Senin, 20 Januari 2014

Linh hồn chỉ là ảo tưởng (4)

Về sự tồn tại của thân trung ấm: Theo phật giáo Đại thừa chỉ tồn tại trong khoảng 49 ngày, Thần đạo Nhật Bản là 35 ngày, theo Luận tỳ bà sa tối đa là 7 ngày… thì phải đi đầu thai. Nhưng trong thực tế, có những thân trung ấm còn hiện hữu tới vài trăm năm...
Thân trung ấm
Sau khi chết, ta rơi vào trạng thái của thân trung ấm. Thần thức của người chết thoát ra khỏi xác và sẽ trụ lại ở cảnh giới trung gian này nên gọi là thân trung ấm, nhưng vì bỏ mất thân xác thịt cho nên thân trung ấm chỉ có trạng thái tư tưởng. 
Có thể ví, thân trung ấm như là dư âm của tiếng ngân nga còn rớt lại trong thinh không sau tiếng chuông chùa, hay như một cách ví khác với một người học xong đại học đang chờ phân việc làm, có người thì đi làm ngay, có người chờ một hai năm hay lâu hơn vài ba năm… Trong quá trình thân trung ấm chờ đợi này, là để cho luật nhân quả sàng lọc từ trong mớ hỗn độn nhân thiện, ác chất chứa trong cả cuộc đời người chết ấy, tập hợp lại thành một cái nghiệp thiện hay nghiệp ác và cái nghiệp thiện hay ác này được nghiệp thức đưa đi đầu thai trong lục đạo.
Về sự tồn tại của thân trung ấm: Theo phật giáo Đại thừa chỉ tồn tại trong khoảng 49 ngày, Thần đạo Nhật Bản là 35 ngày, theo Luận tỳ bà sa tối đa là 7 ngày… thì phải đi đầu thai. Nhưng trong thực tế, có những thân trung ấm còn hiện hữu tới vài trăm năm, như trong câu truyện của nhà ngoại cảm, tiến sĩ tâm lý học Hans Holzer (Hoa Kỳ), trong cuốn “Life After Life” của ông do NXB Parker Publishing Co phát hành Năm 1985, kể lại như sau: 
Trong giấc ngủ, cô sinh viên Y khoa Pamela luôn thấy xuất hiện một cô gái mặc áo đỏ cùng các trang phục khác như thời trung cổ, hàng ngày nỗi ám ảnh về cô gái mặc áo đỏ cứ đeo đẳng trong tâm chí, đến nỗi Pamela phải viết thư cầu cứu tiến sĩ tâm lý kiêm nhà ngoại cảm Hans Holzer. Hans Holzer đã dùng thuật thôi miên đưa Pamela trôi về tiềm thức và lúc này cô gái mặc áo đỏ xuất hiện, cô nói tên cô là Rutheven, người Scotland, cô mất khoảng năm 1600 lúc mới 20 tuổi, vì thân trung ấm của cô phiêu dạt sang tận Hoa Kỳ và rồi không biết cách quay trở về, cô “nhập” vào Pamela với ý định khi Pamela đi du lịch châu Âu, theo đó cô trở về quê nhà ở Scotland, để tìm lại chiếc nhẫn cẩm thạch bị mất của vị hôn thê tặng.
Để làm cuộc điều tra, Hans holzer đã lặn lội sang Scotland truy tìm nguồn gốc của Rutheven. Và quả đúng như vậy, Rutheven là ái nữ của bá tước Gowrie sống trong lâu đài Huntingtowe thuộc dòng họ Home (1566-1613), cô bị chết khi cố nhảy qua bờ hào của hai tháp canh lâu đài. Câu truyện trên còn được lưu giữ trong cuốn sử liệu “Lâu đài Huntingtowe”…
Người chết, khi tồn tại trong trạng thái thân trung ấm còn rớt lại ba tánh: tánh thấy, tánh nghe và tánh biết. Vì còn bám chấp cuộc sống cũ, vào cái bản ngã cũ mà thân trung ấm luôn luôn muốn được trở lại và giao tiếp với những người thân thích của mình. 
Nhưng giờ đây, họ khác chúng ta ở chỗ: chúng ta còn công việc, còn giao lưu, giao tiếp, mọi tri thức thông qua các phương tiện nghe, nhìn, sách, báo… luôn được tiếp cận, do đó chúng ta luôn có nhận thức mới mẻ về thế giới khách quan. Còn họ không được như vậy, trong giai đoạn tồn tại trạng thái thân trung ấm thì ý thức để nhận biết thế giới quan của họ hầu như dừng lại, mọi nhận thức trước đó không thay đổi, họ chỉ còn mang thói quen, tập khí cũ mà không có sự khác biệt, họ vẫn hiển hiện bên chúng ta nhưng không thể giao tiếp được với chúng ta, nếu không nhờ ngoại cảm. 
Nhiều người trong chúng ta lầm tưởng thân trung ấm có thần thông, có thể “đi mây về gió” hoặc “phù hộ độ trì” cho ta khi ta cầu xin, khấn vái... Nhưng không phải vậy! Vì những thân trung ấm này không như chúng sinh ở cõi thiên hay thần (Atula) di chuyển được bằng ý niệm, không bị chi phối bởi không gian và thời gian. Lấy ví dụ: chúng ta đang sinh sống ở trong Nam mà có cha hoặc mẹ mất trên đất Bắc, đến ngày giỗ, chúng ta làm cơm canh, đốt vàng mã, cúng bái mời gọi… Chắc chắn một điều, cha hay mẹ ta còn tồn tại trong trạng thái thân trung ấm sẽ không thể vào mà “thọ hưởng” với ta được.
Điều này hiển hiện rõ nhất ở những người chiến sĩ trận vong, các nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt thì thấy họ, bao lâu nay vẫn lẩn khuất ở chỗ họ hy sinh, nơi thân xác họ bị thời gian vùi lấp, hoặc có người vì công việc đi xa, bị chết nơi đất khách quê người, họ cũng không tự trở về nhà được, phải nhờ tới những vị cao tăng đạt đạo cầu siêu, mới gọi được thân trung ấm của họ về. Hầu như các thân trung ấm đều bám víu vào tấm thân sinh học cho dù đã bị hủy hoại, họ ít chịu rời bỏ, trừ khi được cầu siêu. 
Những trường hợp nào nhà ngoại cảm không tiếp xúc được với thân trung ấm, mời họ không lên tiếp chuyện là họ đã được nghiệp thức đưa đi đầu thai trong lục đạo, người thân nên vui mừng vì chuyện này, còn những thân trung ấm nào lên tiếp xúc, nói chuyện với nhà ngoại cảm là vấn đề đáng quan ngại… 
Điều gì đã khiến những thân trung ấm ấy không đi đầu thai theo nghiệp thức? Có thể xảy ra ở mấy lý do sau:
-Họ tưởng mình chưa chết (thường xảy ra trong trường hợp chết bất đắc kỳ tử: chết trẻ, chết đột ngột vì bạo bệnh, chết vì tai nạn đắm thuyền, xe cán, hỏa hoạn…).
-Họ luyến tiếc cuộc sống không muốn xa rời những gì mình tạo dựng cả đời như: của cải, tài sản, nhà cửa, xe cộ…
-Luyến ái với vợ, con, cháu, chắt… (chết rồi mà dạ chưa yên).
-Còn lòng sân hận ai đó, điều gì đó… (chết không nhắm mắt).
-Còn công việc dở dang chưa hoàn tất trên dương thế.
-Khi sống cùng nhau, khi chết cũng cùng nhau (cộng nghiệp) thường gặp ở những người lính tử trận.
-Nhân duyên chưa hội tụ đủ để đưa đi đầu thai.
-Nghiệp thức chưa dẫn họ đi vì lý do nào đó…(?)
Không phải khi chết ai ai cũng phải rơi vào trạng thái thân trung ấm, có hai loại người khi chết không phải trải qua giai đoạn thân trung ấm, là người cực thiện và người cực ác. 
Người cực thiện là những người tu hành đạt đến quả vị A-la-hán hay Phật, khi thân hoại mạng chung họ nhập ngay vào niết bàn, ở đó họ tồn tại trong trạng thái an lạc, hạnh phúc siêu thời gian - có thể hiểu niết bàn là trạng thái an lạc, hạnh phúc không dính mắc, người phàm phu cũng có hạnh phúc nhưng là thứ hạnh phúc dính mắc, chúng ta dính mắc vào gia đình, vợ con, danh vọng, tiền bạc, dâm dục, tham ăn, tham uống... - Còn người cực ác, khi sống họ làm những tội ngũ nghịch, thập ác, khi chết họ rơi ngay vào địa ngục, ở đó họ phải chịu thiêu đốt đau khổ trong nhiều đại kiếp (theo Phật giáo một đại kiếp có 1334.240.000 năm).
Nguyễn Minh Sơn

Tidak ada komentar:

Posting Komentar