Selasa, 15 Oktober 2013

Vô minh là gì?

Vô minh là cái nhìn cứng ngắc cho rằng mọi vật thể tự nơi chúng chúng có thật, giống như có một bản thể thật sự bất di dịch (tự tại) mà ta có thể nắm bắt được, chiếm giữ được.
A- Phần Lý thuyết
Khái niệm về Vô Minh hay U-Mê là một khái niệm quan trọng trong những lời giảng huấn của Phật. Phật giảng rằng Vô Minh là một trong ba thứ nọc độc (tam độc) gồm có Tham Lam, Hận Thù và Si mê (Tham, Sân, Si). Vô minh tức là si mê, u tối, là sự hiểu biết sai lạc thực thể của những hiện tượng xảy ra chung quanh ta và trong tâm thức ta. Lầm lẫn do hiểu biết sẽ đưa đến lầm lẫn trong hành động và những xúc cảm bấn loạn trong tâm thức. Phật trình bày Vô Minh như là một mối giây, một khoen móc nối chính yếu trong chuỗi dài tương tác (nhị tập nhân duyên) trói buộc mọi sinh linh (chúng sinh) trong thế giới ta bà (sa-bà), còn gọi là thế giới Luân hồi(Samsara). Thế giới Luân hồi tức là một thế giới luôn luôn biến động và đổi thay (vô thường) đang xảy ra chung quanh ta, trên thể xác ta và trong tâm thức ta.
Vô minh tiếng Phạn là Avidyà và tiếng Pa-li là Avijja, nghĩa từ chương là « thiếu hiểu biết », « thiếu khoa học. Theo lời giảng huấn của Phật, Vô minh không phải là sự thiếu hiểu biết có tính cách học hỏi từ chương trong sách vở, hay sự thiếu hiểu biết có tính cách thông thái chất chứa trong phần trí nhớ của ta. Vô minh mà Phật thuyết giảng ám chỉ một cái nhìn sai lầm, một quan niệm lệch lạc, thiếu sự cảm nhận trực tiếp về thực thể hay bản chất đúng thực của những hiện tượng chung quanh ta. Phật dạy ta nhìn (quán nhận) bản chất đúng thực của mọi vật thể (và mọi hiện tượng) như thế này : « Đây là một vật thể, đây là cách thức dựa vào đó vật thể hiển hiện ra, đây là sự chấm dứt của nó, và đây là con đường (hay cách thức) đưa đến sự chấm dứt của nó. Nếu ta nhìn bằng phương cách như thế, ta sẽ thấy rằng mọi vật thể (và mọi hiện tượng) tự nó không có một sự hiện hữu thật sự nào cả, một sự độc lập nào cả ». Câu ấy có nghĩa là tất cả mọi vật thể và mọi hiện tượng ta thấy đều do nhiều thành phần, nhiều điều kiện tạo ra nó. Những thành phần và những điều kiện ấy biến đổi không ngừng, những vật thể và những hiện tượng do chúng tạo ra vì thế cũng biến đổi không ngừng.
Vậy Vô minh là gì? Vô minh là cái nhìn cứng ngắc cho rằng mọi vật thể tự nơi chúng chúng có thật, giống như có một bản thể thật sự bất di dịch (tự tại) mà ta có thể nắm bắt được, chiếm giữ được. Chữ mọi vật thể nói đến ở đây không những chỉ định các vật thể vật chất và những hiện tượng bên ngoài mà còn gồm cả những vật thể thuộc tâm thức, tức những giác cảm, những cảm nhận (cảm biết), những thành phần duy ý hay chủ tâm (sự bám níu), tri thức (sư hiểu biết) và tư tưởng (tư duy) của ta nữa. Năm thành phần này Phật gọi là « năm thứ cấu hợp của sự chiếm hữu » (ngũ uẩn). Tại sao gọi là chiếm giữ ? Chỉ vì khi ta chiếm giữ làm sở hữu năm thứ cấu hợp luôn luôn biến động ấy sẽ làm phát sinh trong ta cái ảo giác về thực thể của một cái « tôi » bền vững, tức ảo giác của một cái « ngã » (tiếng Phạn : àttman, tiếng Pali : atta), tức một cái « ta » có thể tính trường tồn.
Vì thế, theo như lời Phật dạy, Vô minh chính là cách dùng năm cấu hợp vô thường để tác tạo ra ảo giác của một cái «tôi» thực sự. Khắc phục được Vô minh chính là chấm dứt không tiếp tục nhìn nhận năm cấu hợp ấy là cái «tôi» nữa.
Để làm ví dụ, ta thử xét trường hợp của cấu thể thứ nhất, gồm những vật thể (hình tướng) mang tính cách vật chất. Đối với những hình tướng vật chất, Vô minh đem gán cho chúng những đặc tính mà thật ra chúng không có, kế tiếp Vô minh lại tạo ra cho ta những bám níu dựa vào những đặc tính không có thật ấy. Tiếp theo, sự bám níu phản ứng ngược lại và làm gia tăng thêm sức mạnh của Vô minh. Trong số những hình tướng vật chất ấy có thân xác ta. Nếu ta bảo rằng : «tôi đích thực là thân xác này», trong trường hợp đó ta sẽ rơi vào một ảo giác của một cái tôi thực thể.
Trong Tăng nhất Bộ kinh (Anguttaranikàya) Phật đưa ra lời giảng như thế này để trả lời câu hỏi của một nhà sư (tỳ kheo) tên là Vaccagutta, câu hỏi liên quan đến sự bám níu vào chính hình tướng thực thể của Phật, nói cách khác tức là cái thân xác của Phât :
«Này tỳ kheo, hình tướng vật chất của Như Lai (Tathagata) Như Lai đã rứt bỏ đi rồi. Nó bị gạt ra một bên, nhổ bỏ tận rễ, làm cho nó giống như một gốc cây dừa không còn mọc lại được. Như Lai không nhìn và không tự nhận dạng xuyên qua cái thể xác bằng hình tướng đó nữa. Vì thế, nên thể xác hình tướng đó sâu thẳm, không thăm dò được, mênh mông như đại dương »
Cái hình tướng đó là cái trống không của một vật thể, cái Tánh không của mọi hiện tượng. Cái Tánh không đó sâu thẳm, không thăm dò được, mênh mông như đại dương. Phật dùng cách giải thích như trên đây để tiếp tục giảng giải về các cấu hợp khác, gồm giác cảm, sự cảm nhận và các thành phần chủ tâm (duy ý, bám níu)...Sau cùng, Phật nói đến cấu hợp thứ năm là tâm thức (tâm trí) của Phật như sau :
«Này tỳ kheo, cũng giống như khi hình dung ra tâm thức của Như Lai. Cái tâm thức ấy Như Lai đã rứt bỏ đi rồi. Nó bị gạt ra một bên, nhổ bỏ tận rễ, làm cho nó giống như một gốc cây dừa không còn mọc lại được. Như Lai không nhìn và không tự nhận dạng qua cái tâm thức đó nữa. Vì thế, nên nó sâu thẳm, không thăm dò được, mênh mông như đại dương».
Nói chung là tất cả năm cấu hợp ấy đều biến động, tự nơi chúng chúng không thể tự hiện hữu một cách độc lập được vì luôn luôn phải lệ thuộc vào nhiều điều kiện khác. Sự lệ thuộc và biến động không ngừng của chúng chỉ có thể tạo ra những ảo giác mà thôi. Xem ảo giác là thật chính là Vô minh.
Vậy muốn phá bỏ và khắc phục Vô minh thì phải làm như thế nào? Tu tập quả thật là rắc rối. Con người có quá nhiều xu hướng khác nhau, từ bản chất cơ thể cho đến giáo dục, từ truyền thống cho đến kinh nghiệm cá nhân, từ hoàn cảnh cho đến những xu hướng tư lợi. Quả hết sức khó để tìm ra một phương pháp chung có tính cách phổ cập, thích ứng một cách toàn diện cho tất cả mọi người. Dù sao suy tư và thiền định là một phương pháp phổ quát và hữu hiệu giúp ta khắc phục Vô minh. Phật dạy rằng tu tập để khắc phục Vô minh chính thực là tu tập để khắc phục khổ đau (dukkha). Đúng như thế, mỗi khi ta tự nhận diện với một vật thể ta cho là thích thú, dễ chịu, ta có xu hướng bám vào nó, mất nó ta sẽ thấy khổ đau. Ngược lại, nếu ta tự nhận diện với một vật thể ta cho là khó chịu, nghịch ý, tức thời sự hiện diện của nó sẽ tạo ra cho ta khổ đau.
Tất cả mọi vật thể và hiện tượng đều nhờ nhiều điều kiện mà sinh ra, liên đới với nhiều vật thể khác và hiện tượng khác mà có, cho nên sự hiện hữu độc lập của chính nó không có. Nếu như chẳng còn một người nào bám vào những ảo giác biến động ấy, khổ đau sẽ được loại bỏ một cách toàn diện. Thay vào chỗ khổ đau là một thể dạng an bình, đồng nhất, phẳng lặng một niềm an vui trong sáng. Xá-Lị-Phất (Sariputra) là một đại đệ tử của Phật, và một hôm có một đệ tử của Xá-Lị-Phất đã hỏi ngài rằng : « Tại sao có thể gọi niết bàn (nirvana) là hạnh phúc, nếu chẳng còn một giác cảm nào nữa? ». Xá-Lị-Phất trả lời như thế này : « Này đệ tử, chính vì thế mới đích thực là hạnh phúc của niết bàn, hạnh phúc đó chính là sự vắng mặt của giác cảm ». Hạnh phúc mà Xá-Lị-Phất nêu lên không phải là một thứ hạnh phúc đối nghịch với khổ đau (bất hạnh), mà là một thứ hạnh phúc vượt lên trên sự đối chọi nghịch lý (nhị nguyên) giữa hạnh phúc-khổ đau, một thứ hạnh phúc không có gì làm cho giao động được. Phật gọi hạnh phúc này là a-nan-đà(ananda : khánh hỷ, an vui, hoan hỷ), có khi Phật còn gọi là « hạnh phúc của sự giải thoát ». Ta có thể hình dung đó là một thứ hạnh phúc vượt lên trên tất cả mọi điều kiện, không lệ thuộc vào bất cứ gì và cũng chẳng có gì đối nghịch với nó. Một khi hạnh phúc thực sự ấy hiển lộ, tức là lúc Vô minh được khắc phục. Vô minh tức là ảo giác của một cái « tôi » trường tồn bất biến đang tìm cách bám vào sự hiện hữu của chính nó và tin rằng hạnh phúc là một thứ gì nằm bên ngoài nó. Ngược lại khi khắc phục được Vô minh, ta sẽ thấy rằng hạnh phúc là một thứ gì tự nhiên, sẳn có trong ta và chính đó là bản thể thật của ta. Nên hiểu rằng những chữ của ta và trong ta như vừa đề cập trong câu nói trên cũng chỉ là cách diễn đạt quá lố của ngôn từ, vì thật ra cũng chẳng có bên trong hay bên ngoài, chẳng có ai đứng ra để cảm nhận cái hạnh phúc đó. Ta có thể gọi cái hạnh phúc đó là phật tính, hay bản thể của Phật (tiếng Phạn là buddhatà).
Thật vậy, không có ai để cảm biết cái hạnh phúc đó cả. Hạnh phúc đó tự nó là như thế, hiển lộ ra như thế, không có gì làm cho nó xao xuyến, giao động hay thoái hóa, nó vượt lên trên mọi sự so sánh, mọi phân biệt, mọi nghịch lý và đối chọi. Cảm nhận được dạng thể đó là mở đường đưa đến sự chấm dứt Vô minh, tức đưa đến Giác Ngộ. Phật dạy rằng thể dạng ấy « không hiển hiện cũng không biến mất, không sinh ra cũng không chết đi, không thăng tiến cũng không thoái hóa, không được tạo tác cũng chẳng bị hũy hoại ».
B- Ứng Dụng vào thực tế
Sau đây ta thử đem nhưng lời giảng của Phật như dã trình bày trên đây để ứng dụng vào thực tế xem sao. Xem có đúng không, xem ta có nhìn thấy cái Vô minh của ta hay không, có nhận ra được một vài tia sáng nào đó trong cái vô minh dầy đặc ấy của ta hay chăng?
Khắc phục Vô minh tức đi tìm sự sáng suốt bằng trí tuệ. Phương pháp tốt nhất là suy tư, phân tích, tìm hiểu bản chất thật (thực chất) của những vật thể, những hiện tượng đang xảy ra chung quanh ta, trên thân xác ta và trong tâm thức ta. Suy tư như thế gọi là THIỀN ĐỊNH.
Ta hãy ngồi thật im và nhìn ra vũ trụ. Trái đất đang quay và xoay vần chung quanh mặt trời, thái dương hệ đang quay cuồng trong thiên hà, thiên hà đang bắn tung trong vũ trụ, tất cả những chuyển động đó có một vận tốc khủng khiếp, cái vận tốc của một vụ nổ lớn trong vũ trụ (Big Bang). Ta đang cùng chung với địa cầu và thiên hà bắn tung trong vũ trụ, nhưng ta vẫn có cảm giác bình yên tự tại, vẫn cảm thấy vững chân trên mặt đất, như chẳng có gì xảy ra. Ấy là một thứ Vô minh rất dễ nhận ra, nhưng ta vẫn cố tình không biết hay cố tình hiểu sai thực thể biến động của vũ trụ chung quanh ta và xem đó như một thứ gì bền vững và bất động. Địa cầu là một hạt cực vi xoáy lộn trong không gian, thế mà ta vẫn ngước lên để tìm một cái gì cao cả, nhìn xuống để ý thức ra sự đọa đày. Ta tự đặt mình vào vị trí trung tâm của những thứ ấy để tự nhận diện : « chính là ta đây ». Vị trí trung tâm, bên phải, bên trái, trên và dưới là những tạo dựng của tâm thức, hoàn toàn có tính cách tương đối và quy ước. Trên trời là trên trời, ta không chịu nhận trên trời cũng có thể là ở dưới, trên dưới là tùy theo vị trí của ta trên mặt địa cầu. Dựa trên những danh xưng, những định nghĩa tương đối và quy ước, tâm trí lại gán cho chúng những thực thể hay những gíá trị bền vững. Như thế gọi là Vô minh.

Nhìn gần hơn, chung quanh ta trên địa cầu này, ta sẽ thấy rằng mọi vật thể và hiện tượng biến động không ngừng, từ con người đến vạn vật, từ văn hóa đến chính trị, từ lịch sử đến những biến cố cận đại. Có những mùa màng mưa thuận gió hiền, có những thiên tại giết hại hàng trăm nghìn người một lúc. Có những đứa bé sinh ra đời, có những người nằm xuống, trong số những người nằm xuống có những đứa bé còn bú mẹ, có những người già nua đau yếu, có những người còn trẻ... Tất cả những hiện tượng ấy trên bình diện bên ngoài ta thấy chúng độc lập, được định nghĩa và quy định rõ rệt. Nhưng nếu ta hiểu rằng một cơn sóng thần giết hại hơn hai trăm nghìn người phải có động đất. Động đất xảy ra phải có các mảng lục địa trôi dạt trên lớp đá nóng bỏng và chảy lỏng bên trong địa cầu, những mảng lục địa va chạm vào nhau và bị gẫy. Ngược về quá khứ, ta thấy rằng những biến cố ấy liên hệ đến địa cầu lúc còn là một cục lữa đang nguội dần, có những mảng lục địa đang thành hình và đá lỏng chưa nguội hẳn...Khi ta thấy một đứa bé còn bú mẹ, ta có thể hình dung ra sau này một người già yếu và bịnh tật. Khi ta thấy xác chết của một người trọng tuổi, ta có thể hình dung ngược lại hình ảnh một đứa bé còn bồng trên tay mẹ. Nhìn một hình tướng độc lập, rứt ra khỏi những ràng buộc và những điều kiện liên đới với nó, chính là Vô minh. Từ những biến động vật chất của địa cầu cho đến cái chết của một đứa bé còn bú mẹ, hay cái may mắn của một đứa bé được trở thành một cụ già, đều là những biến động liên tục, chằng chịt và liên đới, gây ra từ những nguyên nhân để chuyển thành hậu quả là những vật thể hay hiện tượng (luật nhân quả).
Ví dụ, muốn có một chén cơm hằng ngày để nuôi thân xác ta, thì phải có người nông dân, phải có cây lúa, phải có đất, có nước, có nắng, có mặt trời, có khí oxid carbon trong không khí..., tiếp theo muốn có người nông dân, phải có cha mẹ người này và những hoàn cảnh để cha mẹ người này gặp nhau, và cứ tiếp tục chằng chịt như thế. Vậy, một hạt gạo đòi hỏi không biết bao nhiêu điều kiện, liên đới với không biết bao nhiêu người khác, những vật thể khác và hiện tượng khác. Đạo Phật gọi hiện tượng chằng chịt ấy là sự tương liên tương tác, hay sự tạo tác bằng điều kiện. Đả phá Vô minh tức là quán nhận được sự tương liên và sự tạo tác bằng điều kiện như thế. Nếu mọi vật thể và hiện tượng chỉ có thể có bằng cách tương liên và bằng điều kiện, thì tự nó nó không có một sự hiện hữu tự tại nào cả.
Khi ta nhìn gần hơn nữa, nhìn vào chính thân xác ta, ta sẽ thấy rằng Phật dạy ta nhìn thân xác ấy như thế nào. Cái thân xác đó gồm có :
«Tóc, lông, móng chân, móng tay, răng, da;
Thịt, gân, xương, tủy, thận; tim, gan, màng nhầy, thận, phổi;
Ruột, màng treo ruột, bao tử, phẩn, óc ;
Mắt, dung dịch tiêu hóa, mủ, máu, chất dầu, mỡ;
Nước mắt, mồ hôi, nước miếng, nước nhầy, chất nhờn ở các khớp xương, nước tiểu;
Trong cái tổng hợp đó có chín lỗ, từ các lỗ ấy những chất dơ dáy và kinh tởm chảy ra không ngừng, chín lỗ ấy là : hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng, lỗ tiểu tiện và hậu môn».
Tất cả những thứ đó gom góp lại tạo ra cái ta, cái tôi, cái của tôi, nói một cách văn chương là cái «ngã», nói một cách bình dân hơn là «chính ta đây». Ta nhận diện tất cả những cấu hợp vật chất ấy là «ta» Nhưng thật ra cái tổng hợp đó là kết quả của những hiện tượng thiên nhiên về tương liên, tương kết và tương tạo dựa vào một số những điều kiện và nguyên nhân nào đó, như vừa đề cập trên đây mà thôi.
Khi ta tiếp tục nhìn gần thêm nữa, nhìn vào tâm thức ta, ta sẽ nhận ra rằng nếu không có những cấu hợp vừa kể thì cũng không thể có cái tâm thức đang hiển hiện và hoạt động trong đầu ta, tiếp nối liên tục từ khoảnh khắc (đơn vị) thời gian này đến khoảnh khắc thời gian khác. Mắt, da, tai, lưỡi, mũi liên tục truyền những tín hiệu lên tế bào thần kinh. Tế bào thần kinh cảm nhận những tín hiệu đó, phối hợp, kiểm nhận với những tín hiệu ghi nhận đã tiếp thu trước đó trong óc để diễn đạt, tạo ra tư tưởng và những xúc cảm đủ loại (thích thú, hạnh phúc, yêu thương, bám níu, ước mơ, khó chịu, ghét bỏ, ghê tởm, hận thù, giận dữ v. v.). Tiếp theo đó, ta có xu hướng xem tất cả những thứ hổn tạp ấy là cái ta, cái tôi, cái của tôi (cái ngã), một cái gì đồng nhất bất biến, trường tồn. Cái nhìn như thế gọi làVô minh. Một tâm thức không chất chứa cái ta, cái tôi, cái của tôi, sẽ trở nên rộng lớn, thoát khỏi những cảm nhận và xúc cảm, giống như một khoảng không gian trống không và vô tận, có thể chất chứa cả vũ trụ. Như Phật đã nói: «Nó sâu thẳm, không thăm dò được, mênh mông như đại dương». 
Tại sao một tâm thức vô ngã có thể chất chứa cả vũ trụ? Vì cái tâm thức đó vượt lên trên mọi ràng buộc của tương liên, tương tác và điều kiện, thực thể của nó hoàn toàn trống không. Chữ Như Lai có nghĩa là «người đạt đến thể dạng tư nhiên là như thế», tức là thoát ra khỏi ràng buộc và mọi điều kiện và cũng đồng thời nhìn thấy thể dạng biến động và tạo tác lệ thuộc của mọi vật thể trong thế giới này. Tham thiền nghĩa từ chương trong tiếng Tây Tạng là «tập cho quen dần», vậy ta hãy tập nhìn xuyên qua cái ảo tướng biến động và trói buộc của van vật, từ vũ trụ bên ngoài đến thân xác ta và cả tâm thức ta, để quán nhận cái thực tướng trống không (không thực) của chúng, và rồi biết đâu có thể ta sẽ giác ngộ lúc nào ta cũng không hay. Đối nghịch với Vô minh là Giác ngộ. Giác ngộ chính làTrí Tuệ. Trí Tuệ kinh sách gọi là Bát Nhã (Prajna), cái Bát Nhã vượt bực, nhìn thấy được sự thực, bản chất thực (thực thể, thực tính) của vạn vật. Chỉ giản dị có vậy.
Hoang Phong 

Tidak ada komentar:

Posting Komentar