Selasa, 21 Januari 2014

Linh hồn chỉ là ảo tưởng (7)

Trong sáu nẻo luân hồi chỉ có cõi người và cõi súc sinh là có tấm thân vật chất, còn cõi thiên, thần (Atula), ngạ quỷ, địa ngục chỉ là trạng thái tư tưởng, chúng chỉ khác nhau là ở trạng thái vui sướng hay đau khổ, thời gian tồn tại lâu hay mau và cuối cùng đều phải quay về tái sinh ở cõi người. Cõi người là ưu việt nhất vì vừa có tấm thân xác thịt vừa có trí tuệ để thiền quán nhằm liễu thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Sáu nẻo luân hồi
Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhiên không cấu nhiễm quán theo khắp cùng vũ trụ, Đức Phật thấy có 6 đường (lục đạo) đưa con người ta thác sanh sau khi chết, đó là: Cõi thiên, cõi thần (Atula), người, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục. Cũng tùy mỗi người khi sống tạo nhiều nghiệp thiện hay bất thiện mà họ được hưởng hay phải chịu quả báo vào một trong sáu nẻo này.
-Những người ở cõi thiên được mô tả trong các bản kinh là thân thể họ luôn chói sáng, biến ra nhiều hình thù theo ý muốn (chúng ta lưu ý: khi con người ta còn tái sinh trong cõi người thì không phải chúng ta chỉ có một hình thù nhất định, mà theo nghiệp lực, mỗi kiếp chúng ta lại có một hình thể khác nhau, có thể kiếp trước ta cao to, kiếp này lại thấp bé, trước đen, nay trắng, là nam hay là nữ… do vậy, những người ở cõi thiên biến hình được là chuyện dễ hiểu). Họ di chuyển trong không gian bằng ý niệm và hưởng quả vị an lạc theo sở đắc của mình mà không cần đồ ăn thức uống. Họ có tuổi thọ cao nhất là 84.000 đại kiếp (một đại kiếp có 1334.240.000 năm) sau đó họ phải tái sinh trở lại làm người (cõi dục giới).
-Người ở cõi thần (Atula) cũng là những người có tâm thiện như người ở cõi thiên, nhưng trong họ hay giận dữ và vẫn còn lòng sân chưa gột rửa hết (trong kinh Bổn Sanh chuyện tiền thân của Đức Phật nhắc lại, có thời kỳ Phật là Phạm Thiên ngự ở cõi trời vô sắc giới, chỉ vì ghen tức, mà những người ở cõi thần kéo lên gây sự, tuyên chiến với người cõi thiên…). Tuổi thọ của người cõi thần ngắn hơn ở cõi thiên rất nhiều, sau đó họ cũng phải tái sinh vào dục giới trở lại làm người.
Muốn nhập vào cõi thiên hay thần sau khi chết thì khi sống thân, khẩu, ý của ta phải giữ được thập giới (10 giới).
Thân: không được sát sanh, trộm cắp, tà dâm.
Khẩu: không được nói dối, nói lời hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm.
Ý: không được tham, sân, si.
Riêng muốn vào được cõi thiên (có 16 cõi sắc giới và 4 cõi vô sắc giới) còn phải chứng đắc các tầng thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, thiền Vô sở hữu xứ, thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
-Tái sinh lại làm người (dục giới). Cõi người như chúng ta đã biết, hạnh phúc cũng lắm mà khổ đau cũng nhiều, chúng ta muốn tồn tại được là nhờ các nhu cầu: ăn, uống, hít thở… Nhưng ở cõi người có tính ưu việt hơn hai cõi thiên và thần vì chúng ta có trí tuệ và tấm thân sinh học, nhờ tấm thân xác thịt này cùng với trí tuệ mà ta có thể thực hiện thiền định, gột rửa chân tâm, chứng đắc tầng thiền cao nhất là Diệt thọ tưởng định để liễu thoát khỏi luân hồi sinh tử, Đức Phật cũng nhập niết bàn sau khi từ bỏ xác thân ở cõi người. Tuổi thọ ở cõi người ngắn ngủi, có thể ví như “bóng câu qua cửa sổ” vậy…
Muốn được trở lại làm người ở kiếp sau thì kiếp này ta phải giữ cho được 5 giới bồ tát đạo, đó là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và không được mưu sinh bằng sáu nghề sau: buôn bán người, buôn bán vũ khí, bán thịt sống hay chín, bán rượu và các chất gây nghiện, lên rừng săn bắn thú vật, chài lưới cá tôm ngoài sông, biển. Ngoài ra còn phải chịu khó làm phước bố thí, trau dồi học hỏi tri thức, sống nhân ái thì mới mong kiếp sau giàu sang, hạnh phúc, trí tuệ. 
Đối với nhà Phật, một người giàu có muốn làm phước bố thí rất dễ, dễ mà không làm là tự hại, một người nghèo muốn làm phước bố thí rất khó, khó mà làm được thì sẽ nhận quả báu lớn. Cho nên, có kẻ kiếp này làm vua nhưng có thể kiếp sau tay gậy, vai bị đi ăn mày, có kẻ kiếp này là ăn mày nhưng kiếp sau sinh ra làm hoàng tử… tất cả là do hạnh nhẫn nhục, trì giới và phước bố thí của mỗi chúng sinh.
Cõi thiên, cõi thần, cõi người Đức Phật gọi đó là ba đường lành, Ngài khuyên chúng ta khi sống phải trau dồi nhân tâm: thân, khẩu, ý, để đến khi thân hoại mạng chung mới mong có cơ may vào được… Còn ba đường dưới đây, Đức Phật gọi là ba đường dữ:
-Súc sinh. Chúng sinh ở cõi súc sinh cũng có tấm thân sinh vật như cõi người nhưng họ đần độn không có tư duy, trí tuệ. Tuy vậy, họ vẫn có chút tình cảm trong giống, loài với nhau cho nên Đức Phật gọi họ là chúng sinh hữu tình, vì không có tư duy, trí tuệ nên cuộc sống mưu sinh rất vất vả. Trong cõi này, kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, không có sự thông cảm, yêu thương, loài này lấy loài khác làm thức ăn hoặc làm thức ăn cho con người, nên tuổi thọ nhiều khi không ở nghiệp mà do kẻ khác quyết định (nhà Phật khuyên chúng ta không sát sanh vì có thể chúng ta giết nhầm và ăn thịt những người thân trong tiền kiếp). 
Những người phải đọa vào cõi súc sinh là: khi sống họ lừa thầy phản bạn, lăng loàn dâm đãng, dửng dưng vô cảm trước đau khổ của người khác… Sau một thời gian thọ nạn ở cõi súc sinh, theo nghiệp lực, họ cũng được tái sinh trở lại làm người.
-Ngạ quỷ. Khi sống tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ chỉ lo nghĩ bản thân mình mà nhắm mắt quay lưng với tai họa của các chúng sinh thì kẻ đó dễ rơi vào đường ngạ quỷ sau khi chết - ngạ quỷ được mô tả có cái đầu to, miệng rộng, bụng lớn nhưng cổ lại bé như cây kim, ngọn cỏ - đấy là mô tả tưởng tượng của dân gian, chứ kì thực những chúng sinh ngạ quỷ luôn sống trong trạng thái đói khát, ưa thèm dục lạc thế gian, vì không có thân xác thịt để thỏa mãn nên trong họ luôn cháy bỏng khát khao những thèm muốn mà họ không có được. Họ cũng tái sinh lại làm người sau khi hết quả báo.
-Địa ngục: Là nơi chốn đau khổ dành cho hạng người làm những việc ngũ nghịch, thập ác. Trong dân gian vẽ ra những cảnh địa ngục rùng rợn, ghê gớm là có ý cảnh tỉnh chúng ta đừng làm việc ác, chứ những cảnh trừng phạt như: xẻo thịt, lột da, chặt tay chân, bỏ vạc dầu… chỉ xảy ra trên trần gian thời phong kiến xa xưa mà thôi.
Những người rơi vào địa ngục tâm thức họ phải chịu lửa cực hình dằn vặt, đau khổ mà những tội ác họ gây ra cho loài người và chúng sinh trong rất nhiều đại kiếp, chỉ khi nào họ thật lòng ăn năn, hối hận, cầu mong được chuộc tội, bởi những việc làm gây đau khổ cho người khác, chúng sinh khác thì mới mong thoát khỏi trạng thái này.
Câu chuyện sau ví dụ về một người thoát khỏi địa ngục: Có một anh chàng khi sống làm nhiều chuyện thất đức, khi chết anh ta bị đày xuống địa ngục với nhiều hình phạt đau khổ, anh ta hỏi viên phán quan khi nào mới thoát khỏi cảnh đau đớn này, phán quan trả lời: chỉ khi nào có kẻ mang tội ác như anh ta hay hơn nữa đến thế chỗ thì anh ta mới có cơ hội thoát khỏi, ngay lập tức anh ta chắp tay quỳ xuống với cảm xúc đau đớn bi mẫn trong tâm thức, cầu mong tất cả những người trên trần gian đừng ai phạm tội lỗi như anh và anh ta xin chịu tội thay cho tất cả mọi người. Kỳ lạ thay, ngay lập tức anh ta thấy mát mẻ, sảng khoái… do thoát khỏi địa ngục lúc nào mà không hay.
Tuy chỉ là câu chuyện giả tưởng nhưng nói lên một điều: khi ta rơi vào địa ngục, ta cũng phải tuyệt đối giác ngộ được những hành vi tội lỗi của mình thì mới mong có ngày thoát khỏi để tái sinh trở lại làm người.
Tóm lại, sáu nẻo luân hồi trên, chỉ có cõi người và cõi súc sinh là có tấm thân vật chất, còn cõi thiên, thần, ngạ quỷ, địa ngục chỉ là trạng thái tư tưởng, chúng chỉ khác nhau là ở trạng thái vui sướng hay đau khổ, thời gian tồn tại lâu hay mau và cuối cùng đều phải quay về tái sinh ở cõi người, cõi người là ưu việt nhất vì vừa có tấm thân xác thịt vừa có trí tuệ để thiền quán nhằm liễu thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhiên, Đức Phật quan sát thấy những nghiệp thức phải đọa vào ba đường dữ rất nhiều, nhiều như lông bò, còn những nghiệp thức được siêu thoát lên ba đường lành rất ít, ít như sừng bò. Vì vậy, Ngài khuyên chúng ta khi sống gắng gột rửa chân tâm cho thanh tịnh, luôn luôn có ý nghĩ, lời nói, việc làm lương thiện, mới mong có cơ may vào ba đường lành khi thân hoại mạng chung.
Nguyễn Minh Sơn

Tidak ada komentar:

Posting Komentar