Như vậy, nghiệp là thai bào từ đó chúng ta sinh ra, nghiệp là đấng sáng tạo đích thực của thế gian và của chính bản thân chúng ta - người kinh nghiệm thế gian ấy...
Hầu hết các tác phẩm viết về giáo lý nghiệp báo đều nhấn mạnh đến tính hợp pháp nghiêm ngặt chi phối hành động tạo nghiệp, bảo đảm một sự tương xứng chặt chẽ giữa những hành động chúng ta làm và quả của chúng. Trong khi sự nhấn mạnh này về phương diện nào đó là hoàn toàn thoả đáng, vẫn có một khía cạnh khác trong sự vận hành của nghiệp - một khía cạnh hiếm được lưu ý song lại rất quan trọng. Đó là khả năng có thể thay đổi của nghiệp.
Sự thực, tính hợp pháp vốn chi phối nghiệp không hoạt động chặt chẽ một cách máy móc, mà còn chừa ra một tầm tương đối rộng cho những biến đổi trong sự chín muồi của quả. Sự kiện này được hàm ý bởi những loại nghiệp gọi là “trì nghiệp”, “chướng nghiệp”, và “đoạn nghiệp”, và còn bởi cách phân loại theo các thời gian chín muồi khác nhau của quả. Vì thế lời dạy của Đức Phật cho rằng các quả nghiệp có thể biến đổi được xem là quan trọng đến mức đáng được nhấn mạnh và bàn luận đến như một đề tài minh bạch.
Nếu hành động tạo nghiệp luôn luôn cho quả với cùng tầm mức một cách bất biến, và nếu sự biến đổi hay sự huỷ bỏ của quả nghiệp bị loại ra, thì sự giải thoát khỏi vòng luân hồi sẽ là điều không thể; vì một quá khứ vô tận sẽ luôn tung ra những quả nghiệp bất thiện gây chướng ngại mới.
Vì vậy Đức Phật nói: “Nếu ai nói rằng một người làm nghiệp theo cách nào, sẽ cảm thọ quả theo cách ấy - trong trường hợp đó sẽ không thể có đời sống phạm hạnh (đời sống phạm hạnh dẫn đến đoạn trừ nghiệp) và sẽ không có cơ hội nào để đoạn tận khổ đau.
“Song nếu ai nói rằng một người làm nghiệp (với một kết quả) được xem là có thể cảm thọ quả bất định như thế nào, sẽ gặt những kết quả của nó như vậy - trong trường hợp đó sẽ có thể có đời sống phạm hạnh và cơ hội để đoạn tận khổ đau.” – Aṅguttara, 3:99
Giống như bất kỳ các sự kiện vật lý khác, tiến trình tâm lý tạo nên một hành nghiệp cũng không bao giờ hiện hữu biệt lập mà hiện hữu trong một lãnh vực, và như vậy tính hiệu quả của nó trong việc tạo ra một kết quả không những tuỳ thuộc vào tiềm lực riêng của nó, mà còn vào các yếu tố khác trong lãnh vực hoạt động của nó, và điều này có thể làm cho nó bị biến đổi theo nhiều cách. Chẳng hạn, chúng ta thấy rằng một nghiệp đặc biệt nào đó, hoặc tốt hoặc xấu, mà kết quả của nó đôi khi có thể được tăng cường bởi trì nghiệp, hoặc bị làm cho yếu đi bởi chướng nghiệp, hay bị thủ tiêu hoàn toàn bởi đoạn nghiệp. Sự xảy ra của quả cũng có thể bị trì hoãn nếu sự liên kết của các hoàn cảnh bên ngoài đòi hỏi phải có cho sự chín muồi của nó không đầy đủ; hơn nữa, việc trì hoãn ấy còn có thể cung cấp một cơ hội cho chướng nghiệp hoặc đoạn nghiệp hoạt động.
Tuy nhiên, những điều kiện bên ngoài này không những có thể gây ra sự biến đổi, mà sự chín muồi của nó cũng còn phản ánh ‘lĩnh vực bên trong’ hay điều kiện nội tại của nghiệp – đó là toàn bộ cấu trúc tâm lý của tâm, từ đó hành nghiệp phát ra. Đối với người có những phẩm chất đạo đức, chỉ một tội đơn lẻ có thể sẽ không đưa đến kết quả nghiêm trọng như cũng tội ấy sẽ tạo ra đối với một người không có đầy đủ giới đức bảo vệ. Đối với luật pháp hiện hành cũng thế, việc trừng phạt một người phạm tội lần đầu bao giờ cũng nhẹ hơn một tội phạm bị tái kết án.
Về loại phản ứng đã được biến đổi này, Đức Phật nói tiếp trong bài kinh đã trích dẫn ở trên:
“Ở đây có trường hợp một người phạm một ác nghiệp nhỏ mọn, và ác nghiệp ấy đưa họ vào địa ngục. Song nếu một người khác phạm tội ác nhỏ mọn như thế, họ có thể cảm thọ quả của nó ngay trong đời hiện tại nhưng tàn dư của phản ứng ấy thậm chí sẽ không chút nào xuất hiện (trong tương lai), nói gì đến một phản ứng lớn.
“Loại người như thế nào mà một tội ác nhỏ lại đưa họ xuống địa ngục? Đó là người không tu tập (chế ngự) về thân, không tu tập giới và tâm, cũng không phát triển chút trí tuệ nào; người ấy là người có đầu óc hẹp hòi, nhân cách thấp hèn, và ngay cả đối với những chuyện vặt vãnh người ấy cũng đau khổ. Người như vậy dù một tội nhỏ cũng có thể đưa họ xuống địa ngục.
“Và loại người như thế nào mà quả của tội nhỏ tương tợ sẽ chỉ cảm thọ trong đời này, chứ không có chút tàn dư tương lai nào? Đó là người đã tu tập (chế ngự) về thân, đã tu tập giới và tâm, và cũng đã phát triển trí tuệ; người ấy không bị giới hạn bởi điều xấu, có nhân cách vĩ đại, và sống không bị ràng buộc (theo Chú giải, điều này muốn nói tới vị Alahán, liên hệ đến những tội vị ấy có thể đã phạm hoặc trong kiếp này trước khi đắc Thánh quả, hoặc trong những kiếp trước. trong trượng hợp này, vị ấy không bị ràng buộc bởi những năng lực giới hạn của tahm, sân, si). Người như vậy chỉ cảm thọ quả của tội nhỏ ấy trong kiếp hiện tại, chứ không có chút tàn dư tương lai nào.
“Ví như có người bỏ nhúm muối vào ly nước nhỏ, các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ-Khưu, liệu lượng nước nhỏ trong ly có trở nên mặn và không thể uống được do nhúm muối đó không?” – “Chắc chắn là mặn, bạch Đức Thế Tôn.” – “Tại sao vậy?” –“Vì nước trong ly quá ít đến độ một nhúm muối cũng có thể làm cho nó mặn và không thể uống được vậy.” – “Bây giờ giả sử, này các tỳ-kheo, nhúm muối ấy đem bỏ vào sông Hằng. Liệu nó có thể làm cho nước sông Hằng trở nên mặn và không thể uống được không?” – “Tất nhiên không, bạch Đức Thế Tôn.” – Tại sao không?” – “Bạch Đức Thế Tôn, lớn thay là khối nước trong sông Hằng. Nó sẽ không trở nên mặn và không uống được bởi một chút muối đó vậy.”
“Thêm nữa, này các tỳ-kheo, giả sử một người phải vào tù vì vấn đề nửa xu, một xu hoặc một trăm xu, và người khác lại không phải vào tù vì vấn đề đó.
“Loại người nào phải vào tù vì vấn đề nửa xu, một xu hoặc một trăm xu? Đó là người nghèo khổ, không có của cải hoặc sở hữu. Nhưng nếu đó là một người giàu, một người có nhiều của cải và sở hữu, họ không phải vào tù vì một vấn đề như vậy”. Aṅguttara Nikāya, 3:99
Vì thế chúng ta có thể nói rằng chính tích luỹ nghiệp thiện hay ác của một cá nhân cũng như những đặc điểm nhân cách nổi bật, tốt hay xấu của họ, ảnh hưởng đến quả của nghiệp. Những yếu tố ấy quyết định sức nặng của quả báo (nặng hơn hoặc nhẹ hơn) và thậm chí có thể giải thích được sự khác nhau giữa việc vì sao nó xảy ra và vì sao nó hoàn toàn không xảy ra.
Song ngay cả điều này cũng không làm cạn kiệt được khả năng biến đổi trong sức mạnh phản ứng của nghiệp. Một cái nhìn lướt qua dòng đời của những người chúng ta biết có thể cho chúng ta thấy rõ một người có nhân cách tốt và không có gì lầm lỗi, sống trong những hoàn cảnh hết sức yên ổn; tuy thế, chỉ một lầm lỗi thậm chí rất nhỏ, cũng đủ làm tiêu vong cuộc đời họ – danh tiếng, sự nghiệp, và hạnh phúc của họ – và nó cũng có thể dẫn đến sự suy thoái nghiêm trọng về nhân cách của họ. Cuộc khủng hoảng dường như không cân xứng ấy có thể là do một phản ứng dây chuyền của những tình huống mỗi lúc một xấu thêm vượt ngoài khả năng kiểm soát, được quy cho một chướng nghiệp mạnh mẽ trong quá khứ của họ. Nhưng chuỗi quả xấu vẫn có thể được thúc đẩy bởi hành vi của chính người ấy, nghĩa là bị thúc đẩy một cách quyết liệt bởi một lầm lỗi ban đầu nào đó và rồi được tăng cường bởi sự bất cẩn, tính không quả quyết hoặc những quyết định sai lầm sau đó, mà điều này tất nhiên là nghiệp không khéo trong bản thân họ. Đây là trường hợp ngay cả một nhân cách tốt có ảnh hưởng ưu thế cũng không thể ngăn được sự chín muồi của quả xấu hoặc làm giảm nhẹ sức mạnh đầy đủ của quả. Những phẩm chất tốt đẹp và những thiện nghiệp của người đó chắc chắn sẽ không trở thành vô hiệu lực; song kết quả tương lai của chúng có thể bị yếu đi do những hành động hay những thay đổi nhân cách có tính tiêu cực đã nảy sinh trong hiện tại, điều có thể hình thành một chướng nghiệp xấu trong tương lai.
Cũng nên xét đến trường hợp ngược lại: một người đáng được gọi là một nhân cách xấu xa, vào một dịp hiếm hoi nào đó có thể hành động do sự thúc đẩy của lòng quảng đại và nhân từ. Hành động này hóa ra lại có những ảnh hưởng rộng lớn và thuận lợi một cách bất ngờ trên cuộc đời anh ta. Nó có thể tạo ra một sự cải thiện nhất định nơi những hoàn cảnh bên ngoài, làm dịu lại nhân cách xấu của anh ta, và thậm chí còn bắt đầu một sự “biến đổi tâm tính” hoàn toàn nữa.
Xem thế đủ biết những hoàn cảnh trong cuộc đời con người quả là phức tạp đến thế nào, ngay cả khi chúng có vẻ thật đơn giản! Điều này là thế vì hoàn cảnh và những kết quả của chúng phản ánh tính phức tạp còn lớn hơn nữa của tâm, cội nguồn vô tận của chúng. Chính Đức Phật đã nói: “Tính phức tạp của tâm thậm chí còn vượt hơn cả vô số các loài bàng sanh” (S.N,22:100). Vì đối với bất kỳ một cá nhân nào, tâm là một dòng trôi chảy của những tiến trình tâm lý luôn thay đổi được thúc đẩy bởi các luồng dọc, luồng ngang của nghiệp đã tích lũy trong vô lượng kiếp sống. Sự phức tạp này đã lớn, lại còn tăng trưởng nhiều hơn nữa bởi sự kiện rằng mỗi dòng đời của một cá nhân còn được đan xen với những dòng đời của các cá nhân khác qua sự tương tác của những nghiệp riêng của họ. Mạng lưới nghiệp duyên nhiêu khê đến nỗi Đức Phật phải tuyên bố quả của nghiệp là một trong bốn điều bất khả tư nghì (acinteyya) và khuyên mọi người không nên lạm bàn về nó. Song cho dù những vận hành chi li của nghiệp vượt khỏi khả năng hiểu biết của chúng ta, bức thông điệp quan trọng của nó vẫn rõ ràng. Sự kiện quả của nghiệp có thể biến đổi đã giải thoát chúng ta khỏi sự tai hại của quyết định luận và hậu quả tất yếu của nó: thuyết định mệnh, đồng thời giữ cho con đường giải thoát luôn luôn mở ra trước chúng ta.
Tuy nhiên, sự ‘khoáng đạt’ tiềm tàng của một tình huống nhất định này cũng có mặt tiêu cực, yếu tố liều lĩnh, và sự nguy hiểm của nó - một sự đáp trả sai lầm đối với tình huống có thể dẫn đến một con đường thối đoạ. Chính sự đáp trả của chúng ta sẽ loại bỏ được tính mơ hồ của tình huống, đưa đến sự tốt hơn hoặc tệ hơn. Điều này cho thấy giáo lý nghiệp báo của Đức Phật là giáo huấn về trách nhiệm đạo đức và tinh thần đối với bản thân và đối với tha nhân. Đó thật sự là một ‘lời dạy nhân bản’ vì nó phù hợp với và phản ánh một tầm chọn lựa rộng lớn của con người, một tầm mức rộng rãi rất nhiều so với loài vật. Bất kỳ sự chọn lựa mang tính đạo đức nào của một cá nhân cũng có thể bị giới hạn bởi khối tham, sân, si, và những kết quả của chúng mà họ đã đeo mang (trong vòng luân hồi); tuy thế mỗi lần họ dừng lại để thực hiện một quyết định hay một chọn lựa, họ có quyền tự do quăng bỏ khối tham, sân, si ấy - ít ra cũng tạm thời. Vào cái sát-na chọn lựa quý giá và bấp bênh này họ có cơ hội vươn lên trên mọi phức cảm và sức ép tai hại của quá khứ nghiệp chướng sâu dày của mình. Thực vậy, trong một sát-na ngắn ngủi họ có thể vượt qua a-tăng-kỳ kiếp trói buộc của nghiệp. Chính nhờ chánh niệm mà chúng ta có thể nắm chắc được sát-na thoáng qua ấy, và cũng chính chánh niệm sẽ cho chúng ta khả năng tận dụng sát-na ấy vào việc thực hiện những chọn lựa khôn ngoan.
Phần II
Mỗi hành vi tác nghiệp, ngay khi được thực hiện, trước hết sẽ ảnh hưởng đến tự thân người làm hành động ấy. Điều này rất đúng đối với những hành động thuộc về thân và lời nói (thân hành và khẩu hành) hướng thẳng đến những người khác cũng như đối với những ý hành không tìm được sự bộc lộ ra bên ngoài (bị ức chế). Ở một mức độ nào đó chúng ta có thể kiểm soát được phản ứng của bản thân đối với hành động của mình, song không thể kiểm soát được cách mọi người phản ứng lại những hành động đó. Sự đáp trả của họ có khi hoàn toàn khác với những gì chúng ta mong đợi. Một việc làm tốt có thể gặp phải thái độ vô ơn, một lời nói nhã nhặn có thể gặp phải sự tiếp nhận lạnh nhạt hoặc thậm chí thù nghịch. Song cho dù những việc làm tốt và lời nói nhã nhặn lúc đó là uổng phí đối với người nhận, hay gây bất lợi cho họ, chúng vẫn không uổng phí đối với người làm. Những thiện ý thúc đẩy lời nói và việc làm đó sẽ làm cho tâm chúng ta cao quý, thậm chí còn hơn thế nữa nếu chúng ta đáp lại sự tiếp nhận tiêu cực ấy với lòng khoan dung thay vì nóng giận và phật ý.
Lại nữa, một hành động hoặc lời nói có ý định làm hại hay làm tổn thương người khác có thể không kích động được nơi họ một phản ứng thù nghịch mà chỉ gặp phải một thái độ an nhiên, điềm tĩnh. Khi đó “món quà không được nhận này sẽ trở lại với người cho” như có lần Đức Phật đã nói với người Bàlamôn xỉ vả Ngài vậy. Hành động và lời nói xấu xa, cũng như những ý nghĩ bất thiện thúc đẩy hành vi ấy có thể không làm hại được người khác, nhưng chắc chắn sẽ có một hậu quả tai hại trên nhân cách của người làm hành vi ấy; thậm chí nó sẽ tác động lên người ấy tồi tệ hơn nếu họ phản ứng lại sự đáp trả bất ngờ này bằng thái độ tức giận hay cảm thấy bực bội, khó chịu. Vì thế, Đức Phật nói rằng các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, nghiệp là tài sản bất khả chuyển nhượng của họ. Mỗi chúng sinh là người thừa kế duy nhất của những hành nghiệp của họ, và thừa hưởng những quả tốt hoặc xấu kể như di sản của các nghiệp ấy.
Luôn tự nhắc mình nhớ đến sự kiện rằng những hành động, lời nói, và ý nghĩ của ta trước hết sẽ tác động và làm thay đổi tâm tính của chính ta, là một cách thực hành rất tốt. Cách phản tỉnh như vậy sẽ tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ cho lòng tự trọng đích thực, lòng tự trọng mà vốn chỉ được nuôi dưỡng bằng cách tự ngăn mình khỏi mọi điều xấu ác. Làm như thế cũng sẽ mở ra một sự hiểu biết mới mẻ và thực tiễn về câu nói sâu sắc của đức Phật:
“Trong tấm thân dài một sải tay này, cùng với các tưởng và tư duy của nó có thế gian, tập khởi (nguồn gốc) của thế gian, sự chấm dứt thế gian, và con đường dẫn đến sự chấm dứt của thế gian”.A.N, 4:46
Phần III
“Thế gian” Đức Phật muốn nói ở đây được bao gồm trong tập hợp thân và tâm này. Vì chính do hoạt động của các căn vật lý và tâm lý mà một thế gian mới có thể được kinh nghiệm và biết đến hoàn toàn. Các trần cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc chúng ta nhận thức, và các chức năng tinh thần khác - cả ý thức lẫn vô thức - của chúng ta, đây là thế gian chúng ta sống trong đó. Và thế gian này bắt nguồn nơi chính tập hợp của các tiến trình tâm lý và vật lý tạo ra hành nghiệp tham ái đối với sáu trần cảnh ấy.
“Này Ananda, nếu không có nghiệp chín muồi trong dục giới, thời dục giới (sự hiện hữu trong cõi dục) có xuất hiện hay không?” – “Chắc chắn không, bạch Đức Thế Tôn.” A.N, 3:76
Như vậy, nghiệp là thai bào từ đó chúng ta sinh ra (kamma-yoni), nghiệp là đấng sáng tạo đích thực của thế gian và của chính bản thân chúng ta - người kinh nghiệm thế gian ấy. Và qua những hành nghiệp của chúng ta bằng hành động, lời nói, và ý nghĩ, chúng ta không ngừng dự phần vào việc xây dựng và tái xây dựng thế gian này và các thế gian xa hơn. Ngay cả những hành động thiện của chúng ta, bao lâu còn nằm dưới ảnh hưởng của tham ái, ngã mạn, và vô minh, chừng ấy vẫn góp phần vào sự sáng tạo và bảo trì cái thế gian của khổ này. Bánh xe cuộc đời chẳng khác gì một cái cối xay guồng (treadmill) được nghiệp làm cho xoay mãi không ngừng. Nghiệp chủ yếu ở đây muốn nói tới ba căn bất thiện: tham, sân, si của nó. Sự “chấm dứt của thế gian” chắc chắn không thể đạt đến bằng việc bước đi trên cái cối xay ấy; điều này chỉ tạo cho ta ảo tưởng về sự tiến bộ. Chính nhờ dừng lại mọi nỗ lực hão huyền (bước đi trên cối xay đó), chúng ta đạt đến sự chấm dứt hay đoạn diệt của thế gian.
Chính do “sự đoạn trừ tham, sân, và si mà chuỗi nghiệp đi đến chấm dứt” (AN, 10: 174). Và điều này không xảy ra ở đâu khác ngoài cái tập hợp thân và tâm này, nơi khổ và nhân sanh của khổ phát sinh. Nhờ bức thông điệp đầy hy vọng của Thánh đế thứ ba – Diệt KhổThánh Đế, chúng ta có thể đi ra khỏi cái vòng lẩn quẩn mỏi mệt của nỗ lực hão huyền và khổ đau. Dù hiểu rằng sự giải thoát khổ là điều có thể xảy ra, song chúng ta vẫn cứ tiếp tục bước đi trên cái cối xay guồng của cuộc đời, đó là vì thói quen chấp trước vào những khái niệm ‘tôi’, ‘của tôi’, và ‘tự ngã của tôi’ đã ăn rễ sâu xa đến độ trở thành một sự nghiện ngập lâu đời khó dứt bỏ. Nhưng ở đây một lần nữa chúng ta có bức thông điệp đầy hứa hẹn của Thánh đế thứ tư với Con Đường Bát Chánh, một liệu pháp có thể chữa được thói nghiện ngập, dần dần đưa chúng ta đến sự đoạn diệt cuối cùng của khổ. Và tất cả những đòi hỏi phải có cho liệu pháp này cũng được tìm thấy trong chính thân và tâm của chúng ta.
Cách điều trị thích hợp khởi sự với việc hiểu biết đúng đắn thực chất của nghiệp và qua đó hiểu được địa vị của chúng ta trong thế gian này. Sự hiểu biết đúng đắn như vậy sẽ cung cấp cho chúng ta một lực đẩy mạnh mẽ, nhằm bảo đảm một ưu thế về thiện nghiệp trong cuộc sống của chúng ta. Và khi sự hiểu biết này sâu sắc hơn nhờ thấy rõ tình trạng của con người, thì chính sự hiểu biết hay trí tuệ này sẽ trở thành sự khích lệ cho việc bẻ gãy những xiềng xích trói buộc của nghiệp. Nó sẽ thúc đẩy con người cố gắng chuyên cần trên đạo lộ (giải thoát), và cống hiến mọi hành nghiệp và quả nghiệp của mình cho sự chấm dứt tối hậu của nghiệp – sự giải thoát cuối cùng cho bản thân và cho mọi hữu tình chúng sinh.
Nyanaponika Thera
Tidak ada komentar:
Posting Komentar