Đối với một hành giả tu tập thiền định thì nỗ lực đầu tiên là chuyển hoá năm triền cái (trạo cử, hôn trầm, dục, sân và nghi), vốn làm ô uế tâm, làm chướng ngại trí tuệ. Dùng năm thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc và xả, nhất tâm) để đối trị năm triền cái.
Hỏi: Xin cho biết sự khác nhau cơ bản giữa tu tập Thiền Chỉ và Thiền Quán? Tứ Thiền và Tứ Quả là gì? Sự khác biệt và mối liên hệ giữa chúng?
Đáp: Thiền Chỉ và Thiền Quán là hai hình thức vận dụng tâm khi tu tập Thiền định (Jhàna) của Phật giáo. Tu tập Thiền Chỉ (Sammatha), hành giả để tâm dừng trú trên một đối tượng với chánh niệm tỉnh giác, không suy nghĩ và tư duy. Như để tâm theo dõi hơi thở vào ra hoặc trú tâm vào danh hiệu Phật, dứt bặt nghĩ tưởng và hoàn toàn chánh niệm tỉnh giác tức đang hành Thiền Chỉ. Tu tập Thiền Quán (Vipassana) thì lại khác, hành giả để tâm theo dõi một đối tượng và phân tích hay tư duy trên đối tượng ấy, nói cách khác là quán tánh sanh diệt trên đối tượng. Theo quan điểm của kinh tạng Nikàya thì có bốn mươi đối tượng tu tập Thiền Quán. Tuy nhiên, hành giả phải để tư duy hoạt động trên cơ sở sự thật về Duyên khởi hoặc Khổ, Vô thường hay Vô ngã. Nếu tư duy mênh mang và không phân tích sự vật theo duyên sinh thì đấy chỉ là vọng tưởng mà không phải Thiền Quán.
Thông thường thì Thiền Chỉ thuộc về tĩnh còn Thiền Quán thuộc về động. Vận dụng tu tập Chỉ hoặc Quán dựa trên nguyên tắc đối trị. Khi tâm quá năng động, trạo cử thì vận dụng Thiền Chỉ. Ngược lại tâm quá thụ động, hôn trầm thì hành giả vận dụng tu tập Thiền Quán. Trong tu tập thiền định, Chỉ và Quán được phối hợp nhịp nhàng, tuỳ theo căn tánh của hành giả mà vận dụng Chỉ hoặc Quán để điều phục tâm, đi sâu vào thiền định.
Tuy nhiên, Thiền Chỉ chỉ đem đến kết quả định tâm, thành tựu Tâm giải thoát, chứng đắc thần thông. Muốn thành tựu Tuệ giải thoát thì từ Tứ thiền, phải phát triển Thiền Quán đến đỉnh cao, đoạn trừ hết thảy lậu hoặc, kiết sử, chứng đắc Tam minh, giải thoát luân hồi sanh tử, chứng A la hán.
Tứ Thiền là tên gọi tắt của Tứ thiền định tức bốn cảnh giới thiền định, thuộc bốn chi phần đầu của Bát thiền hay Bát định (Samapttiya), gồm Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Đối với một hành giả tu tập thiền định thì nỗ lực đầu tiên là chuyển hoá năm triền cái (trạo cử, hôn trầm, dục, sân và nghi), vốn làm ô uế tâm, làm chướng ngại trí tuệ. Dùng năm thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc và xả, nhất tâm) để đối trị năm triền cái.
Sơ thiền là cảnh giới mà hành giả chứng đạt với trạng thái hỷ lạc do đoạn trừ năm triền cái, ly dục, ly các pháp bất thiện, có tầm và tứ (Ly sanh hỷ lạc). Nỗ lực tu tập, hành giả diệt tầm và tứ, chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do Định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm (Định sanh hỷ lạc). Tiếp tục tu tập, hành giả xả ly hỷ, tâm cảm thọ lạc, có sự buông xả, tĩnh lặng, chánh niệm tỉnh giác, chứng và trú Tam thiền, trí tuệ bắt đầu hiển lộ (Ly hỷ diệu lạc). Tứ thiền là cảnh giới tâm hành giả trở nên bất động, xả khổ và lạc, bình đẳng với sự vật, xa lìa phân biệt, nhất hoá chủ thể và đối tượng, ý nghĩa nhất như được thể hiện (Xả niệm thanh tịnh).
Từ Tứ thiền, hành giả chuyên tâm tu tập đoạn trừ mười kiết sử. Tuỳ theo chi phần kiết sử được đoạn trừ, hành giả lần lượt chứng đắc Tứ Thánh quả. Thứ nhất, Sơ quả Tu đà hoàn (Sotàpanna), quả vị này đưa hành giả chính thức dự vào dòng Thánh (Dự lưu), nhiều nhất là trải qua bảy lần tái sanh mới hoàn toàn giải thoát (Thất lai), hành giả đoạn được ba hạ phần kiết sử Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi. Nổ lực Thiền quán, dựa vào nền tảng Sơ quả là đoạn trừ ba hạ phần kiết sử đầu, hành giả tiếp tục làm muội lược hai hạ phần kiết sử kế tiếp là Dục và Sân, chứng Nhị quả Tư đà hàm (Sakadagami). Quả vị này còn tái sanh một lần nữa để tu tập chứng đắc quả vị tối thượng (Nhất lai). Khi đoạn trừ hoàn toàn năm hạ phần kiết sử thì chứng Tam quả A na hàm (Anagami). Ở quả vị A na hàm không còn sanh trở lại cõi người, chỉ tái sanh ở cõi Sắc và Vô sắc, từ đó tu tập chứng đạt quả vị tối thượng (Bất lai). Sau cùng là Tứ quả A la hán (Arahat), hành giả phát huy Thiền quán đoạn tận mười kiết sử, năm hạ phần kiết sử đã đoạn tận ở trước và năm thượng phần kiết sử là Hữu ái, Vô hữu ái, Mạn, Trạo cử và Vô minh, chứng ngộ Niết bàn, giải thoát luân hồi sanh tử (Vô sinh). (Thích Chơn Thiện, Tăng Già Thời Đức Phật, chương7 - Các quả vị…, tr 231).
Tứ thiền và Tứ quả có mối liên hệ mật thiết, Tứ thiền làm nền tảng cho việc tu tập để chứng đắc Tứ quả. Chỉ có Tứ Thánh quả mới đoạn tận sanh tử, thành tựu giải thoát, chứng đắc Niết Bàn.
Như đã trình bày, từ Tứ thiền, hành giả chuyên tâm tu tập Thiền quán về Vô ngã, Vô thường…, loại trừ mười kiết sử, lần lượt chứng đắc Tứ Thánh quả. Hoặc từ Tứ thiền, dựa trên nền tảng của Thiền chi xả và nhất tâm, hành giả hướng tâm vào tưởng “không gian là vô biên”, thì sẽ đắc Không vô biên xứ định. Lần lượt chứng đạt Thức vô biên xứ định, Vô sở hữu xứ định và Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Tại định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hành giả chánh niệm tỉnh giác ra khỏi định này thì sẽ vào Diệt thọ tưởng định. Còn một con đường khác, từ Vô sở hữu xứ định, hành giả nổ lực Thiền quán Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) để băng ngang Phi tưởng phi phi tưởng vào Diệt thọ tưởng định. Tại đây, tất cả lậu hoặc được đoạn trừ, chánh trí giải thoát phát khởi biết rằng đã hoàn toàn giải thoát.
Quảng Tánh - Huyền Ngu
Tidak ada komentar:
Posting Komentar