Senin, 26 Agustus 2013

Nghiệp và tự do ý chí

Đức Phật nói: “Trong tấm thân dài một sải tay này, được trang bị với các giác quan và các căn (tinh thần), này các Tỳ khưu, ta tuyên bố thế gian, tập khởi của thế gian, sự đoạn diệt của thế gian và con đường dẫn đến sự đoạn diệt của thế gian”.
Từ những vấn đề liên quan đến giáo lý nghiệp báo của đạo Phật đến vấn đề lý nhân quả và tự do ý chí là những vấn đề vốn được xem là có ý nghĩa rộng lớn. Chúng đặc biệt xoay quanh những khái niệm như: nhân quả, duyên sanh (điều kiện tạo thành), và sự quyết định. Đạo Phật không phủ nhận điều con người phần lớn do hoàn cảnh và môi trường chung quanh họ tạo điều kiện. Song việc tạo điều kiện ấy không phải là tuyệt đối. Vì như thế, nó có thể là quyết định luận hay thuyết định mệnh và phần tự do ý chí sẽ là rất nhỏ, nhưng luôn có mặt.
Tâm-luân-lý học Phật giáo rất xem trọng sát-na tâm chọn lựa: sát-na tâm phản ứng với tình huống trong đó chúng ta được tự do hành động theo một số cách khác nhau (tuỳ sự chọn lựa). Tất nhiên có thể xảy ra trường hợp những khuynh hướng quá khứ có ưu thế hơn thúc bách chúng ta hành động theo một cách đặc biệt nào đó hầu như không thể cưỡng lại được; nhưng phải nhớ rằng những thói quen suy nghĩ và hành động quá khứ của chúng ta không chỉ có cùng một loại. Tính cách con người rất dễ thay đổi, và trong sát-na quyết định, không chắc chắn là loại thôi thúc nào sẽ có ưu thế hơn hết. Cho nên điểm chính của sự phát triển nhân cách là phải thường xuyên trau dồi một cách hệ thống những thôi thúc tốt và diệt trừ những thôi thúc xấu.
Một lần nữa, để hiểu rõ những gì được hàm ý bởi Kamma (nghiệp), việc định nghĩa chính xác những thuật ngữ đặc biệt của Phật giáo là điều cần thiết. Kamma chỉ đơn giản là hành động hay việc làm có chủ ý; kết quả của hành động ấy là Vipāka (quả). Vì thế không nên lẫn lộn hoặc lồng ghép hai từ này thành một khái niệm đơn giản dưới cùng một từ, như những người theo thuyết Thần giáo hoặc các nhà viết sách của Ấn giáo đã làm. Song hai từ phải được xem xét cùng với nhau, như Kamma-vipāka tức ‘nghiệp và quả của nghiệp’ đểbiểu thị một nguyên tắc đạo đức trong trật tự của vũ trụ. Như vậy, một hành động hung ác do khởi nguyên của nó là chủ ý hay tư tâm sở (cetanā), đúng thời sẽ thành tựu như một cảm thọ khổ của một loại tương tự đối với người đã làm hành động hung ác ấy – có thể trong kiếp này (kẻ sát nhân bị tử hình), hoặc trong một kiếp kế tiếp nào đó.
Về vấn đề có phải người tạo nghiệp và người cảm thọ quả là cùng một người hay không, chúng ta không thể xác nhận một cách tuyệt đối cũng không thể phủ nhận hoàn toàn; câu trả lời nằm trong khái niệm về nhân cách và tính đồng nhất mà đạo Phật chủ trương, điều này có thể tìm thấy trong các bài kinh đề cập đến tái sinh. Tính đồng nhất duy nhất có thể xác nhận cho một nhân cách, thậm chí suốt một đời người, là dòng đời được tiêu biểu bằng tính liên tục về nghiệp lực của người ấy. Trong khi một cá nhân ở bất kỳ sát-na nhất định nào cũng chỉ là kết quả cuối cùng của những hành động trước đó của anh ta đã tạo ra, anh ta cũng tự tạo ra tương lai cho mình bằng những hành động hiện tại, và sự tự do chọn lựa của anh ta nằm trong ý nghĩa này. Anh ta tuyệt đối không còn bị quá khứ của mình quyết định hơn gì môi trường chung quanh và tính di truyền của anh ta. Đạo Phật dạy nguyên tắc đa nhân, nghĩa là mọi hiện tượng là sản phẩm của nhiều hơn một nhân. Và ý chí, mặc dù bị thay đổi bởi những nhân này, tự nó vẫn có quyền tự do chọn lựa giữa một số tác nhân khác nhau tác động trên nó từ quá khứ. Chúng ta được tự do chọn nhân nào sẽ quyết định hành động của mình trong sát-na chọn lựa ấy. Đó là lý do vì sao những mâu thuẫn nội tại nảy sinh mà đôi lúc rất khó quyết định, hoặc quyết định với sự đau khổ cực độ. Luôn luôn có những nỗi thống khổ như vậy tồn tại trong sự tự do chọn lựa.
Bất luận lúc nào chúng ta cũng có thể nhận ra sự mâu thuẫn nội tại này diễn tiến trong những trường hợp cụ thể như thế nào. Một người có thể sinh ra và lớn lên trong môi trường khốn khó, túng quẫn và đầy lo toan, trong đó mọi thứ đều có khuynh hướng đẩy anh ta vào tội ác. Nhưng trong sát-na quyết định có nên hay không nên phạm một tội ác, các nhân tố khác, có thể ở dạng ngủ ngầm, cũng đang vận hành trong tâm anh ta. Trước đó có thể anh ta đã được dạy dỗ rằng phạm tội ác là trái với đạo đức, hoặc có thể một ảnh hưởng tốt nào đó từ kiếp trước đang thức dậy trong anh ta, hoặc anh ta có thể nhận ra hoàn toàn đơn giản, rằng ‘tội ác không đem lại lợi ích gì’; cũng có thể anh ta nhụt chí do nhớ lại một kết quả đau thương nào đó như tù tội hay những trận đòn trong kiếp hiện tại này. Cho dù những yếu tố ngăn cản này là cao thượng hay không cao thượng, chúng vẫn luôn luôn có mặt, và anh ta phải có sự chọn lựa giữa những nguyên nhân vốn sẽ quyết định cho hành động hiện tại của mình. Và thường thì anh ta sẽ chọn không để phạm tội. Nếu sự tình không như vậy, sự cải thiện đạo đức của cá nhân và xã hội ắt hẳn không thể xảy ra.
Có thể chúng ta khó hình dung được rằng một người sinh ra trong hoàn cảnh túng thiếu, nghèo khổ, và ngu dốt, có thể được bảo là do những ác nghiệp quá khứ. Nhưng những gì chúng ta ‘không thể hình dung được’ lại thực sự là những gì đức Phật đã dạy. Mọi cố gắng để lập lại tư tưởng của đức Phật nhưng bỏ qua sự tái sinh, đều phải chịu thất bại. Có thể có sự tái sinh không theo trật tự đạo đức thể hiện bằng quả của nghiệp (kamma-vipāka), trong trường hợp này sự tái sinh chỉ là sự kéo dài vô tận của tiến trình sống phi đạo đức và vô nghĩa do những người theo thuyết hiện tượng phụ (epiphenomenalists) hình dung ra, song chúng ta không thể có một trật tự đạo đức mà không có tái sinh.
Tại sao vậy? Đơn giản là vì không phải tất cả những kẻ sát nhân đều bị trừng phạt, và có thể nói, cả những người giúp kẻ khác phạm tội cũng không bị trừng phạt, ít nhất cũng không phải trong đời này. Đã vậy họ lại thường giàu có nữa, tuy nhiên nguyên tắc của nghiệp-quả chẳng bao giờ gạt ai cả. Vào một lúc nào đó họ sẽ phải đền tội.
Ngày nay, thế giới bị chủ nghĩa vật chất ngự trị đến độ Kickergaard, một Phật tử đã phải viết một tác phẩm khác: ‘Concluding Unscientific Postscrip’ - Thông Tin (có tính chất) Kết Luận Phi Khoa Học - để giải toả tình trạng rối ren này. Ở đây cần phải hiểu phi khoa học chứ không phải phản khoa học (anti-scientific). Không bị giới hạn bởi khuynh hướng thiên về vật chất của thuyết Darwin-Huxley, thế kỷ mười chín, khuynh hướng mà ngày nay được xem là khoa học. Chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận những gì đúng sự thực trong khuynh hướng thiên về vật chất này, không sợ phải vượt qua nó.
Và những gì là đúng sự thực trong khái niệm về con người ấy? Con người có phải do hoàn cảnh chung quanh y tạo điều kiện hay không? Tất nhiên, không một người sáng suốt nào phủ nhận điều này, và Đức Phật cũng không. Nhưng không một con người nào hoàn toàn do bất kỳ điều gì tạo điều kiện, ngay cả bởi thói quen tư duy và hành động đã tích luỹ từ quá khứ của họ. Không có tính cách nào là bất biến không thể thay đổi – ngoại trừ tính cách của một bậc thánh (ariya), người mà số mệnh đã được bảo đảm (nhất thiết phải đưa ra ngoại lệ này, mặc dù ở đây có vẻ là chuyện ngoài đề). Con người bình thường, như chúng ta đã nói, là một tiến trình có thể biến đổi, tính đồng nhất của anh ta từ sát-na này đến sát-na khác không là gì ngoài dòng đời có tính liên tục của anh ta như một tiến trình trong thời gian. Vì thế con người luôn luôn hành động “từ cá tính”. Có chăng những con người vĩ đại và cao quý xuất hiện từ những hoàn cảnh tồi tàn nhất của thiếu thốn và nghèo đói? Hoặc ngược lại, có những kẻ phạm tội ác và đồi truỵ xuất hiện ở nơi mà mọi điều kiện xã hội, kinh tế, và cả yếu tố di truyền được xem là thuận lợi nhất không?
Chúng ta cứ chấp nhận rằng trong phần lớn các trường hợp, con người là những gì hoàn cảnh của họ tạo ra cho họ. Đạo Phật dạy chính con người đã tạo ra những hoàn cảnh này bằng hành nghiệp quá khứ của họ. Song nghiệp hiện tại, vốn uốn nắn tương lai của họ, lại nằm trong đôi tay của chính họ. Giới hạn của tự do ý chí dù mong manh vẫn luôn luôn có đó. Không có tự do ý chí, cuộc sống sẽ hoàn toàn vô nghĩa, và việc cố gắng đi tìm ý nghĩa của cuộc sống sẽ là ngốc nghếch. Thực sự đó là điều không thể xảy ra, và chúng ta sẽ không bị bối rối, khó hiểu đối với đạo Phật! Sở dĩ những vấn đề này được đặt ra là để chỉ cho thấy rằng chúng ta không phải là những cơ chế có bộ điều khiển, buộc phải chạy như chiếc xe hơi trên đường, hay như chiếc xe lửa chạy theo những đường ray cố định của nó, mà là những sinh vật bơi-lội-tự-do, những cá nhân có tư duy và ý chí chứ không phải cây cỏ.
Nghiệp không phải là nhân tố duy nhất tạo ra mọi hiện tượng và mọi kinh nghiệm. Các phương diện vật lý của cuộc sống cũng góp phần trong tổng thể ấy. Ngoài ra, tâm và ý chí vẫn có thể thắng được mọi thứ khác. Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng do một hành động đơn độc của ý chí, mà còn do những hành vi có cùng tính chất và cùng mục đích được lập đi lập lại nhiều lần mà thành. Cuộc sống không đau khổ là điều không thể có, do những điều kiện vật lý và tâm lý, ước vọng của chúng ta đối với cuộc sống đã được cá nhân hoá áp đặt như nhân duyên của sự hiện hữu trong thế gian của chúng ta. Nhưng tâm tự nó có thể phát triển, tức là nó có thể dừng lại việc tạo tác và áp đặt những điều kiện (duyên) ấy.
Chúng ta phải phân biệt rõ giữa những gì chúng ta phải cam chịu – hoàn cảnh hiện tại do nghiệp quá khứ của chúng ta tạo ra cho chính mình – với tương lai cái mà chúng ta có thể tạo ra cho chính mình bằng tư duy và hành động hiện tại. Sự phân biệt đó rất quan trọng, nó cho thấy sự khác biệt giữa những định luật tuyệt đối (hay thuyết định mệnh) và tự do ý chí. Căn nguyên của sự hiện hữu có tính hiện tượng này là hai yếu tố: vô minh kết hợp với tham ái; yếu tố này tuỳ thuộc vào yếu tố kia để có mặt. Khi hai điều kiện phối hợp này được loại trừ, các điều kiện (duyên) khác cũng đi đến chấm dứt. Đó là toàn bộ mấu chốt của Pháp Duyên-khởi (paṭicca-samuppāda) hay còn gọi là Thập-nhị Nhân Duyên – chuỗi duyên sanh này có thể được đảo ngược bằng những hành động quyết tâm được lập đi lập lại. Con người luôn luôn có thể bơi ngược dòng; bởi nếu không thế, thì sự tiến hoá của họ sẽ là điều không thể xảy ra.
Cũng không nên nghĩ rằng, như một điều tất yếu của cách giải thích ở trên, đạo Phật tán thành nghèo đói và thiếu thốn. Thực ra, đạo Phật không tán thành điều gì trong thế gian ngoại trừ nỗ lực đạt đến giải thoát khỏi thế gian. Quan niệm về thế gian của đạo Phật rất thực tiễn. Nghèo đói và ngu dốt (vô minh) tồn tại, và sẽ tiếp tục tồn tại như thế bao lâu người ta, do giáng những điều ác của họ lên người khác trong những kiếp sống trước, khiến họ phải bị tái sinh vào những hoàn cảnh như vậy. Chúng ta phải cố gắng giảm bớt những điều ác, song điều này không thể được thực hiện bằng những phương tiện thuần thể chất. Tinh tấn là tốt chỉ vì nó thể hiện một thiện ý vốn sẽ cho quả trong tương lai, hơn là vì bất cứ khả năng thành đạt nào của nó. Nếu toàn thế gian hành động theo nguyên tắc vị tha, quảng đại, và bi mẫn của đạo Phật, ắt hẳn sẽ không còn cảnh nghèo khổ, không còn những khu nhà ổ chuột, không còn cảnh người áp bức người, hay người bóc lột người nữa. Tuy nhiên, nghiệp xấu ở quá khứ sẽ cho quả của nó bằng những phương tiện khác. Có thể chắc chắn rằng nếu tất cả tài sản trong thế gian này được đem chia đều cho mọi người vào buổi sáng, thì buổi chiều vẫn có kẻ giàu và người nghèo lại như thường. Đó là sự thật cơ bản của tự nhiên, vốn ghét sự bình đẳng hơn ghét sự rỗng tuếch. Tất nhiên sẽ có sự bình đẳng khi mọi tư duy và hành động ở quá khứ và hiện tại của mọi người là như nhau, và khi nào thì điều đó có thể?
Cơ cấu kinh tế của xã hội phản ánh chính xác bản chất rối ren, phi lý, và ích kỷ của con người. Thế gian chỉ thay đổi khi nào bản chất ấy được chuyển hoá hoàn toàn. Mọi sự cải thiện phải đến từ bên trong, vì “tâm tạo ra mọi hiện tượng” từ những nguyên liệu của thế gian. Nguyên liệu thế gian vốn không tốt cũng không xấu; chính tư duy của con người tạo ra thiên đàng hay địa ngục từ nguyên liệu ấy.
Đức Phật nói, “Trong tấm thân dài một sải tay này, được trang bị với các giác quan và các căn (tinh thần), này các Tỳ khưu, Ta tuyên bố thế gian, tập khởi của thế gian, sự đoạn diệt của thế gian, và con đường dẫn đến sự đoạn diệt của thế gian.”
Trên phương diện triết lý, có thể nói những lời này được xem là sâu xa nhất, toàn diện nhất, và soi sáng nhất đã từng được Đức Phật nói ra. Theo nghĩa đen, chúng ta tạo ra thế gian; thế gian, đến lượt nó làm duyên hay tạo điều kiện cho chúng ta, nhưng nó không tạo ra chúng ta. Đó là điểm khác biệt lớn nhất. Vì lẽ mỗi cá nhân chúng ta là đấng sáng tạo của thế gian chúng ta, ngay cả điều kiện mà nó áp đặt rốt cuộc cũng có thể theo dấu đến chính chúng ta vậy.
ST

Tidak ada komentar:

Posting Komentar