Selasa, 27 Agustus 2013

Hỏi đáp về nghiệp

Ý niệm về một thực thể hay "linh hồn" hoặc hồn ma "đi", "đến", "biến đổi", "đầu thai" từ kiếp này sang kiếp khác được những kẻ ngu dốt chấp nhận và tất nhiên không được biện minh bằng pháp (dhamma).
1. Nghiệp của cha mẹ có quyết định hay ảnh hưởng gì đến nghiệp của con cái không?
Đáp: Về phương diện thể chất, nghiệp của con cái thường do nghiệp của cha mẹ quyết định. Như vậy, cha mẹ khỏe mạnh thường sanh con cái khỏe mạnh, và cha mẹ bệnh hoạn thường sanh ra con cái bệnh hoạn. Ngược lại, về phương diện đạo đức, nghiệp của cha hay mẹ không ảnh hưởng hay quyết định nghiệp của con cái họ bằng bất cứ cách nào. Nghiệp của đứa con là phần riêng của nó, nghiệp này hình thành cá tính của đứa trẻ và là tổng số của những công đức và phi công đức (việc làm thiện - ác) đã tích lũy trong vô lượng kiếp quá khứ của nó. Chẳng hạn, nghiệp của Đức Phật tương lai, tức Thái-tử Sĩ-đạt-đa, chắc chắn không bị ảnh hưởng bởi nghiệp của cha mẹ ngài - vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Magia. Có thể nói nghiệp thù thắng và mạnh mẽ của Đức Phật vượt xa nghiệp của cha mẹ, dù nghiệp của hai người có hợp lại cũng kém quyền lực hơn nghiệp riêng của ngài.
2. Nếu nghiệp của cha mẹ không ảnh hưởng đến nghiệp của con cái, chúng ta sẽ giải thích thế nào về việc các cha mẹ mắc những chứng bệnh hiểm độc, lại dễ truyền những tai ương ấy sang con cái của họ?
Đáp: Sở dĩ đứa trẻ tiếp nhận một căn bệnh đại loại như vậy là do năng lực của những đặc tính của cha mẹ, nhất là năng lực ‘utu’ của cha mẹ (các điều kiện thuận lợi cho sự nảy mầm). Chẳng hạn, lấy hai hạt giống từ một cây tơ, đem trồng một hạt trong đất xấu, khô cằn, và hạt kia trong đất màu mỡ, ẩm ướt. Kết quả sẽ là hạt giống thứ nhất mọc lên thành một cây con èo uột, hư hỏng, trong khi hạt thứ hai phát triển mạnh mẽ và tươi tốt thành một cây khỏe mạnh.
Như vậy, từ quan sát trên chúng ta thấy rằng hai hạt giống lấy từ một cây, song phát triển khác nhau tùy theo đất mà chúng được trồng vào. Nghiệp quá khứ của đứa trẻ (lấy trường hợp của con người) có thể so sánh với hạt giống; khí chất của người mẹ với đất; và của người cha với hơi ẩm làm màu mỡ cho đất. Một cách khái quát, để minh hoạ cho vấn đề đang bàn, chúng ta sẽ nói rằng, nếu sự nảy mầm của một cây, sự phát triển và sự sống của nó kể như một đơn vị, thời hạt giống chịu trách nhiệm trong đó chỉ có một phần mười, trong khi đất sáu phần mười và hơi ẩm ba phần mười còn lại. Như vậy, mặc dù năng lực nảy mầm tiềm ẩn sẵn trong hạt giống (đứa trẻ), song sự phát triển của nó được quyết định một cách mạnh mẽ và được tăng trưởng nhanh chóng nhờ đất (người mẹ) và sự ẩm ướt (người cha).
Bởi vậy, ngay như những điều kiện của đất và sự ẩm ướt còn phải được xem như những yếu tố có trách nhiệm chính yếu trong việc phát triển và trong tình trạng (khỏe mạnh) của cây, huống nữa những ảnh hưởng của cha mẹ (hoặc tổ tông, trong trường hợp loài thú) cũng phải được xét đến đối với việc thụ thai và phát triển của con cháu họ.
Phần đóng góp của cha mẹ (hay tổ tông) trong nghiệp quyết định những yếu tố thể chất (vật lý) của con cháu sẽ như sau: nếu họ là người, con cháu họ sẽ là người. Nếu họ là súc vật, con cháu phải cùng chủng loại. Nếu họ là người Hoa, con cháu họ phải là người Hoa. Như vậy, con cháu luôn luôn phải cùng chủng loại như chủng loại của tiền nhân của họ. Từ những gì đã trình bày ở trên chúng ta thấy rằng, mặc dù nghiệp của đứa trẻ tự thân nó rất mạnh, vẫn hoàn toàn không thể không bị ảnh hưởng bởi nghiệp của cha mẹ. Nói chung, nó rất dễ thừa hưởng những đặc tính thể chất của cha mẹ. Tuy thế, cũng có thể xảy ra trường hợp, do nghiệp của đứa trẻ quá mạnh nên ảnh hưởng về nghiệp của cha mẹ không thể làm lu mờ được. Tất nhiên, không cần phải nói, những ảnh hưởng độc hại về thể chất của cha mẹ cũng có thể bị mất tác dụng nhờ áp dụng các phương tiện y học.
Phàm những chúng sinh do quan hệ giới tính sinh ra đều là kết quả của ba yếu tố: một, nghiệp cũ thuộc các kiếp sống trước; hai, trứng của người mẹ và ba, tinh dịch của người cha. Khuynh hướng thể chất của cha mẹ có thể hoặc không thể xem là yếu tố có cùng sức mạnh như ba yếu tố trên. Ở một mức độ nào đó, yếu tố này có thể làm yếu đi hay mất tác dụng của yếu tố khác. Song nghiệp của đứa trẻ và những đặc tính thể chất của nó, như chủng tộc, màu da, v.v… vẫn sẽ là sản phẩm của ba yếu tố trên.
3. Khi một người chết, có phải ‘linh hồn’ của họ sẽ thong dong tự tại đây đó không?
Đáp: Khi một người lìa đời, sẽ liền tái sinh làm người, hoặc làm chư thiên, phạm thiên, hoặc làm một sinh vật hạ liệt, hoặc làm cư dân của một trong các cõi địa ngục. Những người hoài nghi và ngu dốt tin rằng có những giai đoạn trung gian hay trung ấm thân (antarabhava) giữa những kiếp sống ấy, và họ còn cho rằng có những chúng sinh không phải là người, không phải chư thiên hay phạm thiên, cũng chẳng phải thuộc một trong những trạng thái hiện hữu như trong kinh điển công nhận mà đang trong giai đoạn trung gian (thân trung ấm). Một số người quả quyết rằng những chúng sinh chuyển tiếp này vẫn có ngũ uẩn. Một số xác nhận rằng những chúng sinh này là những ‘linh hồn’ hay hồn ma bóng quế tách ra không có sắc chất bao bọc, và một số còn nói là những linh hồn đó có khả năng thấy như các vị Chư Thiên, và rằng những linh hồn này có năng lực biến đổi theo ý muốn, tức biến từ người sang Chư Thiên hoặc súc sinh, v.v… Một số khác lại chủ trương những thuyết hoang đường cho rằng những chúng sinh này có thể tự xưng là sống ở cõi khác hơn cõi họ đang sống; chẳng hạn như chúng sinh giả mạo này là người nghèo, họ sẽ tự xưng mình là người giàu, hoặc đang ở địa ngục, họ tự xưng là sống trên thiên giới, v.v… Việc tin vào các giai đoạn trung ấm giữa các kiếp sống này là hư ngụy, giả dối, và bị chỉ trích trong giáo lý đạo Phật. Theo đạo Phật, một người sống trong đời này do nghiệp của họ được định trước phải làm người trong kiếp kế sẽ tái sinh y như vậy; một người do nghiệp của họ đã định trước là một vị Chư Thiên trong kiếp kế, sẽ hóa sinh thiên giới sau khi chết; và một người mà đời sau phải ở địa ngục sẽ có mặt nơi một trong các địa ngục trong kiếp kế, vậy thôi.
Ý niệm về một thực thể hay ‘linh hồn’ hoặc hồn ma ‘đi’, ‘đến’, ‘biến đổi’, ‘đầu thai’ từ kiếp này sang kiếp khác được những kẻ ngu dốt chấp nhận, và tất nhiên không được biện minh bằng pháp (dhamma). Thực ra, không có gì gọi là ‘đến’, ‘đi’, ‘biến đổi’ như vậy giữa các kiếp sống. Quan niệm được xem là phù hợp với pháp có thể minh hoạ bằng hình ảnh chiếu ra từ một máy chiếu phim, hay âm thanh phát ra từ máy hát dĩa, và sự liên hệ của chúng với phim nhựa hoặc hộp âm thanh, hay đĩa hát tương ứng. Chẳng hạn, một người chết và tái sinh thiên giới. Mặc dù hai cõi này khác nhau, tuy thế sự liên kết hay sự tương tục giữa hai kiếp sống vào lúc chết không bị gián đoạn ở một điểm thời gian nào cả. Đối với một người mà kiếp sống tương lai của họ là ở nơi địa ngục thấp nhất cũng vậy. Khoảng cách giữa địa ngục và cõi nhân loại có vẻ như quá lớn. Song sự tương tục của ‘chuyến đi’ từ một kiếp sống này đến một kiếp sống khác không bị gián đoạn ở một điểm thời gian nào, và cũng không có vật chất hay hư không nào xen vào làm gián đoạn khuynh hướng nghiệp của người này từ thế giới loài người đến các vùng địa ngục. ‘Chuyến đi’ từ một kiếp sống này đến một kiếp sống khác xảy ra tức thì, và sự chuyển tiếp giữa hai trạng thái còn nhanh hơn cả cái nháy mắt hoặc điện chớp rất nhiều.
Như vậy, nghiệp quyết định cảnh giới tái sinh và tình trạng sống trong cảnh giới ấy của tất cả các chúng sinh hữu tình (trong vòng luân hồi, mọi người đều phải đi qua các cảnh giới hiện hữu cho đến khi chứng đắc Niết-bàn tối hậu mới thôi).
Nghiệp trong hình thức quả của nó có nhiều loại và có thể tác động theo nhiều cách khác nhau. Bố thí (dāna) cho người ta đặc ân tái sinh làm người, hoặc làm chư thiên trong sáu cõi trời dục giới tùy theo mức độ công đức của việc thiện đã làm. Đối với việc giữ giới cũng có kết quả tương tự. Năm thiền chứng và các trạng thái giác ngộ được sinh trong các Phạm-Thiên giới, cao nhất là phi tưởng phi phi tưởng xứ - Phạm Thiên giới thứ hai mươi. Ngược lại, đối với các nghiệp xấu, người phạm tội tùy mức độ cũng phải sinh vào các địa ngục, thấp nhất là địa ngục A-tỳ. Như vậy, nghiệp quá khứ, hiện tại, và vị lai của chúng ta đã, đang, và sẽ luôn luôn là tổng số của những hành động hay việc làm thiện, ác, hoặc không thiện không ác của chúng ta. Như trên đã nói, chính nghiệp quyết định những thay đổi trong kiếp sống của chúng ta là vậy.
Do đó, những ‘hồn ma’ hay ngạ quỷ không phải là những chúng sinh trong một giai đoạn trung gian hay giai đoạn chuyển tiếp của kiếp sống, mà thực sự họ là những chúng sinh bất hạnh, và thuộc về một trong năm cõi: nhân giới, thiên giới, địa ngục giới, súc sanh giới, và ngạ quỷ giới. Họ rất gần với thế giới loài người. Do điều kiện của họ rất bất hạnh, nên họ thường được xem như những quỷ đói. Thực ra không phải là tất cả những người chết ở thế gian này đều tái sinh làm ngạ quỷ, mặc dù những người gặp phải cái chết thình lình hoặc dữ tợn rất dễ phải tái sinh trong những cảnh giới thấp nhất này.
4. Việc một người tái sinh và có thể nói chính xác về kiếp quá khứ của mình có hay không?
Đáp: Chắc chắn có, đây không phải là sự kiện hiếm thấy, nhất là nó lại phù hợp với giáo lý về tái sinh của đạo Phật. Một người như vậy được gọi là Jatisara puggalo hay người nhớ được tiền kiếp. (Jati: sanh hay sự sống; sara: nhớ; và puggalo: người)
Những trường hợp sau (đa số mọi người đều rơi vào những trường hợp này) không thể nhớ được những kiếp trước khi tái sinh làm người:
- Trẻ em chết yểu;
- Những người chết già và lão suy;
- Những người nghiện ma túy và có thói quen uống rượu;
- Những người mà mẹ của họ trong thời kỳ thụ thai thường đau yếu hoặc phải lao động vất vả, hay trong thời kỳ thai nghén thường sống phóng dật hoặc có hành động khinh suất, khiến đứa bé trong bào thai bị ngất đi và hoảng hốt mất cả trí nhớ về tiền kiếp của chúng.
Những trường hợp sau đây thường có được trí nhớ về tiền kiếp:
- Những người không tái sinh nhân giới mà hóa sanh hoặc đi lên thiên giới, phạm thiên giới, hoặc địa ngục giới.
- Những người chết một cách thình lình do tai nạn trong lúc còn khỏe mạnh cũng có thể có khả năng nhớ tiền kiếp, với điều kiện người mẹ mà họ nhập thai phải là người khỏe mạnh, sống đạo đức và hiền hậu.
- Những người sống cuộc đời kiên trì giới hạnh, và trong những tiền kiếp đã nỗ lực để đạt đến, hay đã nguyện đắc túc mạng trí, sẽ đạt được sở nguyện của họ.
- Cuối cùng là chư Phật, chư vị Alahán, và các bậc thánh đắc túc mạng trí (pubbenivāsa abhinnā) này.
Thực Chứng Vô Ngã và Nghiệp Quá Khứ
Phàm các chúng sinh trôi lăn trong vòng tử sinh miên viễn và vô thỉ gọi là luân hồi(samsāra) này hãn hữu lắm mới gặp được giáo pháp của một vị Phật. Thậm chí họ không gặp được Phật pháp trong thời gian cả trăm ngàn đại kiếp hoặc có khi trong vô lượng vô biên đại kiếp. Trong khi đó, số kiếp sống và số đại kiếp họ bị đau khổ bởi điều ác và lầm lỗi lại quá nhiều. Vì thế mà trong cơ cấu tâm của một chúng sinh, lúc nào cũng có vô số nghiệp có thể dẫn đến việc họ phải bị ném vào địa ngục A tỳ (Avicī). Tương tự, cơ cấu tâm của họ lúc nào cũng có vô số nghiệp có thể dẫn họ vào Đẳng hoạt địa ngục (Sanjiva) và những địa ngục còn lại khác (có tám địa ngục chính), hoặc trong cơ cấu tâm của họ lúc nào cũng có vô số nghiệp có thể dẫn họ phải tái sinh trong các loài ngạ qủy, Atula và súc sinh.
Có thể nói thân kiến - Atta-diṭṭhi (tà kiến chấp năm uẩn là tự ngã) là thủ lĩnh hay người đứng đầu của những nghiệp bất thiện cũ vốn không ngừng đi theo các chúng sinh trong vòng luân hồi. Bao lâu thân kiến còn tồn tại, những nghiệp bất thiện cũ này còn tràn đầy sức mạnh. Mặc dù những chúng sinh ấy có thể vẫn hưởng hạnh phúc và thành đạt như các vị chư thiên hoặc như đức trời Đế Thích (Sakka) trên thiên giới, họ buộc phải sống với đầu (của họ) luôn xoay về phía bốn ác đạo: địa ngục, ngạ qủy, súc sinh, và Atula. Cũng vậy, dù cho những chúng sinh này có thể hưởng hạnh phúc và thành đạt trên cõi phạm thiên sắc giới (Rūpa-brahma loka), họ buộc phải sống với đầu luôn xoay về phía bốn ác đạo.
Tựa như những trái dừa trong vườn có khuynh hướng rơi xuống đất cho dù chúng có được dính chặt trên ngọn cây. Chừng nào những cuống dừa còn vững chắc, chúng còn ở trên cây, song ngay khi những cuống ấy yếu đi, chúng chắc chắn phải rơi xuống đất. Cũng thế, các vị chư thiên và Phạm Thiên còn bị ngã kiến (atta-diṭṭhi) chi phối, được có cơ hội sống trên cõi Chư Thiên và Phạm Thiên chỉ bao lâu những ‘cái cuống’ sinh lực (ám chỉ thọ mạng trên cõi Phạm Thiên) làm Chư Thiên và Phạm Thiên còn nguyên vẹn. Khi những cái cuống này đã làm xong nhiệm vụ, họ chắc chắn phải rơi xuống cảnh giới thấp hơn, chẳng khác gì những trái dừa trên cây. Điều này thực sự là vậy, vì thân kiếân (sakkāya-diṭṭhi) hay ngã kiến (atta-diṭṭhi) vốn luôn hiện hữu trong cơ cấu tâm của một chúng sinh là một gánh nặng được xem là nặng hơn cả núi Tu-di to lớn, bởi lẽ thân kiến này gom góp trong các khe núi của nó không biết bao nhiêu là nghiệp bất thiện.
Như vậy, những chúng sinh nào trong cơ cấu tâm của họ thân kiến còn tồn tại buộc phải đi xuống hay rơi xuống bốn ác thú thế gian, mặc dù họ có thể đang sống trong cõi Phạm Thiên cao nhất. Đối với những chúng sinh đang sống trong Cõi Phạm Thiên thấp hơn, hoặc sống trên thiên giới, hay nhân giới, thì còn thê thảm hơn nữa, và có lẽ chẳng cần phải bàn thêm ở đây. Mặc dù những chúng sinh này có thể sống như các Vị Phạm Thiên Vương, Thiên Vương, hoặc Đế Thích Thiên Vương, cơ cấu tâm của họ vẫn chứa đựng và có sẵn tám đại địa ngục. Tương tự, cơ cấu tâm của họ luôn chứa đựng và có sẵn vô số các địa ngục nhỏ hơn, các ngạ quỷ giới, Atula giới và súc sinh giới. Chính do các chúng sinh này không biết rằng khuynh hướng hướng về những cõi thấp kém và ngập tràn đau khổ này luôn luôn hiện diện trong cơ cấu tâm của họ, nên các Vị Phạm Thiên Vương, thiên vương này mới đi tìm lạc thú và sự hưởng thụ nơi những cõi sống đó vậy.
Tuy nhiên, những nghiệp bất thiện cũ từng đi cùng với các chúng sinh qua vòng tử sanh luân hồi này sẽ hoàn toàn tiêu vong ngay khi thân kiến, được xem là cái đầu của họ, biến mất vĩnh viễn.
Nói gì đến nghiệp bất thiện cũ từng đi cùng với các chúng sinh từ những kiếp sống trước và từ những thế gian trước, ngay cả những nghiệp bất thiện họ đã phạm trong kiếp hiện tại, như sát sanh, trộm cắp, v.v… và những dị thục quả của chúng cũng hoàn toàn biến mất ngay khi thân kiến bị thủ tiêu. Tất nhiên, vẫn còn những cơ hội cho những chúng sinh này sợ sự phá hoại của các loài côn trùng, rắn rít, song sẽ không còn bất kỳ cơ hội nào cho họ để phải sợ những quả dị thục của nghiệp quá khứ nữa.
Những chúng sinh mà cơ cấu tâm hoàn toàn thoát khỏi thân kiến, đầu của họ luôn xoay về những cảnh giới cao hơn của chư thiên và phạm thiên, mặc dù họ hiện đang sống trong nhân giới, hoặc trong các cõi chư thiên và phạm thiên thấp. Họ giống như hơi nước liên tục bốc lên từ những khu rừng và núi non trong những tháng cuối mùa mưa vậy.
Điều này cho thấy những lợi ích của việc đoạn diệt thân kiến liên quan đến nghiệp quá khứ là rất lớn.
Thực Chứng Vô Ngã và Nghiệp Tương Lai
Phàm con người, Chư Thiên, và Phạm Thiên, khi thân kiến còn trong cơ cấu tâm, có thể là những chúng sinh giới đức và rất tốt hôm nay, nhưng cũng có thể phạm vào những ác hạnh(duccarita) như đại trọng nghiệp giết cha, giết mẹ, giết các vị Alahán, hoặc nghiệp trộm cắp, tà dâm, v.v… vào ngày mai, ngày mốt, hoặc tháng tới, năm tới hay trong những kiếp sau đó. Có thể hôm nay họ sống trong nếp sống của Phật giáo, nhưng ngày mai hay một ngày nào đó, họ có thể vượt ra ngoài giới hạn ấy và thậm chí có thể trở thành kẻ hủy diệt Phật giáo nữa là khác.
Tuy nhiên, với những người hay Chư Thiên, Phạm Thiên nào nhận thức rõ được đặc tính vô ngã (anatta) và nhờ vậy bứng gốc hoàn toàn thân kiến ra khỏi cơ cấu tâm của họ, sẽ không còn phạm vào những ác hạnh và nghiệp bất thiện khác ngay cả trong giấc mơ, kể từ sát-na họ đoạn tuyệt thân kiến, mặc dù họ có thể còn tiếp tục lưu chuyển trong vòng sinh tử luân hồi thêm nhiều kiếp và nhiều đại kiếp nữa. Từ ngày họ thoát khỏi thân kiến cho đến kiếp cuối cùng chứng đắc Niết-bàn tối hậu, họ luôn luôn sống trong nếp sống Phật giáo, vì họ không còn phải hiện hữu trong bất kỳ kiếp sống nào hoặc bất kỳ cảnh giới nào Phật giáo đã biến mất ở đây nữa.
Điều này cho thấy những lợi ích của việc diệt đoạn tuyệt thân kiến liên quan đến nghiệp tương lai là lớn vô cùng.
Nghiệp Quá Khứ Trở Thành Vô Hiệu Lực Như Thế Nào?
Việc vô lượng nghiệp quá khứ trở thành vô hiệu lực kể từ sát-na đoạn trừ hoàn toàn thân kiến như thế nào có thể được minh hoạ như sau:
Trong một xâu chuỗi hột, nhiều hột được xâu lại với nhau bằng một sợi chỉ chắc chắn, nếu một hột được bứt ra, tất cả những hột khác cũng sẽ rơi theo hột đó. Nhưng nếu sợi chỉ được tháo ra, lúc đó có lấy bất kỳ hột nào đi cũng không ảnh hưởng gì đến những hột khác vì không còn một sự nối kết nào giữa chúng nữa.
Một chúng sinh còn thân kiến thường chứa trong tâm sự chấp thủ mạnh mẽ đối với các uẩn trong những kiếp quá khứ và những đại kiếp quá khứ bằng cách biến chúng thành cái ‘Tôi’. Họ nghĩ ‘Ta đã từng có cơ hội làm người, làm chư thiên hoặc phạm thiên trong những kiếp quá khứ và đại kiếp quá khứ.’ Như vậy, họ đã xâu được sợi chỉ gọi là thân kiến xuyên qua các kiếp sống. Và bất cứ nơi đâu họ tái sinh, những nghiệp bất thiện họ đã phạm trong những kiếp và đại kiếp quá khứ cũng như những nghiệp chưa tạo ra dị thục quả sẽ đi kèm theo chúng sinh ấy. Những nghiệp bất thiện này giống như những hột trong xâu chuỗi được nối kết với nhau bằng sợi chỉ bền chắc do chính họ tạo ra vậy.
Tuy nhiên, những ai nhận thức rõ được đặc tính vô ngã (anatta), và những ai đã tự thân đoạn trừ thân kiến, sẽ thấy rằng danh uẩn và sắc uẩn (rūpa-nāmakkhandha) sanh và diệt ngay cả trong từng khoảnh khắc ngắn ngủi của một oai nghi ngồi, như những hiện tượng tách biệt chứ không phải là một chuỗi liên tục kết dính lại với nhau. Ý niệm về ‘tự ngã của tôi’ giống như sợi chỉ, không còn hiện diện trong người ấy nữa. Các uẩn của họ xuất hiện như xâu chuỗi đã rút chỉ. Họ nhận thức rõ rằng nghiệp bất thiện mà họ đã phạm trong quá khứ không phải với tư cách là ‘người’ hay ‘chúng sinh’, không phải là ‘tôi’ hay ‘nghiệp của tôi’, mà chỉ thấy nó như là cái sinh và diệt tức thì. Đó là lý do vì sao khi thân kiến diệt thì lập tức những nghiệp quá khứ này cũng hoàn toàn biến mất vậy.
Ở đây, cần phải thấy rằng chỉ có nghiệp bất thiện biến mất mà thôi. Những nghiệp thiện quá khứ không mất đi do sự biến mất đơn thuần của thân kiến được. Thực sự, chỉ khi đạt đến Alahán thánh đạo, lúc mà ái (tanhā) đã hoàn toàn bị đoạn trừ, thiện nghiệp cũng biến mất hoàn toàn từ đó.
Tai Hại Của Thân Kiến (sakkāya diṭṭhi)
Thân kiến là một tai hoạ cực kỳ thâm sâu và rộng lớn. Một người phạm vào nghiệp giết cha hay giết mẹ sẽ luôn ở trong tâm trạng vô cùng kích động và lo âu sợ hãi trước viễn cảnh không tránh khỏi bị tái sinh vào địa ngục A tỳ, điều này đã vô tình biến cái nghiệp giết cha hay giết mẹ ấy thành ‘tự ngã’ (atta) và do chấp chặt ý nghĩ ‘Ta đã thực sự làm điều sai trái, ta đã thực sự gây ra trọng tội’ mà trở nên đau khổ cùng cực. Nếu người này hiểu rõ và thực sự chứng được đặc tính vô ngã (anatta pariññā) và nhờ sự thực chứng này, từ bỏ tâm chấp thủ vào ý nghĩ ‘Ta đã thực sự phạm trọng tội’, thời nghiệp giết cha, giết mẹ ấy có thể không còn sức mạnh tạo ra dị thục quả đối với người đó nữa. Nhưng khốn thay, con người lại không bỏ được sự chấp chặt vào những ý nghĩ như vậy.
Mặc dù nghiệp có thể không mong muốn đi kèm với chúng sinh đó, cũng không muốn tạo ra những quả dị thục chút nào, song nó buộc phải hay miễn cưỡng phải làm như vậy bởi vì người ấy đã trở thành chủ nhân của nó do chấp chứa ý nghĩ ‘Đó là nghiệp ta đã phạm, đó là nghiệp của ta’. Chính hành vi sở hữu mạnh mẽ này mà nghiệp buộc phải tạo ra quả của nó. Cho đến mức độ như vậy, hàng phàm nhân còn chấp thân kiến bị lừa đảo và đi sai đường.
Đối với các nghiệp bất thiện còn lại khác cũng vậy. Chính do hành vi sở hữu mạnh mẽ của thân kiến mà nghiệp bất thiện đeo bám theo các chúng sinh suốt kiếp luân hồi và tạo ra dị thục quả của chúng, dù họ có tái sinh ở bất cứ nơi đâu. Nhiều người cảm thấy họ không thể vứt bỏ được nghiệp bất thiện của mình ngay cả trong lúc đang bị những dị thục quả của chúng đàn áp, và vì vậy họ phải chịu đựng những mất mát to lớn. Những người này đã xem nghiệp bất thiện ấy như ‘nghiệp bất thiện tôi đã làm’, và vô tình họ đã trở thành chủ nhân của nghiệp, mặc dù chính do dị thục quả nghiệp ấy tạo ra mà họ phải cảm thọ khổ đau trong địa ngục. Những nghiệp này cứ tiếp tục cho quả đến nỗi họ không thể thành tựu việc giải thoát khỏi những kiếp sống địa ngục được. Thân kiến quả là một tai hoạ và sai lầm to lớn cho đến mức như vậy.
Tương tự, con người rất sợ những thảm hoạ của bệnh tật, già suy, và tử vong. Dù trong lòng sợ hãi là thế, họ vẫn chấp chặt vào những sự kiện già, đau, chết trong quá khứ qua những ý nghĩ: ‘Biết bao lần trong quá khứ ta phải chịu già suy, ta phải chịu bệnh hoạn, ta phải chịu tử vong rồi.’ Như vậy, họ tự thấy mình không thể vất bỏ những ý nghĩ ấy, nên hiện tượng già, đau, chết cứ bám theo họ, bất chấp ước muốn của họ, và mãi mãi gây ra sự bức bách. Chính do sự chấp thủ này mà hiện tượng già, đau, chết buộc phải xuất hiện. Thân kiến quả là một tai hoạ và sai lầm to lớn cho đến mức như vậy.
Trong kiếp sống hiện tại cũng thế, khi gặp phải những hiểm nguy bên ngoài và bên trong, hoặc bức bách bởi ốm đau bệnh tật, con người liền phát triển một sự chấp thủ đối với bệnh tật, ốm đau ấy, xem đó như ‘Tôi cảm thấy đau đớn. Tôi cảm thấy khó chịu. Tôi bị những cảm thọ nhiệt não bức bách’, và như vậy họ đã trở thành chủ nhân của bệnh tật ấy. Hành vi sở hữu này là một trói buộc mà về lâu về dài sẽ ngăn sự giải thoát của chính họ khỏi bệnh tật, ốm đau. Chính do hành vi trói buộc của thân kiến quá đỗi mạnh mẽ này mà con người, trong cái vòng luân hồi vô thỉ và vô tận này, đã xem những bệnh tật, ốm đau ấy là những người đồng hành không thể tách ra được của họ cho đến tận hôm nay. Như vậy chính thân kiến phát triển sự chấp thủ và chiếm hữu ngay cả những tật bệnh và ốm đau ấy để bức bách con người trong đời hiện tại. Mặc dù những hiểm nguy và khổ đau này không muốn đeo theo các chúng sinh đó, song chúng cũng không thể làm khác được, mà phải bám theo họ liên tục hết kiếp này sang kiếp khác do tác động của thân kiến lôi kéo.
Đối với các kiếp tương lai cũng vậy, những chấp thủ phát sinh do ý nghĩ: ‘Ta sẽ phải gặp già suy. Ta sẽ phải gặp tử thần,’ là những hành vi của thân kiến chiếm hữu những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai như già, đau, chết từ hiện tại và cột chúng vào mọi người. Do đó, bao lâu hành vi trói buộc này chưa được đoạn trừ, chắc chắn con người sẽ phải gặp những sự kiện ấy trong tương lai. Thân kiến quả là một tai hoạ và sai lầm to lớn cho đến mức như vậy.
Sự Chấp Thủ Nông Cạn và Sâu Xa
Những chấp thủ của ái (taṅhā) và mạn (māna) không phải là những chấp thủ thuộc tà kiến(diṭṭhi). Ái phát triển sự chấp thủ đối với mọi hiện tượng trong tam giới dưới hình thức ‘Đó là sở hữu của tôi’. Mạn (māna) cũng phát triển sự chấp thủ đối với mọi hiện tượng trong tam giới như thế nhưng dưới hình thức ‘Đó là tôi’ hay ‘Chính tôi”. Trong trường hợp những người còn thân kiến, ái và mạn tuân theo thân kiến chủ đạo ấy. Còn đối với các bậc nhập lưu, nhất lai, bất lai đã diệt trừ thân kiến, ái và mạn tuân theo tưởng điên đảo (saññā vipallāsa) và tâm điên đảo (citta vipallāsa). Nói chung, những chấp thủ do tưởng điên đảo và tâm điên đảo tạo ra là nông cạn và hời hợt. Còn những chấp thủ do thân kiến tạo ra thì thật là sâu xa.
Đến đây chấm dứt phần mô tả bằng cách nào nghiệp bất thiện lại diệt hoàn toàn cùng với sự biến mất của thân kiến (sakkāya-diṭṭhi).
Ledi Sayadaw

Tidak ada komentar:

Posting Komentar