằng (để lấy gỗ đan giỏ) và hễ khi nào thấy một vị Ðộc Giác Phật thì họ cúng dường như trước đã nói. Lúc mạng chung, họ được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba, và cứ an trú sáu tầng trời cõi Dục liên tục tới lui theo vòng luân hồi sinh tử, tận hưởng vinh quang tộtđỉnh giữa chư Thiên.
Hai vị ấy sau khi mạng chung ở cõi này lại ước mong được lên các thiên giới cao hơn. Ðế Thích Thiên chủ nhận thức rằng một trong hai vị Thiên tử này sẽ thành đức Như Lai, nên Thiên chủ đến cửa cung của hai vị, đảnh lễ vị ấy khi vị ấy đứng lên chào đón Thiên chủ và bảo:
- Thưa Tôn giả, ngài nên sinh vào thế giới loài người.
Song vị Thiên tử bảo:
- Tâu Ðại vương, thế giới loài người đầy hận thù đáng kinh tởm, những người ở đó làm thiện sự và bố thí, cũng đều ước mong được lên thiên giới. Vậy thần xuống đó làm gì chứ?
- Thưa Tôn giả, ngài sẽ được hưởng trọn vẹn mọi lạc thú có thể hưởng được trong nhân giới; ngài sẽ ngự trong một cung điện làm toàn bằng bảo ngọc cao hai mươi lăm dặm. Xin ngài đồng ý cho.
Vị Thiên tử liền chấp thuận. Khi Ðế Thích Thiên chủ đã được vị ấy hứa lời rồi, liền giả dạng một hiền nhân giáng xuống ngự viên, xuất lộ nguyên hình vừa bay lượn trên đầu các cung phi này, vừa ca hát:
- Ta sẽ ban diễm phúc cho ai được một nam tử đây? Ai mong được diễm phúc có một nam tử đây?
- Thưa ngài, xin cho con, xin cho con!
Hàng ngàn cánh tay giơ lên. Sau đó Thiên chủ bảo:
- Ta sẽ ban các nam tử cho những người đức độ: vậy về công đức các nàng làm được những gì? Cuộc đời các nàng, lối sống các nàng ra sao?
Họ đều hạ tay xuống và thưa:
- Nếu ngài muốn thưởng công cho người đức hạnh thì xin ngài đi tìm chành hậu Sumedha.
Ngài liền bay qua không gian và dừng lại ở cửa sổ cung thất của bà. Khi đó đám cung nữ đến trình với bà:
- Tâu lệnh bà, một vị Thiên chủ đã bay qua không gian và đứng ngay tại cửa sổ cung thất lệnh bà để ban cho lệnh bà diễm phúc được một vương tử!
Bà liền đến đó đón ngài vô cùng trọng thể. Vừa mở cửa sổ ra, bà vừa hỏi:
- Tâu Thiên chủ, tiện thiếp trộm nghe rằng ngài sẽ ban diễm phúc cho một nữ nhân đức hạnh được một nam tử, có đúng vậy chăng?
- Ðúng vậy, ta sẽ làm như thế.
- Vậy xin ngài làm ơn ban cho tiện thiếp diễm phúc ấy.
- Hãy cho ta biết Chánh hậu đã tạo được công đức gì, rồi nếu chánh hậu làm đẹp ý ta, ta sẽ ban cho diễm phúc ấy.
Bà liền ngâm mười lăm vần kệ này nêu rõ công đức của mình:
1. Thiếp là chành hậu chúa Ru-ci,
Vương hậu đầu tiên chúa cưới về,
Với chúa Su-ru-ci vạn tuế,
Thiếp đã sống trọn đạo hiền thê.
2. Huy Hoàng chúa tể ở My-la,
Là chính kinh thành của quốc gia,
Thiếp chẳng hề xem thường thánh ý,
Chẳng chê ngài thấp kém, sai ngoa,
Dù sau lưng chúa, hay ngoài mặt,
Về khẩu, ý, thân, đủ cả ba.
3. Thánh giả, điều này nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.
4. Phụ hoàng, mẫu hậu của vương quân,
Hai đấng sinh thành ngự trị dân,
Trong lúc các ngài còn tại thế,
Vẫn thường dạy thiếp Ðạo hiền nhân.
5. Thiếp ước không làm hại mạng ai,
Quyết lòng hành động chánh chân hoài,
Ân cần tận tụy hầu hai vị,
Không mệt mỏi cho dẫu tối ngày.
6. Thánh giả, điều này, nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.
7. Thứ phi sau thiếp cứ tăng dần,
Mời sáu ngàn không thiếu một nàng,
Tuy thế, chẳng hề, thưa Thánh giả,
Xảy hờn ghen giữa đám hồng quân.
8. Thiếp mừng khi chúng được an lành,
Với mọi cung phi, thắm thiết tình,
Lòng thiếp nhân từ cùng tất cả,
Khác nào đối với bản thân mình.
9. Thánh giả, điều này, nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.
10. Nô tỳ, thị giả, mọi gia nhân,
Tất cả nơi đây ở hợp quần,
Thiếp đối ân cần, ban thực phẩm,
Tươi cười nét mặt tạo hân hoan.
11. Thánh giả, điều này, nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.
12. Các nhà ẩn sĩ, Bà-la-môn,
Hễ thấy người nào đến khẩn van,
Thiếp đãi uống ăn đều khắp cả,
Ðôi bàn tay rửa sạch hoàn toàn.
13. Thánh giả, điều này, nếu thật chân,
Cấu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.
14. Vào ngày mống tám, nửa tuần trăng,
Mười bốn, mười lăm, các buổi rằm,
Thiếp vẫn chuyên tâm trì giới luật,
Bước theo Thánh đạo của hiền nhân.
15. Thánh giả, điều này, nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.
Quả thật, dù cả trăm, cả ngàn câu kệ cũng không đủ lời tán thán mọi công đức của bà; tuy thế, Ðế Thích Thiên chủ cứđể cho bà tự tán thán trong mười lăm vần kệ này. Ngài cũng không ngắt ngang câu chuyện, mặc dù ngài còn nhiều việc phải làm ở nơi khác. Sau đó ngài bảo:
- Công đức của Chánh hậu thật là kỳ diệu và sung mãn tràn trề thay!
Rồi ngài ngâm hai vần kệ ca ngợi bà:
16. Nương nương hỡi, Chánh hậu Huy Hoàng,
Công đức này cao trọng thập toàn
Ðều thấy trong nàng, này Chánh hậu,
Chính nàng ca ngợi đại danh nàng.
17. Một hoàng nam chính thống cao sang,
Muôn vẻ vinh quang, trí vẹn toàn,
Ðại đế Vi-đề-ha chánh trực,
Sắp ra đời đó chính con nàng.
Khi bà nghe những lời này, bà vô cùng hoan hỷ ngâm hai vần kệ để hỏi Thiên chủ:
18. Bụi bẩn, lấm lem tóc rối bồng,
Hình ngài lơ lửng ở trên không,
Nói bằng một giọng đầy thân ái,
Lám thiếp cảm rung tận cõi lòng.
19. Có phải ngài Thiên đế đại hùng,
Trên trời ngài ngự, hỡi hiền nhân?
Xin cho thiếp biết từ đâu đến,
Cho biết là ai đó giáng trần?
Thiên chủ đáp lời bà qua sáu vần kệ:
20. "Thiên nhãn Sak-ka" nàng thấy đây,
Vì Thiên chúng vẫn gọi như vầy.
Những khi Thiên chúng đều đoàn tụ
Trong Thiện pháp đường mỹ diệu thay.
21. Khi nữ nhân hiền đức vẹn toàn,
Tại đây được thấy giữa trần gian,
Chánh chân nội tướng đầy nhân ái
Với mẹ chồng, như phận sự nàng.
22. Khi chư Thiên biết một hồng nhan,
Lòng trí cao minh, nghiệp thiện toàn,
Dù nữ nhi, mà từ thượng giới,
Thiên chúng đích thân đến với nàng.
23. Giữ đời đức hạnh, hỡi Nương nương,
Nhờ tích trữ toàn việc thiện lương,
Công chúa xuất thân, đà đạt được
Trọn niềm hạnh phúc vẫn cầu mong.
24. Vậy nàng gặt hái nghiệp duyên nàng
Bằng cảnh huy hoàng ở thế gian,
Công chúa, về sau trên thượng giới
Tái sinh nàng được hóa Thiên thần.
25. Nữ nhi hiền đức, hưởng hồng ân!
Cứ sống giữ gìn hạnh chánh chân,
Nay lúc ta cần về thượng giới,
Vui mừng vì diện kiến tôn nhan.
- Ta còn việc phải làm trên tiên giới-Ngài bảo-Vậy ta đi đây, còn nàng hãy chuyên tâm tinh cần.
Cùng với lời khuyên nhủ này, ngài ra về.
Tảng sáng hôm ấy, Thiên thần Nalakàra được nhập mẫu thai của hoàng hậu. Khi bà biết chuyện ấy, bà liền tâu với vua. Vua làm đủ mọi việc cần thiết cho một thai phụ. Sau mười tháng, bà sinh hạ một vương tử, hai vị đặt tên là Mahà-panàda. Toàn dân của hai quốc độ đều đến kêu lên:
- Tâu Chúa thượng, chúng hạ thần xin mang tiền mua sữa tới tặng hoàng thái tử.
Rồi mỗi người thả một đồng vàng vào trong sân chầu thành một đống tiền lớn. Vua không muốn nhận tiền này, nhưng dân chúng không chịu lấy lại, và tâu với vua khi họ ra về:
- Tâu Chúa thượng, số tiền này để dành cấp dưỡng vương tử khi ngài lớn lên.
Vương nhi lớn lên giữa cảnh huy hoàng và khi chàng đến tuổi trưởng thành, không quá mười sáu, chàng đã kiện toàn tất cả mọi môn học thuật. Vua nghĩ đến tuổi trưởng thành của chàng, bảo hoàng hậu:
- Này ái hậu, khi đến thời làm lễ quán đảnh cho hoàng nhi, ta hãy xây cho con ta một cung điện tuyệt đẹp vào dịp đó.
Bà thỏa thuận hoàn toàn. Vua liền cho triệu các người có tài đoán biết nơi chốn an lành để xây cung điện và họ bảo:
- Này các hiền hữu, hãy tìm một kiến trúc sư thượng thủ và xây cho ta một cung điện không xa cung ta. Cung này dành cho hoàng tử mà chúng ta sắp phong vương để kế vị ta đó.
Họ tâu việc ấy tốt lành thay và bắt đầu đi vào khảo sát mặt đất.
Lúc áy, chiếc ngai của Ðế Thích Thiên chủ nóng rực lên. Nhận thấy điều này, Thiên chủ lập tức triệu Vissakamma-vị Thiên thần chuyên xây dựng đến và bảo:
- Này Hiền giả Vissakamma, hãy xây cho thái thái tử Mahà-panàda một cung điện dài rộng nửa dặm và cao hai mươi lăm đặm, toàn bằng bảo ngọc.
Vissakamma liền giả dạng thợ hồ đi đến gần đám thợ kia bảo:
- Hãy đi ăn sáng xong rồi trở về đây.
Sau khi họ đi khuất cả rồi, vị ấy lấy cây gậy đập xuống đất, lập tức một cung điện hiện ra cao bảy tầng đúng kích thước như trên.
Bấy giờ triều đình cử hành liên tiếp ba đại lễ cho Thái tử Mahà-panàda: Lễ khánh thành cung điện, lễ giương chiếc lọng hoàng gia trên đầu chàng (lễ phong vương) và lễ thành hôn cho chàng. Trong thời gian hành lễ, toàn dân cả hai xứ tụ tập lại tổ chức hội hè yến tiệc suốt bảy năm mà vua cũng không giải tán quần chúng: xiêm y, đồ trang sức, đồ ẩm thực và mọi thứ khác hoàng gia đều cung cấp đầy đủ cả.
Sau bảy năm ấy, dân chúng bắt đầu càu nhàu than phiền và vua Suruci hỏi tại sao, họ đáp:
- Tâu Ðại vương, trong lúc chúng hạ thần mãi vui chơi hội hè đình đám thì bảy năm đã trôi qua. Thế khi nào thì lễ hội này mới chấm dứt?
Vua đáp:
- Này các hiền hữu, suốt thời gian qua, vương nhi chưa hề một lần nào cười cả. Vậy khi nào vương nhi cười thì ta sẽ giải tán.
Sau đó dân chúng đi đánh trống và tập hợp các người làm trò múa rối nhào lộn lại với nhau. Hàng ngàn người diễn trò kéo đến và chia nhau thành bảy ban ca múa, nhưng họ không thể nào làm vương tử cười được. Rõ ràng chàng là một người đã từng xem múa hát của các vũ thần chốn thiên đình rồi thì không thể nào ham thích được các vũ công hạ giới như thế này.
Sau đó hai tên hề múa rối lanh lợi xuất hiện, đó là Bhandu Kanna và Pandu Kanna tức Tai Cụt và Tai Vàng. Chúng tâu:
- Chúng tiểu thần sẽ làm cho hoàng tử cười.
Bhandu Kanna liền hóa phép ra một cây xoài vĩ đại, mà gã gọi là "Vô song địch", mọc lên trước cửa cung, sau đó gã ném ra một cuộn dây làm cho nó mắc vào một cành xoài rồi gã trèo lên cây xoài Vô song địch ấy.
Thời bấy giờ người ta bảo cây xoài Vô địch ấy là của Vessavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương). Bọn nô lệ của thần Vessavana bắt lấy gã, như thường lệ, chặt ra từng khúc và thả xuống đất. Bọn người làm trò ảo thuật kia ghép các khúcđó lại và tưới nước lên. Gã đó liền choàng mớ xiêm y cả bên trong lẫn bên ngoài đều kết bằng hoa rồi đứng dậy bắt đầu ca múa như cũ. Ngay cái cảnh tượng kỳ dị này cũng không làm vương tử cười được.
Sau đó Pandu Kanna chất dầu củi đốt lửa lên trước sân chầu và nhảy vào lửa với đồng bọn múa rối ấy. Khi lửa tan hết, người ta tưới nước vào đó, Pandu Kanna cùng cả bọn lại vùng dậy ca múa với đủ xiêm y từ trong ra ngoài kết bằng hoa! Khi dân chúng thấy họ không thể làm cho vương tử cười được thì họ bực tức lắm.
Ðế Thích Thiên chủ nhận thấy việc này, liền phái xuống một vũ công trên trời, bảo vị ấy làm cho vương tử Mahà-panàda cười. Thế rồi vị ấy đứng lơ lửng giữa không gian trên sân chầu, và biểu diễn một điệu múa gọi là Vũ khúc Bán thân: chỉ một tay, một chân, một mắt, một răng nhảy múa rung rinh, lắc lư qua lại, còn mọi phần kia vẫn trơ như đá!
Khi Mahà-panàda thấy thế thì chàng hơi nhếch mép cười một chút thôi! Còn đám dân chúng đều cười rộ lên từng tràng dài, và không thể nào kềm chế chân tay được nữa, nên họ cứ lăn quay long lóc khắp cả sân rống. Thế là kết thúc hội hè! Phần còn lại:
Ðại đế Pa-nà, chúa đại hùng
Với cung bằng ngọc quý, vàng ròng...
Ðã được giải thích trong Thế Tôn Mahà Panàda (số 264, tập II, Chương III)
Vua Mahà Panàda chuyên tâm làm thiện sự và bố thí nên lúc mạng chung được sinh lên Thiên giới.
*
Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
- Như vậy, này các Tỷ-kheo, Visàkhà đã nhận được điều ước Ta ban thuở trước kia.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Thời bấy giờ, Bhaddaji là Mahà Panàda, Visàkhà là hoàng hậu Sumedha, Ànanda là Vissakamma và Ta chính là Ðế Thích Thiên chủ.
Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch
Tidak ada komentar:
Posting Komentar