Senin, 30 September 2013

Đạo Phật Nguyên thủy và đạo Phật Đại thừa

Để thảo luận vấn đề thường được nhiều người hỏi: sự khác nhau giữa đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy là gì? Để hiểu được điều này chính xác, chúng ta hãy ôn lại lịch sử của đạo Phật và tìm nguồn gốc của đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy.
Đức Phật đản sanh vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên. Ngài thành đạo năm 35 tuổi, 45 năm thuyết pháp độ đời và ngài nhập Níp-bàn năm 80 tuổi. Chắc chắn ngài là một con người có nhiều năng lực nhất, ngày đêm thuyết pháp dạy đạo cho chúng sanh, và Ngài chỉ ngủ có hai giờ đồng hồ trong một ngày. 
Đức Phật thuyết pháp giảng đạo cho mọi tầng lớp: vua chúa, hoàng tử, bà-la-môn, thương gia, những người cùng đinh, trí thức, và thường dân lao động. Giáo pháp của Ngài đáp ứng mọi nhu cầu tâm linh của từng người. Những gì Ngài thuyết giảng được gọi là Phật ngôn. Thời điểm đó không có chỗ nào gọi là Trưởng lão bộ (Theravàda) hay Đại thừa (Mahàyana). 
Sau khi Ngài thành lập giáo hội Tỳ Kheo tăng và Tỳ Kheo ni, Đức Phật đưa ra những nguyên tắc giáo điều giới luật để bảo vệ giáo đoàn được gọi là Luật (Vinaya). Những lời giảng dạy của Ngài bao gồm trong những bài thuyết pháp cho chư Tăng Ni và Thiện nam Tín nữ được gọi là Pháp (Dhamma). 
Hội Nghị Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Nhất 
Sau ba tháng Thế Tôn viên tịch, những đại đệ tử của ngài triệu tập một đại hội ở thành Ràjagaha (Vương xá). Trưởng lão Kassapa (Ca-diếp) trụ trì đại hội này. Có hai vị rất quan trọng trong đại hội này, các ngài thiên về hai lãnh vực khác nhau - hai vị này trùng tuyên lại Pháp và Luật (Dhamma và Vinaya): ngài Ananda (A-nan-đa) là vị đệ tử hầu cận Đức Phật trong suốt 25 năm, ngài có trí nhớ siêu việt, có thể đọc lại những điều Đức Phật đã thuyết giảng; và ngài Upali (Ưu-ba-ly) đọc lại tất cả những giới luật Đức Phật đã ban hành. 
Trong đại hội kết tập lần thứ nhất, chỉ có hai phần Pháp và Luật được trùng tuyên lại. Mặc dù không có quan điểm khác nhau về Pháp (không có đề cập đến Vi Diệu Pháp - Abhidhamma) nhưng chỉ có thảo luận một ít vấn đề về giới luật. Trước khi Thế tôn viên tịch, Ngài có bảo Đại Đức Ananda rằng nếu Tăng già muốn sửa đổi một ít giới luật nhỏ, thì các vị có thể sửa đổi. Nhưng lúc đó ngài Ananda quá u sầu vì Thế Tôn sắp viên tịch mà đối với Ananda thì điều đó không thể có được, nên ngài không có hỏi bậc Đạo sư giới nào là giới nhỏ. Những thành viên của hội nghị không đồng ý về điều giới luật nào là giới nhỏ, cuối cùng trưởng lão Kassapa quyết định rằng không có giới luật nào Thế Tôn đưa ra phải thay đổi, và ngài cũng không có giới thiệu thêm giới luật mới nào. Như vậy không có lý do chính đáng nào để thay đổi giới luật. Tuy nhiên trưởng lão Kassapa nhắc nhở một điều: "Nếu chúng ta thay đổi giới luật, dư luận quần chúng sẽ nói rằng đệ tử Sa Môn Gotama thay đổi giới luật trước khi Ngài hỏa táng." 
Trong đại hội, giáo pháp được phân chia thành những phần khác nhau và mỗi phần được ấn định cho một vị trưởng lão và đệ tử của vị đó để ghi nhớ. Sau đó giáo pháp được truyền khẩu từ vị thầy đến đệ tử. Giáo pháp được đọc tụng hằng ngày do bởi những hội chúng thường xuyên kiểm chứng với nhau để bảo đảm rằng không có sự thiếu sót hoặc thêm bớt nào cả. Những nhà sử học công nhận rằng truyền thống khẩu truyền thì đáng tin cậy hơn một bản báo cáo do một người viết về một sự kiện xảy ra sau nhiều năm. 
Đại Hội Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Hai
Một trăm năm sau, đại hội kết tập kinh điển lần thứ hai được tổ chức để thảo luận một số vấn đề giới luật. Sau ba tháng Thế Tôn viên tịch không có sự thay đổi về mặt giới luật bởi vì trong suốt thời gian đó không có sự thay đổi về mặt kinh tế, chính trị và xã hội diễn ra. Nhưng 100 năm sau, một số chư tỳ kheo thấy nhu cầu cần để thay đổi những giới luật nhỏ. Những thầy tỳ kheo chính thống bảo rằng không có điều giới luật gì cần phải thay đổi trong khi những người khác cứ nhất định sữa đổi một số ít giới luật. Cuối cùng một số thầy tỳ kheo rời bỏ đại hội và thành lập Đại chúng bộ (Mahasanghika). Mặc dù gọi là Đại chúng bộ nhưng không có nghĩa là Đại thừa (Mahayana). Và trong đại hội kết tập lần thứ hai, chỉ có thảo luận những vấn đề liên quan với giới luật và không thấy nói đến sự tranh luận về giáo pháp. 
Đại Hội Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Ba 
Thế kỷ thứ ba trước công nguyên, thời hoàng đế Asoka, đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba được tổ chức để thảo luận quan điểm khác nhau giữa những vị tỳ kheo khác phái. Trong đại hội kỳ này, sự khác nhau không còn hạn chế về mặt giới luật mà còn liên quan với giáo pháp. Cuối đại hội, chủ tọa là ngài Moggaliputta Tissa (Mộc-liên Tu-đế) biên soạn một quyển sách được gọi là Những Điểm Dị Biệt (Kathavatthu) để bác bỏ luận thuyết hoang tưởng, sai lầm của một số bộ phái. Giáo pháp được đại hội đồng ý và chấp thuận, gọi là giáo thuyết Trưởng lão (Theravada). Tạng Vi Diệu Pháp được kết tập trong đại hội này. 
Sau đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba, con trai vua Asoka, ngài Mahinda, mang Tam Tạng đến Tích Lan cùng với các Chú Giải đã được đại hội thứ ba trùng tuyên lại. Những kinh điển mang đến Tích Lan được bảo quản cho đến ngày hôm nay mà không có mất mát một trang nào. Kinh điển được viết bằng tiếng Pàli, dựa vào ngôn ngữ Ma-kiệt-đà (Magadhi) do Đức Phật thuyết giảng. Không có điều gì gọi là Đại thừa ở thời điểm đó. 
Sự Xuất Hiện Của Đại Thừa (Mahayana) 
Giữa thế kỷ thứ I trước công nguyên đến thế kỷ thứ I sau công nguyên, hai thuật ngữ Đại thừa (Mahayana) và Tiểu thừa (Hinayana) xuất hiện trong Diệu pháp liên hoa kinh (Saddharma pundarika sutra). 
Khoảng thế kỷ thứ II sau công nguyên, chữ "đại thừa" dần dần được định nghĩa rõ ràng hơn. Ngài Long Mãng (Nagarjuna) phát huy triết học đại thừa về tánh Không và trong một bản kinh nhỏ được người ta gọi là Trung luận thuyết (Madhyamika-karika, còn gọi là Trung quán luận) chứng minh rằng vạn pháp đều rỗng không. Khoảng thế kỷ thứ IV, Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu ) sáng tác một số tác phẩm về kinh điển Đại thừa. Sau thế kỷ thứ I sau công nguyên, những nhà Đại thừa bắt đầu tạo một lập trường rõ ràng, và từ đó, họ đưa vào các danh xưng "đại thừa" và "tiểu thừa". 
Chúng ta không nên nhầm lẫn Tiểu thừa với Trưởng lão bộ (Theravada) bởi vì những danh từ này không đồng nghĩa nhau. Phật giáo Trưởng lão bộ truyền đến Tích Lan vào thế kỹ thứ III trước công nguyên, khi đó không có danh từ Đại thừa nào cả. Bộ phái Tiểu thừa chỉ phát triển ở Ấn độ và hiện hữu hoàn toàn độc lập, không phải hình thức của đạo Phật hiện có ở Tích Lan. Ngày nay, bộ phái Tiểu thừa không còn tồn tại ở bất cứ nơi nào trên thế giới. 
Do đó, năm 1950, Hội Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhists, WFB), khai mạc ở Colombo, nhất trí quyết định rằng danh từ "tiểu thừa" phải được xóa bỏ vì nó không có liên quan gì với đạo Phật hiện diện ngày nay ở Tích lan, Thái lan, Miến điện, Campuchia, Lào v.v... Trên đây là tóm lược về lịch sử đạo Phật Nguyên thủy, Đại thừa và Tiểu thừa. 
Đạo Phật Đại Thừa Và Đạo Phật Nguyên Thủy 
Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu sự khác nhau giữa đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy là gì? 
Tôi nghiên cứu đạo Phật Đại thừa nhiều năm, và càng nghiên cứu tôi càng thấy hầu như không có bất cứ điều gì khác nhau giữa đạo Phật Nguyên thủy và đạo Phật Đại thừa về mặt giáo lý căn bản. 
Cả hai đều chấp nhận Đức Phật Thích Ca là bậc đạo sư. 
Tứ Thánh Đế trong cả hai trường phái đều giống nhau. 
Bát Chánh Đạo trong cả hai trường phái thì cũng tương tự . 
Lý Duyên Khởi trong cả hai trường phái đều giống nhau. 
Cả hai đều không chấp nhận tư tưởng về thượng đế tạo ra thế gian này. 
Cả hai đều chấp nhận Tam tướng (Khổ, Vô thường, Vô ngã) và Tam vô lậu học (Giới, Định, Huệ) , không có bất kỳ sự khác biệt nào. 
Đây là những giáo lý quan trọng nhất của Đức Phật và cả hai trường phái đều công nhận. 
Cũng có một số ít điểm khác nhau. Hiển nhiên là quan điểm về Bồ tát. Nhiều người nói rằng Đại thừa là quả vị Bồ tát dẫn đến quả vị Phật, trong khi đó Nguyên thủy thì đưa đến quả vị A La Hán. Tôi phải nói rằng Đức Phật Toàn giác, Độc giác và Thinh văn giác cũng là những vị A La Hán. Kinh điển Đại thừa không bao giờ sử dụng La Hán thừa. Họ sử dụng ba thuật ngữ: Bồ tát thừa, Duyên giác thừa và Thinh văn thừa. Theo truyền thống Nguyên thủy, ba quả vị này được gọi là ba quả Giác (Bodhi). 
Có người cho rằng Phật giáo Nguyên thủy thì ích kỹ bởi vì dạy con người phải tìm kiếm sự cứu rỗi cá nhân. Nhưng làm sao một người ích kỹ có thể giác ngộ được? Cả hai trường phái đều chấp nhận có ba Thừa, hay ba Giác, và cũng đều công nhận lý tưởng Bồ tát là cao quí nhất. Tuy nhiên, Đại thừa đã hư cấu nhiều vị Bồ tát huyền bí. Trong khi đó, Phật giáo Nguyên thủy cho rằng Bồ tát là một con người ở giữa chúng ta, và Ngài hiến tặng trọn vẹn đời mình cho sự giác ngộ, chắc chắn sẽ trở thành vị Phật vì lợi ích của thế gian, vì hạnh phúc cho đời. 
Ba Hạng Phật 
Có ba hạng Phật: Chánh đẳng chánh giác (sammasambuddha), Độc giác (paccekabuddha), và Thinh văn giác (savakabuddha). Việc chứng đắc Níp-bàn giữa ba vị thì giống nhau. Chỉ có sự khác nhau là Chánh đẳng chánh giác có nhiều uy đức và phẩm chất hơn hai vị kia. 
Có người nghĩ rằng tánh Không do ngài Long Mãng nói thì hoàn toàn là giáo lý Đại thừa. Thật ra, ngài căn cứ vào tư tưởng Vô Ngã và Lý Duyên Khởi, đã có sẵn trong kinh tạng Pàli. Một lần đại đức Ananda hỏi Đức Phật, "Người ta nói về chữ Không, vậy Không là gì? " Đức Phật trả lời, "Này Ananda, không có bản ngã cũng không có bất cứ điều gì liên quan với bản ngã trên đời này. Do đó, thế gian là vô ngã." Tư tưởng này do ngài Long Mãng đưa ra khi ông viết quyển sách "Madhyamika-karika" (Trung quán luận) nổi tiếng của mình. Trong Phật giáo Đại thừa, bên cạnh tư tưởng tánh Không còn có ý niệm "Tàng thức" vốn đã có nguồn gốc trong kinh tạng nguyên thủy. Những người Đại thừa chỉ khai triển thêm các khái niệm nầy để tạo dựng nền triết học và tâm lý học sâu thẳm.
Hòa thượng W.Rahula

Việc ăn chay hay Bát giới: Một sự lựa chọn tùy duyên

Buổi sáng là thời điểm tốt nhất cho loài người, loài thú để ăn (ngoại trừ thú ăn đêm) mà ban đêm là thời điểm tốt nhất cho việc nghỉ ngơi.
Sự sửa đổi giới thứ sáu của bát giới do những nhà tu Ðại thừa không những ám chỉ việc tổn hại trong việc hành trì giới này, mà còn có nghĩa đánh mất truyền thống đã được chư Phật chế định!
Vì cả hai đều liên quan đến cái ăn, sự ăn chay thì thường nối tiếp với tám giới (Atthasila), giới thứ sáu là không dùng thực phẩm phi thời. Hầu hết những tu sĩ Ðại thừa ăn chay mà không gìn giữ giới luật này theo giới luật của hệ Pàli tạng thì điều này sẽ phạm tác ác (paccittiya).
Dường như là hai giới luật đó được xem như là có thể thay đổi cho nhau, hoặc chọn lựa tùy duyên. Theo sự lý giải: "Ai cảm thấy ăn chay thoải mái thì cứ ăn chay, còn ai hoan hỉ giữ giới thứ sáu thì cứ gìn giữ. Dù sao đi nữa cả hai đều có chiều hướng phát huy đức hạnh như được thấy trong pháp của Ðức Phật".
Thật sự lời lý luận này không phù hợp với giáo lý chơn truyền của Ðức Phật tổ Gotama. Tối thiểu lời lý luận này cũng soi sáng sự ngang bằng giáo lý của Ðức Phật và kiến nghị việc không ăn cá, thịt của Devadatta.
Việc đối chiếu ăn chay với điều giới luật thứ sáu của bát giới là một điều không phù hợp, khác với vị trí không chính thống của ăn chay. Tám giới chính thức do Ðức Phật Gotama dạy như là phương tiện sinh thiên hoặc thanh tịnh hóa. Cho nên người nào thay thế giới thứ sáu với điều ăn chay là một điều không thận trọng lắm. Chắc chắn còn nhiều người vẫn chưa hiểu giới luật thứ sáu.
Giới luật thật sự không chỉ là quy luật về oai nghi tế hạnh, mà còn là truyền thống tu tập của chư Phật, chư Tỳ khưu và người tại gia cư sĩ nhiều thời đại qua. Sau khi Tỳ khưu vi phạm, Ðức Phật mới cấm giới luật. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là giới luật không được biết đến trong một hình thức nào khác trước đó. Một Tỳ khưu phạm luật chỉ là một động cơ chính để đức Bổn Sư bắt đầu cấm chế chính thức giới luật. Vì lý do trên, chắc chắn không đúng khi quả quyết là những giới luật là do Ðức Phật Gotama thiết lập theo ý muốn riêng tư và sở thích của ngài. Như thế, sự sửa đổi giới thứ sáu của bát giới do những nhà tu Ðại thừa không những ám chỉ việc tổn hại trong việc hành trì giới này, mà còn có nghĩa đánh mất truyền thống đã được chư Phật chế định!
Người ta quan niệm là lợi ích của giới thứ sáu trong bát giới là chỉ để thực hành việc điều độ trong sự ăn uống, kỳ dư, không còn lợi ích nào khác nữa. Dĩ nhiên cách nói như vậy thì chưa đúng. Ngoài lợi ích tiến bộ tâm linh, gìn giữ giới thứ sáu cũng duy trì sức khỏe tốt. Thực tập giới thứ sáu, cũng được gọi là "nhịn đói với nước trái cây". Trong danh từ y dược học hiện đại cho biết là hữu ích cho sức khỏe ở nhiều nước đã phát triển: Mỹ, Ðức, Thụy Sĩ, Nga.
Viện nghiên cứu y học nổi tiếng thế giới, Karolinska ở thủ đô của Thụy Ðiển giới thiệu nó như là một phương pháp chữa bệnh có kết quả. Lúc nhịn ăn thân thể không thu nhận protein và mỡ, cho nên nó thiêu đốt và tiêu hóa đi các tế bào của nó trong quy trình cho là "sự tiêu hóa". Nhờ sự chọn lựa và tiêu hóa đi những tế bào không tốt, già nua hay chết chóc, thân thể tự tống cặn bã và độc tố mà nó đã dung chứa. Bác sĩ Otto Buchinger gọi phương pháp nhịn ăn này là "xả cặn bã, đốt cháy rác rến". Trong giai đoạn kiêng ăn, ống dẫn đồ ăn, gan và thận có lẽ hoạt động có kết quả hơn, vì chúng tạm ngưng việc xử lý thực phẩm mới, chỉ còn sự đào thải cặn bã và hoán chuyển độc tố loại trừ ra khỏi thân thể. Ðồng thời, sự cấu tạo tế bào mới đang gia tăng nhanh không ngại thân thể thiếu protein trong lúc nhịn ăn, bởi vì chất protein trong thân thể là trạng thái sinh động, có lẽ liên hồi tái tổng hợp và tái thực hiện cho các điều kiện khác của thân thể.
Một số nhà khoa học hiện nay có thể chứng minh rằng thân thể có thể tiêu hóa, chế tạo và tiếp thu những chất dinh dưỡng có kết quả hơn vào sáng sớm. Do đó, buổi sáng là thời điểm tốt nhất cho loài người, loài thú để ăn (ngoại trừ thú ăn đêm) mà ban đêm là thời điểm tốt nhất cho việc nghĩ ngơi. Cho nên nếu ai ép buộc bao tử, ruột và những cơ quan tiêu hóa khác làm việc cả ngày lẫn đêm thì nguy hại cho thân thể.
Sanjivaputta

Ngọt ngào bánh trung thu

Thiếu nữ Trung Quốc mặc đồ lót gợi cảm quảng cáo cho bánh trung thu đắt giá.
 

Những bước căn bản của thiền quán

Khi chấp nhận thực hành thiền, chúng ta phải có niềm tin sâu sắc vào khả năng của tâm chúng ta ngay từ lúc khởi đầu và phải duy trì niềm tin ấy xuyên suốt toàn bộ quá trình thực tập thiền.
Ngày nay, Thiền tông đang phát triển nhanh ở nước Mỹ; ở những quốc gia phương Tây khác, thiền cũng được nhiều người quan tâm hơn, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, dù có nhiều người cảm thấy thích thú đối với thiền ngay từ lúc đầu, nhưng chỉ có một số ít người theo đuổi cho đến mục đích cuối cùng. Tại sao như vậy? Tại vì sự quan tâm của họ không được xây dựng trên nền tảng vững chắc, nhiều người đã từ bỏ sự theo đuổi đối với thiền giữa chừng. Sự quan tâm của họ chỉ đơn thuần là sự tò mò, đến rồi đi, vào rồi lại ra một cách dễ dàng như là sự thay đổi áo quần vậy. Để kiên trì theo con đường của thiền, thì ngay từ đầu cần phải biết và rèn luyện ba nhân tố cốt lõi của thiền tập.
Bước đầu tiên là phải có niềm tin sâu sắc
Khi chấp nhận thực hành thiền, chúng ta phải có niềm tin sâu sắc vào khả năng của tâm chúng ta ngay từ lúc khởi đầu, và phải duy trì niềm tin ấy xuyên suốt toàn bộ quá trình thực tập thiền. Tuy nhiên, niềm tin được đòi hỏi trong thiền tông khác nhiều so với niềm tin được yêu cầu trong những tôn giáo khác. Những tôn giáo khác yêu cầu chúng ta đặt niềm tin vào một đấng siêu nhiên và chúng ta phải đồng ý với một vài lời xác nhận liên quan đến bản chất, thuộc tính và hành động của đấng siêu nhiên ấy; chúng ta có thể gọi niềm tin theo kiểu này là niềm tin vào người khác. Ngược lại, niềm tin trong thiền là niềm tin vào chính mình. Theo như lời Đức Phật dạy, mọi chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật. Chúng ta chưa phải là những vị Phật tại vì chúng ta chưa khám phá ra được Phật tánh ấy. Niềm tin sâu sắc được nói đến trong Thiền tông là sự tin tưởng rằng Phật tính hiện hữu ở trong ta và với sự tu tập theo phương pháp mà Đức Phật đã dạy, ta có thể đạt đến sự chứng ngộ Phật tánh ấy. Để nhận chân được Phật tánh của mình là điều không đơn giản, đòi hỏi sự thực tập không ngừng nghỉ và sự chiến đấu cam go, trường kỳ ở trong bản thân chúng ta. Bởi vì thiền tập khó khăn như thế nên nhiều người đã bỏ giữa chừng, do thế nên không có nhiều vị Phật trên thế giới. Đấy chính là lý do tại sao cần phải có niềm tin sâu sắc. Điều đầu tiên và quan trọng nhất đó là tin vào khả năng tiềm ẩn bên trong chúng ta, tin rằng hạt giống của sự giác ngộ nằm ở bên trong chúng ta, và chúng ta không từ bỏ niềm tin này dù cho có gặp nhiều nội ma, ngoại chướng trên đường tu.
Chúng ta có thể tin là chúng ta có khả năng thành Phật không? Tại sao không? Đức Phật vốn cũng là một người bình thường như chúng ta. Ngài cũng có máu đỏ và nước mắt mặn, thân và tâm của Ngài cũng không khác so với chúng ta bao nhiêu. Khi Ngài chưa giác ngộ, Ngài cũng đã có những tình cảm thường tình, cũng có những lo âu, những sự mâu thuẫn và những điều hoài nghi. Nhưng nhờ sự tham thiền mà Ngài đã tự trau dồi và khám phá ra được Phật tánh của Ngài, vì thế Ngài đã thành Phật, một đấng Giác ngộ. Chúng ta cũng vậy, với tất cả những rắc rối, với tất cả những điểm yếu, những chướng ngại của mình, chúng ta vẫn có khả năng để trở thành một vị Phật. Nếu phát triển niềm tin này và theo đuổi nó cho đến đích điểm cuối cùng thì sẽ không có chướng ngại lớn lao nào mà chúng ta không thể vượt qua được.
Nhiều người cho rằng con người được tạo nên bởi hoàn cảnh môi trường. Theo Thiền tông thì con người tạo nên môi trường và vì thế mà chính con người kiến tạo bản thân họ. Bất cứ những gì chúng ta trở thành, với tư cách là những cá nhân, đều phụ thuộc vào tâm thức của chính chúng ta. Bất cứ những gì thế giới này trở thành, đều tùy thuộc vào tâm thức tập thể của mọi người. Thông qua xu hướng ý chí của chúng ta, khả năng cấu thành của tâm thức, chúng ta có thể thay đổi thế giới này trở thành một thế giới tốt hơn, thay đổi chính chúng ta trở nên những con người tốt hơn. Có một câu nói trong Thiền tông rằng: “Sanh tử là niết bàn, và niết bàn từ trong sanh tử”. Thế giới này là luân hồi sanh tử hay niết bàn đều hoàn toàn phụ thuộc vào trạng thái tâm thức của chúng ta. Nếu tâm chúng ta giác ngộ thì thế giới này là cảnh giới niết bàn; nếu tâm chúng ta chưa giác ngộ thì thế giới này là cõi luân hồi sanh tử, đầy khổ đau, lo âu và bất hạnh. Có một vị thiền sư đã nói, nước vốn có một tính chất mà thôi, nhưng nếu một con bò uống nước vào thì chuyển hóa thành sữa, trong khi một con rắn uống vào thì biến thành chất độc. Tương tự như vậy, cuộc đời này là hạnh phúc hay đau khổ đều tùy thuộc vào trạng thái tâm thức của chúng ta, chứ không phải tùy thuộc vào thế giới. Vì thế mà chúng ta phải tìm cách chuyển hóa tâm thức, phải để cho tâm đạt được trạng thái tỉnh thức, và điều này đòi hỏi một niềm tin sâu sắc ngay từ lúc sơ khởi, tin vào chính mình và tin vào sức mạnh tiềm tàng trong tâm chúng ta.
Nhân tố thứ hai trong Thiền tông là "đại nghi"
Phương pháp của thiền rất khoa học. Trong khoa học, chúng ta được chỉ dạy rằng đừng bao giờ tin bất cứ một điều gì trừ khi điều đó được chứng minh bằng thực nghiệm. Thiền cũng có quan điểm như vậy. Chúng ta không tin tưởng bất cứ điều gì một cách mù quáng; đúng hơn là bản thân chúng ta phải chứng minh tính đúng đắn của nó. Đức Phật dạy rằng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Nếu thế thì Phật tánh ấy ở đâu? Chính chúng ta phải khám phá điều đó và tiếp tục hoài nghi cho đến khi nào chúng ta khám phá ra nó mới thôi. Không có giá trị gì cả nếu như chúng ta chỉ học những lời dạy của Đức Phật như một con vẹt. Chúng ta phải xác chứng những lời dạy của Phật bằng cách tìm kiếm trong nội tâm của chúng ta cũng như kiếm tìm ở thế giới xung quanh ta. Vì thế mà hoài nghi là một phần rất quan trọng trong thiền tập. Một thiền sư, một giáo viên hay một vị tu sĩ có thể dạy nhiều thứ. Một vài điều trong đó chúng ta có thể tin, còn những điều khác có thể chúng ta không tin. Những gì được chấp nhận hay từ chối là tùy thuộc vào sự nhận định của chúng ta. Chúng ta có quyền đánh giá; thật sự mà nói thì tốt hơn hết là tự mình đánh giá. Chúng ta đi theo những gì chúng ta cho là tốt và từ chối những gì chúng ta cho là không tốt. Mặc dù thiền sư dạy những phương pháp thực tập thiền cho các học trò và định hướng cho sự phát triển của họ, nhưng thiền sư không bao giờ xem chính họ là một hành giả đứng giữa Đức Phật và con người hoặc là giữa niết bàn và sanh tử luân hồi. Thiền sư xem những lời dạy, những phương pháp của mình chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Chỉ như ngón tay dùng để định hướng cho việc nhìn thấy mặt trăng, cho nên những lời dạy của họ được sử dụng như là sự dẫn dắt để thấy chân lý. Và một khi chúng ta thấy được mặt trăng rồi thì chúng ta không cần bám theo chiều hướng của ngón tay nữa. Đôi khi vị thiền sư nói đúng, nhưng đôi khi vị ấy có thể không đúng. Vì vậy chúng ta không nên tin tưởng và đi theo chiều hướng của vị ấy một cách mù quáng, hãy kiểm tra nó bằng chính kiến thức và kinh nghiệm của mình. Nếu nó tốt cho bản thân chúng ta và cho người khác thì chúng ta có thể tin tưởng nó. Ví dụ, nếu một người không quen lắm với Los Angeles bị mất phương hướng, anh ta có thể lái xe vào một trạm xăng và hỏi nhân viên cây xăng là làm sao để đến được địa chỉ mà anh ta đang tìm kiếm. Đôi khi người nhân viên ấy đưa ra những hướng đi đúng, và người ấy lái xe đến đúng địa điểm cần tìm một cách dễ dàng. Nhưng cũng có đôi khi người tài xế được chỉ là đi về hướng Đông, trong khi đó sự đánh giá tốt hơn của anh ta nói với anh ta rằng, anh nên đi về phía Tây. Thế thì anh ta phải làm gì? Anh ta có nên tin vào người nhân viên và từ bỏ tất cả niềm tin vào chính mình? Hay là anh ta không nên làm thế, mà hãy tin vào sự nhận định tốt hơn của anh ta và tìm ra những phương hướng đúng ở một nơi khác? Vì thế, nếu chúng ta tìm kiếm lời khuyên của nhân viên ở trạm xăng, chúng ta nên chấp nhận lời khuyên ấy kèm theo một chút hoài nghi. Chúng ta nên nhận diện khả năng rằng anh ta có thể đúng hoặc anh ta có thể sai.
Cho nên yếu tố thứ hai trên suốt con đường thực tập thiền là nghi vấn và hoài nghi mọi thứ cho đến khi chúng được kiểm chứng. Yếu tố thứ hai này rất hữu ích. Tuy nhiên thái độ hoài nghi quá đáng lại cũng không tốt tí nào cả. Nhưng cần phải có thái độ hoài nghi. Có một thái độ hoài nghi được sinh ra từ quan điểm lý trí hạn hẹp, từ chối tin tưởng vào bất cứ điều gì và cảm thấy vui đối với việc duy trì một thái độ tiêu cực. Và có một loại thái độ hoài nghi lành mạnh, đấy là thái độ hoài nghi đưa chúng ta bước lên những bậc cấp trên con đường dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc hơn. Nếu chúng ta đi theo thái độ hoài nghi thứ nhất thì chúng ta sẽ hoài nghi về chính tiềm năng bên trong của chúng ta, về khả năng thành Phật của chúng ta, cũng như hiệu quả của những sự thực tập được đưa ra để dẫn dắt chúng ta đến đích. Loại hoài nghi này chỉ dẫn đến một cái đích tiêu vong. Nhưng nếu chúng ta đi theo loại hoài nghi phóng khoáng hơn, giữ cho tâm chúng ta luôn cởi mở và đánh giá mọi thứ một cách có phê bình để rồi xác định là nó đúng hay sai, điều đó quả thật rất hữu dụng. Chẳng hạn, khi một thiền sư nói với một nhà tâm lý học rằng, tham thiền có thể giúp những người bị tâm bệnh hoặc bị căng thẳng, nhà tâm lý học ấy sẽ không vội tin những gì vị thiền sư nói, ông ta sẽ đặt câu hỏi cho vấn đề đó. Ông ta sẽ kiểm tra giả thuyết này và thậm chí là dùng các công cụ để kiểm nghiệm. Chỉ sau khi lặp đi lặp lại việc kiểm tra, thử nghiệm, ông ta mới đi đến kết luận. Tương tự như vậy, khi chúng ta thực tập thiền, câu hỏi chúng ta nên đặt ra là: tại sao tôi phải tọa thiền? Nếu tôi tiếp tục thực tập theo phương pháp này thì tôi sẽ đạt được kết quả gì? Tiếp tục trả lời, hỏi và thực hành. Một lúc sau, nếu chúng ta nhận thấy rằng tham thiền giúp làm chủ tâm, rằng tham thiền giúp chúng ta hiểu bản thân và hiểu người khác nhiều hơn, rằng nó dẫn đến sự điềm tĩnh, lòng khoan dung, niềm hạnh phúc và sự thanh bình thì chúng ta tiếp tục thực tập. Còn nếu nó không đem đến lợi ích gì thì chúng ta có nên tiếp tục thực tập không? Có lẽ những pháp tu khác sẽ tốt hơn. Vì thế chúng ta phải đặt nghi vấn và hoài nghi. Chính những kinh sách về thiền cũng đã dạy rằng: “Đại ngộ xuất phát từ đại nghi”.
Yếu tố cốt lõi thứ ba là sự quyết tâm mạnh mẽ
Sau khi chúng ta đã giải quyết xong những hoài nghi của mình và đã sẵn sàng để bắt đầu quá trình thực tập, chúng ta phải nâng cao tinh thần quyết tâm. Chúng ta phải tạo ra sự kiên định vững vàng để tiến về phía trước và tiếp tục thực tập dù cho bao nhiêu chướng ngại mà chúng ta có thể gặp phải trên đường tu của mình. Chúng ta phải phát nguyện không bao giờ từ bỏ, ngược lại còn tinh tấn thực tập. Để phát triển sự quyết tâm mạnh mẽ, chúng ta phải kiên nhẫn và nghiêm khắc với chính mình. Nếu thiếu những thứ này, khi chúng ta vấp phải những khó khăn trong việc thực tập thiền, chúng ta sẽ nghi ngờ về khả năng đạt được sự giác ngộ của mình và sẽ sớm từ bỏ. Do vậy, chúng ta không bao giờ đạt đến đích của mình. Chúng ta không được nôn nóng về những thành quả của sự tu tập, bản thân chúng ta phải nghiêm khắc để thực tập mà không có sự mong cầu, cũng không dự phòng. Như Khổng Tử đã nói: “Không mong cầu sớm đạt được kết quả, cũng không trông đợi những điều lợi nhỏ”. Nếu ai tìm kiếm những kết quả nhanh chóng, người ấy sẽ không đạt đến kết quả tuyệt đối. Nếu người nào bị dẫn đi lạc đường bởi những lợi ích nhỏ thì người đó sẽ không bao giờ đạt được những thứ lớn lao. Nói chung, đối với người phương Tây, thật khó cho họ khi thực tập mà không hướng đến những kết quả ngay tức thì. Một vị thiền sư người Nhật đã từng nói: “Con đường học thiền không giống như con đường học vấn ở trong trường đại học. Chúng ta không xác định một khoảng thời gian để luyện tập rồi sau đó nhận văn bằng tốt nghiệp. Học thiền không phải là vấn đề vài tháng, vài năm mà là suốt cuộc đời. Có thể bạn xem tôi như là một vị thầy, nhưng tôi lại xem bản thân tôi như là một học viên và thực tập mỗi ngày”. Hầu hết những người phương Tây luôn sống trong sự vội vàng. Khi đến với thiền, họ thực tập rất khó khăn trong thời gian đầu, nhưng khi không đạt được những kết quả nhanh chóng thì họ lại từ bỏ. Cho nên chúng ta không được mong chờ những con đường tắt. Nếu chúng ta trông đợi những con đường tắt thì chúng ta sẽ không duy trì được lâu.
Thiền trong Phật giáo không hứa hẹn bất kỳ con đường tắt nào cả. Các con đường tắt có thể đem đến những kết quả nhanh chóng, nhưng chúng không kéo dài và chúng cũng không có ảnh hưởng lâu bền đối với đời sống của một người được. Trong thiền tập, chúng ta phải nghiêm khắc với chính mình mỗi ngày, thực tập và nâng dần từng bước chứ không từ bỏ giữa chừng. Thông qua hành thiền, chúng ta không chỉ có được những trải nghiệm đích thực hơn mà còn khiến cho những trải nghiệm ấy tồn tại lâu hơn với chúng ta. Chúng sẽ được hòa quyện vào trong cuộc sống của chúng ta, tạo ra những thay đổi đáng kể theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp hơn, tiến dần đến sự thực chứng và giác ngộ. Và điều quan trọng nhất là những thay đổi này do chính chúng ta tạo ra.
Chỉ có một loại tốt nghiệp trong việc học thiền, đấy chính là đạt được sự giác ngộ tối thượng, thành Phật. Tuy nhiên, dù trong chúng ta ai cũng có Phật tánh, nhưng thành Phật thì không phải dễ. Điều này không chỉ xảy ra đối với chúng ta mà đối với chư Phật cũng thế. Chính Đức Phật đã nói: “Trên vũ trụ này, không có một điểm nhỏ như hạt cải nào trên mặt đất này mà Ngài chưa từng hy sinh tánh mạng hoặc là chưa từng bị chôn vùi xương ở đấy”. Thật khó tưởng tượng không biết bao nhiêu kiếp Ngài đã tái sinh trong vũ trụ này, trau dồi trí tuệ và đức hạnh để đạt được Phật quả. Vô số lần, không chỉ trong quá khứ mà cả trong đời hiện tại, Ngài đã dành trọn 6 năm để tu khổ hạnh và 49 ngày đêm tọa thiền. Ngài Bồ-đề Đạt-ma cũng đã thực hành 9 năm sau khi đến Trung Quốc. Đối với vấn đề này, một số vị thiền sư khuyên rằng, nếu tâm được xem như là một cái gương soi thì “hãy giữ cho nó luôn được sạch sẽ, đừng để bụi bám lên nó”. Nói cách khác, các thiền sư khuyên hành giả phải thực tập thiền mỗi ngày, đừng bao giờ rút ngắn, đừng bao giờ từ bỏ mà hãy tiếp tục.
Trong truyền thống của nhà thiền, đặc biệt là trong đời sống ở thiền viện, người tu thường sắp xếp một khoảng thời gian nhất định cho việc thực tập thiền chuyên sâu. Những khoảng thời gian này gọi là “nhập thất”, có thể là 3 ngày, một tuần, 3 tuần, 3 tháng hoặc lâu hơn. Trong thời gian nhập thất, thiền sinh phải sắp xếp thời gian để tham vấn thiền sư, để nói lên những nghi vấn và trình bày những điều mà thiền sinh hiểu hoặc là những kết quả đạt được. Trong hầu hết các trường hợp, khi thiền sinh trình bày kiến giải của họ, các thiền sư đều trả lời: “Chưa được, cần phải thực tập nhiều hơn nữa”. Thiền sư phải nói như thế. Nếu như thiền sư tán đồng, thế là hết, không còn gì thêm nữa. Họ phải nói chưa đạt để khuyến khích các thiền sinh thực tập. Nếu người nào không hiểu về phương pháp tu thiền, họ sẽ bị thất vọng và từ bỏ, không bao giờ thực tập trở lại. Nhưng nếu thiền sinh hiểu rõ lối giáo dục này, họ sẽ không bị thất vọng, ngược lại còn tiếp tục thực tập với quyết tâm mạnh mẽ hơn. Câu trả lời “chưa được” mà thiền sư nói với thiền sinh không có ý chối bỏ, mà là một cách để khuyến khích thiền sinh tiến về phía trước, cố gắng nhiều hơn nữa. Thiền sư không muốn học trò của mình dừng lại trong sự hài lòng với những thành quả nhỏ bé, với tâm từ bi, họ muốn hướng dẫn cho người học trò trên lộ trình từ bến mê đến nơi bờ giác, từ trầm luân sanh tử đến niết bàn an vui. Vì thế, quyết tâm dũng mãnh là rất quan trọng. Hành thiền là một quá trình lâu dài trong suốt cuộc đời. Cũng giống như việc chúng ta hít thở và ăn uống mỗi ngày, chúng ta phải thực tập thiền mỗi ngày. Cả hai vấn đề hít thở và ăn uống đều rất quan trọng cho cuộc sống, và hành thiền cũng vậy. Thiền định giúp cho chúng ta giữ được sự cân bằng trong cuộc sống, hiểu hơn về chính mình, về bản chất của cuộc đời. Thiền tạo ra nền tảng vững chắc cho sự hòa hợp giữa ta và người, giữa ta và vũ trụ. Vì thế, thiền không phải là vấn đề trong một vài ngày, vài tuần, vài tháng, vài năm, mà là vấn đề của cả cuộc đời mình. Nếu chúng ta có quyết tâm mạnh mẽ trong sự thực tập, không còn hoài nghi thì chúng ta sẽ đạt được kết quả cuối cùng, trạng thái giác ngộ, thực chứng với trí tuệ siêu việt và từ bi vô lượng. 
(Trích dịch từ sách “Zen philosophy and zen practice” của HT. Thích Thiên Ân, do Dharma Publishing California xuất bản, 1975).

Minggu, 29 September 2013

Chưa đoạn được tâm dâm dục thì không lúc nào được biếng nhác

Khi chưa dứt được sanh tử, chưa đoạn được tâm dâm dục, thì chúng ta không lúc nào được biếng nhác...
Những kẻ xuất gia mà "tâm nghĩ một đằng, miệng nói một nẻo" thì có xứng đáng là Tăng Bảo hay không?
Người xuất gia dù ở bất cứ đâu cũng đều phải giữ vững giới luật. Khi chưa dứt được sanh tử, chưa đoạn được tâm dâm dục, thì chúng ta không lúc nào được biếng nhác, buông lung, phóng túng.
Ðức Phổ Hiền Bồ Tát dạy rằng:
"Một ngày đã hết, mạng cũng giảm dần, 
Như cá cạn nước, thử hỏi vui gì? 
Ðại chúng ! Hãy siêng tinh tấn, như đầu bị đốt,
Chỉ nhớ vô thường, chớ mặc buông lung!". 
Người xuất gia chúng ta phải biết quý trọng từng giây từng phút. Hãy nhớ rằng: 
Một tấc thời gian: một tấc vàng, 
Tấc vàng khó chuộc tấc thời gian. 
Thời gian quý báu như thế, cho nên chúng ta không được lãng phí. Mỗi người đều phải dụng công tu hành, phải tinh tấn hơn nữa, thì mới mong có được sự thành tựu. Phàm là kẻ dụng công tu hành thì không có thời giờ để nói chuyện thị phi, chẳng có thời giờ để làm những việc lăng xăng, làm gián đoạn sự tu hành. Về điểm này. tôi hy vọng mọi người hãy chú ý. 
Khi tôi thấy những người không chịu tu hành thì tôi cảm thấy vô cùng đau xót. Như thế chẳng phải rằng họ đã không thực hành thệ nguyện mà họ đã lập lúc ban đầu, khi mới xuất gia tu hành hay sao? Những kẻ xuất gia mà "tâm nghĩ một đằng, miệng nói một nẻo" thì có xứng đáng là Tăng Bảo hay không? Tôi mong rằng các vị đều biết tự trọng!
HT.Tuyên Hóa

Sabtu, 28 September 2013

Mỹ nhân Việt sexxy

Không biết tự bao giờ, khoe thân táo tợn đã thành mốt của một bộ phận sao Việt.



Linh hồn không có: Sự màu nhiệm của những bàn tay

Thường con người ai cũng có tưởng uẩn nhưng tưởng uẩn vẫn nằm im lìm không hoạt động, chỉ khi nào có một cú “sốc” chết đi sống lại thì tưởng uẩn mới hoạt động như nhà ngoại cảm Bích Hằng bị chó điên cắn.
Mùa thu năm 1989 tại Athen, thủ đô Hy Lạp, đã tiến hành Hội nghị Quốc tế về những phương pháp trị bệnh ngoài tiêu chuẩn. Tại hội nghị này người ta trao  đổi và tặng cho cô Djouna Davitasivili huy chương vàng của Viện Hàn Lâm Ngoại giao Liên hợp quốc, và huy chương “Tiến sỹ y học”. 
Vậy cô Djouna là ai và có gì đặc biệt để xứng đáng được hưởng những phần thưởng cao quý này? 
Cô Djouna sinh ra và lớn lên ở Cuban (Liên Xô cũ), hồi nhỏ cô đã cảm thấy có khả năng kỳ lạ mà người khác không có. Cô có khả năng trị các bệnh (cho bạn bè và người thân) như cục bướu, mụn cơm, hay cầm máu cho những vết thương nhẹ. Ở thôn quê, nơi cô sinh sống, những bệnh lặt vặt đều được chữa trị bằng đôi tay của Djouna. Dù thời đó, người ta sẵn sàng kết luận là ma quỷ đồng bóng,nhưng mọi người không cho cô bé Djouna là phù thủy, vì trên thực tế cô chữa hết bệnh bằng tay không. Và với đôi bàn tay nhiệm mầu này, Djouna đã cứu cha mình khỏi tử thần vì ông lên cơn động kinh lớn do chấn thương sọ não. Cô chỉ vuốt lên đầu người cha khi ông ngất đi, và ông đã khỏi. 
Lớn lên Djouna vào đại học y khoa. Cái kiến thức y học giúp cô chữa trị tốt hơn. Với đôi tay mầu nhiệm, Djouna có thể chuẩn đoán bệnh mà không cần thiết bị dụng cụ y tế. Djouna đã đạt đến điểm cốt yếu: “Tất cả những gì đang sống đều phải có một môi trường sinh vật học.” 
Song nó tượng trưng cho cái gì? Điều đó còn huyền bí. 
Khi người ta không hiểu tại sao đôi bàn tay trị bệnh mầu nhiệm của Djouna như thế nào nên dùng những danh từ mù mờ để che lấp những gì khoa học và tri thức của con người chưa biết “Tất cả những gì đang sống đều phải có một môi trường sinh vật học.”Những danh từ môi trường sinh vật học người ta không thể hình dung được sự sống trong vũ trụ, nhưng khi nói đến sự sống trong vũ trụ do một vòng tròn 12 nhân duyên, hễ duyên này có thì duyên kia có và khi hợp đủ 12 duyên thì thế giới đau khổ hiện bày. Nếu 12 duyên này bắt đầu diệt một duyên thì các duyên kia đồng thời diệt theo và như vậy thế giới khổ đau sẽ bị diệt. Cho nên nói môi trường sinh vật học là những danh từ khoa học. Vậy đôi tay của Djouna là môi trường sinh học gì? 
Khi người ta không trả lời được thì bảo rằng đó là Tâm Linh. Vậy tâm linh là cái gì? Có phải chăng Tâm Linh là những gì mà con người không thể giải thích được phải không? Đúng vậy khi những gì không giải thích được thì chỉ còn biết dùng những từTâm Linh để tránh né sự ngu dốt, sự không hiểu biết của mình. Con người rất kỳ lạ, cái gì không hiểu, không giải thích được thì phủ nhận hoặc cho đó là Tâm Linh chứ không chịu khó tìm hiểu những điều Kỳ Lạ đó là do cái gì làm ra. 
Theo chúng tôi nghĩ trên đời này không có cái gì Kỳ Lạ và cũng không có cái gì Mầu Nhiệm. Những kỳ lạ và mầu nhiệm là vì chúng ta chưa hiểu biết mà thôi. Có rất nhiều chuyện về đôi tay, vậy chúng ta hãy đọc tiếp “Sự Mầu Nhiệm Của Đôi Bàn Tay.” 
Vài nhà bác học và hầu hết những người không tin những điều kỳ lạ này đều phủ nhận. Nhưng đối với Djouna tuy không giải thích được nhưng nó vẫn nó tồn tại. Đối với mọi người dù tin hay không tin nhưng đôi bàn tay trị bệnh của Djouna trị bệnh thì nó vẫn trị được bệnh. Với bàn tay mình, Djouna điều trị được một số bệnh với chứng thực khoa học. Cô đã giúp các bác sĩ xác định đúng căn bệnh, phương pháp trị liệu tốt hơn. Năm 1988, tại Matxcơva đã xuất hiện cuốn sách “Tôi nghe bàn tay mình” của Djouna (Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật Hà Nội dịch và xuất bản năm 1995). Cuốn sách này nói về khả năng Thiên Phú Tuyệt Vời và nỗi đau của chị khi chưa được công nhận, vì có nhiều người hiểu sai rồi bài xích. Viện giám định Quốc gia Liên Xô năm 1989 đã quan tâm đến những kết luận của Bộ Y tế, chính thức công nhận phương pháp chữa bệnh bằng đôi bàn tay của Djouna. Thế nhưng Djouna vẫn chỉ là người duy nhất có hai bàn tay mầu nhiệm qua ngần ấy năm. Cô vẫn chưa hiểu nguyên nhân vì đâu mà có và chưa thể huấn luyện lại cho người khác hay cho cộng đồng biết chữa bệnh. Không hề có thế hệ thứ hai của Djouna biết chữa bệnh. Đúng vậy chính Djouna tự không biết đôi tay của mình làm sao mà có khảnăng trị bệnh như vậy. Hầu hết mọi người trên thế gian này cũng không hiểu biết huống là Djouna. Những điều khó hiểu này chỉ có những người am tường Phật giáo tu hành chứng đạo thì biết rất rõ sự mầu nhiệm này từ đâu lưu xuất ra. Sự mầu nhiệm này thật sự thì không mầu nhiệm chút nào cả, nếu chúng ta biết rằng Tưởng Uẩn trong thân chúng ta làm ra những sự mầu nhiệm này thì không còn gì là mầu nhiệm được nữa. 
Theo Phật giáo, trong thân người có Năm Uẩn, Sắc Uẩn hoạt động thì con người sống bình thường không có cái gì là mầu nhiệm cả, chỉ khi nào Tưởng Uẩn hoạt động thì tri thức con người không giải thích được nên gọi nó là Mầu Nhiệm. Nếu Tưởng Uẩn hoạt động nơi căn nào thì căn đó mầu nhiệm. Như Djouna thì Tưởng Uẩn hoạt động nơi đôi tay nên đôi tay của Djouna trị hết bệnh cho mọi người. 
Ở Việt nam có một thời xuất hiện một ông thầy trị bệnh bằng nước lã, ông ta chỉ dùng tay mình rờ vào chai hoặc ly nước rồi cho người bệnh uống là bệnh 
hết, rồi lại có xuất hiện một ông thầy lá cây, cứ ông ta rờ lá cây bất cứ lá cây nào, khi được tay ông ta rờ vào rồi đem về nấu uống là hết bệnh. Tất cả những hiện tượng này xảy ra đều do Tưởng Uẩn hoạt đông. Khi người ta không hiểu thì cho rằng: “Bao sự kỳ lạ quanh ta mà khoa học hiện đại chưa có lời giải trình thỏa đáng.”Trái tim Thích Quảng Đức, nhục thân Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường để lại đang thờ tại chùa Đậu đâu có gì là lạ mà chỉ là sựkhông hiểu biết của mọi người mà thấy kỳ lạ. 
Khi trái tim của Hòa Thượng Thích Quảng Đức đốt không cháy là do Tưởng Uẩn của Hòa Thượng Thích Quảng Đức xen vào hoạt động trong khi ý chí dũng cảm ngút ngàn của Hòa Thượng quyết liệt chống lại chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo của gia đình trị Ngô Đình Diệm. Còn nhục thân của Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường được duy trì đến ngày nay còn để lại như hai bộ xương khô cũng là do Tưởng Uẩn của hai Ngài, khi còn sống hai Ngài tu tập thân tâm đều rơi vào Không Tưởng Định nên Tưởng Uẩn của hai Ngài hoạt động tác dụng vào thân nên khi chết nhục thân hai Ngài không bị hoại diệt, sình trương hôi thối như các thân người khác. Cho nên khi biết Tưởng Uẩn thì cuộc sống quanh chúng ta đâu còn cho là Bí Ẩn Kỳ Lạ, đâu còn cho là Tâm Linh. 
Có một nhóm người không hiểu biết Tưởng Uẩn nên khi nghe nói đôi tay trị bệnh của Djouna thì tuyên bố ở Việt Nam sẽ có những người biết dạy cho nhau cách tạo ra và sử dụng năng lượng sinh học (mà gọi là “nhân điện”, “ngoại cảm”, “trường sinh học”…) để chữa bệnh bằng đôi tay mầu nhiệm, nhất là từnăm 1991 tới nay. 
“Phương pháp chữa bệnh bằng năng lượng sinh học (nhân điện) đã được các nước trên thế giới công nhận như Liên Xô, Mỹ, Venezuela… Tính đến nay, ở nước ta có hàng ngàn đôi bàn tay mầu nhiệm như vậy. Gia đình Nhân điện Việt Nam ra đời theo quy luật khách quan và nhu cầu bức thiết của cuộc sống đời thường. Bước đầu những người có “đôi bàn tay mầu nhiệm” làm từ thiện, chữa bệnh cho những ai tự nguyện, kể cả các trường hợp đã cùng đường, sau khi qua nhiều bệnh viện, nhiều thầy thuốc. 
Theo những tư liệu mà một số cơ sở nhân điện ở Việt Nam còn lưu giữ được (hồ sơ bệnh án, ảnh chụp, băng video, thư cảm ơn, giấy xác nhận…) thì họ đã tựchữa hoặc chữa cho người khác khỏi hoặc đỡ hẳn một số chứng bệnh như: hội chứng đau (đầu, cổ, lưng, tứ chi, bụng, ngực…) mất ngủ kéo dài, suy nhược, cao huyết áp, thấp khớp, hen suyễn, động kinh, suy tim, viêm tấy phần mềm… Vậy đấy, những điều bình thường đang xảy ra trong cuộc sống quanh ta, trong đó có những bàn tay mầu nhiệm chữa bệnh bằng nhân điện - Năng lượng sinh học.” GS.TS. NGUYỄN ĐÌNH PHƯ (Trong tập “Nhân điện - những phát hiện và ứng dụng” NXB VHTT 1996). 
Chúng ta đã nghe GS. TS. Nguyễn Đình Phư quảng cáo Nhân Điện như bài viết trên đây. Vậy nhân điện là gì? Người ta cứ nghĩ rằng trong mỗi thân con người có những dòng điện vô hình nhưng luyện tập có kết quả thì dùng nó sẽ trị được nhiều thứ bệnh. Khi luyện tập họ dùng cái gì để luyện tập, vì là nhân điện vô hình thì không thể dùng ý thức được, cho nên họ dùng TƯỞNG UẨN để tập luyện khi thành công trị bệnh được có phải là do TƯỞNG UẨN không? 
Cô Djouna không dùng TƯỞNG UẨN luyện nhân điện mà tự đôi tay cô có công năng trị hết tất cả các thứ bệnh thì như vậy đâu phải là nhân điện. Khi quý vị luyện tập nhân điện thì quý vị cho cái gì trị bệnh đều là nhân điện hết sao. Trước khi có nhân điện quý vị đã dùng TƯỞNG UẨN để luyện tập như thế nào quý vị biết không? Nếu quý vị quả quyết có nhân điện trị bệnh mà bệnh nào cũng hết thì từ khi có nhân diện đến bây giờ thì bệnh viện sẽ đóng cửa vì còn aiđến bệnh viện trị bệnh. Quý vị đừng quảng cáo ca ngợi nhân điện nhiều quá mà thành quý vị nói không thật. Hiện giờ quý vị cứ đến bệnh viện mà xem. Bệnh viện không còn giường cho bệnh nhân nằm. 
Nhân điện do luyện tập bằng TƯỞNG UẨN mới có nhân điện. Cho nên khi trị bệnh không phải bệnh nào cũng hết. Bệnh nhân nào hết bệnh là bệnh nhân ấy phải hợp với TƯỞNG UẨN của người trị bệnh tức là TƯỞNG UẨN người trị bệnh và người bệnh phải tương ưng còn nếu không tương ưng thì không bao giờ hết bệnh. 
Đôi tay của Djouna tuy trị hết bệnh nhưng bệnh nhân nào có TƯỞNG UẨN tương ưng với TƯỞNG UẨN đôi tay của Djouna thì mới hết bệnh. Nên khi TƯỞNG UẨN không hoạt động thì đôi tay không còn mầu nhiệm trị bệnh được nữa. Hầu hết những người trị bệnh bằng TƯỞNG UẨN thì chỉ có thời gian rồi sau đó không còn trị được ai cả. 
Do biết TƯỞNG UẨN nên chúng ta không thấy có TÂM LINH, có sự MẦU NHIỆM mà đó chỉ là một sự hoạt động tự nhiên NĂM UẨN của con người. Nhưng tại sao người có TƯỞNG UẨN hoạt động mà cũng có người TƯỞNG UẨN không hoạt động. 
Thường con người ai cũng có TƯỞNG UẨN, nhưng TƯỞNG UẨN vẫn nằm im lìm không hoạt động, chỉ khi nào có một cú “sốc” chết đi sống lại thì TƯỞNG UẨN mới hoạt động như nhà ngoại cảm Bích Hằng bị chó điên cắn. 
Theo chúng tôi hiểu biết hiện giờ có một số người có khả năng TƯỞNG UẨN hoạt động. Để chứng minh được những điều này chúng ta nên nghiên cứu lại những chuyện đã xảy ra được báo chí và được viết ra thành sách. Chúng ta hiện giờ chỉ chịu khó nghiêm cứu thì sẽ biết rõ những điều kỳ lạ và mầu nhiệm. 
Thích Thông Lạc

Duyên khởi: 7) Ái dẫn đến thủ

Do duyên ái, thủ khởi sanh. Tiếng Pàli: Upàdàna, là từ ghép của Upa: Mạnh mẽ, hết sức, và Adàna: Nắm giữ, cầm lấy. Vì vậy, nó có nghĩa là nắm giữ chắc hay sự khao khát mạnh mẽ, không rời. Thủ có bốn loại:1- Dục thủ. 2- Kiến thủ. 3- Giới cấm thủ. 4- Ngã ngữ thủ.
1. Dục Thủ
Các cảnh dục kích thích lòng ham muốn của tất cả chúng sanh chưa thoát khỏi dục ái. Những cảnh này có năm: Sắc, thinh, hương, vị và xúc.
Hình sắc là cảnh có tánh chất khả ái và hấp dẫn đối với con mắt. Nó có vẻ đẹp tự nhiên hoặc xem ra đẹp đối với mắt người xem. Cảnh sắc khả ái, dầu có thật hay chỉ bên ngoài, đều được tìm thấy trong những người đàn ông, đàn bà và nơi hàng tiêu dùng. Ðó là hình tướng của những nữ nhân làm hấp dẫn người nam và ngược lại. Những vật mà những người nam và người nữ ưa thích là quần áo, đồ trang sức, xe hơi v.v... Sự kích thích lòng ham muốn không chỉ ở nơi hình tướng hoặc màu sắc. Người đàn ông và đàn bà thu hút lẫn nhau không phải chỉ ở nơi nước da, mà cả toàn thân của phái khác, và hàng tiêu dùng cũng làm cho người ta khởi lên lòng ham muốn như thế. Hình sắc hoặc màu chỉ để giới thiệu vật ưa thích, cũng như tiếng kêu của con thú giúp người thợ săn định hướng và tìm ra nó.
Âm thanh, một cảnh dục khác, được biểu lộ qua giọng nói của người đàn ông hay đàn bà, lời ca hay tiếng nhạc. Một số âm thanh và giọng nói quả thực ngọt ngào. Lại nữa, không chỉ âm thanh làm hấp dẫn chúng ta, vì khi chúng ta nghe một âm thanh hay giọng nói nào đó, thì toàn thể vật phát ra âm thanh hay lời nói đều trở thành đối tượng tham ái của chúng ta.
Mùi cũng là một nguồn dục lạc, bao gồm tất cả các loại hương thơm, mùi của các loại gia vị, bột thơm, nước hoa. Ðàn ông, đàn bà thường xức những chất thơm vào người và vui thích chúng, và không chỉ những mùi thơm mà toàn thể vật hay người phát ra mùi thơm cũng làm hấp dẫn người ta.
Dục lạc, mà chúng ta có qua việc ăn uống, có nguồn gốc ở đồ ăn và thức uống.
Vị ngon có thể là thực hoặc chỉ bề ngoài. Ðối với loài heo, chó và những con thú khác thì rác rưởi, vật dơ, có thể là nguồn dục lạc của chúng. Một số người rất thích đồ ăn cay hoặc kích thích. Số khác thì thích các chất say. Dục lạc của họ chỉ có vỏ bên ngoài hơn là có thực, vì người bình thường không hưởng cái hương vị có hậu. Khoái lạc của việc ăn không phải nơi vật thực; Nó cũng tùy thuộc vào việc sửa soạn món ăn và do người đàn ông hay đàn bà biến chế chúng. Ðiều này có thể thấy ở người đàn ông thích ăn vật thực do vợ nấu, dầu đối với người khác thì tài nấu nướng của nàng chẳng kể vào đâu.
Một nguồn dục lạc khác là thân hay sự xúc chạm. Giường nệm êm ái, y phục đúng mùa, thân của phái khác. Tất cả những thứ này đều là đối tượng của sự xúc chạm, không chỉ tạo ra sự ưa thích đối với sự xúc chạm mà ở toàn thân của người hay vật. Sự xúc chạm mở đường cho sự tham luyến toàn thân vật xúc chạm.
Những Cơ Sở Của Dục Lạc
Như vậy, có những đối tượng là chúng sanh hoặc không phải chúng sanh hình thành những nguồn dục lạc. Lại có những thứ như vàng, bạc, vật trang sức, gạo, gia súc, xe cộ, nhà cửa, đất đai, người hầu kẻ hạ. Người ta làm việc hằng ngày để kiếm về những nguồn dục lạc này. Họ tầm cầu những thứ này cốt để có đồ ăn ngon, y phục đẹp và nhà cửa tiện nghi, để xem biểu diễn v.v...
Dục ái thường dẫn đến dục thủ. Khi một người bắt đầu hút thuốc, anh ta thích thói quen này, nhưng vì thói quen ấy càng ăn sâu trong người nên anh ta trở thành con sâu nghiện. Như vậy, chúng ta sẽ vô cùng thích một số cảnh nào đó và chúng ta cảm thấy không yên, nao nao, nếu chúng ta không có được chúng. Bằng cách này, ái tiến đến thủ.
Thủ không thể sanh khởi nếu không có ái. Tiếng nhạc và bài ca của người nước ngoài không hấp dẫn lỗ tai người Miến Ðiện Ðiện và vì thế không gây sự say mê trong họ. Người Miến Ðiện Ðiện không ăn thịt chó. Thịt chó có tánh chất ghê tởm đối với họ và vì vậy thủ đối chó không hề có đối với họ.
2. Kiến Thủ
Một loại thủ khác là kiến thủ. Ðó là sự bám chấp theo tà kiến. Nó bao gồm tất cả tà kiến, không kể những tà kiến trong loại thủ thứ ba và thứ tư. Bởi vậy mọi tà kiến đều được xem là thủ. Ở đây, chúng ta sẽ mô tả chi tiết những tà kiến ăn sâu trong mọi người.
Tà kiến thứ nhất cho rằng sự bố thí không phải là thiện nghiệp mà chỉ là sự phung phí tiền bạc. Tà kiến này phủ nhận giá trị và quả của thiện nghiệp. Thực ra nó chẳng có cơ sở nào cả. Hành động bố thí khiến người cho hoan hỷ. Nó đem lại lợi ích về vật chất lẫn tinh thần đến người thọ nhận và nó có thể giúp người ta vượt qua cơn đói. Người cho được mọi người tôn trọng và biết đến. Sau khi chết người ấy được sanh về thiên giới. Thật khó thuyết phục những kẻ hoài nghi về quả báo ở đời sau nhưng các quả nghiệp thuộc thế giới khác lại lọt vào tầm thấy của các vị A-la-hán và những vị thánh khác qua năng lực thần thông của Ngài. Một trong những loại thần thông này là thiên nhãn thông. Loại thần thông này có thể giúp người ta thấy được những người bố thí đang hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên, hoặc những người ác, không bố thí đang chịu khổ ở các đọa xứ. Các vị hành giả, dầu chưa có thần thông nhưng đã tiến bộ nhiều về định, cũng có thể nhìn thấy như vậy.
Loại tà kiến thứ hai cũng là sự phủ nhận những lợi ích của sự bố thí ở phạm vi rộng lớn.
Loại tà kiến thứ ba phủ nhận kết quả lành của việc tiếp khách, cho quà biếu vào ngày tết v.v... Quan điểm này chỉ về những hành động bố thí nhỏ, thịnh hành ở Ấn Ðộ cổ xưa và nhóm ngoại đạo xem những bố thí ấy là vô ích.
Quan điểm thứ tư phủ nhận kết quả của thiện nghiệp hoặc ác nghiệp.
Ngay trong kiếp sống này, người ta cũng có thể thấy kết quả của những việc làm của con người về mặt đạo đức. Còn nói về quả nghiệp ở thế giới bên kia thì những người có thiên nhãn mới chứng thực được điều ấy. Nhưng những người quá say mê dục lạc thì thích buông thả theo tham muốn của họ. Họ biểu lộ sự bất bình đối với những giá trị và ý tưởng về đạo đức, vì họ nghĩ rằng những điều ấy là chướng ngại cho sự tiến bộ vật chất của họ. Bởi vậy, họ đưa ra nhiều lập luận để phản đối nghiệp báo. Xét cho cùng thì tất cả điều này là do lòng ham muốn dục lạc quá mức của họ.
Tà kiến thứ năm và thứ sáu phủ nhận công ơn của cha mẹ đối với con cái. Tà kiến này chủ trương rằng việc có con của hai vợ chồng chẳng qua là do sự thỏa mãn tình dục một cách ngẫu nhiên của họ, rằng họ nuôi con cái như là bổn phận phải làm, và vì vậy chẳng có lý do gì để con cái phải nhớ ơn cha mẹ. Cho nên những người theo tà kiến này chủ trương rằng giúp đỡ cha mẹ chẳng phải là điều tốt, và bỏ bê cha mẹ cũng chẳng phải là điều xấu. Thật là một quan kiến tệ hại. Những người chấp theo tà kiến này sẽ không được con cái tôn trọng.
Tà kiến thứ bảy phủ nhận sự hiện hữu của thế giới khác ngoài cõi người và cõi súc sanh. Nó cũng phủ nhận niềm tin rằng con thú có thể tái sanh làm người.
Tà kiến thứ tám phủ nhận việc con người tái sanh vào cõi chư thiên, súc sanh hoặc địa ngục. Nó chủ trương sự đoạn diệt sau khi chết.
Tà kiến thứ chín phủ nhận sự hoá sanh. Nói cách khác, nó phủ nhận sự hiện hữu của chư thiên, ngạ quỉ, A tu la v.v..., là những kẻ xuất hiện với thân hình đầy đủ mà không qua trung gian của sự thọ thai. Quan điểm này không thể biện hộ được, bởi vì những vị phi nhân thiện hoặc ác cũng hiện ra cho người ta thấy. Có những người lên đồng và những thầy bùa có thể triệu về những vị phi nhân, và những vị chư thiên, phạm thiên đôi khi cũng hiện rõ trước mắt vị hành giả tu minh sát.
Quan điểm cuối cùng là không có sa môn hay Bà la môn nào nói về thế giới này và thế giới bên kia, và thực hành đúng với những gì họ nói ra. Quan điểm này ám chỉ rằng không có người nào có thể nói một cách độc lập về thế giới này và thế giới bên kia, dựa vào kinh nghiệm phi thường thực có của vị ấy, rằng tất cả giáo lý của họ chỉ là sự phỏng đoán và suy luận cho nên có tính chất huyền hoặc.
Ngày nay, quan điểm này được lan rộng bởi những người phỉ báng tôn giáo. Họ phủ nhận sự hiện hữu của chư Phật và chư vị A-la-hán, là những bậc biết thế gian như thật qua sự tinh tấn của các Ngài. Nhưng quan điểm này là thất sách, vì bằng lối suy luận ấy, người ta có thể phủ nhận quan điểm này, bởi vì những người chấp theo quan điểm này cũng không biết gì hơn về thế giới này hoặc thế giới bên kia.
Còn về giáo pháp của Ðức Phật, nó dựa vào tuệ quán phi thường. Do đó, giáo pháp đi đến hiện thực và bằng chứng khoa học. Vào thời Ðức Phật, có một người đàn ông tên là Ajita, chuyên rao giảng thuyết bất khả tri. Ông ta đả kích tất cả giáo lý mà không có sự thẩm định phẩm chất, và vì thế, Ðức Phật và chư vị A-la-hán cũng là những mục tiêu đả kích của ông ta.
Những Quan Ðiểm Ðúng
Tất cả mười tà kiến này đều có chung một ý, là phủ nhận định luật nghiệp báo và phủ nhận nghiệp, tức là phủ nhận mọi lợi ích phát sanh từ những hành động bố thí, công nhận cha mẹ và những việc thiện khác cũng như khả năng chứng đắc quả Phật và quả A-la-hán.
Mười quan điểm được nêu ra dưới đây dựa vào niềm tin nghiệp báo hay sự báo ứng về mặt đạo đức.
(1): Quan điểm thứ nhất là bố thí có lợi ích. Người cho tối thiểu cũng là người được người nhận thương mến và tôn trọng. Họ sẽ tôn kính, khen ngợi và giúp đỡ khi người kia gặp rắc rối. Người ấy chết với những cảnh tốt hiện ra lúc lâm chung, và sau khi chết, được sanh về thiên giới hay trở lại làm người. Người ấy sớm được chứng đắc đạo quả và Niết-bàn. Các vị Bồ tát cũng bắt đầu con đường tu tập bằng hành động bố thí mà tiến đến mục tiêu là Phật quả, Duyên giác hoặc A-la-hán quả.
Quả của sự bố thí cũng có thể thấy trong sự thịnh vượng về vật chất của một số người. Có một số người cũng buôn bán, làm ruộng, nhưng kết quả gặt hái thì khác nhau. Một số người được phát đạt, trong khi số khác thì không. Một số người thành công mà không cần cố gắng nhiều, trong khi số khác, dầu cố gắng hết sức vẫn không phát lên được. Những điều may mắn và không may mắn như vậy rõ ràng là do sự bố thí và không bố thí trong kiếp trước.
(2) và (3): Người tin vào định luật nghiệp báo thì không nghi ngờ khả năng cho quả của nghiệp trong việc bố thí nhiều hoặc ít, như đãi khách, cho quà tặng v.v...
(4): Ba quan điểm chân chánh này đều mặc nhiên công nhận định luật nghiệp báo hay nhân quả báo ứng. Một số người sống làm những việc thiện hoặc những việc ác là sự thật của đời sống không thể chối cãi được. Người mà sống làm những việc lành, vâng lời cha mẹ và thầy cô thì có rất nhiều, người ấy được nhiều người giúp đỡ và sẽ gặt hái thành công, và khi lớn lên trở thành một người có giá trị, được phát đạt. Cũng thế, do thiện nghiệp trong kiếp sống trước, người ta có thể sanh vào gia đình tốt và được khoẻ mạnh, có của cải, sắc thân xinh đẹp và có bạn tốt.
Kết quả của ác nghiệp như bịnh hoạn, ốm yếu, nghèo khó, tướng mạo xấu v.v... cũng được nhiều người biết đến.
(5) và (6): Tin vào nghiệp cũng hàm ý sự công nhận việc tri ân sâu xa của chúng ta đối với cha mẹ. Cha mẹ cưu mang bảo dưỡng con cái từ lúc còn nằm trong bào thai. Người mẹ đặc biệt bảo trọng sức khoẻ, vật thực và sự đi đứng của bà để đứa con trong bụng khoẻ mạnh, không hề hấn gì. Nếu bà là một Phật tử thuần thành, bà còn thọ trì bát quan trai và thường niệm ân Ðức Phật, Pháp, Tăng, với hy vọng sẽ có ảnh hưởng tốt đến tâm linh của đứa con. Sau khi sanh, cha mẹ phải nuôi dưỡng và dạy dỗ, và đến khi đứa con trưởng thành, cha mẹ còn chia gia tài để nó xây dựng đời sống tự lập. Vì những lý do này, nghĩa vụ theo tiếng gọi lương tâm của chúng ta là phải kính dưỡng cha mẹ, và đây là hành động tạo nghiệp lành sẽ đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Ðiều rõ ràng là người nào tôn kính cha mẹ thì sẽ được con cái tôn kính lại mình; Còn người nào bất kính với cha mẹ, sau này con cái cũng ngỗ nghịch với người ấy.
Nhìn Thấy Thế Giới Bên Kia
(7), (8) và (9): Những quan niệm chân chánh về sự hiện hữu của thế giới này, thế giới vô hình và những chúng sanh như chư thiên, là những kẻ sanh ra bằng sự vật chất hoá một cách tự phát (hoá sanh). Những chánh kiến này cũng hàm chứa trong định luật nghiệp báo, vì chính định luật này làm cho một chúng sanh, từ cõi thú hay cõi chư thiên, tái sanh vào cõi người hay ngược lại, theo nghiệp của người ấy sau khi chết. Ðiều này có thể chứng minh ở một số chừng mức nào đó, nhưng người quan sát phải là người có thần thông, tuệ quán hoặc khả năng suy xét hợp lý.
Qua sự thực hành thiền chỉ, hành giả có thể đạt được khả năng nhớ lại những kiếp quá khứ, người ấy có thiên nhãn, có thể nhìn thoáng qua mà thấy được hình tướng v.v... của một người đã chuyển sinh sang một kiếp sống mới. Loại thần thông này xảy đến được với hành giả tu thiền minh sát.
Người không tu thiền chỉ hoặc thiền quán thì phải dựa vào khả năng suy luận của họ. Có một số người có thể nhớ lại kiếp sống trước của mình. Theo văn học Phật giáo, họ là những người có Jàtissaranàna-trí nhớ lại kiếp trước. Họ mô tả những kiếp trước của họ ở cõi người, làm thú hoặc quỉ thần. Với óc suy nghĩ đúng đắn thì những sự mô tả này cho thấy sự chuyển sanh sau khi chết, từ thế giới này sang thế giới khác và ngược lại, cũng như sự hoá sanh của một số chúng sanh.
Ở đây, chúng tôi muốn đưa ra một lối suy nghĩ về vấn đề của kiếp sống tương lai mà những bậc trí tuệ đã suy nghĩ. Giả sử có một người chấp nhận niềm tin vào nghiệp và đời sống sau khi chết, trong khi một người khác thì phủ nhận niềm tin này. Người thứ hai sẽ không làm các thiện nghiệp như bố thí, trì giới, kết quả là người ấy không tránh khỏi việc làm điều ác, anh ta sẽ buông thả những ham muốn của mình. Do đó, anh ta không có đức độ để mọi người kính mến. Nếu điều anh ta không tin là có thật, như nghiệp báo và kiếp sau, thì anh ta chắc chắn phải đọa vào khổ cảnh ngay sau khi chết, và anh ta phải chịu khổ trải qua nhiều kiếp luân hồi.
Ngược lại, người tin vào nghiệp và kiếp sau sẽ không làm điều ác, thích làm điều thiện, cho dù không có nghiệp hoặc kiếp sống tương lai thì trong hiện tại anh ta cũng được tán dương và được nhiều người biết về đạo đức của anh ta. Anh ta sẽ hoan hỷ vui sướng khi nghĩ đến những việc làm của mình. Là một công nhân tốt, anh ta sẽ sống một cuộc sống thanh bình. Ðây là những lợi ích chắc chắn sẽ phát sanh đến người tin vào nghiệp trong kiếp sống hiện tại. và nếu thực sự có kiếp sau, thì người ấy chắc chắn sẽ được hạnh phúc sau khi chết. Như vậy, thật hợp lý để tin có kiếp sau. Ðây là cách suy nghĩ vững chắc mà Ðức Phật đưa ra trong bài kinh Apannaka sutta (Thuần Chơn kinh) của trung bộ kinh.
Ba-La-Mật Và Nghiệp
(10): Niềm tin vào Ðức Phật, chư vị A-la-hán hay những bậc Thánh, là những bậc có thể quả quyết, bằng trí tuệ siêu phàm, về thế giới này và thế giới bên kia, những bậc có tánh thánh thiện, làm cho giáo lý của các Ngài đáng tin cậy hơn. Niềm tin như vậy mặc nhiên công nhận niềm tin vào nghiệp, tin sự chứng đắc tâm linh của các vị A-la-hán và Ðức Phật, một phần dựa vào Ba-la-mật của các Ngài mà chính yếu thì không khác với nghiệp. Sự phát triển Ba-la-mật là một cách tu tập. Cũng như một đứa bé học nhiều môn để trở thành người có giáo dục tốt, cũng thế, vị Bồ tát phải tầm cầu trí tuệ và sự tự tu ngõ hầu chứng đạt mục tiêu của mình.
Một số cha mẹ hay những người lớn tuổi trong gia đình thường dẫn con cháu đi xem hát và chiếu bóng, trong khi số khác thì đem con cái đến chùa và tịnh xá. Bằng cách này, con cái sẽ có được thói quen tốt hoặc xấu, phát triển sự tham muốn dục lạc hoặc tiếp thu những điều cao siêu của đời sống. Những thói quen tốt và sự rèn luyện tốt có thể được xem là một loại Ba-la-mật. Một số con cái bẩm sinh đã có tánh ưa thích đời sống tín ngưỡng, một số người nam và người nữ có nhiều tịnh tín và tinh tấn trong việc thực hành minh sát. Sở thích khác thường của đứa bé như vậy đối với tôn giáo hay sự ưa thích khác thường về đời sống tâm linh của một người đều xuất phát từ Ba-la-mật trong kiếp quá khứ.
Thái tử Sĩ Ðạt Ta thành Phật do đã tu tập các pháp Ba-la-mật như bố thí, trì giới, xuất gia, v.v... trong vô số kiếp, không phải trong một kiếp mà có thể thành tựu được. Chính nhờ tiềm lực của nghiệp tích lũy này hay Ba-la-mật khiến ý chí của Ngài được mạnh mẽ, để rời bỏ gia đình và tất cả vinh hoa của đời sống đế vương, ngõ hầu tầm cầu sự giác ngộ. Ngày nay, có một số người nói về cuộc đời là vô thường, khổ v.v... Nhưng từ bỏ tất cả của cải và xuất gia làm một vị sa môn thì không phải dễ, còn làm công việc từ bỏ như Bồ tát thì không ai dám nghĩ đến.
Vị Bồ tát cũng tu tập những pháp Ba-la-mật khác để tầm cầu trí tuệ v.v... Kết quả là trong kiếp cuối của Ngài, Ngài đã quán xét và tự mình giác ngộ bản chất của đời sống, sự tùy thuộc duyên khởi của nó v.v... Chính nhờ những pháp Ba-la-mật ấy mà cuối cùng Ngài đã đạt đến sự giác ngộ tối thượng, và cũng những pháp Ba-la-mật ấy giúp thành tựu quả vị Ðộc giác, Thinh văn giác. Như vậy, niềm tin vào nghiệp giúp người có tâm đạo trở thành bậc A-la-hán, Phật Ðộc giác hoặc Toàn giác, và người công nhận niềm tin ấy thì không nghi ngờ trí tuệ phi thường của Ðức Phật và chư vị thánh Tăng.
Tóm lại, kiến thủ thường đồng nghĩa với sự phủ nhận định luật nghiệp báo. Nó không được lan rộng trong thời Ðức Phật hoặc cách đây một trăm năm, nhưng bây giờ nó đang bành trướng. Theo các bài kinh thì các tà kiến thường xuất phát từ ái dục và do sự khao khát tăng dần của con người đối với vật chất, chủ nghĩa hoài nghi về nghiệp rất có thể sẽ trội hơn, và những người thiện cần phải đề phòng nó.
Ngoài sự phủ nhận nghiệp, kiến thủ còn có nghĩa là sự bám chấp mạnh mẽ vào tất cả tà kiến, tức là ngã kiến, đoạn kiến v.v... Có hai tà kiến không được kể đến vì chúng thuộc về giới cấm thủ và ngã ngữ thủ.
3. Giới Cấm Thủ (Sìlabbatupàdàna)
Giới cấm thủ là sự cố chấp theo những pháp hành sai lạc mà sẽ không dẫn đến chấm dứt đau khổ. Ðó là quan điểm đồng hoá những thói quen của bò, chó và những con thú khác với con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ. Nó được tìm thấy trong một số đạo sĩ thời Ðức Phật. Giống như những con thú, họ sống trần truồng, ăn, đại tiện, tiểu tiện và đi bằng hai chân và hai tay, ngủ trên đất. Họ tin rằng cách sống như vậy giúp họ tẩy sạch tất cả ác nghiệp và ngăn chặn nghiệp mới, nhờ đó, giúp họ chấm dứt đau khổ và được hạnh phúc trường cửu sau khi chết.
Ðối với người Phật tử, loại tín ngưỡng này thật khó tin, nhưng đối với một số người thì sự ưa thích của họ thật ư là kỳ quặc, về quan kiến và khuynh hướng. Bởi vậy, có hai đạo sĩ đi đến Ðức Phật. Một người tên là Punna, anh ta sống như con bò. Một người khác tên là Seniya, người này sống như con chó. Họ hỏi Ðức Thế Tôn về những lợi ích có được trong sự thực hành của họ. Ðức Thế Tôn do dự không muốn trả lời, nhưng họ khẩn khoản thỉnh cầu nhiều lần nên Ngài đáp lại rằng người sống hoàn toàn như bò hoặc chó thì sau khi chết sẽ tái sanh làm bò hoặc chó. Thật là lầm lạc khi tin rằng những pháp hành như vậy sẽ dẫn đến cõi chư thiên. Và người chấp theo tà kiến chắc chắn sẽ rơi vào địa ngục hoặc súc sanh. Rồi Ðức Phật tiếp tục mô tả:
1- Những sự thực hành ác cho quả khổ.
2- Những sự thực hành thiện cho quả lành.
3- Sự thực hành có ác có thiện lẫn lộn.
4- Sự thực hành theo thánh đạo dẫn đến sự chấm dứt hoàn toàn cả thiện nghiệp lẫn ác nghiệp.
Sau khi nghe qua thời pháp này, Punna trở thành đệ tử của Ðức Phật. Seniya gia nhập vào tăng chúng và chứng đắc đạo quả A-la-hán nhờ thực hành theo chánh pháp.
Chuyện Korakhattiya
Trong thời Ðức Phật, có một người đàn ông tên là Korakhattiya. Anh ta sống như loài chó. Một hôm, Ðức Phật đi ngang qua anh ta, theo hầu Ngài là một vị Tỳ khưu Licchavì, tên là Sunakkhatta.
Sunakkhatta trông thấy vị đạo sĩ đang di chuyển bằng bốn chi và ăn vật thực ở trên đất mà không dùng đến hai tay. Lối sống của vị đạo sĩ đã cho vị Tỳ khưu một cái nhìn về một bậc thánh thiểu dục. Thực ra, lối sống của vị đạo sĩ là một loại giới cấm thủ mà sẽ đưa ông ta xuống bốn khổ cảnh. Ðối với những người có nguyện vọng và lý tưởng cao siêu thì điều ấy quả thật đáng ghê tởm. Nó hấp dẫn Sunakkhatta chỉ vì vị ấy có sở thích và dục vọng thấp hèn. Về mặt này, vị Tỳ khưu Licchavì là một ngoại lệ. Chẳng như bây giờ, lúc ấy không có nhiều người thiên về tà kiến và những pháp hành sai lạc, không phù hợp với giáo lý của Ðức Phật. Có lẽ đây là tàn tích của những chấp thủ sai lại trong kiếp quá khứ của họ.
Ðức Phật biết được ý nghĩ của Sunakkhatta và nói rằng: "Như vậy, ngươi xem vị đạo sĩ kia là bậc A-la-hán! Tại sao ngươi không biết xấu hổ khi chính mình là một đệ tử của Ðức Phật?". Rồi vị Tỳ khưu trách Ðức Phật là ganh tỵ với đạo quả A-la-hán của vị đạo sĩ. Dĩ nhiên đây là lối phản bác của kẻ ngu si khi có ai nói sự thật về vị thầy tà đạo của mình. Ðức Phật giải thích rằng mục đích của Ngài là muốn đoạn trừ ảo kiến của vị Tỳ khưu mà chẳng có lợi ích gì cho vị ấy cả. Rồi Ngài tiếp tục tiên đoán rằng sau bảy ngày, vị đạo sĩ sẽ chết vì chứng bội thực và sẽ tái sanh xuống cõi A tu la thấp nhất, thân của vị đạo sĩ sẽ bị quăng ở một bãi tha ma nọ; Nếu vị Tỳ khưu đi đến đó và hỏi chỗ tái sanh của vị đạo sĩ thì xác chết sẽ đứng dậy và nói rõ.
Ðức Phật tiên tri như vậy là để Sunakkhatta phục hồi lại niềm tin nơi Ngài. Nhờ thực hành thiền chỉ, Sunakkhatta đã đắc thiền và có thiên nhãn. Bằng thiên nhãn của mình, Sunakkhatta đã hỏi Ðức Phật phương pháp để chứng đắc thiên nhĩ. Nhưng Ðức Thế Tôn khước từ, không đáp ứng yêu cầu của vị ấy vì ác nghiệp của vị ấy đã cản đường, và vị ấy cho rằng Ðức Thế Tôn không có thiên nhĩ. Tuy nhiên, Sunakkhatta đã mất niềm tin nơi Ngài, vì vị ấy nghĩ rằng chính do ganh tỵ khiến Ðức Thế Tôn từ chối yêu cầu của vị ấy. Bởi vậy, Ðức Phật tiên tri về số phận của vị đạo sĩ là để làm xúc động và phục hồi lại niềm tin cho Sunakkhatta.
Sunakkhatta báo tin cho vị đạo sĩ biết lời tiên tri của Ðức Thế Tôn và bảo vị đạo sĩ đừng ăn quá nhiều. Vị đạo sĩ nhịn đói trong sáu ngày, nhưng vào ngày thứ bảy, không thể cưỡng lại cơn đói, vị đạo sĩ đã ăn hết vật thực do một tín đồ dâng cúng và đã chết vì bội thực trong đêm ấy.
Những vị đạo sĩ khác kéo xác của ông ta đi quăng ở bất cứ chỗ nào ngoài chỗ mà Ðức Phật đã tiên tri. Họ đi đến một bãi tha ma nhưng thấy đó là nơi mà họ muốn tránh, vì chỗ ấy có loại cỏ mà Ðức Phật đã tiên đoán. Họ ra sức kéo xác chết đi chỗ khác, nhưng sợi dây leo đã vướng chắc vào và tất cả cố gắng của họ đều thất bại. Bởi vậy, họ phải để lại xác chết ở đó.
Sunakkhatta nghe tin ấy, nhưng vẫn hy vọng sẽ chứng minh điều tiên tri của Ðức Phật là sai. Vị ấy đi đến bãi tha ma và khi vỗ nhẹ vào xác chết, vị ấy hỏi về chỗ ở của kẻ kia. Xác chết đứng dậy và sau khi nói rằng vị ấy đang ở cõi Kalakamjita asura, thì ngã phịch xuống đất trở lại. Asura là một loại ngạ quỉ có thân hình dị hợm, miệng thì quá nhỏ đến nỗi không thể ăn hay uống bất cứ thứ gì.
Theo chú giải, chính nhờ thần thông của Ðức Phật mà vị Asura kia mới nhập vào xác chết được. Việc làm cho xác chết ngồi dậy, ngay cả một số thầy bùa cũng có thể làm được. Do đó việc xác chết của vị đạo sĩ dậy được do năng lực thần thông của Ðức Phật là chẳng có gì đáng nghi ngờ.
Những Lối Thực Hành Khác Thuộc Giới Cấm Thủ
Ngoài lối sống bắt chước theo bò và chó, còn có những cách thực hành khác mà có thể được xem là giới cấm thủ. Một số người bắt chước theo lối sống của voi, ngựa, v.v... Nói cách khác họ thờ cúng loài vật. Chú giải nêu ra những người chuyên thờ cúng, ám chỉ những người Miến Ðiện thích thờ cúng nhiều loại Nat (bái vật). Sự thờ cúng Nat trong những người Miến Ðiện không phải do động cơ của ước muốn được thoát khỏi luân hồi. Nó xuất phát từ ước vọng cầu lợi ở đây và bây giờ, và theo đúng nghĩa của từ, nó không rơi vào phạm vi giới cấm thủ, chỉ là thủ đối với niềm tin mà sẽ khiến một số người giết thú để tế thần Nats.
Cũng có tập tục thờ lửa, thờ rồng, thờ thần mặt trăng, mặt trời, thờ thần linh v.v... Nếu mục đích của bất cứ loại thờ cúng nào nhắm đến hạnh phúc và giải thoát sau khi chết, thì đó là giới cấm thủ. Tóm lại, tất cả mọi đường lối thực hành mà ở ngoài Tứ-diệu-đế và Bát chánh đạo thì được mang nhãn hiệu là giới cấm thủ, sự chấp theo chúng như là con đường dẫn đến giải thoát cũng là giới cấm thủ.
Vị hành giả đã chứng đắc tối thiểu là tầng thánh Nhập lưu, qua pháp quán danh sắc, thì biết rõ con đường chân chánh dẫn đến Niết-bàn, và vì vậy vị ấy thoát khỏi giới cấm thủ. Vị ấy thực sự biết con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ chỉ nhờ pháp quán về danh sắc và con đường Bát chánh đạo.
Ví dụ: Nếu qua kinh nghiệm mà bạn biết cách đi từ thiền đường này đến chùa Shwedagon, bạn sẽ không bị người khác dẫn sai đường, cũng thế vị hành giả đạt đến tầng thánh Nhập lưu, biết con đường chân chánh dẫn đến Niết-bàn và vì vậy vị ấy không còn mê mờ tin vào thượng đế, sự thờ cúng Nat hay khổ hạnh, cho đó là con đường giải thoát.
Những người không biết con đường chân chánh thì không thoát khỏi ảo tưởng như vậy. Họ có thể đã tiếp nhận ảo kiến từ cha mẹ ngu dốt, thầy tổ hay bạn bè, hoặc do kiến thức căn bản còn kém cỏi của họ, nên họ tin vào những cuốn sách đề cao những niềm tin và pháp hành sai lạc. Kẻ phàm phu không biết con đường chân chánh dẫn đến Niết-bàn và vì vậy người ấy sẽ phải mò mẫm đi từ ông thầy này đến ông thầy khác, từ sự thực hành này đến sự thực hành khác, trong chuỗi luân hồi của họ. Nếu người ấy mê theo ông thầy tà kiến hoặc lối thực hành lầm lạc nào đó, người ấy sẽ chuốc lấy nhiều đau khổ. Như vậy, những sự thực hành khổ hạnh chỉ đem lại đau đớn, và sự giết thú để tế thần chắc chắn sẽ dẫn đến các khổ cảnh.
Do giới cấm thủ mà người ta tin rằng thiền hữu sắc và thiền vô sắc là sự giải thoát hoàn toàn. Tóm lại, ngay cả sự toàn hảo về giới hay sự chứng đắc thiền định hợp thế, dầu đáng khen ngợi, nhưng nếu tách rời khỏi con đường minh sát của bậc thánh và được xem là sự giải thoát rốt ráo thì cũng dẫn đến giới cấm thủ. Bài kinh Udakasutta của bộ samyutta nikàya nói về ẩn sĩ Udaka, là người sau khi đã chứng thiền vô sắc và được sanh về cõi vô sắc, đã công bố rằng ông ta đã đoạn tận nguyên nhân của khổ. Ðây cũng là tà kiến của một vị ẩn sĩ khác, tên là Alàra. Ảo kiến hay loại thủ này dẫn đến thiện nghiệp và nhờ đó cho sự tái sanh ở cõi vô sắc.
Bởi vậy, trong bài pháp mà Ðức Phật thuyết đến phạm thiên Baka, Ngài nói rằng: "Ta thấy những nguy hiểm trong sự sanh, già v.v... mà vốn có trong ba cõi: dục, sắc và vô sắc. Ta thấy những người tầm cầu Niết-bàn mà vẫn còn chấp hữu. Bởi vậy, ta không khen ngợi bất cứ mọi hữu nào, ta đã khước từ mọi hữu ái".
Giống như hai vị đạo sĩ kia, những người không biết giáo pháp của Ðức Phật thì sẽ không bao giờ đạt đến mục tiêu của họ. Dầu họ tầm cầu hạnh phúc trường cửu, họ vẫn đi theo con đường sai lạc của giới cấm thủ và bị vướng trong cái khổ của kiếp sống luân hồi. Bởi vậy, sự nỗ lực thực hành theo chánh pháp quả thật tối quan trọng
4. Ngã Ngữ Thủ (Sự Bám Chấp Theo Bản Ngã Hay Linh Hồn)
Attavàdu-pàdàna (ngã ngữ thủ) là một từ ghép của hai chữ Attavàda và upàdàna.
Attavàda là lý thuyết hay quan điểm về bản ngã linh hồn và Attavàdupàdàna là sự chấp theo quan điểm rằng: Mỗi người là một linh hồn đang sống.
Ngã ngữ thủ có hai loại: Sự chấp thủ thông thường và sự chấp thủ có căn cội sâu đậm. Sự chấp thủ bình thường phổ biến trong những người Phật tử thiếu trí, thì không có hại cho sự tiến bộ trên con đường thánh đạo. Niềm tin ấy không mang tánh chất sâu đậm, vì người Phật tử chấp nhận giáo lý của Ðức Phật, là giáo lý phủ nhận linh hồn trường cửu và công nhận danh sắc như là thực tại duy nhất đằng sau một chúng sanh. Những người Phật tử có trí ít chấp ngã hơn, vì họ biết rằng sự thấy, nghe, v.v... chỉ bao gồm các căn (mắt, tai v.v...), các cảnh tương ứng (sắc, thinh v.v...) và những trạng thái tương ứng của tâm thức.
Nhưng hầu hết mọi người đều không hoàn toàn thoát khỏi ngã kiến này. Ngay cả vị hành giả thực hành minh sát đôi khi cũng có chấp ngã, và nó hầu như hấp dẫn mọi người chưa chứng đắc thánh đạo.
Thực ra, những người rao giảng lý thuyết về bản ngã đã mô tả bản ngã hay linh hồn là chủ nhân của năm uẩn, là thực thể độc lập, có sự tự ý và tự quyết định. Chính quan điểm về tự ngã mà Ðức Phật đã đưa ra câu hỏi của Ngài trong cuộc đàm đạo với đạo sĩ Saccaka. Ðức Phật nói rằng: "ngươi cho rằng thân này là của ngươi. Vậy ngươi có thể giữ cho nó tốt đẹp luôn luôn và thoát khỏi những điều bất lạc không?" Saccaka đã phải trả lời bằng sự phủ định. Sau khi Ðức Phật hỏi thêm một câu nữa, Saccaka tự thú nhận rằng thực ra anh ta không kiểm soát được uẩn nào cả.
Bởi vậy, các vị trưởng lão ngày xưa đã diễn dịch câu Pàli "Rùpam anattà" là "Sắc thân không chịu sự kiểm soát nào cả" v.v... Thực ra, đó là sự phủ nhận thuyết bản ngã, là thuyết cho rằng bản ngã là một thực thể có sự kiểm soát. Mọi người bình thường đều chấp theo quan điểm này và tin vào sự tự ý (do ta). Có thể đoạn diệt hoàn toàn ngã kiến này bằng pháp hành minh sát.
Những vị giáo chủ của thuyết bản ngã cũng nói rằng cái ngã tồn tại thường hằng trong thân. Nói cách khác, nó có nghĩa là cá tính phụ trợ để tồn tại trong suốt kiếp sống.
Lại nữa, người ta nói rằng cái ngã làm chủ mọi hành động, tức là đồng hóa nó với hành uẩn. Ðó là ảo tưởng đẻ ra niềm tin rằng: "Chính tôi thấy, nghe, v.v..."
Người ta cũng nói rằng cái ngã là thực thể sống, biết cảm thọ; Rằng chính cái ngã (ta) được hạnh phúc hay không hạnh phúc. Nói cách khác, họ cho cái ngã hay linh hồn là cảm thọ (vedanà).
Như vậy, dầu các ngã kiến sư vẫn khăng khăng cho rằng cái ta chẳng có liên quan gì đến năm uẩn, họ vẫn tin nó là chủ nhân của cái thân v.v... thường trú ở trong thân, có chủ quyền và cảm thọ. Và vì vậy, kết quả là họ đồng hóa ngã với năm uẩn. Ngã kiến có gốc rễ trong các uẩn và người ta có thể diệt trừ ngã kiến ấy chỉ khi nào họ thấy rõ bản chất chân thực của các uẩn qua pháp quán.
Trong bốn loại thủ, loại thứ nhất-dục thủ-là hình thức phát triển của ái. Ba loại kia chỉ khác về đối tượng của chúng. Trên căn bản thì chúng đều có liên hệ đến các tà kiến, niềm tin vào tính có hiệu quả của những sự thực hành ngoài Bát chánh đạo. Tất cả tà kiến khởi sanh đều có liên quan đến ái.
Người ta chấp theo một niềm tin nào đó vì họ thích nó. Như vậy, không nghi ngờ rằng cả bốn loại thủ đều xuất phát từ ái và vì thế, điều ấy đúng với pháp Phật là: "Do ái, thủ khởi sanh".
Trên thực tế, ái là nguyên nhân và thủ là kết quả. Ái đối với dục lạc, ngã kiến hoặc những pháp hành không phù hợp với thánh đạo hay những tà kiến khác, ái là nhân và ái này phát triển thành dục thủ, ngã kiến thủ, v.v... Do đó, các thủ là quả.
Mahàsi Sayadaw